Trong vụ đạo nhạc này, sự việc lại xuất phát từ các diễn đàn âm nhạc nước ngoài chứ không phải ở Việt Nam như mọi khi. Và nghi vấn đặt ra là bản nhạc Princess Of China do Coldplay & Rihanna trình bày là “đạo nhạc” bản Ra ngõ tụng kinh của nhạc sĩ Trần Tiến, do Trần Thu Hà trình bày.
Trên các diễn đàn, “thiên hạ” đang hào hứng bàn tán, bởi đây là lần đầu tiên dân “Tây” tố cáo nghệ sĩ “Tây” đạo nhạc của Việt Nam.
1. Theo thông tin từ Internet bản nhạc Princess Of China được nhóm rock Anh Coldplay biểu diễn lần đầu vào tháng 6/2011 và nó dự kiến sẽ có mặt trong trong album sẽ phát hành vào cuối tháng 10/2011 của Coldplay. Còn bản nhạc Ra ngõ tụng kinh được nhiều người biết đến qua abum Trần Tiến do Ha Tran Productions sản xuất, Viết Tân và Dihavina phát hành tại Việt Nam năm 2008. Đĩa nhạc này cũng nằm trong danh sách đề cử hạng mục Album của năm - giải Âm nhạc Cống hiến 2008 (báo TT&VH).
Tuy nhiên, 10 năm trước đó, Ra ngõ tụng kinh đã ra đời và nó nằm trong một tổ khúc gồm 34 bài hát của nhạc sĩ Trần Tiến. Một điều thú vị là bản nhạc này có liên quan đến một nhạc sĩ mà rất nhiều người yêu mến - Trịnh Công Sơn.
Chúng tôi đã liên lạc với nhạc sĩ Trần Tiến để tìm hiểu thêm về hoàn cảnh ra đời của bản nhạc Ra ngõ tụng kinh.
2. Nhạc sĩ Trần Tiến kể rằng: “Vào năm 1998 trong một lần đến nhà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn uống rượu cùng với anh Hoàng Thiệu Khang. Trong lúc ba anh em uống rượu thì có một cô gái Nhật, rất xinh đẹp đến gõ cửa xin gặp Trịnh Công Sơn để hỏi về những vấn đề âm dương, ngũ hành gì gì đó…
Anh Sơn ra phòng khách tiếp cô gái Nhật Bản, nhưng quá lâu vẫn chưa trở lại bàn rượu. Tôi và anh Hoàng Thiệu Khang không uống rượu nữa, đến chào anh Trịnh Công Sơn để ra về.
Vì tôi biết anh Sơn và cô gái đang luận bàn về âm dương, ngũ hành nên tôi cầm đàn hát ngẫu hứng 2 câu: Âm dương nằm ngang ngũ hành nằm dọc. Em chưa biết đọc em nằm nghiêng (đây cũng là hai câu hát mở đầu cho bản nhạc Ra ngõ tụng kinh sau này).
Anh Trịnh Công Sơn nghe xong rồi khen hay, hỏi tôi đó là bài gì? Tôi bảo đó là ngẫu hứng, mới chỉ có hai câu. Anh Sơn bảo, thế thì về viết tiếp đi, hay lắm.
Cũng từ lời động viên của anh Sơn, tôi hứa với anh là mỗi ngày tôi sẽ viết một khúc nhạc chung quanh đề tài này. Thỉnh thoảng vài ngày, anh Sơn gọi điện hỏi han việc viết lách, tôi nói với anh là cứ đều đặn mỗi ngày tôi viết một bài.
Viết đến ngày thứ 34, được bài 34 thì tôi không viết nữa. Toàn bộ những bài hát này được xếp thành một tổ khúc có tên Ra ngõ cuối thế kỷ (được hoàn thành vào năm 1998).
Bài Ra ngõ tụng kinh mà Trần Thu Hà làm CD, nó được xếp vào khúc thứ bảy của tổ khúc 34 bài này. Đây cũng là bài mà tôi đề tặng anh Trịnh Công Sơn, bởi từ ngữ cảnh uống rượu và chuyện luận bàn âm dương, ngũ hành tại nhà anh Sơn mà tôi đã ngẫu hứng và sau đó phát triển thành bài Ra ngõ tụng kinh và cả tổ khúc Ra ngõ cuối thế kỷ.
Ngoài ra, tôi còn tặng cho anh Sơn một bài khác có tựa đề Ra ngõ mà vui, bài này xếp vào khúc thứ tám của tổ khúc Ra ngõ cuối thế kỷ”.
Trên đây là hoàn cảnh ra đời của Ra ngõ tụng kinh. Nếu xét riêng về thời điểm sáng tác và thời điểm công bố tác phẩm, nhạc sĩ Trần Tiến đang là người có lợi thế, nếu tranh chấp tác quyền diễn ra.
Theo Hữu Trịnh - TT&VH
|