Tạp chí Sông Hương -
Hoạ sĩ Tô Ngọc Thành: "Kẻ độc hành" lặng lẽ
08:46 | 28/10/2011
Mảnh đất Sa Pa thì nhiều người yêu mến, nhiều người đến, đi rồi lại muốn quay lại chứ không riêng gì Tô Ngọc Thành. Nhưng đến Sa Pa cả trăm lần có lẻ như Tô Ngọc Thành thì quả là... không nhiều...
Hoạ sĩ Tô Ngọc Thành:
Bức tranh "Cô gái người Dao đỏ" của họa sĩ Tô Ngọc Thành.

Sau triển lãm cá nhân "Ấn tượng Sa Pa" khai mạc hồi trung tuần tháng 9 tại phòng tranh Tự do, số 53 Hồ Tùng Mậu, quận 1, TP. HCM, họa sĩ Tô Ngọc Thành lại tiếp tục có tranh về Sa Pa trưng bày tại Phòng Triển lãm của Hội Mỹ thuật Việt Nam, số 16 Ngô Quyền - Hà Nội. Với Sa Pa, họa sĩ Tô Ngọc Thành dường như có một niềm say mê vô tận. Hàng chục năm qua, ông đi đi lại lại giữa Sa Pa và Hà Nội như đi... chợ. Riêng những chiếc vé tàu mà ông còn lưu giữ được đến nay đã lên tới hàng trăm chuyến. "Kẻ độc hành" lặng lẽ này khẳng định, với Sa Pa ông chưa thể dừng lại ở đó...

Mảnh đất Sa Pa thì nhiều người yêu mến, nhiều người đến, đi rồi lại muốn quay lại chứ không riêng gì Tô Ngọc Thành. Nhưng đến Sa Pa cả trăm lần có lẻ như Tô Ngọc Thành thì quả là... không nhiều. Có thời gian, họa sĩ Tô Ngọc Thành còn ở Sa Pa nhiều hơn Hà Nội. Đặc biệt là khoảng thời gian từ tháng 5/2009 đến tháng 9/2010, Tô Ngọc Thành ở lỳ trên đó, mê mải đi, mê mải tìm chất liệu và vẽ trong xưởng họa là một ngôi nhà ông thuê dài hạn của một người dân địa phương ở phố Cầu Mây - thị trấn Sa Pa. Ngôi nhà ấy được rất nhiều họa sĩ và văn nghệ sĩ tìm đến khi có dịp đi thăm thú hoặc tìm cảm hứng sáng tác ở Sa Pa, nó giống như một "trạm dừng chân" vậy. Lúc đó, Tô Ngọc Thành trở thành "hướng dẫn viên du lịch" thành thạo còn hơn cả nhiều người dân bản địa. Các bản làng xa xôi hẻo lánh như Xín Chải, Tả Phìn, Bản Hồ... ông đã đến ăn, ngủ cùng đồng bào dân tộc nhiều lần. Có lần ông còn đi bộ 25km đến Bản Hồ cùng một vị khách nước ngoài, mất đúng 6 tiếng đồng hồ.

Ông bảo: "Tôi muốn sống ở Sa Pa, muốn ăn món ăn của người dân tộc, muốn hít thở không khí của Sa Pa, cảm nhận cái rét thấu xương của Sa Pa khi đông về để rồi vẽ cho ra một cái màu Sa Pa riêng biệt... Tôi ít vẽ Sa Pa khi đang ở Hà Nội mà thường vẽ luôn ở đó, trong bối cảnh ngó đầu ra là thấy sương bay là là... Tôi đặc biệt thích cách làm việc như vậy. Chỉ có khoảng thời gian tôi phải điều trị hóa chất vì mắc bệnh ung thư thì tôi mới vẽ Sa Pa ở Hà Nội thôi...".

