Là một người chiến sĩ, Lý Văn Sâm đã tận hiến hầu như toàn bộ cuộc đời cho cách mạng, cho cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc. Từ năm 1943, ông sớm đến với cách mạng qua việc rải truyền đơn, tuyên truyền cách mạng cho thanh niên học sinh ở Biên Hòa.
Đến Cách mạng Tháng Tám 1945, Lý Văn Sâm trở thành cán bộ tuyên truyền ở Ban Tuyên truyền quận Châu Thành (Biên Hòa ngày nay). Năm 1946, Lý Văn Sâm bị thực dân Pháp bắt và quản thúc ở thị xã Bình Trước (Biên Hòa ngày nay) một thời gian, rồi ông trốn thoát lên Sài Gòn làm báo, viết văn và tham gia hoạt động nội thành của công an Sài Gòn - Chợ Lớn. Từ đây ông bắt đầu cuộc đời văn nghệ sôi nổi, đầy gian khó nhưng cũng rất đỗi hào hùng.
Tháng 12-1956, trong hoàn cảnh bị bắt giam, Lý Văn Sâm cùng với hơn 500 tù nhân chính trị tham gia cuộc nổi dậy cướp súng, phá ngục Tân Hiệp gây tiếng vang lớn làm rúng động chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ.
Tài năng nghệ thuật của Lý Văn Sâm khá đa dạng, vừa viết văn, làm thơ, sáng tác kịch, cải lương và chơi đàn nhị. Nổi bật nhất trong sáng tác của Lý Văn Sâm là văn xuôi. Trong văn, ông hiện lên là một ngòi bút tài hoa có quan niệm nghệ thuật tiến bộ, với bút pháp đa dạng, vừa tinh tế lại vừa thâm trầm, sâu kín.
Văn chương ông có sự pha trộn của nhiều yếu tố thể tài: truyện đường rừng, phiêu lưu, dã sử, ngụ ngôn, thần thoại, viễn tưởng. Đề tài cũng khá đa dạng: không chỉ có chuyện núi rừng mà còn có cả chuyện đồng bằng (Nước lên), chuyện miền biển (Sóng vỗ bờ xa), chuyện nước ngoài (Ma ní bửu châu), chuyện ngày xưa và chuyện hôm nay…
Nhân vật trong sáng tác của Lý Văn Sâm cũng thường là những nhân vật tài hoa: vừa tráng sĩ vừa nghệ sĩ, vừa chiến sĩ lại vừa là thi sĩ. Kòn Trô (Kòn Trô), Châu Phiên (Rồng bay trên núi Nha Giang), Phong (Sương gió biên thùy) là những con người giàu ý chí, khát vọng cống hiến, sẵn sàng xả thân hy sinh vì lý tưởng nhưng đồng thời lại mang một tâm hồn mơ mộng, bay bổng, tha thiết yêu thương.
Lời văn của ông tinh tế, chắc khỏe, vừa cổ kính, dân dã lại vừa hiện đại. Biện pháp nghệ thuật so sánh được ông sử dụng nhuần nhị, khéo léo, giọng văn có khi mượt mà, thơ mộng, trữ tình, có khi lại bay bổng, hào sảng. Những trang viết trong Sương gió biên thùy, Nước lên, Hồn Do Thái, Nắng bên kia làng là những câu chuyện thấm đẫm chất thơ, chất trữ tình lại vừa giàu lý tưởng và ý hướng cách mạng.
Trong dòng chảy văn học đô thị miền Nam trước 1975, Lý Văn Sâm đã đóng góp một tiếng nói riêng với sắc thái và giọng điệu không dễ lẫn với những cây bút cùng thời. Đó là tiếng lòng của một tâm hồn yêu nước, khát khao cống hiến, luôn hướng về Tổ quốc, nhân dân, đồng thời lại bay bổng, lãng mạn, thấm đẫm chất thơ. Nói như nhà văn Sơn Nam: “Nếu thiếu ông, văn chương nước nhà đã chịu một thiệt thòi lớn, không gì bù đắp nổi”
Theo Nguyễn Quang Minh - SGGPO
|