Tạp chí Sông Hương -
Tiểu thuyết gia có phải là những kẻ nói dối?
14:24 | 12/12/2011
Italo Calvino (1923 – 1985), nhà văn Ý, là một trong những tác giả quan trọng nhất của văn học thế giới thế kỷ 20. Ông là tác giả nhiều tiểu thuyết và tiểu luận phê bình. Các tác phẩm của ông đã được dịch ở Việt gồm Ngài Palomar, tước trên cây, Nếu một đêm đông có người lữ khách, và Tử tước chẻ đôi. Dưới đây là bản trích dịch bài phỏng vấn Italo Calvino do tạp chí The Paris Review thực hiện năm 1983
Tiểu thuyết gia có phải là những kẻ nói dối?

Tiểu thuyết gia có phải là những kẻ nói dối? Nếu không, thì họ thuật lại loại sự thật nào?

Tiểu thuyết gia nói về cái khoản sự thật ẩn dưới đáy của mỗi lời nói dối. Với một nhà phân tích tâm lý, nói dối hay nói thật không quan trọng mấy bởi những lời nói dối cũng thú vị, hùng hồn, và khơi lộ chẳng kém bất kỳ điều được cho là sự thật nào.

Tôi cảm thấy nghi ngờ nhà văn nào tuyên bố kể toàn bộ sự thật về chính mình, về cuộc đời, hay về thế giới. Tôi thích sống cùng những sự thật tôi tìm thấy trong các nhà văn tự thể hiện mình như những kẻ nói dối mặt dày nhất. Mục đích của tôi khi viết Nếu một đêm đông có người lữ khách, một tiểu thuyết hoàn toàn dựa vào huyễn tưởng, là để tìm thấy theo cách này, một sự thật mà tôi không thể tìm thấy theo cách nào khác.

Theo ông thì nhà văn viết những điều họ có thể viết hay là những điều nên viết?

Nhà văn viết những điều họ có thể viết. Hành vi viết là một chức năng chỉ trở nên hiệu quả nếu nó cho phép người ta bộc lộ cái tôi nội tại. Một nhà văn cảm được nhiều dạng hạn chế khác nhau – những hạn chế về văn chương, ví dụ như số dòng trong một bài sonnet hay các quy tắc của bi kịch cổ điển. Những điều này là một phần của cấu trúc tác phẩm, trong đó tính cách của nhà văn được tự do bộc lộ. Nhưng cũng có một số hạn chế về tôn giáo, đạo đức, triết học, và nghĩa vụ chính trị. Những thứ này không thể áp đặt trực tiếp lên tác phẩm mà phải được lọc qua cái tôi nội tại của nhà văn. Chỉ khi chúng là một phần tính cách sâu kín nhất của nhà văn thì chúng mới có thể tìm thấy chỗ trong tác phẩm mà không bóp nghẹt tác phẩm.

Ông có nghĩ là châu Âu bị văn hoá Mỹ và Anh lấn át?

Không. Tôi không chia sẻ những phản ứng mang tính chất sôvanh. Kiến thức về văn hoá nước ngoài là yếu tố sống còn của bất kỳ nền văn hoá nào; tôi tin chúng ta không bao giờ có thể có đủ kiến thức ấy. Một nền văn hoá phải biết cởi mình trước những ảnh hưởng ngoại lai nếu nó muốn giữ cho cái mãnh lực sáng tạo của chính nó sống. Ở Ý, thành tố văn hoá quan trọng nhất luôn là văn học Pháp. Cả văn học Mỹ nữa cũng đã lưu lại dấu ấn trong tôi cả đời. Poe là một trong những hứng thú đầu tiên của tôi: ông dạy tôi tiểu thuyết là gì. Rồi sau tôi khám phá ra rằng Hawthorne đôi khi còn vĩ đại hơn Poe. (...) Những năm tôi phát triển nghề văn, quãng những 1940, là sự thống trị toàn diện của Hemingway, Faulkner, và Fitzgerald. Vào thời đó ở Ý, chúng tôi như cuồng say với văn chương Mỹ. (...) Tôi phải thừa nhận rằng mối quan tâm của tôi đối với văn chương Mỹ phần nào bị lèo lái bởi khao khát theo dõi những gì xảy ra ở một xã hội mà trong chừng mực nào đó dự báo những gì sẽ xảy ra ở châu Âu một vài năm sau...

                                          Theo Lâm Vũ Thao - SGTT
























































 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng