Đó là quan điểm của ông Lương Xuân Đoàn, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương nhân dư luận đang cùng nhau mổ xẻ về việc nên hay không nên có Luật Văn học
Phải có luật chung để kéo nghệ sĩ và nhà nước lại gần nhau
“Trong lĩnh vực văn học nghệ thuật hôm nay có một khoảng trống về luật của nhà nước. Thế nên có rất nhiều lĩnh vực, đến nay, nhà nước vẫn chỉ là người ngoài cuộc. Đơn cử như trong lĩnh vực mỹ thuật, thị trường tranh giả mặc sức hoành hành ở trong nước và làm hỏng hẳn hình ảnh đẹp đẽ của mỹ thuật trong thời kỳ đổi mới cho dù nhà nước luôn khuyến khích cho sự phát triển của các gallery ở Việt Nam. Nạn tranh giả cũng làm chậm lại sự phát triển của mỹ thuật hiện đại, khiến cho người nước ngoài cũng vì thế không dám mua tranh của Việt Nam vì sợ mua phải tranh giả, làm ảnh hưởng đến tâm lý của những người sáng tác.
Đã biết là chậm, nhưng theo tôi chúng ta vẫn phải cố gắng để sớm có được luật chung cho hoạt động văn học nghệ thuật, nếu không với cách quản lý theo vụ việc như hiện nay sẽ rất khổ, vừa mang tiếng cho nhà nước vừa làm cho khoảng cách của nghệ sĩ và nhà nước ngày càng xa ra mãi, càng không hiểu nhau, không thông cảm, không chia sẻ mà lẽ ra nó không đáng xảy ra như thế.
Từ năm 1996 cho đến nay, có thể nói Chính phủ đã rất quan tâm đến đời sống văn hóa, văn học nghệ thuật và càng ngày tiền đầu tư cho lĩnh vực này càng được tăng lên, không tiếc tiền. Điều đó chứng tỏ rằng, nhà nước đang rất ước ao được sử dụng những tác phẩm tốt nhất của văn nghệ sĩ, làm đẹp thêm cho bộ mặt văn hóa văn nghệ quốc gia. Nhưng cho đến lúc này, tôi vẫn thấy bức tranh chung của văn học nghệ thuật Việt Nam chỉ ở một mức độ “phơn phớt”, không đậm nét. Chúng ta có một mặt bằng trông vui mắt vậy thôi nhưng thực sự để ghi lại được những dấu ấn của một thời đại mới, thế kỷ mới thì chúng ta lại chưa xoay chuyển được.
Nếu có luật chung cho văn học nghệ thuật, luật đó sẽ giúp cho văn nghệ sĩ chuyên tâm đến sáng tạo cá nhân nhưng vẫn và luôn có ý thức chấp hành luật pháp của nhà nước. Nhưng tôi phải lưu ý là nếu có luật chung, luật này không phải đưa ra để giám sát nghệ sĩ mà chỉ để làm tốt hơn trách nhiệm của nghệ sĩ mà bất đắc dĩ nó mới “hiện ra” để điều chỉnh nghệ sĩ nếu anh sai luật.
Và cả Luật hành nghề tự do
Trong bối cảnh hoạt động văn học nghệ thuật như hiện nay, cần phải bước nhanh, bước tiếp, bước mạnh ra thế giới bên ngoài chứ không thể khư khư quay trở lui để rồi khoanh lại thành một cái ốc đảo, không bận tâm gì đến sự phát triển của thế giới bên ngoài...
Với những phương thức hoạt động nghệ thuật như hiện nay ở Việt Nam, cá nhân tôi lại nghĩ rằng bên cạnh việc xây dựng bộ luật chung cho văn học nghệ thuật, cần sớm xây dựng một luật riêng, tôi tạm gọi: Luật hành nghề tự do.
Đây là bộ luật thừa nhận tư cách pháp nhân của nghệ sĩ độc lập. Một bạn trẻ mới ra trường hăm hở sáng tạo, ước ao được công bố tác phẩm của mình, nhưng lại chưa tham gia vào một hội, đoàn nào để hội, đoàn đó đứng ra bảo lãnh, xin giấy phép của các cơ quan liên quan thì không thể công bố tác phẩm.
Nếu được công nhận tư cách pháp nhân độc lập, người nghệ sĩ không cần một đơn vị nào đứng ra bảo trợ nữa và người quản lý cũng thấy thoải mái khi cấp phép cho nghệ sĩ độc lập đó. Vì vậy, đã là luật thì phải nới rộng ra như vậy để người nghệ sĩ không còn “trách móc” nhà nước mà có chăng chỉ có thể trách mình không thể sáng tạo hay hơn nữa mà thôi!
Để xây dựng bộ luật chung cho văn hóa nghệ thuật hay Luật hành nghề tự do trước tiên trong nhiều năm các cơ quan hoạch định chính sách, đặc biệt là Bộ VH,TT&DL đã đi nghiên cứu ở nước ngoài rất nhiều thì nên tranh thủ việc học hỏi, tham khảo các bộ luật của các nước phát triển để ứng dụng vào Việt Nam cho lĩnh vực này. Tất nhiên không thể bê nguyên xi của các nước đó áp vào Việt Nam mà cần phải nghiên cứu, tìm hiểu xem giới văn nghệ sĩ họ phản ứng và đón nhận với các bộ luật cho lĩnh vực của họ ra sao rồi “chắt” ra những cái hay, cái tốt để xây dựng luật cho nước mình. Chứ còn ở nước ta chưa có tiền đề cũng như cơ sở nào để tự hình thành nên bộ luật riêng cho văn học nghệ thuật.
Còn hiện nay chúng ta chủ yếu sử dụng nghị định hay văn bản dưới luật trong lĩnh vực văn học nghệ thuật nên mới chỉ “tạm đúng” cho từng thời kỳ mà thôi. Vì vậy chúng ta cần nhanh chóng có một cái gì đó dài hơi, lâu dài. Luật này cần phải có những điều căn cốt nhất, khó suy suyển nhất cho hoạt động này hoặc nếu có điều chỉnh cũng không đáng kể qua thời gian. Tôi luôn tin rồi đây bức tranh văn học nghệ thuật Việt Nam sẽ phát triển lành mạnh bằng những bước đi mới, trên những con đường mới trong một xu thế mới bằng những sáng tạo mới”.
Theo Huy Thông - TTVH
|