Tạp chí Sông Hương -
Nghệ thuật dưới… gầm nhà sàn!
09:42 | 02/11/2011
Quãng 20 năm trước, phong trào đem nhà sàn của người dân tộc (chủ yếu nhà sàn Mường ở Hòa Bình) về dựng giữa thủ đô Hà Nội bắt đầu rộ lên. Và một trong những ngôi nhà sàn dân tộc được dựng lên đầu tiên ở Hà Nội cũng trở thành một trong những không gian nghệ thuật phi lợi nhuận đầu tiên ở Hà Nội, với cái tên “nguyên bản”: Nhà sàn, trước đây còn được “chua” thêm: Nhà sàn Đức (tức nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Đức), để phân biệt với Nhà sàn Anh Khánh (tức nghệ sĩ Đào Anh Khánh)…
Nghệ thuật dưới… gầm nhà sàn!
Dưới gầm nhà sàn - một không gian cho nghệ thuật thể nghiệm
Ông mê đồ cổ gặp nghệ sĩ đương đại

Chuyện bắt đầu vào khoảng năm 1990, khi họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức mang một ngôi nhà sàn về dựng ở khu đất gia đình trong một ngõ nhỏ gần chợ Bưởi, Hà Nội. Tốt nghiệp đại học mỹ thuật, người con trai thứ tư của nhà văn Kim Lân có một thời gian khá dài (10 năm) làm cán bộ cho Unimex Hà Nội với nhiệm vụ là hướng dẫn các thợ thủ công làm hàng mỹ nghệ truyền thống để xuất khẩu. Nhà sàn ra đời ban đầu vừa là nhà ở, vừa là nơi chứa kho tàng đồ cổ mà chủ nhân sưu tầm được, vừa là một xưởng sản xuất đồ sơn mài, tượng dân gian, với khách hàng chủ yếu là người nước ngoài. Để “gia tăng giá trị” của các món hàng dân gian này, thỉnh thoảng, ở Nhà sàn cũng có những hoạt động dạng văn hóa dân gian như biểu diễn ca trù, quan họ, chầu văn…

Cũng thời gian này, sau giai đoạn đầu của thời kỳ “đổi mới”, mỹ thuật Việt Nam nhanh chóng phát triển tới giai đoạn thương mại hóa dữ dội. Đến những năm cuối thập niên 1990, mỹ thuật đương đại ở Hà Nội gần như đồng nghĩa với mỹ thuật gallery. Các phòng (bán tranh) mọc lên như nấm, nghề kinh doanh gallery được xem là cực thịnh. Giá tranh của nhiều họa sĩ được đẩy lên rất nhanh, nhiều họa sĩ dần trở thành người sản xuất tranh. Không khí làm nghệ thuật thực sự, một thứ nghệ thuật trung thực, không bị dẫn dắt bởi kim tiền, bắt đầu trở nên ngột ngạt.

Lúc này Trần Lương, một thành viên trong Nhóm năm người (Gang Of Five) đầu tiên, nổi tiếng trong giới mỹ thuật Hà Nội cũng như trên thị trường tranh Việt Nam lúc ấy (cùng với Đặng Xuân Hòa, Hồng Việt Dũng, Hà Trí Hiếu, Phạm Quang Vinh), một mình bứt ra khỏi nhóm, rẽ sang một con đường khác, với những thể nghiệm mà về sau anh được xem như nghệ sĩ tiên phong của xu hướng này tại Việt Nam: nghệ thuật đương đại.

