Tạp chí Sông Hương -
Phê bình âm nhạc trên các phương tiện thông tin đại chúng: Trong nghề: "ế hàng", ngoại đạo: "điếc không sợ súng"
08:48 | 22/12/2011
Lý luận phê bình âm nhạc đang "mũ ni che tai" với đời sống âm nhạc hiện nay; Những ca sĩ bình thường nhưng lại được tâng bốc trở thành sao; nhiều sản phẩm âm nhạc phi nghệ thuật như nhạc chế, nhạc sàn liên tiếp ra đời mà không có lời nhắc nhở...
Phê bình âm nhạc trên các phương tiện thông tin đại chúng: Trong nghề:
Màn biểu diễn của Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương tại Hội thảo Ảnh: T.H

Trước thực trạng này, Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương đã tổ chức Hội nghị khoa học lý luận phê bình âm nhạc nhằm phần nào đi tìm lời giải cho thực trạng nói trên.

Tha hồ tâng bốc, tha hồ "tôn vinh"

Những thập kỷ trước đây, nền âm nhạc VN đã hình thành một đội ngũ những người làm công tác lý luận phê bình được đào tạo cơ bản ở trong và ngoài nước. Tuy nhiên thời điểm hiện nay, theo đánh giá của GS. TS Phạm Minh Khang, Giám đốc Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc VN thì công tác lý luận và phê bình âm nhạc chưa kịp đổi mới, dẫn đến tình trạng phê bình chạy theo, những bài viết lý luận phê bình âm nhạc vẫn còn mang tính mô tả hoặc ca ngợi chung chung, né tránh, chưa thực sự mang tính phát hiện hay phê phán.

Nhiều chương trình giới thiệu âm nhạc trên truyền hình và phát thanh hiện nay là do người làm báo hoặc biên tập không có chuyên môn về âm nhạc thực hiện. Điều này dẫn tới rất nhiều sai sót về chuyên môn, đặc biệt là cách dùng từ ví von, so sánh trong quá trình giới thiệu các diễn viên. Chẳng hạn họ ví những ca sĩ ở hạng trung bình như những "ngôi sao" trên bầu trời âm nhạc, rồi "thần tượng" âm nhạc hoặc những "tài năng xuất chúng"... Hiện tượng này là phổ biến, đi ngược lại những giá trị thẩm mỹ, giá trị của văn hóa âm nhạc.

Trong tham luận về thực trạng âm nhạc trên mạng, nhạc sĩ Trần Lệ Chiến (Đài Tiếng nói VN) vô cùng bức xúc cho rằng: Có một thực tế báo động, đó là công tác quản lý văn hóa hết sức lỏng lẻo của các cơ quan chức năng đang góp phần để cho thị trường âm nhạc nói chung, báo chí viết về âm nhạc và cả thị trường băng đĩa không lành mạnh tràn lan trên các phương tiện truyền thông.

Các nhà mạng thỏa sức đăng tải những video clip thiếu văn hóa chứ chưa nói gì đến tính nghệ thuật lên các trang mạng? Vì không có sự kiểm duyệt gắt gao, không có chế tài đủ mạnh nên một số diễn đàn, báo mạng ngày càng coi thường bạn đọc, coi thường dư luận xã hội, tha hồ tâng bốc, tôn vinh bất cứ ai họ muốn lăng xê cho dù người đó không có tài năng, không có gì đặc biệt, thậm chí có cả các “thành phần” đem những thứ “rác rưởi” vào âm nhạc và coi đó là nghệ thuật, là văn hóa, là sự cống hiến... Và cứ như thế, đĩa nhạc của họ ra đời và mặc nhiên mang danh là “nhạc sĩ”, bài viết của họ được đăng tải lâu dần họ tự đặt mình vào giới phê bình âm nhạc.

Các nhà lý luận phê bình tự "mặc áo gấm" cho mình

Nhạc sĩ Nguyễn Thị Minh Châu cho rằng với báo chí, dân lý luận âm nhạc gần như bị “ế hàng” vì cách viết không phù hợp, không hấp dẫn. Đã thế họ còn là kẻ chậm chân. Sự chậm trễ cố hữu luôn được thay thế bằng những cây bút xung kích của nhà báo nên chẳng ai nhận thấy sự thiếu vắng này. Tiếc là những cây bút “ngoại đạo” non tay nhưng lại… "không sợ súng". Thay vì truyền đạt ý kiến giới nhạc dưới hình thức trích dẫn, phỏng vấn thì họ lại tán dương đến ầm ĩ.

Để bình ổn môi trường âm nhạc hiện nay, các ý kiến tham luận tại hội thảo đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cần có chế tài xử phạt rõ ràng, đủ mạnh và nghiêm minh. Cần xây dựng lộ trình và lập ban thanh tra để xử lý tình huống sai phạm thật nghiêm đối với các tờ báo, trang báo điện tử nào vi phạm Luật Báo chí, quảng bá và xuất bản các sản phẩm văn hóa có ảnh hưởng không tốt đối với công chúng; Trong lĩnh vực đào tạo các Học viện liên ngành chuyên môn cần có sự liên kết chặt chẽ để phối hợp với các cơ quan báo chí đào tạo lý luận phê bình âm nhạc để nhà báo có thể hiểu và có cái nhìn đúng về thực trạng âm nhạc hiện nay; Các nhà lý luận phê bình âm nhạc có tên tuổi cần xắn tay vào làm điểm tựa giúp cho lực lượng lý luận phê bình trẻ; Và dĩ nhiên muốn đạt được hiệu quả cao nhất thì công tác đào tạo ngành lý luận phê bình âm nhạc cần được xem là một nhu cầu cấp bách trong tình hình hiện nay và phải được đầu tư một cách toàn diện hơn nữa.


Một trong những vấn đề nhức nhối của âm nhạc VN hiện nay là sự bùng nổ của công nghệ thông tin, kéo theo một trào lưu sáng tác mới, nào là nhạc sàn, nhạc chế, nhạc chuông, nhạc chờ... là những thứ được làm từ công nghệ, máy móc chứ không phải sản phẩm làm ra bằng trái tim, khối óc và bằng xúc cảm nghệ thuật, nhiều bài hát, nhiều đoạn nhạc chuông, nhạc chờ khiến người ta sởn da gà khi nghe bởi âm nhạc thì giật gân, lời lẽ thì thô tục, thiếu tính văn học. (Nhạc sĩ Trần Lệ Chiến, Đài Tiếng nói Việt Nam)



                                                                                       Theo Thúy Hiền - VH















Các bài mới
Các bài đã đăng