Tạp chí Sông Hương -
Cần nhiều festival như thế
15:36 | 26/10/2011
Sau 6 ngày với những chương trình biểu diễn, hội thảo, masterclass, Piano Festival 2011 do Nhạc viện TP.HCM đã kết thúc tốt đẹp trong sự hồ hởi của những người chuyên ngành piano và công chúng âm nhạc cổ điển TP.HCM.
Cần nhiều festival như thế
Ảnh: Anh Vũ
Có khán giả ở tận Long Xuyên đã dẫn con lên TP.HCM để mua vé vào xem chương trình biểu diễn của festival, hoặc Học viện Âm nhạc Huế “đặt hàng” nghệ sĩ Võ Bảo Lạc Nhân sắp xếp để có thể đến Học viện Âm nhạc Huế trình bày lại chuyên đề mà cô đã trình bày tại festival... Những điều đó cho thấy bước đầu festival có những tiếng vang nhất định và sự thiết thực đối với giới piano trong nước.

3 đêm biểu diễn (21, 22 và 23/11), khán phòng Nhạc viện TP.HCM đã “cháy vé”, những hội thảo chuyên đề thu hút được đông đảo mọi người tham gia, masterclass có chất lượng do GS Boris Kraljevic và nghệ sĩ Rena Cheung Phua đến từ Học viện Nghệ thuật Nanyang Singapore phụ trách. Festival đã thật sự tạo nên một không khí sôi nổi cho piano nói chung và cho âm nhạc cổ điển nói riêng, hâm nóng tình yêu âm nhạc cổ điển giữa những hoạt động tấp nập của thành phố bậc nhất về showbiz nhưng đôi lúc nhạt nhẽo về chất lượng nghệ thuật.

Theo nghệ sĩ Lê Hồ Hải, Quyền trưởng khoa Piano Nhạc viện TP.HCM đồng thời là người phụ trách chuyên môn của festival thì: “Festival đã diễn ra đúng như kế hoạch, các đoàn đến tham dự đông đủ, những buổi biểu diễn của các nghệ sĩ đã đem lại nhiều mới mẻ hấp dẫn cho công chúng. Đặc biệt đêm biểu diễn 22/11 đã cho thấy một lực lượng piano trẻ hùng hậu, nhiều tiềm năng và chúng ta có thể lạc quan về một thế hệ piano tương lai của đất nước. BTC rất hài lòng với những kết quả đạt được của festival”.

Được biết, do kế hoạch thời gian gói gọn trong 6 ngày nên một số nghệ sĩ ở các nước như Đức, Trung Quốc, Malaysia đành lỗi hẹn phải đợi đến festival sau. 

Nghệ sĩ Phương Hạnh, nguyên Phó Chủ nhiệm khoa Piano Nhạc viện TP.HCM và là người có nhiều thành tích trong giảng dạy với những giải thưởng quốc tế của học sinh mình chia sẻ: “Lần đầu tiên tổ chức mà được kết quả như vậy là thật đáng biểu dương. Đặc biệt công tác tổ chức rất chu đáo, từ những chuyện nhỏ như bài trí sân khấu, những người đẩy đàn trên sân khấu... cho đến việc tiếp đón nghệ sĩ, khách mời, nói chung là rất chuyên nghiệp. Nội dung cũng bảo đảm được đầy đủ thủ tục của một festival thế giới - masterclass, hội thảo, biểu diễn. Tôi rất phấn khởi và nghĩ rằng rất cần thiết có những festival như thế, để khơi dậy tình yêu của nghệ sĩ và công chúng đối với piano”. 

Tuy nhiên, để trở thành một festival có uy tín nó cần có thời gian, cần nhiều nghệ sĩ đẳng cấp quốc tế tham gia và cần cả một bước tiến đáng kể của bản thân ngành piano của Việt Nam. Để festival thật sự là nơi học hỏi kinh nghiệm quý báu, nơi thưởng thức nghệ thuật hấp dẫn đối với công chúng và những người trong giới piano, và họ phải bỏ tiền để “mua suất” tham dự festival như một số festival khác trên thế giới. 

Ngoài những thành công về các đêm diễn, hội thảo và masterclass, có lẽ thành công quan trọng khác cần nhắc đến đó là công tác tổ chức. Lần đầu tổ chức nhưng rất chuyên nghiệp và đó có thể xem là tiền đề vững chắc trong việc xây dựng Piano Festival trở thành một biểu tượng văn hóa nghệ thuật của TP.HCM.

Theo Hữu Trịnh - TT&VH














Các bài mới
Các bài đã đăng