Sau trận lũ lịch sử năm 1999 gây ngập toàn bộ vùng đồng bằng của tỉnh, gần 400 người đã chết, được Trung ương quan tâm đặc biệt, nhưng vốn xây dựng cơ bản khó khăn, đã phải nhờ Chính phủ Nhật Bản giúp đỡ, với sự hỗ trợ của JICA, JBIC, vừa qua đã tiến hành quy hoạch việc xây dựng hồ chứa nước (hồ Tả Trạch) ở thượng nguồn sông Hương với nhiệm vụ chống lũ là ưu tiên. Ngoài ra, hiện Tổng Công ty xây dựng Sông Đà, Tổng Công ty Điện lực cũng đang nghiên cứu để xây dựng các công trình thuỷ điện là hồ Hữu Trạch (Bình Điền) và hồ sông Bồ (Cổ Bi) trên sông Hương.
Trong tình hình đó, có những vấn đề cần được đặt ra: 1. Vấn đề đảm bảo nguyên tắc tổng hợp, lợi dụng tài nguyên nước và chọn phương án tối ưu.
Nhu cầu dùng nước cho phát điện và cung cấp nước cho nông công nghiệp, bảo đảm môi trường sinh thái, cơ bản không có mâu thuẫn. Vì đặc điểm nguồn nước cung cấp cho thuỷ điện không mất đi mà thả xuống sông Hương đưa về hạ lưu phục vụ cho các ngành. Mặt khác, do địa hình nên gần như không có điều kiện tưới tự chảy cho sản xuất nông nghiệp, mà chủ yếu là tăng nguồn nước sau đó dùng công trình động lực (bơm, tát...) để tưới. Mâu thuẫn chủ yếu là giữa yêu cầu chống lũ cho hạ du và quyền lợi của ngành điện. Tăng dung tích phòng chống lũ, thì lượng điện giảm đáng kể (nhất là mùa lũ). Đây là mâu thuẫn muôn thuở. Nếu công trình được đầu tư bằng nguồn vốn của ngân sách thì mâu thuẫn trên không có vấn đề gì lớn.
Vì yêu cầu lợi dụng tổng hợp nguồn nước lấy chống lũ là mục tiêu số 1, nên hồ Tả Trạch phải dành ~ 400 triệu m3 để chống lũ cho hạ lưu. Tuy mực nước chết ở cao trình + 23m, nhưng để bảo đảm nguồn nước cung cấp cho các ngành, đẩy mặn ở hạ du, nên mực nước trước lũ đặt ở cao trình + 35m ứng với dung tích 217,4 triệu m3, cuối mùa lũ, nếu năm đó nước đến ít, trữ không đầy hồ thì vẫn đảm bảo nhu cầu nước cho các ngành. Theo chúng tôi, khi đập Thảo Long hoàn thành, có tác dụng ngăn mặn giữ ngọt cho sông Hương, có khả năng đưa mực nước trước lũ xuống cao trình mực nước chết + 23m, và dung tích chống lũ sẽ tăng từ 392,6 m3 lên 610 triệu m3, mực nước lũ tại Huế giảm xuống cao trình + 3,0m (tính toán hiện nay của JBIC là + 3,5m). Cũng vì vậy mà phát điện chỉ còn 18Mw và điện lượng chỉ đạt 60 triệu Kwh. Nếu ở đây ưu tiên cho phát điện, có thể lắp công suất 40 - 70 Mw, sản lượng điện bình quân năm có thể đạt 160 ~ 280 triệu Kwh. Xây dựng hồ Tả Trạch với các nhiệm vụ cụ thể như trên là xuất phát từ yêu cầu dùng nước và chống lũ cho hạ du đạt hiệu quả tốt nhất.