Họa sĩ Tô Ngọc Thành tâm sự, từ năm 2008 ông phát hiện ra mình bị căn bệnh ung thư đại tràng nhưng rất may là mới ở giai đoạn khởi phát nên sau 2 lần phẫu thuật, bệnh tình nay đã ổn định, sức khỏe của ông tốt lên nhiều. Những ngày nằm điều trị bệnh, ông nhớ da diết những chuyến đi lên miền ngược đầy phóng khoáng, tự do. Mặc dù đến nay, Tô Ngọc Thành đã một mình đi đến nhiều nơi, các tỉnh miền núi như Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Yên Bái, Lào Cai, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu..., nhưng địa danh Sa Pa vẫn để lại trong ông những ấn tượng đặc biệt nhất bởi sự nguyên sơ, bí ẩn và nên thơ trong văn hóa và cảnh sắc bốn mùa của nó.

Cho dù đến nay, nét văn hóa nguyên sơ đang dần bị mai một, chợ tình vào các tối thứ 7 không còn nữa, trẻ em và phụ nữ dân tộc đã biết nói tiếng Anh "bồi" để kiếm tiền từ các vị khách ngoại quốc, nhưng với Tô Ngọc Thành, Sa Pa vẫn có sức hút đặc biệt. Ông đã vẽ hàng ngàn bức tranh về cảnh sắc, con người Sa Pa với chất liệu chủ yếu là sơn dầu và số tranh này đã được bán khá nhiều. Hiện ông được nhiều người dân thị trấn Sa Pa và người yêu tranh gọi bằng cái tên thân mật: "Thành Sa Pa". "Thành Sa Pa" và những cuộc độc hành lặng lẽ cũng trở thành một câu chuyện khá tiêu biểu về hành trình sáng tạo nhọc nhằn của một họa sĩ.


Họa sĩ Tô Ngọc Thành cho biết, sở dĩ ông đặc biệt yêu mến cảnh sắc miền núi là vì suốt tuổi thơ ông theo cha (danh họa Tô Ngọc Vân) lên chiến khu Việt Bắc từ khi kháng chiến nổ ra đến ngày hòa bình lập lại. Những ký ức về núi rừng trùng điệp, về cuộc sống của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao... cùng những kỷ niệm về năm tháng tuổi thơ thường rất khó phai. Những ngày đi kiếm củi, tắm suối, bắt cá bắt tôm... thời gia đình tản cư trên Tuyên Quang qua màn sương ký ức của ông thật đẹp và dường như trở thành tiếng gọi vô thức trong tâm hồn ông. Nó khiến ông luôn hướng về miền núi, có những chuyến đi lên mạn ngược như để tìm kiếm điều gì.

Năm 20 tuổi, khi đang học Trường Mỹ thuật Việt Nam, ông đã có chuyến đi lên Mai Châu - Hòa Bình bằng xe đạp, cùng ăn những món ăn "lạ lùng" của người dân tộc, đêm nghe tiếng khèn, tiếng sáo, tiếng chọc sàn và nhìn ngắm cảnh sinh hoạt, sản xuất đặc biệt của người dân tộc, để rồi những cảnh sắc ấy được phả vào tranh. Và như một sự tất yếu, "miền ngược" cũng đem đến cho ông những niềm vui đáng kể. Đến nay, nhiều bức tranh về miền núi của họa sĩ Tô Ngọc Thành được in vào các cuốn sách về Mỹ thuật như "Hai cô gái người Tày" (khắc gỗ, 1961) được in trong cuốn "Tranh khắc gỗ Việt Nam, 1990"; bức "Năm cô gái Thái" (sơn mài, 1984) được in trong cuốn "Tranh sơn mài Việt Nam hiện đại"; "Năm cô gái người Dao đỏ" (sơn mài, 2007) được in trong cuốn "Từ điển Mỹ thuật Việt Nam, 2010"...

