Tạp chí Sông Hương -
"Cái trống thiếc": Quán quân gây tranh cãi nhất
09:10 | 25/11/2011
Cái trống thiếc (tiếng Đức: Die Blechtrommel) là bộ phim hiếm hoi trong lịch sử đoạt “cú đúp“ Cành cọ Vàng LHP Cannes, lẫn giải Oscar Phim nước ngoài hay nhất (1979). Cách đây vài năm, The Tin Drum từng nằm trong chương trình giới thiệu điện ảnh Đức tại Việt , nhưng giờ chót phim này bị loại cũng vì lý do nhạy cảm, giống như những lần bộ phim bị phản ứng cách đây hơn 30 năm
Poster phim

Sau 40 năm mới đoạt giải Nobel

The Tin Drum là tiểu thuyết đầu tay của nhà văn Đức gốc Ba Lan Günter Grass, xuất bản năm 1959 và lập tức gây chấn động. Năm 1999, bốn thập niên sau khi làm chao đảo văn đàn thế giới, nó mới được trao giải Nobel. Tiến sĩ Horace Engdahl, viện sĩ Viện hàn lâm Thụy Ðiển, thư ký Ủy ban Nobel đã phát biểu trong diễn văn trao giải: “Việc tặng giải Nobel Văn học cho Günter Grass tuy hơi muộn, nhưng lại mang một ý nghĩa đặc biệt, bởi 1999 rơi vào năm bắc cầu giữa hai thế kỷ 20 và 21”. The Tin Drum là cuốn tiểu thuyết được biết đến nhiều nhất trong nền văn chương hậu chiến của Đức, và được đánh giá như lần khai sinh thứ hai cho thể loại tiểu thuyết Ðức đương đại thế kỷ 20.

Toàn bộ câu chuyện ngụ ngôn đen trong The Tin Drum tập trung vào hình tượng chú bé Oskar Matzerath. Vào lần sinh nhật thứ ba của mình, Oskar được tặng một cái trống thiếc và chú bé quyết định thôi không lớn nữa, mà dừng ở tầm cao 94cm, do quá kinh tởm thế giới của “người lớn”. Từ lúc đó cho đến khi trưởng thành trong thân xác của một đứa bé 3 tuổi, Oskar luôn thể hiện sự giận dữ của mình bằng cách đánh trống inh ỏi, kèm theo một khả năng siêu nhiên khác: Oskar hét có thể làm vỡ tan thủy tinh!

Ở tầm cao… sát mặt đất ấy, Oskar như một nhân chứng ngỗ ngược từ lúc trỗi dậy cho đến ngày tàn của phát xít Đức, qua những sự kiện diễn ra ở Danzig (Ba Lan) từ 1924 đến 1950. Oskar đã nhìn lịch sử bằng cái nhìn riêng, đúng với chiều cao của mình. Sự báng bổ, giễu cợt đầy méo mó của nhân vật Oskar đã được Ủy ban Nobel khẳng định: “Kiểu ngụ ngôn đen bỡn cợt của Günter Grass thể hiện gương mặt lãng quên của lịch sử”.

Sau 20 năm mới lên màn ảnh

Khi The Tin Drum nâng danh tiếng của Günter Grass lên tầm quốc tế ở thập niên 1960, thế giới vẫn chưa bao giờ nhắc tới một bộ phim nào của Đức. Khi trào lưu điện ảnh mới của Đức bắt đầu nổi lên vào những năm 1970, Grass mới nhận được nhiều lời xin phép chuyển thể The Tin Drum thành phim, từ Johannes Schaaf (Đức) tới Roman Polanski hay Andrzej Wajda (Ba Lan). Nhưng khi đạo diễn Đức Volker Schlöndorff và nhà sản xuất Anatole Dauman xin phép, Grass mới yên tâm chấp thuận. Volker Schlöndorff là đạo diễn dày dạn kinh nghiệm với hơn chục phim trong sự nghiệp, đặc biệt là phim dựa theo các tác phẩm văn học (những phim trước của ông dựa theo các tác phẩm của Robert Musil, Heinrich von Kleist, Bertolt Brecht và Heinrich Böll).

