Tạp chí Sông Hương -
Nhà thơ Chùa Hương đã được đoàn tụ
08:35 | 27/12/2011
“Trước khi mất, bà Tính nói rằng: “Khi tôi chết, cho tôi nằm cạnh thằng Pháp”. Vậy mà sau 70 năm con cháu chúng tôi mới thực hiện được mong ước đó của cụ” - ông Nguyễn Lân Bình ngậm ngùi kể lại. Bà Tính tức Đinh Thị Tính là vợ cả của nhà báo, dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh (1882 - 1936). Còn Pháp chính là con trai của cụ Nguyễn Văn Vĩnh: nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp (1914 - 1938) - ảnh.
Nhà thơ Chùa Hương đã được đoàn tụ

Bánh đúc có xương

Ngày 21.12 vừa qua, di cốt của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp đã được chính thức đưa về khu nghĩa trang của gia đình tại làng Phượng Vũ, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Người thi sĩ tài năng mà đoản mệnh, người trong cuốn Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh và Hoài Chân từng nhận xét: “Thơ in ra rất ít mà được người ta mến rất nhiều, tưởng không ai bằng Nguyễn Nhược Pháp…” cuối cùng đã được đoàn tụ với gia đình.

Ông Nguyễn Lân Bình, cháu nội cụ Nguyễn Văn Vĩnh kể lại với chúng tôi câu chuyện từ cách đây gần thế kỷ. Nguyễn Nhược Pháp là con trai thứ bảy của cụ Vĩnh nhưng là con trai duy nhất với người vợ thứ hai của cụ, bà Hai Lựu. “Bố tôi (ông Nguyễn Dực - NV) và các chú, các bác kể lại rằng bác Pháp là người nhẹ nhàng, hiền lành nhưng tinh tế và hóm hỉnh”.

Năm Nguyễn Nhược Pháp mới hai tuổi, mẹ ông - bà Hai Lựu qua đời. Có lẽ vì thương đứa trẻ mới sinh ra đời, thương một giọt máu của chính chồng mình, bà Tính đã đứng ra chăm sóc cho Nguyễn Nhược Pháp như con ruột. Người viết cố gắng tìm hiểu về mối quan hệ dì ghẻ - con chồng này thông qua người con út năm nay đã gần 90, cụ Nguyễn Hồ thì cụ chỉ nói một câu ngắn gọn: “Cả đời, chúng tôi chưa bao giờ có cảm giác anh Pháp là con bà khác. Cụ chăm chúng tôi như thế nào thì chăm anh Pháp như thế”.

Nhà thơ Nguyễn Vỹ, người bạn cũng là người đã đi cùng Nguyễn Nhược Pháp trong chuyến lên chùa Hương để ra đời bài thơ nổi tiếng, trong một số tư liệu cũng kể lại rằng tập Ngày xưa ra đời được chính là nhờ công bà Tính. Năm 1935, khi Nguyễn Nhược Pháp nói với bạn ý định xuất bản tập thơ, ông tỏ ra lo lắng vì không có tiền in mà sợ đưa cho thân phụ sẽ bị cụ mắng. Cuối cùng nghe lời Nguyễn Vỹ, Nguyễn Nhược Pháp xin bà Tính tiền và được bà đồng ý ngay. Nội chuyện đó cũng đủ nói lên tình cảm bà dành cho đứa con không phải do mình sinh ra.

“Nam mô A di đà”

Từng là một gia đình giàu có nổi tiếng ở Hà Nội nhưng sự sa sút của học giả Nguyễn Văn Vĩnh trong công việc kinh doanh rồi đến cái chết của ông năm 1936 đã thay đổi toàn bộ vận mệnh gia đình này. Cụ Vĩnh mất, toàn bộ tài sản phải đấu giá và nảy ra sự việc đau lòng khi mộ cụ vừa được chôn xuống chưa được vài tháng đã phải bốc lên đưa về quê quán là xã Phượng Dực vì mảnh đất thuộc sở hữu người khác. Hai năm sau, Nguyễn Nhược Pháp qua đời vì bệnh lao, do một số điều kiện khách quan lúc đó, ông không được về nằm cạnh bố mình. Cho tới năm 1965, bà Đinh Thị Tính qua đời, gia đình cũng không thể chôn cất bà cạnh mộ ông Vĩnh cũng như ông Pháp. Vậy là ba ngôi mộ nằm ba điểm khác nhau.

Quang cảnh khu mộ gia đình Nguyễn Văn Vĩnh mới được trùng tu năm 2010. Ở hàng đầu, hài cốt nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp đã được đưa về nằm cạnh mộ bà Đinh Thị Tính sau 70 năm mất dấu mộ phần.


“Điều đau đớn hơn, là những hoàn cảnh lịch sử, chiến tranh và điều kiện khách quan của địa hình khu vực chôn cất đã khiến cho vị trí chính xác ngôi mộ của bác Pháp bị mất dấu…”, ông Bình cho biết. Trong nhiều năm trời, kể cả khi khu mộ dòng họ gia đình Nguyễn Văn Vĩnh đã được sửa sang và xây dựng đàng hoàng, ngôi mộ của nhà thơ tài hoa vẫn phải để trống và không đúc nắp… Nhiều năm, hậu duệ gia đình Nguyễn Văn Vĩnh đã nỗ lực thuyết phục chính quyền xã Phượng Dực cũng như những gia đình có phần mộ người thân trong khu vực được cho là có ngôi mộ của Nguyễn Nhược Pháp cho phép khai quật xác định. Ngày 17.12 vừa qua, công việc tìm kiếm mới được khởi động và hoàn thành sau ba ngày. “Tất cả những dấu hiệu tìm thấy đều tuyệt đối trùng với thông tin mà phía gia đình ghi lại rằng, cố nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp được chôn cạnh ông chú họ mất lúc mười tuổi. Trong hai ngôi mộ, chỉ mộ của nhà thơ mới có bia. Thực tế, hai bộ hài cốt có kích thước xương khác hẳn nhau, một bộ là xương người lớn, một bộ là xương trẻ em” - ông Nguyễn Lân Bình cho biết.

Vậy là từ nay, người yêu thơ, yêu Chùa Hương và yêu cái tài Nguyễn Nhược Pháp, có thể tới xã Phượng Dực thắp nén hương tưởng nhớ ông một cách đàng hoàng. Chắc chắn đây là tin vui không của riêng gia đình vị học giả từng được mệnh danh là Người man di hiện đại.

                                                                                 Theo Dung.P - SGTT.COM















Các bài mới
Các bài đã đăng