Năm 1997, Trần Lương bày những tác phẩm theo khuynh hướng mới này của anh trong một triển lãm mang tênKhởi thủy I tại Hà Nội. Nhiều người thờ ơ, thậm chí phản ứng với cái gọi là “nghệ thuật sắp đặt” lúc ấy còn rất mới mẻ, ở Khởi thủy I. Nhưng Nguyễn Mạnh Đức lại bị hấp dẫn bởi hình thức nghệ thuật mới mẻ này. Hai người lập tức trao đổi với nhau về việc tìm một không gian nghệ thuật thực sự cởi mở, độc lập cho những người cùng chung một con đường mới. Sau cùng, họ nghĩ tới Nhà sàn. “Chúng tôi thấy không thể có một không gian nghệ thuật độc lập dưới sự bảo trợ của một người khác. Các gallery lúc đó sẽ chỉ chịu trưng bày những gì bán được. Trong khi nghệ sĩ luôn có nhu cầu thể nghiệm cái mới. Nhưng thể nghiệm dường như không có bến đỗ. Lúc đó chúng tôi chợt nghĩ sao không lấy luôn Nhà sàn”, Trần Lương nhớ lại.

Nhà sàn nâng gầm, nâng tầm

Gầm Nhà sàn khi đó rất thấp, phải nâng lên mới có thể trưng bày tác phẩm. Ngoài tiền túi, Mạnh Đức và Trần Lương bắt đầu đi tìm nguồn tài trợ. Quỹ John And Eva là Mạnh Thường Quân đầu tiên với khoản hỗ trợ 5 nghìn đô la. Sau khi mọi việc tương đối hoàn chỉnh (nâng cao sàn nhà, trang bị loa, đầu chiếu video…), không gian nghệ thuật đương đại Nhà sàn chính thức “khai sinh” với triển lãm đầu tiên Con rồng tân thời.

“Những ngày đầu không dễ, bởi sau những chương trình đầu tiên, thậm chí có những phản hồi cho rằng Nhà sàn đang làm thứ “nghệ thuật ma quỷ”. Mặc dù vậy, số nghệ sĩ “tiên phong” đến với Nhà sàn mỗi lúc một nhiều và những năm sau này, công chúng đến với Nhà sàn đã không chỉ có giới mỹ thuật và dân làm nghệ thuật. “Tôn chỉ của Nhà sàn lúc đó là tạo ra một sân chơi cho tất cả những gì không có đất trong nghệ thuật thương mại và nghệ thuật công cộng”, Trần Lương khẳng định. Vì điều này, Nhà sàn gần như trở thành không gian “nghệ thuật mở” duy nhất không chỉ ở Hà Nội trong một thời gian dài trước khi những không gian nghệ thuật tương tự ra đời tại nhiều địa điểm khác ở Hà Nội, TP.HCM, Huế… Đây là nơi thể nghiệm đầu tiên của nhiều nghệ sĩ sau này trở thành những tên tuổi đáng chú ý của nghệ thuật đương đại Việt Nam. 

Nhà sàn đã hợp tác với Easola Thủy khi nghệ sĩ này mới về nước làm chương trình thể nghiệm. Trương Tân, Sơn X, Kim Ngọc (hiện nay nổi tiếng trong giới nhạc sĩ đương đại) cũng làm những thể nghiệm đầu tiên tại Nhà sàn. Nhà sàn cũng đi cùng Trinh Thi trong những tác phẩm phim tài liệu đầu tiên của cô. Và một lứa các nghệ sĩ đương đại trẻ ở phía Bắc gần như cũng được sinh ra từ không gian nghệ thuật của Nhà sàn như Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Phương Linh, Lê Vũ, Lại Thị Diệu Hà,… Đấy là nơi nhiều sinh viên Đại học Mỹ thuật Hà Nội trình bày những tác phẩm đầu tiên của họ. Nhiều nghệ sĩ đương đại quốc tế khi tới Việt Nam cũng chọn Nhà sàn để giới thiệu những thể nghiệm sáng tạo của mình. Cho tới nay, sau gần 15 năm hoạt động, Nhà sàn - hay Nhà sàn Đức vẫn là một địa chỉ không gian nghệ thuật đương đại phi lợi nhuận hàng đầu ở khu vực phía Bắc.

Theo Hà Thanh - TT&VH

















Các bài mới
Các bài đã đăng