Chủ đề trung tâm của cả tiểu thuyết lẫn phim là sự quyết định không lớn lên nữa của cậu bé Oskar - nghĩa là cậu từ chối chấp nhận xã hội “người lớn” và có những cư xử kỳ quặc. Trong phim, Schlöndorff thường cho khán giả nhìn bằng nhãn quan của Oskar (nhiều cảnh của bộ phim được quay ngang tầm của đầu gối), biến thế giới của “người lớn” thành một vở kịch câm kỳ quái, khai thác tình dục và chính trị tới mức lố bịch. Ông thành công trong việc tạo ra một hình ảnh về thế giới toàn là những con rối kệch cỡm, với tham vọng quá mức và dục vọng vô biên.

Danh tiếng và tai tiếng

Trong bộ phim dài 142 phút này, vai diễn độc đáo Oskar Matzerath chiếm đến 90% thời lượng. Nghĩa là nếu không tìm đúng diễn viên, bộ phim sẽ sụp đổ. Ngay từ đầu, đạo diễn Schlöndorff biết rằng vai này không thể giao cho một người lùn. Günter Grass cũng nhấn mạnh điều này, rằng đó phải là một đứa bé chậm lớn. Một nam diễn viên nhí là giải pháp duy nhất.

Thông báo tuyển diễn viên rao khắp châu Âu, đặc biệt ở những nơi nói tiếng Đức, nhưng chưa có kết quả. Cuối cùng, Schlöndorff sực nhớ tới con trai một diễn viên từng đóng phim của ông, cậu bé 12 tuổi David Bennent có nét mặt phát triển sớm hơn cơ thể nhiều năm. Tuy nhiên sự chậm phát triển của David ở ngoài đời khiến cho cậu khó mà đóng vai Oskar lúc quyết định trở thành người lớn. Do đó Schlöndorff phải thay đổi cái kết phim không như đoạn kết trong tiểu thuyết.

Vai diễn của David thật sự nổi trội. Cậu bé đã lột tả một cách phi thường những tâm lý phức tạp, trong vai diễn trẻ con được đánh giá là “khó xơi” nhất xưa nay. Mọi người đều khẳng định, nếu không tìm được David Bennent thì không thể có phim The Tin Drum.

The Tin Drum là một trong những bộ phim thành công nhất của Đức về mặt thương mại và giải thưởng. Nó chia sẻ giải Cành cọ Vàng tại LHP Cannes năm 1979, cùng với bộ phim Apocalypse Now (Ngày tận thế) của F.F.Coppola. Danh giá hơn cả là giải Oscar Phim nước ngoài hay nhất năm 1979.

Nhưng càng nổi tiếng bao nhiêu, The Tin Drum càng bị chỉ trích dữ dội bấy nhiêu, bởi những cảnh mô tả tình dục một cách trần trụi trong phim. “Đặc biệt nguy hiểm” là những cảnh cậu bé David - vai một thanh niên 16 tuổi trong thân xác một đứa bé 3 tuổi - úp mặt trực diện vào bộ phận sinh dục của cô gái 16 tuổi, vai Maria do Katharina Thalbach đóng (khi ấy đã 24 tuổi). Tiếp theo David diễn cảnh liếm bột trái cây sủi bọt trên rốn của Maria, rồi sau đó có vẻ David quan hệ bằng miệng rồi làm tình với Maria trên giường. Còn một cảnh nữa mô tả Oskar quan sát cảnh bố mình làm tình với Maria ở phòng khách, cậu bé nổi cơn ghen nhảy xổ vào can thiệp.

Từ năm 1980, phim The Tin Drum luôn bị kiểm duyệt gắt gao mỗi khi công chiếu, và sau đó bị ủy ban kiểm duyệt ở Ontario, Canada cấm, vì cho rằng bộ phim có tính khiêu dâm trẻ em. Tương tự, năm 1997, sau một phán quyết của thẩm phán tòa án quận, The Tin Drum bị cấm ở hạt Oklahoma, bang Oklahoma (Mỹ). Tất cả các bản video của The Tin Drum tại Oklahoma đều bị tịch thu. Một người thuê băng video của bộ phim bị đe dọa truy tố. Điều này dẫn tới một loạt phiên tòa đáng chú ý, bàn lại về giá trị của bộ phim nói chung và những cảnh gây tranh cãi nói riêng, lẫn vai trò của thẩm phán như là người kiểm duyệt. Cuối cùng bộ phim được minh oan, và hầu hết các bản video bị tịch thu được trả lại. Tới năm 2001 The Tin Drum có mặt hợp pháp tại Oklahoma . Sự kiện này đã được thuật lại trong bộ phim tài liệu Banned in Oklahoma (Bị cấm ở Oklahoma ).