Với mục đích kinh doanh điện năng là chủ yếu, các nhiệm vụ khác là thứ yếu, Tổng Công ty Sông Đà, Tổng Công ty Điện lực có ý định xây dựng hai hồ Bình Điền và Cổ Bi. Do vậy, trong những tài liệu đã chuẩn bị, chúng tôi thấy việc tính toán kinh tế chọn phương án chỉ xuất phát chủ yếu từ lợi ích ngành điện, không phải là phương án tối ưu đối với nền kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy làm được hai công trình rất lớn (công trình cấp II), nhưng kết quả cụ thể chỉ bán được khoảng 350 - 400 triệu Kwh hàng năm, và các công ty của ngành điện quả là có lợi. Các hiệu quả khác gần như rất nhỏ, chưa nói đến ảnh hưởng môi trường tự nhiên và xã hội như thế nào.
Giải quyết mâu thuẫn này phải xuất phát từ hiệu ích xã hội tối đa. Nếu trước mắt chính phủ chưa có kinh phí đầu tư, nhưng ngành điện lại muốn khai thác nhanh, trong tình hình đó hiệu quả của các đơn vị kinh doanh được đặt lên trên hiệu ích xã hội là điều chắc chắn xẩy ra. Với một hình thức đầu tư bên ngoài trông rất hấp dẫn, nhưng đấy không phải là cứu cánh cho nhân dân Thừa Thiên Huế.
2. Vấn đề đánh giá tác động môi trường
Đây là một vấn đề rất rộng, bao gồm rất nhiều ngành chuyên môn khác nhau cả tự nhiên và xã hội. Dự án SAPROP do JBIC tài trợ để hoàn chỉnh dự án khả thi hồ chứa nước Tả Trạch phải kéo dài hai năm, với hàng chục chuyên gia Nhật, Trung Quốc, Triều Tiên... cộng với nhiều Viện ở Việt Nam, phải khảo sát, nghiên cứu, tính toán, đến nay mới xong về cơ bản. Tuy vậy, còn một số vấn đề đang phải chuyển qua giai đoạn sau, như:
Môi trường xã hội: Xây dựng chương trình tái định cư, xác định ảnh hưởng của việc xây dựng hồ Tả Trạch đối với các thành phần có liên hệ, ảnh hưởng đến người khai thác cát, sạn trên sông, ảnh hưởng đến nuôi trồng thuỷ sản trên sông và đầm phá...
Môi trường tự nhiên: Tình hình địa chất (hoạt động kiến tạo, vết đứt gãy, động đất), vấn đề di chuyển bùn cát, bồi lắng, xói lở ở hạ du, các loại động vật (thuỷ hải sản, động vật trên cạn, động vật quí hiếm), thực vật trong hồ, quanh hồ, chất lượng nước, nước lợ để nuôi trồng thuỷ sản, ổn định cửa đầm phá, cửa biển, mối quan hệ của hồ Tả Trạch và đập Thảo Long...
Tất cả nhiệm vụ trên phải nghiên cứu tình hình hiện trạng, tính toán và dự đoán sự thay đổi khi có hồ Tả Trạch và các biện pháp quan trắc theo dõi, các biện pháp hạn chế các tiêu cực,...
Nay, nếu dự kiến xây dựng thêm hồ Hữu Trạch và hồ Sông Bồ thì tình hình phức tạp hơn. Ba hồ chứa dự định xây ở sông Hương đều thuộc loại lớn. Theo quốc tế quy định, loại đập lớn là loại đập có chiều cao từ 15m trở lên, tính từ nền, nếu đập cao giữa 5 và 15m và có hồ chứa hơn 3 triệu m3 nước thì cũng được xếp vào loại đập lớn. Như vậy hồ Tả Trạch với chiều cao 55m, dung tích 600 triệu m3, hồ Bình Điền với chiều cao 85m, dung tích 600 triệu m3, hồ Cổ Bi với chiều cao 50 ~ 60m, dung tích 300 ~ 500 triệu m3 nước đúng là thuộc loại rất lớn. Một đặc điểm quan trọng ở đây các hồ chứa rất gần thành phố Huế và các khu tập trung dân cư. Từ hồ Bình Điền về đến Huế khoảng 23 km, từ hồ Tả Trạch về đến Huế cũng khoảng 35 km. Điều này buộc chúng ta phải đặc biệt nghiên cứu rất nghiêm túc thêm các vấn đề sau:
1. Về tính ổn định của đập. Chúng ta không đặt vấn đề có sự cố như vỡ đập vì như vậy sẽ trở thành đại họa không thể tính được, mà phải tính với tần xuất bảo đảm rất cao. Tuy đã tính với lũ 0,5% và kiểm tra với lũ p= 0,1% (một ngàn năm xuất hiện một lần) nhưng rủi ro làm sao lường hết được, cho nên phải bố trí thêm một tràn sự cố (hồ Tả Trạch tràn sự cố có chiều dài 100m ở độ cao + 52m, hồ Bình Điền cũng phải bố trí hạng mục này).
