Diwali được gọi là Lễ hội Ánh sáng, tiếng Sangkrit là Deepvali, với hàng nghìn ngọn đèn, nến, pháo hoa thắp sáng khắp nơi, trong nhà và ngoài đường. Trong thời gian diễn ra Lễ hội, người Ấn thường tặng các loại bánh kẹo truyền thống, hoa, nến, thiệp... cho nhau như một món quà đặc biệt. Ngày nay, khi internet và điện thoại di động phát triển, mọi người cũng gửi tin nhắn chúc tụng nhau bên cạnh những món quà truyền thống.
Người Hindu tổ chức lễ hội này để kỷ niệm dịp Thần Rama trở về nhà sau 14 năm đi đày và kỷ niệm chiến thắng của Ngài trước quỷ Ravana. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm của người theo đạo Hindu, giống như Tết Âm lịch đối với vùng Đông Á và Giáng sinh của đạo Thiên chúa.
Trong ngày lễ Diwali, khắp nơi người người nhà nhà thắp sáng khu vực mình sống bằng đèn và nến. Trẻ em đốt pháo bông trên các góc phố suốt cả đêm. Các tín đồ Hindu cũng thắp sáng ngôi đền thờ thần Rama bằng đèn lồng. Theo quan niệm của người Hindu, ánh sáng từ đèn, nến và pháo bông sẽ xua đuổi bóng tối và thắp sáng những niềm hy vọng của mọi người về một cuộc sống no ấm và thịnh vượng.
Ở Ấn Độ, cách tổ chức lễ hội Diwali rất phong phú. Ở nhiều vùng, lễ hội đánh dấu thời điểm kết thúc của mùa vụ. Nông dân ăn mừng vụ mùa của mình bằng cách cầu nguyện tạ ơn Thần Laksmi ở đền thờ. Trong khi đó các tín đồ Sikh lại kỷ niệm là lễ kỷ niệm sự trở lại của Guru Har Gobind sau khi giải phóng 52 vị hoàng tử Hindu bị hoàng đế Jahagir cầm tù tại thành Gualior; và do vậy, Diwali cũng là ngày “Giải phóng tù nhân”.
Lễ hội Diwali diễn ra trong sáu ngày, với những ý nghĩa khác nhau, vừa tưởng niệm và cầu nguyện các vị thần, vừa là dịp để gia đình gặp gỡ đoàn tụ và bày tỏ tình yêu thương với nhau.
Theo T.L - NDĐT
|