Tạp chí Sông Hương -
Nhớ một “người trẻ dáng nâu”
14:57 | 09/12/2011
Hôm 6/12, bạn bè văn nghệ của cố nhà thơ Nguyễn Trung Bình từ khắp mọi miền đã tề tựu về Sài Gòn ra mắt cuốn sách Người trẻ dáng nâu nhân hai năm ngày mất của anh.
Nhớ một “người trẻ dáng nâu”
Nhà thơ Phùng Tấn Đông từ Quảng Nam vào Sài Gòn ra mắt Người trẻ dáng nâu

Người trẻ dáng nâu do NXB Lao Động và bạn bè của Nguyễn Trung Bình thực hiện, tập hợp các tác phẩm, hình ảnh và những kỷ niệm về tác giả kịch bản phim Xích-lô. Với bạn yêu văn chương, bài thơ dài nằm trong tập thơ cùng tên Bài của trẻ dáng nâu, là tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Trung Bình.

Sống trên mặt đất này 42 năm, Nguyễn Trung Bình đã có nhiều cuộc “bày biện đất trời nâu” cho mình và trong lòng bạn bè. Bút danh Nguyễn Trung Bình cũng là tên khai sinh của anh. Có lần Nguyễn Trung Bình đổi bút danh, vì làm thơ hay làm nghệ thuật mà cứ “trung bình” thì “chả ma nào đọc”. Anh đã lấy tên người yêu đầu đời thời sinh viên ở Huế làm bút danh cho mình. Song, cuối cùng Trung Bình vẫn là Trung Bình, vì dù tên của người yêu hay một bút danh nào khác vẫn không thể bằng tên họ của cha mẹ cho mình.

Trong đời sống hàng ngày, Nguyễn Trung Bình sống rất quyết liệt chứ không “trung bình” chút nào. Chuyện một đêm mưa thời tuổi trẻ ở Huế, Nguyễn Trung Bình đã chặt đứt ngón tay vì tình yêu đầu. Người như thế, hoặc có ít bạn bè vì họ ngại, nhưng ai đã là bạn của Nguyễn Trung Bình rồi thì quý anh suốt đời, bởi lẽ một người dám sống đến tận cùng như Bình không bao giờ “lừa thầy phản bạn”. 

Nguyễn Trung Bình từng làm báo, làm xuất bản, làm biên kịch phim, làm đạo diễn và cả làm doanh nhân. Mặc dù có thành công chút ít về mặt danh xưng với đời, nhưng bạc tiền đến phút chót với Bình vẫn rất “trung bình”. 

Giờ phút cuối cùng của Nguyễn Trung Bình ở quán 81 Trần Quốc Thảo, Q.3, TP.HCM. Khi đó Bình bị ung thư giai đoạn cuối, dù rất đau nhưng quá cô đơn, quá buồn nên anh vẫn tìm ra 81 gặp bạn bè. Buổi trưa hôm ấy, tôi đi ngang quán 81, Trung Bình nhìn thấy tôi liền kêu nhà thơ Trần Hữu Dũng ra chặn xe kéo vào bàn. Trong câu chuyện, Trần Hữu Dũng có kể về hai câu thơ nổi tiếng của một nhà thơ nổi tiếng đã chết. Tác giả thực của hai câu thơ này đang còn sống ở miền Tây Nam bộ, còn ông nhà thơ đã chết kia là kẻ đạo thơ. Tôi nói người ta chết rồi thì thôi, nghĩa tử là nghĩa tận. Nguyễn Trung Bình gật gù: “Nghĩa tử là nghĩa tận”, rồi anh đứng lên đi vệ sinh. Từ nhà vệ sinh ra, Nguyễn Trung Bình đi không nổi, anh ngồi xuống cạnh tôi và lịm dần. Sáng hôm sau, anh ra đi mãi mãi... 

Hai năm nay, kể từ ngày Nguyễn Trung Bình mất, tôi luôn nhớ anh, muốn viết một điều gì đó về anh nhưng không viết được, có lẽ vì tôi quá sốc. Nhớ về Nguyễn Trung Bình, nhớ về một “người trẻ dáng nâu”, nhớ về phim Xích-lôvà nhớ về nhiều điều nữa... ở một con người khi sống được nhiều người thương, khi chết nhiều người tiếc. Làm nghệ sĩ hay làm người bình thường, sống được như Bình đã là đáng quý, dù tuổi đời của anh chỉ “trung bình”, sống ít nhưng chất lượng.

Theo Trần Hoàng Nhân - TT&VH






























Các bài mới
Các bài đã đăng