2. Về sự diễn biến hạ du. Đập Bình Điền với cao trình đỉnh đập 87m, cao trình ngưỡng tràn ở 73m, từ cao trình 73m, với 1 lưu lượng tràn với p=0,5% là 6213,43 m3/s và khi với p=0,1% thì lưu lượng tràn qua đập là 7550,84 m3/s. Với khối lượng nước qua đập tràn đó, ở độ cao 73,0m cách lăng Minh Mạng khoảng 6km, cách Huế 23 km, thử hỏi việc gì sẽ xảy ra ở hạ lưu nói chung và thành phố Huế nói riêng. Lòng sông Hương sẽ thay đổi mãnh liệt vì 3 lý do: do động năng lớn của khối nước tràn, do sự thay đổi hàm lượng bùn cát trong nước trước, sau khi có hồ chứa, và do nhà máy nước thuỷ điện sẽ làm việc ở phần lưng của biểu đồ phụ tải điện, dẫn đến mực nước sông Hương trong mùa hè sẽ giao động rất lớn trong ngày. Các yếu tố đó cùng xảy ra làm cho hiện tượng xói lở hạ du trở nên rất phức tạp và có thể gây phương hại cho di sản Huế. Các nhà tư vấn phải tính toán, cả bằng mô hình vật lý, để xác định cho được diễn biến sau khi hình thành công trình. Chưa có được đáp số đó và các biện pháp ngăn chặn nó, chúng ta không thể xây dựng công trình. Nếu vội vàng bất cẩn, hậu quả khó lường.
3. Về xử lý mối quan hệ giữa các đối tác đang nghiên cứu trên hệ thống sông Hương, nhất là đối với JBIC: Hoạt động trên lưu vực sông Hương hiện có nhiều đối tác trong và ngoài nước. Phía Nhật Bản đang cùng Bộ NN & PTNT chuẩn bị khẩn trương cho việc xây dựng công trình Tả Trạch, công trình đợt 1, quan trọng nhất trên hệ thống sông Hương, mà mục tiêu là giảm lụt cho Huế và hạ du. Các công ty của ngành điện đang tích cực để chuẩn bị xây dựng thuỷ điện Bình Điền và Cổ Bi, công việc cũng rất khẩn trương. Trong không khí nhộn nhịp đó, cần coi trọng thứ tự xây dựng các công trình mà Bộ NN & PTNT đã thoả thuận với Nhật Bản. Nếu có sự đảo ngược về thứ tự xây dựng sẽ dẫn đến hậu quả là các số liệu tính toán 2 năm qua của JBIC, nhất là diễn biến môi trường tự nhiên ở hạ du sẽ không còn ý nghĩa, có khả năng gây khó khăn cho việc chuẩn bị xây dựng Tả Trạch.
Xây dựng các hồ chứa lớn ở thượng nguồn sông Hương để khai thác tổng hợp nguồn nước là một vấn đề lớn, góp phần cực kỳ quan trọng cho sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh nhà, nhưng cực kỳ nhạy cảm về môi trường tự nhiên và xã hội. Giữ sao cho sông Hương vẫn mãi là con sông thơ mộng, hiền hòa, đẹp giữa lòng cố đô Huế là trách nhiệm của chúng ta và muôn đời mai sau.
HỒ NGỌC PHÚ (182/04-04) |