Tạp chí Sông Hương -
David Hallberg - người Mỹ tới Bolshoi
07:44 | 15/11/2011
Nhà hát Bolshoi (Nga), vừa mở cửa trở lại sau nhiều năm trùng tu cùng với sự trở lại của vũ đoàn danh tiếng Bolshoi. Và đây là đầu tiên trong lịch sử ballet của Bolshoi, sẽ có một nghệ sĩ ballet Mỹ xuất hiện trên sân khấu Nhà hát Bolshoi. Không chỉ là người Mỹ đầu tiên, nghệ sĩ ballet David Hallberg còn là cái tên nước ngoài đầu tiên có mặt tại vũ đoàn huyền thoại này
David Hallberg - người Mỹ tới Bolshoi
David Hallberg

Ballet bắt đầu từ nước Nga và nó là niềm tự hào của người Nga, từ xưa đến nay chưa một người nước ngoài nào được có mặt trong đội hình biểu diễn của nhà hát. Vì thế, sự có mặt của David Hallberg trở thành đầu đề cho nhiều câu chuyện, gần như cổ tích. David Hallberg, vũ công chính của Nhà hát Ballet New York , đã đảo ngược một câu chuyện 50 năm trước đây, khi Rudolf Nureyev, ngôi sao ballet đầu tiên của Xô-viết “đào tẩu” sang phương Tây.

Năm 9 tuổi David Hallberg đã xách đôi giày nhảy đến lớp trong khi lũ con trai đồng môn ai cũng cầm theo cây gậy bóng chày. Hallberg gần như lạc lõng trong nhóm bạn nhưng chưa bao giờ bỏ quên niềm đam mê với ballet.

20 năm sau, hành trình ballet của Hallberg là một chuỗi dài xê dịch, từ quê nhà ở Nam Dakota (Mỹ) đến Paris học việc rồi quay về New York để trở thành thủ lĩnh của Nhà hát Ballet Mỹ cũng như trở thành nghệ sĩ ballet trẻ hàng đầu thế giới. Và bây giờ anh sẽ được đưa lên vị trí cao hơn: nghệ sĩ ballet của Nhà hát Bolshoi, một niềm mơ ước của bất cứ nghệ sĩ ballet nào trên thế giới. Hãng tin AP cho rằng sự có mặt của Hallberg đã mở ra một thời kỳ mới của Bolshoi, tức là sẽ không còn chuyện độc quyền tài năng bản địa nữa, Bolshoi đã thừa nhận tài năng từ bên ngoài biên giới nước Nga.

Tự hào và trách nhiệm

Một buổi sáng đầu năm 2011, tại một quán cà phê sang trọng ở Las Vegas , giáo viên ballet kỳ cựu Kee-Juan Han đang ngồi tán gẫu cùng bạn bè thì chuông điện thoại reo, số máy là từ nước Nga. Người ta chả biết nội dung cuộc nói chuyện là gì nhưng thấy vẻ mặt của Han đầy phấn khích: “Nhận lời đi con trai, chẳng có gì là sai trong quyết định này. Hãy thử đi, con sẽ được tiếp cận với cổ điển ngay trong cái nôi của nó”. Cuộc gọi ấy là của Hallberg, từ Nga, sau khi anh vừa ăn trưa với Sergei Filin, giám đốc nghệ thuật của Bolshoi. Filin muốn mời Hallberg tham gia cùng Bolshoi, không nghĩ được điều gì, Hallberg quyết định gọi ngay cho thầy Han.

Han là thầy của Hallberg đã gần 2 thập niên, từ lúc cậu gầy gò, xanh xao, mái tóc kỳ dị - mái trước thì dài ngoằng mà đuôi gáy thì cụt lủn; cho đến khi là một ngôi sao không thể thay thế ở Nhà hát Ballet New York. “Trong thế giới ballet những tin như vậy không có nhiều đâu. Bạn học múa, trở thành vũ công trẻ, sau đó được thăng tiến vào một nhà hát nào đó, biểu diễn và cứ thế cho đến khi nghỉ hưu. Chẳng có tin tức nào mang tính gây đột biến như Hallberg, một ngày đẹp trời cậu ta trở thành người của Bolshoi. Trước đây chúng tôi từng chứng kiến 2 vụ như vậy nhưng là phía chiều ngược lại, là 2 nghệ sĩ Nga sang phương Tây sinh sống”.

Hallberg chưa từng ở lâu tại Nga, không biết nói tiếng Nga, giờ bắt đầu thuê nhà và tìm thầy dạy tiếng Nga. Sở dĩ Hallberg được mời về Bolshoi là theo lời Giám đốc nghệ thuật Sergei Filin: “Anh ấy có ngoại hình đẹp, kỹ thuật xuất sắc và khả năng diễn xuất tuyệt vời, là những phẩm chất cao nhất của một vũ công cổ điển”. AP bình luận rằng đó là một ví dụ thực tế cho vấn đề thay đổi dòng chảy văn hóa, thế giới đã thay đổi và văn hóa toàn cầu cũng bắt đầu đổi thay.

Ông Kee-Juan Han cũng cho rằng việc một người Mỹ trở thành tâm điểm trên sân khấu ballet Nga, sân nhà của ballet, là một điều cho thấy người Nga không hẳn đã còn vị trí độc tôn trong thế giới ballet nữa. “Cho nên nhiệm vụ của Hallberg rất đáng tự hào và cũng rất nặng nề, bởi cậu ấy đại diện cho cả một quốc gia”, Han nói thêm.

