Con số trên được đưa ra từ những ước tính sơ bộ về quy mô thị trường đọc, số tài liệu nghiên cứu được sử dụng hàng năm, mức độ phổ biến trên Internet... và cuối cùng là từ giả thiết rằng mỗi đối tượng sử dụng đồng ý đóng mức phí bản quyền là 10.000 đồng/năm. Cần nói thêm, khái niệm tác phẩm “phi hư cấu” ở đây hiểu nôm na là tất cả những gì được tác giả viết ra mà không thuộc lĩnh vực sáng tác, chẳng hạn như từ điển, các công trình khoa học, bài giảng, bản thiết kế, biểu đồ, bài phát biểu, tự truyện, tiểu sử, nhật ký, thư từ... Đặc biệt, nếu “chiểu” theo cách giải thích này, nhà báo cũng có thể đăng ký bảo hộ quyền tác giả phi hư cấu. 1. Giống như các tác phẩm hư cấu (thơ, tiểu thuyết, kịch bản...) vì hình thành từ lao động chất xám nên các tác phẩm phi hư cấu (PHC) cũng luôn được bảo hộ chính đáng về bản quyền theo Luật sở hữu trí tuệ từ năm 2005. Thế nhưng, thực tế cho thấy: người sử dụng mới chỉ bắt đầu “quen” với khái niệm bản quyền ở những thơ, truyện, kịch bản... mà hoàn toàn quên mất việc tuân thủ tác quyền trong lĩnh vực PHC. Trong khi ngoài đời sống, việc sử dụng các nguồn tài liệu nghiên cứu, công trình khoa học, thông tin báo chí... luôn chiếm tỷ lệ cao hơn rất nhiều so với lĩnh vực văn học nghệ thuật. Cụ thể, một số liệu thống kê từ năm 2010 đã được nhắc lại trong cuộc hội thảo này: chỉ có ba nhà xuất bản (NXB) trên toàn quốc hiện nay là NXB Văn học, NXB Hội nhà văn và NXB TP. HCM chuyên in tác phẩm hư cấu, còn hơn 50 NXB còn lại đều mang tính chất tổng hợp hoặc chuyên in sách PHC như NXB Y học, NXB Bản đồ, NXB Giáo dục. Từ một thống kê khác, trong 13 năm gần đây, số tác phẩm PHC được in chiếm 60% về số lượng đầu sách và 90% về số lượng trang in so với tác phẩm hư cấu, còn số tác giả từng viết một hoặc nhiều tác phẩm PHC lên tới xấp xỉ 3 vạn người. Bà Đoàn Thị Lam Luyến, Tổng thư ký Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam, cho biết: Cũng như với tác phẩm hư cấu, tác phẩm PHC đang bị xâm phạm bản quyền tràn lan dưới các hình thức in lậu, sao chụp, scan trái phép hoặc tự tiện “số hóa” để đưa lên mạng Internet. Đặc biệt, do nhu cầu đặc thù, các cơ quan nghiên cứu và giới học sinh, sinh viên là lượng người chủ động dùng “chùa” nhiều nhất lượng tác phẩm này. Bởi thế, từ 7/2010, Ban vận động thành lập Hiệp hội tác giả PHC Việt Nam (VANFA) do bà Luyến làm trưởng ban đã thành lập và được Bộ Thông tin &Truyền thông công nhận. Phần lớn nội dung hội thảo ngày 26/10 được sử dụng để nhắc tới sự cần có của tổ chức này. 2. Hiện, với gần 300 thành viên đăng ký sơ bộ (trong đó có nhiều cái tên quen thuộc như dịch giả Trần Đình Hiến, TS Văn học Lưu Khánh Thơ, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên...), sự ra đời của VANFA chỉ còn chờ được thông qua bởi Bộ Nội vụ và các bộ, ngành liên quan. Tương tự như nhiều trung tâm bảo hộ bản quyền khác, nhiệm vụ quan trọng nhất của Hiệp hội này là việc đại diện cho các tác giả PHC có nhu cầu để thương lượng và thu phí bản quyền từ nơi sử dụng, đặc biệt là “làm việc” với những nơi vi phạm bản quyền. Theo bà Luyến, hiện ban vận động thành lập VANFA đã có trong tay một bản thống kê ban đầu về số đơn vị sử dụng “chùa” các tác phẩm PHC trong thời gian vừa qua, đồng thời cũng đã tiếp xúc với một số tổ chức về bảo vệ tác phẩm PHC trên thế giới để nhờ hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn khi cần. “Biết là “vạn sự khởi đầu nan”, nhưng chúng ta vẫn phải cố gắng trước hết để bảo vệ những đứa con tinh thần của mình” - PGS khảo cổ học Nguyễn Lân Cường khẳng định. Ông Cường cũng nhắc sự thành công của nhạc sĩ Phó Đức Phương và TT Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN như một ví dụ về sự kiên nhẫn để bảo vệ tác quyền theo thời gian. Tại cuộc hội thảo, một số ý kiến đã đề nghị Ban vận động lấy một cái tên “dễ hiểu” hơn cho Hiệp hội nếu được thành lập, chẳng hạn như Hiệp hội các tác giả Văn hóa - Khoa học. Tuy nhiên, theo bà Luyến, chỉ có cái tên Hiệp hội tác giả Phi hư cấu mới có thể biểu đạt đủ nội dung và tính chất nhất của tổ chức này. Theo Chiêu Minh - TT&VH |