Tạp chí Sông Hương -
Hoạ sĩ Phan Ngọc Minh: Đến Mỹ vẽ di sản văn hoá Việt
09:09 | 31/10/2011
Vừa trở về quê nhà Đà Nẵng sau hơn hai tháng làm việc và lang thang trên nước Mỹ, hoạ sĩ Phan Ngọc Minh vui mừng cho biết, chưa có chuyến đi nào được tận hưởng sự thoải mái và làm việc hiệu quả như thế.
Hoạ sĩ Phan Ngọc Minh: Đến Mỹ vẽ di sản văn hoá Việt
Hoạ sĩ Phan Ngọc Minh bên ông Jonathan Gregg, ngưòi sáng lập VSC.

Được mời đến Vermont Studio Center (VSC) bang Vermont với tư cách là hoạ sĩ đoạt giải nhất (winner) của hiệp hội Hoạ sĩ châu Á, Phan Ngọc Minh cũng là hoạ sĩ Việt Nam duy nhất trong chương trình này. Ấn tượng đậm nét với Phan Ngọc Minh về VSC, đó là một nơi có phong cảnh thiên nhiên khá xinh đẹp: “Nhà lưu trú và xưởng vẽ chen nhau ven rừng, toàn cây thông, cây phong xanh ngút ngàn, có con suối chảy băng qua làng VSC, gồm nhiều building hầu hết bằng gỗ, sơn màu trắng ngà và xanh lục, dành cho nghệ sĩ khắp thế giới hội ngộ”.

Ở VSC có năm xưởng vẽ lớn (còn gọi là “building”): Barbara White, Church, Fire House, Schultz, và Wolf Kahn. Trong mỗi xưởng vẽ lớn này có từ 8 – 18 xưởng vẽ cá nhân. Phan Ngọc Minh được bố trí ở xưởng vẽ Wolf Kahn. “Đó là phòng cuối ở tầng hai, diện tích gần 60m2, có cửa sổ nhìn ra dòng suối nước chảy róc rách, sóc và chim nhảy nhót trên thảm cỏ dưới tán cây yên tĩnh. Nhờ điều kiện ở đây quá tốt, hàng đêm tôi đã làm việc đến 1, 2 giờ sáng, có khi đến 3 giờ”, Phan Ngọc Minh tâm sự.

Chính nhờ điều kiện lý tưởng mà chỉ trong thời gian ngắn Phan Ngọc Minh đã vẽ được một xêri tranh cỡ lớn gồm 12 bức, bức lớn nhất dài 3,5m, hầu hết vẽ màu acrylic trên vải, và vẽ về Huế, Chămpa – Mỹ Sơn, Hội An... Những con bài tới, Mặt nạ tuồng cổ, Kala – thần thời gian, Múa quạt, Ký ức làng Sình… là những tác phẩm mà Phan Ngọc Minh khá ưng ý. Có lẽ ban tổ chức đánh giá cao chất lượng tác phẩm của Phan Ngọc Minh, nên ông là hoạ sĩ duy nhất (trong số 60 trại viên) được chọn tổ chức triển lãm cá nhân tại Red Mill Gallery (phòng triển lãm tranh của trung tâm).

Một tác phẩm vẽ tại VSC: Ký ức bánh mì và búp bê (acrylic trên vải, 1,15 x 1,4m)


Vẫn với chủ đề di sản văn hoá Việt, tranh của Phan Ngọc Minh vừa mô tả hình ảnh của chủ thể văn hoá (trong quá khứ, hiện tại) vừa phô bày tâm thức người nghệ sĩ (qua sắc màu, đường nét). Có lẽ khi đi xa thì tâm thức Việt lại càng trỗi lên mãnh liệt và trở về gần hơn trong tình cảm, đến mức tự động bật ra. Phan Ngọc Minh cảm ơn chuyến đến Mỹ để ông hoàn thành tốt hơn loạt tranh vẽ về di sản văn hoá Việt, một đề tài xuyên suốt và không ngừng ấp ủ trong cuộc đời ông.

Qua chuyến đi này, Phan Ngọc Minh cũng nhận ra một kinh nghiệm trong việc tổ chức không gian lưu trú cho nghệ sĩ, đó là mọi người độc lập làm việc, chỉ gặp nhau ở bữa ăn. Vào ngày 14 và 27 hàng tháng, tất cả các xưởng vẽ sẽ mở cửa để các trại viên qua lại xem và trao đổi kinh nghiệm. “Đặc biệt là không bao giờ họp. VSC chỉ có 20 người, tập hợp từ hàng chục nước về làm việc quần quật như thế trong 60 ngày, nhưng chẳng thấy có một cuộc họp nào cả, có chăng, họ chỉ tranh thủ nói với mọi người những thông tin cần thiết vào bữa ăn trưa hoặc tối chưa đầy 30 giây. Còn lại họ dán tờ thông báo hoặc viết trên bảng ngay tại cửa vào nhà ăn khi cần” – Phan Ngọc Minh mỉm cười vẻ thích thú việc “không bao giờ họp” này.

                                                                            Theo Việt Hoan - SGTT.VN















Các bài mới
Các bài đã đăng