Tạp chí Sông Hương -
Nhà thơ Tagore 150 năm khắc bóng lên thời đại
15:36 | 10/11/2011
Các học giả và chuyên gia về Tagore đã đến kín hội trường tại khách sạn Melia, Hà Nội tham dự hội thảo và trình bày tham luận về cuộc đời đại thi hào người Bengal, Ấn Độ Ranbindranath Tagore.
Nhà thơ Tagore 150 năm khắc bóng lên thời đại
Nhà thơ Ấn Độ Ranbindranath Tagore. (Nguồn: Internet)
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

“Người công dân toàn cầu”

Đại thi hào R. Tagore được tưởng nhớ như một người công dân của toàn cầu. Điều này được ông Ranjit Rae, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam đề cập đến trong bài phát biểu: “Tagore là một công dân toàn cầu. Ông không tin vào chủ nghĩa quốc gia hạn hẹp… Ông không muốn thế giới này bị chia rẽ thành những mảnh ghép vụn vặt bởi bức tường nội địa.”

Ông Ranjit Rae đã cho biết tầm quan trọng của Tagore đối với nhân loại: Người ta nhớ đến Tagore không chỉ bởi những bài ca dâng hiến hay vì những di sản vĩ đại trong nghệ thuật, âm nhạc, kịch, hội họa. Trên hết ông được nhớ tới bởi những tư tưởng và sáng kiến mà ngày nay vẫn tiếp tục có ảnh hưởng vĩnh cửu trong thế giới.

Tư tưởng, sáng kiến của Tagore tạo nên chủ đề của nhiều tranh luận và thảo luận cho các học giả cũng như viện sĩ hàn lâm. Trong đó, triết lý Tagore về “sự thống nhất thông qua đa dạng” có tính ứng dụng cao đối với Ấn Độ cũng như với tất cả thế giới.

Bài phát biểu của giáo sư Sukata Chaudhuri, điều phối viên hội thảo cũng nhấn mạnh về vai trò to lớn của Tagore đối với Ấn Độ nói riêng và thế giới nói chung.

Ông cho biết, tại Ấn Độ người ta không chỉ coi Tagore là một đại thi hào mà họ còn đánh giá rất cao những giá trị về văn hóa của ông. Những tác phẩm của ông không chỉ được trích dẫn, sử dụng mà còn được áp dụng ở những lĩnh vực khác như văn hóa, chính trị vì phạm vi bao phủ của những tác phẩm này rất rộng lớn.

“Ở một mức độ nào đó, những thông điệp của ông áp dụng tới những người dân Ấn Độ và những thông điệp đó còn mở rộng tới toàn thể thế giới,” giáo sư Sukata Chaudhuri nói.

Đồng tình với những ý kiến trên, ông Phạm Quang Vinh, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định, các tác phẩm của Tagore thể hiện những tư tưởng lớn, sự mẫu mực về kết hợp hài hòa và là cầu nối của quá khứ và hiện tại, kết tinh của những tinh túy của các dân tộc tiểu lục địa với các dân tộc trên thế giới, sự kết hợp văn hóa Đông-Tây.

Còn theo giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, với toàn nhân loại, di sản đồ sộ của Tagore là một kho báu vô giá, hữu ích không chỉ cho công cuộc khẳng định những giá trị dân tôc mà cho cả hành trình duy trì phổ biến các giá trị nhân bản ngày hôm nay.

Ông Thắng cho rằng, hiện nay, nhân loại trong đó có Việt Nam và Ấn Độ đang đối diện với những thử thách khắc nghiệt mới. Trong cục diện mới ấy, Tagore luôn được nhớ đến như môt đại thi hào, một nhà dân tộc chủ nghĩa kiên cường, nhất là một nhà tư tưởng nhân văn lỗi lạc. Ông đem lại cho các dân tộc bị áp bức niềm tin vào sự bình đẳng, hội nhập và chỉ ra viễn cảnh tốt đẹp co con người là sự học hỏi lẫn nhau giữa các nền văn minh.

Theo ông Thắng, cuộc đời Tagore mang lại hai sứ mệnh là phục hưng dân tộc và đoàn kết thế giới trong nền văn hóa quốc tế với một thái độ hết sức nhẫn nại, khiêm nhường. Bởi vậy, nhà thơ sẽ luôn được nhắc đến như một tấm gương cho các thế hệ nhân loại.

Tư tưởng nhân văn của tác giả đoạt giải Nobel

Không phải nghiễm nhiên mà nhà thơ Tagore vinh dự được là người Châu Á đầu tiên đoạt giải Nobel Văn học. Nói vậy bởi những tác phẩm của ông thấm đẫm tính nhân văn và mang tầm nhân loại.

Minh chứng thêm cho tài năng của Tagore, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã đi vào phân tích tư tưởng của đại thi hào qua tác phẩm của ông.

Tư tưởng nhân văn của Tagore đã được thể hiện trong vở kịch “Lễ máu” với triết lý "Thần thánh không cứu giúp người thì người phải cứu lấy người..." Phải cứu lấy con người, mệnh lệnh đó vang lên ở khắp mọi nơi, đặc biệt là từ xứ sở Bengal giàu đẹp nhưng khốn khổ dưới sự thống trị khắc nghiệt lâu đời của giáo phái Bàlamôn rồi sau đó là chế độ phong kiến Hồi giáo.

Cái tài và tầm của Tagore còn ở chỗ, bao nhiêu quyết liệt, dữ dội, bi tráng được Tagore thể hiện trong văn xuôi thì cũng bấy nhiêu ngọt ngào, ngân rung và diễm lệ được ông biểu lộ trong thơ.

Để cho vẻ đẹp trữ tình của Tagore trở nên mầu nhiệm, thơ ông luôn luôn thổn thức như một lời cầu nguyện. Ông nói về Chúa run rẩy, nồng nàn như nói về tình yêu và nói về tình yêu thành kính, nghiêm trang như nói về Chúa. Chính vì thế, tình yêu của ông là sự khăng khít hài hòa giữa lý tưởng và trần thế, giữa những cao vọng và những cái ở ngay trước tầm tay.

“Người ta nói R. Tagore vĩ đại trước hết tư tưởng nhân văn của ông vĩ đại, tình yêu thương của ông vĩ đại, sự dũng cảm của ông vĩ đại, nó đám vượt qua tất cả, dám chấp nhận tất cả. Chính vì điều này, giải thích vì sao ông được chào đón và kính trọng trên toàn thế giới,” ông Thỉnh nói.

Nhà thơ Lê Thành Nghị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình, Hội Nhà văn Việt Nam cũng khẳng định, nhà thơ Tagore là người con ưu tú nhất, một nghệ sỹ bậc thầy, một nhà nhân đạo cao cả, một triết gia thông thái, một người đấu tranh không mệt mỏi cho sự độc lập của dân tộc, cho cuộc sống hoà bình.

“Tagore, người châu Á đầu tiên đoạt giải Nobel văn học, mà tác phẩm của ông đang vượt qua thời gian, đổ bóng xuống thời đại, thức tỉnh lương tri của con người trên khắp trái đất, đồng cảm và an ủi họ trong những góc khuất của những cuộc đời bất hạnh,” nhà thơ Lê Thành Nghị nói.

Còn dịch giả Thúy Toàn thì nhấn mạnh vào tầm ảnh hưởng của Tagore đối với các văn nghệ sỹ của Việt Nam. Ông Toàn nhận xét, có thể nói, các nhà thơ, nhà văn Việt Nam, ai đã một lần tiếp xúc với sáng tác của nhà thơ Tagore thì đều trở lại với tác phẩm của Tagore, đọc một tác phẩm của Tagore là phải tìm đọc tác phẩm khác của ông.

Tư tưởng nhân văn của Tagore là đi vào cái rễ, lòng người, tâm trạng của người sáng tác Việt Nam vì người Việt Nam đã bao đời cũng mong ước cái mong ươc mà Tagore đã thay mình phát biểu.

Nhiều tác phẩm của đại thi hào Tagore đã được dịch sang tiếng Việt và lưu hành trong đời sống nhân dân Việt Nam. Đội ngũ các học giả, các nhà nghiên cứu về Ấn Độ ngày càng đông đảo ở các trường đại học, các viện nghiên cứu, các cơ sở văn hóa của Việt Nam./.

[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 Sáng ngày 9/11, tại Hà Nội, Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam, Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia đã phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế về cuộc đời và di sản vĩ đại của nhà thơ Rabindranath Tagore nhằm kỷ niệm 150 năm ngày sinh và 70 năm ngày mất của nhà thơ vĩ đại này.
Rabindranath Tagore (6/5/1861-7/8/1941) là một nhà thơ Bengal, được trao giải Nobel Văn học năm 1913, trở thành người châu Á đầu tiên nhận giải thưởng này.
Ngoài hơn 1.000 thi phẩm của mình, nhà thơ Tagore còn để lại cho đời 12 bộ tiểu thuyết dài và vừa, luận văn, hàng trăm truyện ngắn, kí, hàng chục vở kịch, 2.000 tranh vẽ...
Bên cạnh đó, ông còn có bài hát được chọn làm quốc ca của cả Ấn Độ và Bangladesh.

                                                      Theo Thiên Linh (Vietnam+)






Các bài mới
Các bài đã đăng