Tạp chí Sông Hương -
Chữ nghĩa để lại
08:39 | 15/12/2011
“Thói đời nóng lạnh, lòng người thắm phai; ai cũng nói thế, ai cũng biết thế, nhưng có từng trải mới thật biết thói đời điên đảo, lòng người xấu xa là dường nào. Nhất là để mình trong trường danh lợi, mới biết rõ những trạng thái ô uế ở đời” - đoạn trích trên đây là từ trang 15, bài Thế thái nhân tình đặt đầu tập di cảo Hoa Đường tuỳ bút (Nhã Nam và NXB Hội Nhà Văn) đặc trưng cho giọng điệu cay đắng của Phạm Quỳnh.
Chữ nghĩa để lại

Ông quan lớn của Nam triều, vị Lại bộ thượng thư lừng lẫy tài cao tuổi trẻ một thời viết ra 11 bài của Hoa Đường tuỳ bút (bài cuối cùng, Cô Kiều với tôi còn đang viết dở) vào những ngày cuối đời (ông mất năm 1945: con người đồng hành cùng cả giai đoạn vài chục năm đầu thế kỷ 20 ấy qua đời vào đúng lúc thời kỳ này kết thúc). Rất bất ngờ, con người Tây học nhưng uyên thâm nho học ấy lại hướng đến Phật giáo vào lúc này: “Chỉ có đạo Phật mới có cái hiệu quả mầu nhiệm đó” (tr. 19), “Đạo Phật là nơi lánh mình thích hợp nhất” (tr. 34).

Trong bài Lão Hoa Đường, Thiếu Hoa Đường, Phạm Quỳnh làm rõ từ đâu mà có cái tên Hoa Đường: ông ngưỡng mộ Lập Trai Phạm Quý Thích (Lão Hoa Đường) mà tự nhận mình là Thiếu Hoa Đường. Phạm Quỳnh còn chép nguyên bài thơ Thư hoài của Phạm Quý Thích treo trước án sách, trong đó có câu “Nhiễu nhiễu phong trần tự hủ nho” (mà ông dịch là: “Cuộc đời bề bộn phận nho quèn”). Câu thơ cũng như một châm ngôn đầy cay đắng của một con người đang có dịp nhìn lại cuộc đời và sự nghiệp của mình.

Cuộc đời và sự nghiệp ấy rất hiển hách, lại được một đặc điểm hẳn ông lấy làm tâm đắc, là kết hợp được “chính trị” và “văn học”, như thể hiện trong bài Văn học, chính trị, nhưng sự nghiệp và cuộc đời ấy cũng có chỗ “vô duyên” (bài Vô duyên, trong đó Phạm Quỳnh luận về số mệnh “những con người hữu tài và vô duyên” - tr. 34), lại gặp phải những điều không mấy vừa lòng, mà bằng chứng là những gì Phạm Quỳnh viết (đầy tính chất ám chỉ) trong bài Con người hiểm độc.

Một chút lịch sử qua cái nhìn của người trong cuộc (cụ thể là xung quanh sự kiện Nhật lật đổ Pháp hồi tháng 3.1945) được thuật lại vắn tắt trong bài Chuyện một đêm một ngày. Đọc bài này độc giả cũng thấy nhiều tiếc nuối, vì ở cuối bài Phạm Quỳnh nói đến chuyện mình sẽ “thuật tường” một số vụ việc quan trọng của nội các Nam triều lúc ấy. Sau này Phạm Quỳnh không có thời gian để làm công việc đó, mà những gì ông sẽ trải qua người ta chỉ có thể biết được chủ yếu qua lời kể của người con rể Nguyễn Tiến Lãng dưới dạng tiểu thuyết trong Les Chemins de révolte (Những con đường của sự nổi loạn).

Hoa Đường tuỳ bút cho ta gặp lại một Phạm Quỳnh ít tính chất luận chiến, ít hình dáng một học giả quan trọng của cả một giai đoạn, mà u hoài trong những bài viết gọn ghẽ, đầy suy tư, và hiểu ra rằng cái quan trọng nhất mà những nhân vật của giai đoạn ấy để lại cho hậu thế, là chữ nghĩa, là các công trình học thuật. Phạm Quỳnh có vai trò quan trọng với Nam Phong tạp chí đến mức khi ông rời vị trí chủ bút để nhường lại cho Nguyễn Tiến Lãng thì tờ tạp chí lừng danh đã không sống thêm được lâu. Sau này các bài viết quan trọng của ông được in trong bộ Thượng Chi văn tập, in lần đầu năm 1943, lần thứ hai năm 1962 và gần đây đã được tái bản. Cùng Đông Kinh ấn quán, ông đã cho ra đời hàng loạt tác phẩm khảo cứu và biên dịch rất có ý nghĩa vào thời đó:

Lịch sử thế giới, Văn học nước Pháp, Chính trị nước Pháp, Lịch sử và học thuyết của Voltaire, Khảo về tiểu thuyết…

Tập Hoa Đường tuỳ bút này, ngoài 11 bài viết, còn có 51 bản dịch thơ Đỗ Phủ của Phạm Quỳnh.

                                                                              Theo Cao Việt Dũng - SGTT.VN
















Các bài mới
Các bài đã đăng