Tạp chí Sông Hương -
Điện ảnh Iraq hồi sinh
08:27 | 24/10/2011
Những ngày đầu tháng 10, Iraq đã chào đón một trong những sự kiện văn hóa hiếm hoi tại Baghdad: Liên hoan phim quốc tế Baghdad. Liên hoan phim (LHQ) không quy tụ nhiều ngôi sao điện ảnh nổi tiếng, không có những bộ phim bom tấn mà chỉ gói gọn trong những bộ phim của khu vực nhưng cũng đủ để làm người Iraq có thể mơ về sự tươi sáng hơn của nền điện ảnh nước nhà.
Điện ảnh Iraq hồi sinh
Khán giả Iraq say mê theo dõi những bộ phim trình chiếu tại liên hoan phim.

Đây là một trong những nỗ lực vực dậy ngành điện ảnh Iraq của những người say mê môn nghệ thuật thứ bảy sau thời gian gần như bị cô lập với thế giới. Hơn 150 bộ phim từ 32 nước được trình chiếu tại các rạp chiếu bóng trên khắp thủ đô trong thời gian 8 ngày (từ ngày 4-10) của LHP.

Năm 2007 chỉ có 63 phim tham gia LHP diễn ra tại khách sạn Palestine ở Baghdad. Kỳ LHP đầu tiên được tổ chức năm 2005 tại khách sạn Mansour Melia cũng ở trung tâm thành phố với sự tham gia của 58 phim ngắn đều do trong nước sản xuất. Trong 6 năm, chỉ có 3 kỳ LHP được tổ chức vẫn là con số ít ỏi, song nếu nhìn vào tình hình ngổn ngang tại Iraq thì đây là tín hiệu khả quan. Có 3 hạng mục giải thưởng được trao: Giải phim hay nhất, giải phim ngắn và phim tài liệu.

Ông Taher Alwan, nhà điều hành LHP cho biết, các nhà tổ chức đã phải rất vất vả suốt nhiều tháng qua để lên chương trình cho 8 ngày làm việc của LHP lần này. Ông Abdelaziz Belrhali, giám khảo quốc tế người Morocco, người ủng hộ mạnh mẽ tổ chức LHP ở Iraq, tuyên bố: “Văn hóa, ở Iraq hay bất cứ nơi đâu là biển cả vô bờ và không thể bị ngăn chặn”.

Năm nay, LHP ghi nhận làn sóng mới của các đạo diễn trẻ. Gây chú ý trong LHP là Attention của đạo diễn Ibrahim al-Khazali, 29 tuổi, đoạt giải Phim hay nhất. Bộ phim đề cập đến tình hình bạo lực tại Iraq từ năm 2006, được đánh giá phản ánh hiện thực đậm nét xã hội Iraq trong thời chiến tranh. Trong phim có nhiều cảnh bạo lực, từ đánh bom liều chết đến bắt cóc con tin nhưng cuối phim lại xuất hiện một cái kết mở với thông điệp, bạo lực sẽ chấm dứt nếu con người có lòng yêu thương, sự tha thứ và tình đoàn kết.

Để có kinh phí làm phim, al-Khazali vận động xin tài trợ từ nhiều nguồn. Khazali cho biết, cái kết của bộ phim chính là sự mong muốn về một đất nước Iraq hòa bình, để không còn những “thế hệ bị đánh cắp”. Theo Khalazi, ở Iraq không chỉ có chiến tranh, vẫn còn nhiều câu chuyện xúc động tại quốc gia của anh nhưng với kinh phí eo hẹp, tình hình an ninh không ổn định, các đạo diễn trẻ đã không thể cho ra lò một bộ phim nào. Đây là một trở ngại khiến nền điện ảnh nước này vẫn chưa thể phát triển.

Ngành điện ảnh Iraq ra đời từ những năm 1940 và từng trải qua thời kỳ hoàng kim vào những năm 1970 và 1980 của thế kỷ trước, khi tới rạp xem phim vào cuối tuần trở thành thú giải trí phổ biến của các gia đình. Tuy nhiên, cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991 và các lệnh cấm vận kinh tế mà Iraq bị áp đặt sau đó khiến các rạp chiếu bóng rơi vào thoái trào. Sau cuộc chiến do Mỹ tiến hành tại Iraq năm 2003, nhiều rạp chiếu bóng đã bị cháy rụi hoặc đóng cửa. Người dân không còn dám tới các rạp chiếu phim vì an ninh không bảo đảm. Họ chỉ biết thưởng thức văn hóa nghe nhìn tại nhà với nguồn cung không mấy dồi dào vì lượng phim trong nước sản xuất rất ít.

                                                                              The Phương Nam - SGGPO















Các bài mới
Các bài đã đăng