Tạp chí Sông Hương -
Chiếc lọ sứ có hình thiên nga Việt
15:37 | 28/11/2011
 “Nếu nói chiếc lọ sứ có hình thiên nga này độc đáo nhất, hồn quê đất Việt nhất thì cũng đúng” - TS Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh thành Thăng Long, nói.
Chiếc lọ sứ có hình thiên nga Việt
Ảnh: tư liệu
Chỉ vào những nét vẽ màu lam thanh thoát trên nền sứ trắng, TS Bùi Minh Trí cho biết: “Trên tàu đắm ở Cù Lao Chàm có gốm sứ của nhiều nước khác nhau. Chiếc bình này đẹp nổi bật trong số đó, và nó là của người Việt”.

Trên chiếc bình, những chú thiên nga được vẽ ở nhiều hình dáng khác nhau. Mặc dù vậy, cuốn sách Cổ vật Việt Nam mới xuất bản của Bảo tàng Lịch sử chỉ chụp giới thiệu một tư thế của thiên nga, đuôi hướng lên trên, cổ tạo góc vuông hướng về phía trước, đầu hướng trước như đang quan sát chăm chú. Sự chuyển màu đậm nhạt trên mình thiên nga vô cùng tinh tế. Những nét viền miêu tả cánh cũng thoáng đạt và mềm mại.

“Tôi nghĩ người xem có thể thắc mắc về chú thiên nga này. Trông nó hoàn toàn không giống những hình dung về thiên nga mà chúng ta vẫn tưởng tượng - những con thiên nga châu Âu. Thế nên tôi muốn nói rằng thiên nga cũng có nhiều dòng. Những dòng này được vẽ trên gốm sứ nhiều nước, Trung Quốc có, Việt Nam có. Con thiên nga này chính là con truyền thống, đặc trưng của Việt Nam”, ông Trí - người từng nhận giải thưởng luận án tiến sĩ sử học xuất sắc nhất năm cho nghiên cứu của mình về gốm, khẳng định.

Bên cạnh hình thiên nga thuộc đề tài động vật, bình còn vẽ nhiều đề tài khác như phong cảnh sơn thủy với mây trời, cây cối… Theo TS Phạm Quốc Quân - Giám đốc Bảo tàng Cách mạng, những đề tài này được thể hiện bằng nét vẽ phóng khoáng và chi tiết lạ lùng.

TS Quân cũng cho biết, trong sưu tập gốm Cù Lao Chàm (trong đó có chiếc bình vẽ thiên nga này), mặc dù có rất nhiều tiêu bản vẽ sơn thủy, phong cảnh, tùng đài, song không hề thấy một nguyên mẫu nào của tích cổ Trung Hoa. Trong khi ấy, ở Trung Quốc đương thời, tích Tam Quốc diễn nghĩa, Thủy Hử... là những đề tài được khai thác tối đa. Cũng như vậy, trên gốm Cù Lao Chàm có “tam hữu”, “tứ quý”, “tứ linh” nhưng cách diễn tả, bố cục không hề giống chút nào với gốm Trung Hoa thể hiện đề tài tương tự. Điều này chứng tỏ rõ phong cách Việt của gốm Cù Lao Chàm.

TS Nguyễn Đình Chiến - Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử - cho hay một trong những giá trị nổi bật của chiếc bình là sự độc bản. Theo thỏa thuận với các chuyên gia nước ngoài khi khai quật tàu cổ Cù Lao Chàm, những đồ vật quý, độc bản sẽ thuộc sở hữu của nước ta. Chiếc bình thiên nga gốm hoa lam này nằm trong số những hiện vật độc bản đó.

TS Bùi Minh Trí nhận xét, cho dù gốm Việt còn có nhiều tuyệt tác khác, nhưng so với những gì chúng ta đang có ở trong nước thì chiếc bình này hoàn toàn xứng đáng là bảo vật quốc gia. Trên thực tế, ở nước ngoài còn có những chiếc bình với kích cỡ lớn, nghệ thuật tinh xảo hơn và còn những chiếc khác vốn đang nằm trong các bộ sưu tập tư nhân có thể chưa lộ diện.

Gốm Chu Đậu hay Hoàng thành?

Cho dù cùng thống nhất về giá trị “bảo vật quốc gia” của chiếc bình gốm có hình thiên nga, TS Trí lại không đồng ý với việc bảo tàng lịch sử đánh giá tác phẩm thuộc dòng gốm Chu Đậu. “Tôi chỉ đồng ý với việc nó rất hồn quê đất Việt, nó quý, còn chẳng có yếu tố nào để gọi đó là gốm Chu Đậu cả”, TS Trí nói.

Nghiên cứu cho thấy, tại Thăng Long có những lò gốm do nhà nước quản lý, chất lượng rất cao, dành cho những đối tượng sang trọng, có vị trí trong xã hội. Gọi là “lò quan” để thể hiện rõ sự khác biệt với những sản phẩm bình dân ở các “lò dân”. Gốm lò quan rất tinh xảo ở Thăng Long không chỉ sản xuất cho giới quý tộc, vua chúa Thăng Long mà còn xuất khẩu sang các nước, thậm chí sang cả các nước Hồi giáo.

Phân tích kỹ thuật vẽ những vân mây, hình rồng, ông Trí khẳng định chiếc bình trên ắt hẳn phải thuộc về lò quan Thăng Long chứ không thể là của Chu Đậu. Ông cũng cho biết, khai quật ở Hoàng thành Thăng Long tìm thấy rất nhiều những mảnh gốm có hoa văn tương tự.

TS Trí lưu ý rằng gốm Thăng Long có nhiều loại, ngoài sản phẩm hàng hóa còn có những đồ dùng để làm quà tặng. Chẳng hạn, một sản phẩm vẽ hình chim phượng thì chắc chắn nó phải được dùng cho hoàng hậu hoặc công chúa. Những loại hàng này thường độc bản.

Mặc dù vậy, TS Trí lại xếp chiếc bình thiên nga độc bản trên tàu Cù Lao Chàm này vào loại hàng hóa. Theo ông, nó phải là hàng hóa vì đề tài trên đó khá phổ biến.

Sự quá gần với gốm Chu Đậu có thể gây nhầm lẫn, TS Trí lý giải bằng chính những người thợ làm ra chiếc bình: “Một thực tế là trong quá trình sản xuất, rất nhiều thợ gốm Chu Đậu lên Thăng Long làm việc. Sau đó, phong cách của gốm trong hoàng cung Thăng Long được mang ra dân gian và được dân gian sao chép. Có nghĩa, nó có ảnh hưởng ngược lại lò dân gian. Mặc dù vậy, gốm lò quan bao giờ cũng có tính quy phạm. Chẳng hạn, lò dân gian không được phép vẽ rồng phượng. Bản thân phong cách vẽ mây của gốm Thăng Long đẳng cấp hơn. Chất lượng gốm cũng hoàn toàn khác, đanh, chắc, đẹp hơn”.

Chính vì thế, dựa trên cách vân mây rất uyển chuyển mà vẫn có quy chuẩn, chất lượng gốm tuyệt hảo của bình gốm có hình thiên nga, TS Trí khẳng định nó hoàn toàn không phải gốm Chu Đậu, mà phải là gốm lò quan ở Hoàng thành Thăng Long.

Theo Ngô An - TNO















Các bài mới
Các bài đã đăng