Tạp chí Sông Hương -
Giữ gìn và phát huy các giá trị nghệ thuật ca trù
08:42 | 28/10/2011
Từ khi nghệ thuật ca trù được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, ngành văn hóa cùng các địa phương đã tăng cường giữ gìn và phát huy các giá trị của bộ môn nghệ thuật này.
Giữ gìn và phát huy các giá trị nghệ thuật ca trù
Một tiết mục trong Liên hoan Ca trù toàn quốc năm 2011.

Ca trù là loại hình nghệ thuật quý báu của cha ông để lại đã đạt tới đỉnh cao về nghệ thuật và văn học. Trước đây, ca trù đã có một thời hoàng kim, phát triển rộng rãi, làm say đắm bao nhiêu thế hệ công chúng, lôi cuốn những văn nhân nổi tiếng như: Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Chu Mạnh Trinh, Dương Khuê, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân, Thế Lữ... Bởi không gian hát ca trù rộng lớn, đa dạng, nên có thể phục vụ mọi tầng lớp nhân dân, đồng thời lại có không gian đặc thù như hát chơi, hát thi, hát ca quán mang tính bác học, thính phòng. Gắn với đời sống cộng đồng, với hội hè, đình đám, ca trù có một sức sống lâu bền, tuy một thời gian dài bị lãng quên, thậm chí vắng bóng. Vì vậy, việc bảo vệ và phát huy nghệ thuật ca trù là công việc lâu dài nhưng cấp bách, trước mắt phải bảo vệ khẩn cấp, để ngăn chặn ngay tình trạng mai một.

Gần đây, việc UNESCO công nhận ca trù là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, đã có tác động mạnh tới nhận thức của các cấp lãnh đạo và dư luận xã hội, đặc biệt mang lại sự phấn chấn cho các câu lạc bộ và nghệ nhân. Ở Hà Nội, từ Câu lạc bộ ca trù Hà Nội ra mắt cách đây hơn 20 năm do sáng kiến của đào nương Lê Thị Bạch Vân, và đến nay trên cả nước đã có hơn mười câu lạc bộ. Câu lạc bộ ca trù Hà Nội và Câu lạc bộ ca trù Thăng Long đã tổ chức biểu diễn thường xuyên tại khu vực phố cổ để phục vụ du khách trong và ngoài nước. Ðã từ lâu, ngôi nhà trong con ngõ nhỏ ở phố Thụy Khê luôn vang lên tiếng đàn, tiếng hát, trở thành địa chỉ quen thuộc của du khách trong nước và quốc tế. Ðó là nơi cư ngụ của đại gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi đã có truyền thống bảy đời cha truyền con nối nghề ca trù. Vào cuối thế kỷ 19, tỉnh Bắc Ninh có nhiều làng, xã hát ca trù, tiêu biểu là làng Thanh Tương (xã Thanh Khương, Thuận Thành). Hiện nay, Bắc Ninh có năm Câu lạc bộ hát ca trù với khoảng 150 hội viên. Tỉnh đang phấn đấu đến năm 2015 sẽ có mười câu lạc bộ với hơn 300 hội viên ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh. Các nghệ nhân lâu năm như cụ Nguyễn Thị Thiệp, 84 tuổi (đào nương), Nguyễn Trọng Lộ (kép đàn), Nguyễn Văn Thỉnh (trống chầu)... đã tích cực tuyên truyền, quảng bá và truyền dạy ca trù. Hằng năm, tỉnh Bắc Ninh đều tổ chức liên hoan, hội thi hát ca trù nhằm khẳng định giá trị di sản, động viên khích lệ phong trào bảo tồn và phát huy nghệ thuật ca trù tại địa phương. Hà Tĩnh cũng được xem là một trong những cái nôi của ca trù, ở các vùng quê Kỳ Anh, Ðức Thọ,... nhưng đến nay, chỉ có huyện Nghi Xuân còn tổ chức sinh hoạt ca trù với các câu lạc bộ: Nguyễn Công Trứ, Cổ Ðạm. Ðây là hai câu lạc bộ được thừa hưởng truyền thống của một vùng quê nổi tiếng từ lâu về hát ca trù, cùng nhiều nghệ nhân lâu năm tài giỏi. Nghệ nhân Trần Thị Mơn có thể hát 30 làn điệu, trước đây từng đi diễn ở khắp Trung Kỳ. Các câu lạc bộ đã tập hợp được ba thế hệ đào nương, kép hát, trong đó có nhiều thiếu niên. Ở các tỉnh có truyền thống hát ca trù như: Hưng Yên, Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Bắc Giang,... nhiều câu lạc bộ ca trù đã được khôi phục và đi vào hoạt động. Ngay ở TP Hồ Chí Minh, một thành phố năng động náo nhiệt có nhiều loại hình giải trí hiện đại, vẫn tồn tại các câu lạc bộ ca trù như Câu lạc bộ Hoa Ðào, Câu lạc bộ Lạc Việt ca trù và hát thơ. Thành phố có 14 đào nương, tuổi đời cao nhất là 85, ít nhất là 37, tám kép đàn đáy và năm người đánh trống chầu, có đào nương đã được tặng Huy chương Vàng trong các cuộc Liên hoan ca trù toàn quốc.

Vừa qua, Liên hoan ca trù toàn quốc năm 2011 do hai cơ quan thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là Cục Di sản và Viện Âm nhạc tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội từ ngày 13 đến 16-10. Gần 140 nghệ nhân từ 23 câu lạc bộ, nhóm, giáo phường ca trù thuộc 15 tỉnh, thành phố có sinh hoạt ca trù đã tham gia trình diễn 28 chương trình. Các tiết mục đăng ký trình diễn theo từng không gian khác nhau: hát cửa đình, hát cửa quyền, hát chơi, hát thi. Tại liên hoan này, các nghệ nhân cao tuổi nổi tiếng như các cụ Nguyễn Thị Chúc, Nguyễn Thị Vượn, Nguyễn Thị Khiếu, Phó Kim Ðức, Nguyễn Phú Ðẹ... không tham gia dự thi, mà biểu diễn chào mừng trong đêm khai mạc. Liên hoan diễn ra tưng bừng, lôi cuốn sự quan tâm của dư luận xã hội, thể hiện bước khởi đầu hồi sinh của nghệ thuật ca trù.

Tuy nhiên, công chúng đang đòi hỏi chất lượng hoạt động của ca trù cần được nâng cao hơn nữa, nhất là với các câu lạc bộ ca trù. Vì thế, sau khi khẳng định thành tích của các câu lạc bộ ca trù, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội đã chỉ ra những mặt yếu kém của một số câu lạc bộ, như: xuất phát từ việc tìm hiểu, học nghề, truyền nghề tràn lan, thậm chí dễ dãi, nên chất lượng nghề nghiệp nhìn chung chưa cao, rồi chạy theo thành tích phong trào là chính. Ðặc biệt, thế hệ kế cận, nối nghề hiện thật sự còn quá ít. Có đào nương, ca nương, kép đàn chỉ biết một hai bài hoặc một hai cách thể hiện, nhưng chưa vững vàng. Theo PGS Lê Văn Toàn, Viện trưởng Âm nhạc Việt Nam, công tác đào tạo, truyền dạy nghề hát ca trù là rất quan trọng, vì chỉ có như vậy mới có các thế hệ nối tiếp gìn giữ vốn nghệ thuật quý giá của cha ông. Thực tế hiện nay, nghệ nhân nổi tiếng thường tuổi đã cao, nhưng họ lại là người giữ nhiều bài bản, nhiều bí quyết đào tạo ca trù. Một điều đáng mừng là hơn mười năm trở lại đây đã xuất hiện các đào, kép trẻ hát hay, đàn tốt có thể truyền dạy nghề. Ðể các nghệ nhân cao tuổi và các đào, kép thế hệ kế tục thật sự là lực lượng nòng cốt trong việc truyền dạy nghề, chúng ta cần quan tâm chế độ đãi ngộ về vật chất và tinh thần; với nghệ nhân cao niên giỏi nghề, cần xét tặng các danh hiệu nghệ nhân, mở lớp đào tạo để các nghệ nhân phát huy tài năng truyền dạy... Về lâu dài, nên tổ chức nghiên cứu, tập hợp, đúc kết đưa bộ môn ca trù vào giảng dạy, đào tạo trong hệ thống các trường cao đẳng, đại học nghệ thuật của trung ương và địa phương. Công tác truyền dạy phải đi đôi với công tác nghiên cứu khoa học. Bởi việc nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo về âm nhạc, lời ca, lịch sử, sinh hoạt và các cách thức trình diễn của ca trù không chỉ là khâu quan trọng trong công tác phục hồi và phát huy di sản, mà còn giúp cho việc xây dựng giáo trình giảng dạy, đào tạo theo kiểu truyền dạy ngày càng bài bản, khoa học.

Một vấn đề cấp thiết hiện nay là tạo ra nguồn kinh phí cho các hoạt động bảo tồn và phát huy nghệ thuật ca trù. Cho đến nay, hầu hết các câu lạc bộ ca trù hoạt động dựa trên lòng say mê nghề nghiệp của các nghệ nhân, khó có thể mở rộng cuốn hút được đông người, nhất là lớp trẻ. Thêm nữa, việc tổ chức truyền dạy một cách bài bản còn gặp khó khăn. Bên cạnh đó là khả năng tổ chức các cuộc thi, hội thảo, liên hoan để tạo sức lan tỏa của ca trù ra cộng đồng luôn cần tới trách nhiệm của các cơ quan tổ chức và quản lý về nghệ thuật. Vì thế trước mắt, cần có sự đầu tư của Nhà nước, các địa phương có di sản, sớm có chính sách hỗ trợ các nghệ nhân cao tuổi, các tài năng trẻ, các câu lạc bộ và lớp truyền dạy nghề... Cần tăng cường xã hội hóa, vận động tài trợ của doanh nghiệp, cá nhân và các tổ chức xã hội,...

                                                                         Theo Nguyễn Thu Hiền - NDĐT
















Các bài mới
Các bài đã đăng