Các nhà văn nữ nói lên tiếng nói của những người phụ nữ trong xã hội, cũng là tiếng nói của chính mình, nhờ thế, xã hội có thể nhìn thấy được những mơ ước, khát vọng thầm kín của người phụ nữ mà trong đời thường họ không dễ bộc lộ, cũng như không dễ được chấp nhận. Trong lịch sử văn học Việt Nam, những tác phẩm mang màu sắc nữ quyền đã xuất hiện từ cuối thế kỷ XVIII, mà Hồ Xuân Hương là một ví dụ điển hình.
Có thể nói, "Bà chúa Thơ Nôm" đã đấu tranh cho vấn đề nữ quyền trong xã hội phong kiến bằng chính những bài thơ của mình. Tuy nhiên, những tác phẩm văn học nữ quyền trong xã hội cũ không nhiều. Nó chỉ thực sự nở rộ kể từ giai đoạn Đổi mới. Khi cái nhìn của xã hội rộng rãi hơn, cộng với xu thế hòa nhập vào dòng chảy thế giới, nhà văn nữ đã mạnh dạn hơn trong các trang viết của mình. Theo đó, những mơ ước, khát vọng, kể cả những khát vọng bản năng của người phụ nữ được cất tiếng mạnh mẽ.
Văn học nữ của Việt Nam ít nhiều chịu ảnh hưởng của văn học nữ quyền Trung Quốc, Nhật Bản. Đây là những quốc gia có dòng văn học nữ quyền mạnh mẽ trong khu vực, với số lượng tác phẩm và tác giả đông đảo, đã được dịch nhiều sang tiếng Việt. Dễ hiểu về việc văn học nữ quyền lên ngôi ở châu Á, vì đây là khu vực mà người phụ nữ phải chịu nhiều thiệt thòi với tư tưởng "trọng nam khinh nữ" khá nặng nề trong quá khứ.
Mặc dù ở nước ta, số lượng tác phẩm mang sắc thái nữ quyền được viết bởi nhà văn nữ khá nhiều, nhưng tác phẩm có giá trị thực sự thì chưa nhiều. Không hiếm người cầm bút nữ, đặc biệt là người cầm bút nữ trẻ đã mượn vấn đề nữ quyền như một thứ trang sức để làm lấp lánh tên tuổi của mình, để thu hút độc giả. Sự quá đà trong nội dung thể hiện, với những chiêu câu khách rẻ tiền, những trang viết trần trụi làm đỏ mặt độc giả có thể mang lại sự ồn ào nào đó cho một vài nhà văn nữ trẻ, những rồi nó lại bị rơi vào lãng quên rất nhanh sau đó.
Văn học nữ quyền, nếu có thể phân biệt như vậy, cũng là một phần của nền văn học nói chung. Và đề là, để có một tác phẩm giá trị, nhà văn phải đảm bảo đủ những tiêu chí nghệ thuật như bất kỳ một tác phẩm nào khác. Nghĩa là tác phẩm phải mang đến cho bạn đọc những cảm nhận tinh tế về nghệ thuật ngôn từ, cũng như tính nhân văn trong câu chuyện nhà văn đang kể. Những vấn đề của phụ nữ phải được nhìn qua trái tim, tình yêu, sự dằn vặt và tài năng của nhà văn nữ, chứ không chỉ đơn thuần là một "trò lạ mắt" dành cho độc giả như một số nhà văn nữ trẻ đang quan niệm. Nó phải là tiếng nói thiết tha của nhà văn trong việc tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ. Mọi sự "giả danh" vấn đề nữ quyền trong văn học để nhằm mục đích nổi danh của người viết sẽ nhanh chóng bị độc giả tẩy chay. Những nhà văn nữ khi ý thức được điều này họ sẽ thấy, để được thừa nhận là nhà văn nữ quyền hay viết một tác phẩm văn học nữ quyền, rất khó
Theo Hội Quân - CAND.com.vn
|