Trong bài viết này, thật là thiếu sót nếu tôi không nhắc tới họa sĩ Tô Ngọc Vân - cha đẻ của họa sĩ Tô Ngọc Thành - người đã nhen nhóm tình yêu hội họa cho con trai từ thuở thiếu thời. Danh họa Tô Ngọc Vân sinh được 5 người con, họa sĩ Tô Ngọc Thành là con trai thứ 3, cũng là người con duy nhất của cố họa sĩ theo đuổi hội họa. Ông kể rằng: "Những năm tháng thơ ấu, tôi luôn quanh quẩn bên cha trong xưởng họa, tình yêu và lòng đam mê với hội họa đã âm thầm đến từ lúc nào. Năm lên 4 tuổi, tôi bắt đầu học cha vẽ những nét vẽ đầu tiên đầy thơ trẻ, hồn nhiên. Trong bức tranh "Hai thiếu nữ và em bé" hiện đang được lưu giữ trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, hình ảnh em bé đang vẽ trên nền đất cạnh hai thiếu nữ chính là Tô Ngọc Thành thời thơ bé luôn quanh quẩn vẽ cạnh cha trong lúc cha làm việc đấy!".

Trong những năm tháng lên chiến khu vất vả, mỗi lần đi đưa cơm cho cha ở lớp học vẽ dã chiến, hình ảnh người cha gầy gò tận tụy giảng dạy cho các học trò về kiến thức và kỹ thuật vẽ tranh luôn khiến ông xúc động. Người cha đáng kính của ông hy sinh trên đường đi công tác khi tài năng đang độ sung mãn nhất là một mất mát không chỉ của ông và gia đình, mà còn là tổn thất lớn của nền hội họa Việt Nam. Khi ấy, ta đã chiến thắng giòn giã trên mặt trận Điện Biên, ông nhận nhiệm vụ đi vẽ cảnh quân dân đang trên đường trở về thì gặp máy bay địch tới oanh tạc. Hơn một năm sau ngày họa sĩ Tô Ngọc Vân mất, gia đình mới đưa được hài cốt của ông về quê an táng. Điều đau xót là tìm mãi vẫn không thấy xương cánh tay và bàn tay phải - bàn tay bao năm cầm bút vẽ nên những tác phẩm để đời của nhà danh họa. Chi tiết này đã ám ảnh Tô Ngọc Thành nhiều năm tháng, khiến ông muốn trở thành họa sĩ như một sự tiếp nối truyền thống gia đình, tiếp nối khát vọng của cha. Bởi vậy, khi tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Việt Nam, được phân công về làm việc tại Xưởng phim hoạt hình Việt Nam và có một số bộ phim được giải thưởng như "Ông Trạng thả diều" đoạt Huy chương Vàng Liên hoan phim năm 1981, sau này còn tốt nghiệp cả Đại học Ngoại thương, ông vẫn quyết định từ giã công việc làm phim để về làm việc tại Xưởng Mỹ thuật quốc gia. Từ đó đến nay, họa sĩ Tô Ngọc Thành đã có 14 triển lãm cá nhân trong và ngoài nước, cùng một số triển lãm chung với các họa sĩ khác.

Năm 1985, ông đoạt Giải Nhất về đồ họa trong một cuộc thi do Hội Mỹ thuật tổ chức. Đến nay, ông đã xuất bản được 4 cuốn sách về hội họa, trong đó có cuốn sách "Thế giới qua những bức tranh" đoạt giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 1995. Ngoài ra, 2 tập sách chân dung "Người cùng thời" ông viết về các họa sĩ đương đại Việt Nam mà ông có nhiều cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc được nhiều người yêu mến hội họa rất thích thú.

Họa sĩ Tô Ngọc Thành tâm sự rằng, có nhiều bậc "tiền bối" xem tranh của ông và bảo: "Không bằng bố được!", thậm chí là "Không bằng một phần của bố!", nhưng Tô Ngọc Thành cũng không vì thế mà nản lòng. Bởi ông quan niệm rất đơn giản rằng, tài năng nghệ thuật của cha ông là trường hợp ngoại lệ hiếm hoi, rất ít người đạt tới. Bởi vậy, chỉ cần được tiếp nối giấc mơ hội họa của cha như một cách gìn giữ truyền thống gia đình với ông đã là một niềm vui lớn rồi...

                                                                                   Theo Hà Anh - CAND.com.vn
















Các bài mới
Các bài đã đăng