Khổ luyện

David Hallberg không mê môn nào ngoài múa từ khi còn rất nhỏ. Cả nhà David chẳng ai biết ballet thậm chí không có một khái niệm gì về cái môn “bác học” ấy. Cha mẹ đã sắm sẵn cho cậu bé bé Hallberg một cây gậy bóng chày để có thể ra đường và vụt bóng cùng chúng bạn. “Nhưng không, nó cứ ra đường là nhảy, về nhà cũng nhảy, cứ rảnh là nó lôi những bộ phim nhảy nhót ra xem và tập nhảy. Nó có chiếc radio Sony nhỏ và cứ mang ra đường vừa nghe nhạc vừa nhảy”, bà Coleen, mẹ của Hallberg nhớ lại.

Năm lớp 4, một lần tình cờ Hallberg nhặt được tờ bướm quảng cáo tìm diễn viên cho vở múa The Nutcracker của Trường tiểu học Ballet bang Arizona và thế là ba chân bốn cẳng chạy đến xin thử vai cho dù Hallberg chẳng học qua trường lớp chính quy nào. Vai của Hallberg rất nhỏ nhưng được khen ngợi và thế là Hallberg càng quyết chí nuôi ước mơ theo nghiệp múa, bất chấp sự phản đối của gia đình.

Đến năm lớp 7, ước mơ đó càng hiện thực hơn khi trường tiểu học của cậu ở bang Arizona mở lớp nghệ thuật, trong đó có ballet và Hallberg nằng nặc đòi cha mẹ phải cho theo học. Cũng từ đây Hallberg đã gặp được thầy giáo của đời mình, Kee-Juan Han. “Giống như là trời định vậy, chúng tôi không thể làm đảo ngược mong muốn của nó và chỉ còn biết cầu trời một lúc nào đó nó sẽ quay về và đi theo hướng mà cha mẹ mong muốn” - cha mẹ Hallberg than thở.

 Nhưng ngày ấy chẳng bao giờ xảy ra, cậu bé Hallberg 14 tuổi tập ballet say sưa như thể đó mới là thế giới thật sự của cậu. Hallberg mỗi ngày tập từ sáng tới gần 23h và tràn đầy năng lượng. “Cậu ta tập không nghỉ, năng lượng tràn trề. Nếu bạn bảo cậu ta “hãy nhảy đi” thì cậu ấy sẽ hỏi lại “nhảy cao cỡ nào?”, một câu hỏi ngược mà những học sinh ở độ tuổi ấy ít ai dám hỏi”.

Năm 17 tuổi Hallberg đến Paris tham gia buổi tuyển sinh của Trường Opera Ballet, 2 tuần sau cậu gửi về nhà một đoạn video và giấy báo nhập học. Cả nhà ngỡ ngàng và dường như không ai trong gia đình biết được Hallberg giỏi đến mức nào. Tuy nhiên, một năm ở Paris khiến Hallberg đổ nhiều mồ hôi hơn dự tưởng. Nó vẫn thường gửi thiệp về nhà nhưng trong đó toàn những lời lẽ buồn bã. Đến Giáng sinh thì nó về thăm nhà với gương mặt mệt mỏi. Tôi bảo thôi con đừng quay lại đó nữa nhưng Hallberg đáp ngay: “Không, con sẽ quay lại”, bà Coleen, mẹ của Hallberg nhớ lại. Lần này gia đình không cản Hallberg nữa mà chỉ nói rằng: “Được, vậy thì hãy quay lại Paris nhưng nhớ gửi thiệp về nhà với những lời tươi tắn hơn nhé”.

Sau khi tốt nghiệp ở Paris, Hallberg về quê nhà và xin vào Đoàn ballet Mỹ (ABT) tại New York từ chân thực tập. 3 năm sau Hallberg trở thành nghệ sĩ chủ lực của ABT. Kevin McKenzie, ông trùm ở ABT đánh giá Hallberg là một người cực kỳ tài năng và thông minh. Khi Hallberg được Bolshoi mời, anh đã hỏi ý kiến của McKenzie và nhận được câu trả lời rằng: “Cậu nên nhớ tuổi đời của Bolshoi còn già hơn nước Mỹ và tôi đánh giá lời mời của Bolshoi là một sự dũng cảm bởi ở đó luôn nổi tiếng là bảo thủ và họ có đủ tự tin để bảo thủ”.

Cuối tháng này cả gia đình Hallberg cùng thầy giáo của anh sẽ sang Nga để xem Hallberg diễn trong vở Công chúa ngủ trong rừng, một vở ballet mà đoàn Bolshoi đã rất tự hào bao nhiêu thập niên qua. Một người Mỹ trên sân khấu Bolshoi quả là một sự kiện rất đáng quan tâm. “Chưa đâu, cậu ta sẽ còn đi rất, rất dài, ở tuổi 29 con đường của Hallberg mới bắt đầu và cũng bởi anh ta là một trong vài người đặc biệt của ballet”, thầy giáo Kee-Juan Han tự hào.

                                                        Theo Nguyên Minh - TTVH

 



















































 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng