Bức chân dung cổ nhất được phát hiện ở hang Vilhonneur Pháp, vẽ cách đây gần 30.000 năm. Ở Ai Cập, chân dung các pharaon đôi khi cực lớn và luôn rất hiện thực. Thậm chí pharaon Akhenaten (năm 1365 trước CN) còn tự hoạ! Hy Lạp và La Mã cổ đại để lại tượng chân dung các hiền triết, nhà khoa học, vua chúa… đến nay còn dùng làm mẫu vẽ cho sinh viên mỹ thuật.
Các chân dung vẽ trên hòm xác ướp ở Fayum miền Trung Ai Cập (thế kỷ 1 trước CN – thế kỷ 3) nổi tiếng nhất vì thể hiện những người dân thường, hoà trộn hoàn hảo cả hai truyền thống Ai Cập và Hy – La (ảnh). Những bức tranh này được vẽ trung thực và khoáng đạt tới mức phi thời gian, khiến hôm nay ta vẫn thấy các tác phẩm này rất hiện đại!
Chân dung cũng được vẽ trên các tranh tường đồ sộ, đúc trên các đồng tiền xu (sau trở thành truyền thống in chân dung các danh nhân lập quốc trên các đồng tiền quốc gia). Các tượng đài cũng thường dùng chân dung danh nhân. Bức tượng Pi-ốt đại đế của Nga thậm chí còn trở thành biểu tượng của kinh đô đế chế mênh mông này. Nhằm mục đích tôn vinh, thờ cúng, tưởng niệm thì tranh tượng chân dung thường mang chất lý tưởng hoá, anh hùng hoá, huyền thoại hoá… bay bổng xa rời hiện thực. Ngược lại khuynh hướng cá nhân hoá, điển hình hoá, cụ thể hoá, cá biệt hoá… cả ở nhân vật được thể hiện và phía người nghệ sĩ hấp dẫn hơn, phong phú hơn và vì thế cũng được yêu thích, đánh giá cao hơn nhiều. Ở London có cả một bảo tàng quốc gia về tranh chân dung.
Theo Nguyễn Quân - SGTT.VN
|