Bản khai có tuyên thệ của đạo diễn

Trong bản khai có tuyên thệ gửi tòa án tiểu bang Oklahoma ngày 22/4/1998, đạo diễn Schlöndorff đã giải thích cặn kẽ những gì ông và bộ phim bị kết tội.

… Tôi biết được rằng có ba cảnh trong bộ phim The Tin Drum mà thành phố Oklahoma, viên biện lý quận Robert Macy, chánh cảnh sát và các sĩ quan cảnh sát, trong vụ kiện tụng này cho là bất hợp pháp. Những cảnh ấy có thể được xác định là cảnh nhà tắm, cảnh trên giường và cảnh phòng khách. Cả David Bennent lẫn Katharina Thalbach đều không khỏa thân trực diện trong các cảnh ấy, hay trong bất kỳ cảnh nào khác của bộ phim. Cả hai đều không phô bày bộ phận sinh dục hay bất cứ vùng nhạy cảm nào trong ba cảnh này, cũng như không có bất kỳ hành vi tình dục hay làm tình nào trong cả bộ phim.

Trong cảnh hai nhân vật Oskar và Maria ở trong nhà tắm. Suốt thời gian đóng cảnh này, David không hề có bất kỳ sự tiếp xúc nào với bộ phận sinh dục của Katharina. Mà hoàn toàn ngược lại. Tất cả bộ phận sinh dục và mông của Katharina luôn luôn được che kín hoàn toàn bằng một miếng vải mỏng gọi là Duvetyne, giữ chặt đúng nơi bằng băng dính trong suốt. Tôi đảm bảo đó là một rào chắn đầy đủ, ngăn cản bất kỳ sự tiếp xúc nào của cơ thể từ đầu tới thân mình.

Dù có nhiều ngụ ý về việc nhân vật Oskar hứng tình trong cảnh nhà tắm, nhưng cảnh này không nhằm mô tả, khắc họa, hay trình bày hành vi tình dục, mà trình bày hoàn cảnh nhân vật Oskar 16 tuổi lần đầu tiên nhìn thấy phụ nữ khỏa thân. Và phản ứng của cậu khi chạy ào tới nhân vật Maria, là nhằm tìm cách trở về (mang tính biểu tượng) nơi chốn an toàn trong tử cung, mà cậu đã có trải nghiệm trước khi ra đời, như đã được trình bày ở đầu phim.

Cảnh hai nhân vật Oskar và Maria phải nằm chung giường trong đêm. Suốt thời gian đóng cảnh này, hai diễn viên cũng không hề có bất kỳ sự tiếp xúc nhạy cảm nào. Họ luôn luôn mặc đồ kín đáo. Khi Oskar xuất hiện trong một cảnh đặt cằm của cậu phía trên bụng, cách rốn của nhân vật Maria xấp xỉ 5 hay 7cm, rồi đến một cảnh khác có vẻ như hai người làm tình dưới tấm chăn. Tôi khẳng định, không có hành vi tình dục thực sự nào được mô tả trong cảnh ấy. Bất kỳ ý nghĩ nào cho rằng họ hoạt động tình dục, đều chỉ là sản phẩm tưởng tượng của người xem.

Oskar được miêu tả trong phim là một nhân vật đang trải qua những thay đổi về cảm xúc, sinh lý và khả năng tự nhận thức. Nội dung của những cảnh này - giống như cả bộ phim - miêu tả sâu về bản chất và đặc tính cơ bản của sự phát triển các mối quan hệ xã hội, chính trị, kinh tế và lịch sử ở châu Âu thế kỷ 20. Để truyền tải những ý tưởng này đến với khán giả một cách có hiệu quả, thì điều cần thiết là phải sử dụng những cảnh có nhiều hình ảnh và kịch tính...

Mọi chuyện đã rõ, tất cả những hình ảnh và kịch tính mà The Tin Drum bị dư luận phản ứng, hoàn toàn là kết quả từ ảo giác của người xem, được tạo ra bằng tài nghệ dàn dựng của đạo diễn và kỹ xảo của nghệ thuật làm phim. Những cảnh nhạy cảm đó thật sự quan trọng với bộ phim. Đó là lý do đạo diễn Schlöndorff không nhượng bộ bất cứ quốc gia nào muốn kiểm duyệt đòi cắt bỏ những cảnh đó. Ông thà chấp nhận mất thời gian giải trình hoặc bị cấm chiếu, chứ dứt khoát không chịu cắt, dù chỉ 1 giây.

                                                                      Theo Bá Vũ - THVH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng