Sự mến chuộng của công chúng đối với "Cô lái đò" đã đem lại danh vọng và tiền tài cho một số ca sĩ. Chính tài tử Ngọc Bảo từng có lần thổ lộ với tác giả của nhạc phẩm: "Nhiều năm lưu lạc và kiếm sống bằng ca hát ở Pháp, bài hát "Cô lái đò" đã làm giàu cho tôi". Ngày 13/12/2009, trong chương trình âm nhạc có tên gọi "Bóng ai qua thềm" được tổ chức tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội, Tùng Dương - một ca sĩ trẻ được coi là giọng ca "thời thượng" hiện nay cũng đã chọn "Cô lái đò" để thể hiện chất giọng cũng như cảm xúc của mình...
Nhiều người đã biết, "Cô lái đò" là một trong số những bài thơ thường được nhắc tới của thi sĩ Nguyễn Bính. Trong tập thơ "Lỡ bước sang ngang" nổi tiếng của Nguyễn Bính, đây cũng là một trong những bài thơ ấn tượng. "Lỡ bước sang ngang" được xuất bản lần đầu năm 1940, song phải đến năm 1942, chàng trai trẻ Nguyễn Đình Phúc mới có được tập thơ này và chỉ mới tiếp xúc với "Cô lái đò", ông đã "kết" ngay. Bà Trần Thị Bảo, vợ của nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc từng có lần kể lại: Ông Phúc rất say mê bài thơ "Cô lái đò", trong khi nhạc sĩ Phạm Duy thì lại mê bài thơ "Cô hái mơ" (cũng của Nguyễn Bính). Thế là một lần, vào chiều thứ Bảy, hai ông rủ nhau đi dạo quanh Hồ Hoàn Kiếm và giao ước với nhau, khi về nhà, ai nấy phải sáng tác được một ca khúc. Kết quả là khán thính giả yêu âm nhạc Việt Nam từ đó được biết đến hai ca khúc hay, hiện vẫn được xem như những cột mốc đánh dấu sự trưởng thành của nền tân nhạc Việt Nam.
Nhân đây cũng cần nói thêm: Nguyễn Đình Phúc thuộc típ nghệ sĩ đa tài. Ngoài sáng tác nhạc, ông còn làm thơ, vẽ tranh, viết sách nghiên cứu dân gian và cả sách hướng dẫn xem… vân tay, đoán số. Ông khởi đầu sự nghiệp bằng loại hình hội họa chứ không phải âm nhạc. Ông từng theo học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, sau vì chống lại thầy giáo người Pháp xúc phạm học sinh An Nam mà bị đuổi khỏi trường. Năm 1943, với bức tranh "Chú bé thổi sáo", Nguyễn Đình Phúc giành được giải nhất tại cuộc triển lãm tranh Đông Dương tổ chức ở Hà Nội. Phần thưởng đủ để ông làm một chuyến du lịch xuyên Việt nhiều ngày với tấm vé tàu hỏa hạng sang.
Nguyễn Đình Phúc tiếp thu những kiến thức âm nhạc đầu tiên từ một nghệ sĩ già người Nga lưu vong tên gọi Sibirev. Ông Sibirev chơi đàn violoncelle ở một phòng trà trên phố Tràng Tiền. Từ đó, theo bước Siberev, Nguyễn Đình Phúc trở thành một nghệ sĩ tự do kiếm sống bằng nghề kéo violoncelle tại một số phòng trà ở khu vực trung tâm Hà Nội.
Mặc dù "Cô lái đò" là ca khúc đầu tay của Nguyễn Đình Phúc, song nó đã thể hiện một sự già dặn, chững chạc trong thủ pháp. Thơ Nguyễn Bính vốn dĩ có duyên với âm nhạc. Theo ghi nhận tạm thời của một độc giả thì đến nay, đã có một số thi phẩm của Nguyễn Bính được phổ nhạc: Bài "Tiểu đoàn 307" được Nguyễn Hữu Trí phổ nhạc; bài "Người hàng xóm" được Anh Bằng phổ nhạc (đổi tên là "Bướm trắng"); bài "Cô hái mơ" được Phạm Duy phổ nhạc; bài "Lỡ bước sang ngang" được Song Ngọc phổ nhạc; bài "Nhạc xuân" được Đức Quỳnh phổ nhạc; bài "Thời trước" được Văn Phụng phổ nhạc (đổi tên là "Trăng sáng vườn chè"); bài "Ghen" được Trọng Khương phổ nhạc; bài "Gái xuân" được Từ Vũ phổ nhạc…
Nếu nói về độ phổ biến thì so với ca khúc "Tiểu đoàn 307" của Nguyễn Hữu Trí, cũng khó nói ca khúc "Cô lái đò" của Nguyễn Đình Phúc được khán giả biết đến nhiều hơn, được hát nhiều hơn. Tuy nhiên, ý kiến sau đây của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba (được dẫn lại trong một bài viết của nhà văn Vũ Bằng) cũng là một "kênh" đáng để chúng ta tham khảo: "Trong tất cả các bài thơ được phổ nhạc từ trước tới nay, kể từ bài "Thằng Bờm" của Nguyễn Xuân Khoát cho đến các bài mới như "Sơn Tinh, Thủy Tinh", thơ Hồ Dzếnh, kể cả thơ phổ nhạc của Phạm Duy, theo ý tôi, không có bài nào thành công vẻ vang như bài "Cô lái đò" của Nguyễn Bính do nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc phổ nhạc".
Ở đây, Nguyễn Hữu Ba cắt nghĩa: "Trong suốt bản nhạc, thính giả không một lúc nào cảm giác thấy bản nhạc bị gò bó trong một bài thơ, mà chính bài thơ cũng không hề bị nhạc hãm hiếp làm cho mất tính cách nguyên thủy và trong trắng của nó. Nghe thì việc đó tầm thường, nhưng công việc tạo tác một bản nhạc qua một bài thơ mà làm cách nào cho thơ và nhạc hỗ tương nhau, thơ không bị nhạc hãm hiếp, thực quả là một công việc hết sức khó khăn, hết sức vất vả, nếu nhạc sĩ không yêu bài thơ triệt để, không thông suốt tinh thần của nhà thơ, không cảm thông với nhà thơ như hình với bóng thì không thể nào làm nổi".
Bài thơ "Cô lái đò" được Nguyễn Bính viết theo thể thất ngôn, gồm cả thảy 4 khổ, 16 câu. Nguyễn Đình Phúc gần như trung thành với nguyên tác. Đây là điều khó, rất khó. Một độc giả đã nhận xét: "Ca khúc được xây dựng trên nền hợp âm mi thứ với những quãng lạ mang âm hưởng dân ca. Phải là một nhạc sĩ giỏi mới có thể phổ nhạc nguyên bài thơ thất ngôn hay và thành công như vậy".
Trong hồi ký của mình, nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc từng kể lại những suy nghĩ, xúc cảm của mình trong một lần đối mặt với con sông Hồng mùa lũ: "Ngồi trên mặt đê, nhìn làn nước mênh mông, đỏ quạch phù sa đang sôi réo ngay dưới chân trước mặt, tôi thấy nôn nao trong lòng... Những người màn trời chiếu đất trên mặt đê này sẽ dạt về đâu? Tôi vừa tự hỏi vừa nhìn những xoáy nước đang xoay vần với những đám bọt đỏ ngầu và cánh bèo tây dập dềnh giai điệu con thuyền xa bến chợt vang lên trong tôi…". Đoạn hồi ký khiến ta không khỏi nhớ tới những câu thơ của Nguyễn Bính trong "Cô lái đò": "Bỏ thuyền, bỏ lái, bỏ dòng trong/ Cô lái đò kia đi lấy chồng/ Vắng bóng cô em từ dạo ấy/ Để buồn cho những khách sang sông".
Tính từ ngày ra đời đến nay, ca khúc "Cô lái đò" đã được nhiều ca sĩ chọn làm "bài tủ" của mình. Với ca từ man mác buồn, lại mang âm hưởng dân gian Bắc Bộ, bài hát cứ lặng lẽ thấm quyện lòng người, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Và với mỗi lứa nghệ sĩ, họ dường như lại tìm thấy trong ca khúc một cách thể hiện. Tuy nhiên, theo những người sành điệu thì một trong những ca sĩ đầu tiên chắp cánh cho ca khúc này bay cao chính là Thương Huyền, và cho đến hôm nay, cũng chưa có ai thành công hơn Thương Huyền trong việc thể hiện "Cô lái đò". Sinh thời, nghệ sĩ chèo Tào Mạt rất mê "Cô lái đò", hễ có dịp là ông lại cất giọng hát ca khúc này.
Sau "Cô lái đò", Nguyễn Đình Phúc tiếp tục cho ra đời một số ca khúc, trong đó có những bài ít nhiều được người đời biết tiếng: "Lời du tử", "Chiến sĩ sông Lô", "Nhớ anh Giải phóng quân", đặc biệt là ca khúc "Tiếng đàn bầu" (phổ thơ Lữ Giang) - một "đại diện" âm nhạc tiểu biểu của ông sau Cách mạng.
Cũng tương tự "Cô lái đò", bài hát này cũng có những đoạn thấm thía, xót xa khi nhắc tới những phận người sống héo hắt, buồn thương trong chế độ cũ.
Những năm cuối đời, nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc như dồn hết tâm lực của mình vào việc vẽ. Ông vẽ nhiều, đa phần là tranh sơn dầu và giấy dó. Ông thích thú vẽ chân dung các văn nghệ sĩ, những người ông từng gặp và mến trọng về tài năng và nhân cách. Nhiều bức ông vẽ bằng trí nhớ. Bức chân dung danh họa Nguyễn Phan Chánh là bức vẽ cuối cùng trong cuộc đời ông, được ông hoàn thành 2 ngày trước khi mất.
Nhà văn Chu Văn - trong một bài viết về Nguyễn Bính đã kể lại cuộc đối thoại giữa ông với cô Thoa - cô lái đò trên dòng sông Châu. Sau khi nghe Chu Văn thông báo: "Cô Thoa, bác Bính làm thơ, vẫn hàng ngày đi chợ nhờ đò cô đưa sang ngang, bác ấy mất rồi cô ạ", cô Thoa đã gục mặt lên mái chèo, tiếng lạc đi: "Cháu biết! Giá chết thay được, thì cháu tự nguyện chết thay để bác ấy sống, bác ấy làm thơ". Không rõ trong đời mình, nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc đã gặp một cô lái đò nào có thể chia sẻ với ông đến vậy, song thực tế, lòng ngưỡng mộ của khán thính giả nhiều thế hệ đối với ông thông qua ca khúc nói trên dường như chưa bao giờ phai nhạt. Và đó chính là phần thưởng vô giá đối với một người nghệ sĩ ưa chuộng cuộc sống tự do như ông…
Theo Trần Bá Thịnh - CAND.com.vn
|