Tạp chí Sông Hương -
Văn hoá Huế: giá trị và nỗi niềm
09:51 | 04/09/2009
Trên thế giới có nhiều nền văn hóa khác nhau. Trong mỗi nước, ngoài mẫu số chung về nền văn hóa của cả dân tộc, còn có văn hóa vùng miền được phân định căn cứ vào đặc điểm nhân văn riêng của từng nơi. Nơi nào có được tính cách nhân văn đặc thù thì nơi ấy có văn hóa địa phương hay văn hóa bản địa. Một từ mà các nhà văn hóa học năng sử dụng khi đề cập đến lĩnh vực này là “bản sắc”. Nếu dùng từ bản sắc làm tiêu chí để nhận diện văn hóa thì Việt Nam có nền văn hóa riêng của mình, trong đó có văn hóa Huế.

Nhờ có nền văn hiến lâu đời, trong đó có bản sắc văn hóa, mà dân tộc Việt Nam đã không bị đồng hóa qua “một ngàn năm đô hộ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây”. Nền văn hiến (gồm hai yếu tố chính là thư tịch và danh nhân) của nước ta đã được khẳng định từ “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt, rồi “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi, đến triều Nguyễn thế kỷ XIX. Một trong những bài thơ mang tính tuyên ngôn của triều Nguyễn mà hiện nay chúng ta còn đọc được trong điện Thái Hòa vốn được xây dựng vào năm 1805 ở Hoàng cung Huế đã viết như sau :

Văn hiến thiên niên quốc,
Xa thư vạn lý đồ.
Hồng Bàng khai tịch hậu,
Nam phục nhất Đường Ngu.


Tạm dịch :

Nước ngàn năm văn hiến,
Vạn dặm một sơn hà.
Từ Hồng Bàng khai quốc,
Thịnh trị cõi Nam ta.

Tác giả của bức thông điệp này vừa hãnh diện về những gì mà lịch đại đã thực hiện được trong công cuộc mở nước và dựng nước, vừa tự hào về những thành tựu mà triều đại mình đạt được. Nhưng tác giả ấy, tất nhiên, chưa tiên tri một điều là những thành tựu văn hóa của triều đại mình sẽ được cả nhân loại tôn vinh như chúng ta đang “mục sở thị” hiện nay.

Hai năm nữa, nhân dân cố đô này sẽ tổ chức cuộc lễ kỷ niệm 700 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế (1306 - 2006). Trong dịp đó, người ta sẽ có dịp ôn lại quá trình hình thành và phát triển văn hóa của địa phương. Trong đó, cái mốc lịch sử đầu tiên là sự kiện Huyền Trân Công Chúa thời nhà Trần về làm dâu Chiêm quốc để cho dân tộc có được vùng đất hai châu Ô Lý mà không tốn một viên đạn, chẳng mất một mũi tên. “Vì lợi cho dân” mà nàng công chúa ngà ngọc đã hy sinh tất cả, rồi phải chịu “đắng cay muôn phần”. Chúng tôi nghĩ rằng Công chúa Huyền Trân đáng được tôn vinh là người công dân danh dự số một và đầu tiên của miền sông Hương núi Ngự.

Từ đầu thế kỷ XIV, trải qua các triều đại Trần, Lê, Tây Sơn, Nguyễn, đã có bao lớp người Việt đi về phương Nam trong các đợt di dân từ Bắc Bộ và vùng Thanh Nghệ Tĩnh để mở mang và lập nghiệp ở vùng đất mới. Trong hàng hàng lớp lớp những binh dân Nam tiến ấy, có một số người đã dừng hẳn lại ở dưới chân núi Ngự, bên bờ sông Hương. Trong hành trang họ mang theo, ngoài cái cuốc và thanh gươm, còn có những yếu tính văn hóa xuất phát từ cội nguồn của dân tộc.

Một trong những thời kỳ lịch sử quan trọng của vùng đất này trên con đường mở nước của dân tộc là sự kiện Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng vào trấn nhậm Thuận Hóa - Quảng Nam trong hậu bán thế kỷ XVI với một chính sách mềm dẻo khôn khéo, làm tiền đề cho sự nghiệp “kinh dinh” của các chúa Nguyễn con cháu ông ở xứ Đàng Trong. Một trớ trêu của lịch sử dân tộc là chính trong vở bi kịch Trịnh Nguyễn phân tranh kéo dài từ giữa tiền bán thế kỷ XVII đến giữa hậu bán thế kỷ XVIII lại là thời kỳ các chúa Nguyễn đã mở mang đất đai và chủ quyền đến tận Hà Tiên, Cà Mau. Họ đã biến vùng đất phía Nam này thành một hậu phương vững mạnh để đương đầu với thế lực của các chúa Trịnh ở Đàng Ngoài.

Cho đến thời điểm cuối cùng của thời kỳ các chúa Nguyễn, Phú Xuân vẫn là Thủ phủ của xứ Đàng Trong. Trung tâm chính trị Phú Xuân đã có một sức thu hút mạnh mẽ đối với nhiều nhân tài chẳng những của Nam Hà mà còn từ Bắc Hà, và cả đối với người nước ngoài nữa. Theo sử sách trong nước cũng như những quyển ký sự, hành trình nhật ký và hồi ký của các tu sĩ, thương nhân, các nhà du hành Tây phương hoặc Trung Hoa từng đặt chân đến hoặc lưu trú tại đây trong một thời gian, diện mạo văn hóa Phú Xuân dưới thời các chúa Nguyễn đã đạt đến một trình độ văn minh đô thị nhất định. Các chứng nhân lịch sử đương thời như Alexandre de Rhodes, Thích Đại Sán, Pierre Poivre, Lê Quý Đôn,v.v... đều ghi nhận rằng Phú Xuân bấy giờ đã là một đô thị có quy hoạch đàng hoàng với những công trình kiến trúc đẹp đẽ và có đời sống văn hóa tinh thần phong phú. Từ trong cung đình ra đến ngoài dân gian, các khu vực và phân khu kiến trúc được hoạch định đâu ra đấy. Đời sống tinh thần cao đẹp đã được biểu lộ qua những tác phẩm văn học nghệ thuật, qua các sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng cũng như phong tục tập quán trong cuộc sống đời thường. Những sản phẩm văn hóa cụ thể, nổi tiếng và tiêu biểu nhất của thời các chúa Nguyễn còn lưu giữ được đến ngày nay là chùa Thiên Mụ, những chuông khánh vạc đồng đặt tại các chùa chiền và cung điện.

Từ thời nhà Trần cho đến thời các chúa Nguyễn, ở vùng Thuận Hóa - Phú Xuân, văn hoá ngàn đời của dân tộc đã tiếp biến, dung hội với những yếu tố văn hóa phương Nam và phong thổ của bản địa để làm phong phú thêm cho văn hóa của địa phương này.

Nhưng, dù sao, sức thu hút và sự lan tỏa của Phú Xuân bấy giờ cũng chỉ giới hạn trong phạm vi lãnh thổ Đàng Trong. Phải đợi đến thế kỷ XIX, khi đất nước thống nhất về một mối và Phú Xuân trở thành Kinh đô của toàn quốc, văn hóa vùng này mới được nâng lên đến đỉnh cao của nó và mới được định hình một cách rõ nét nhất. Kinh đô của một nước bao giờ cũng là trung tâm lớn nhất của sự hội tụ bao nhiêu tinh hoa thuộc mọi lĩnh vực của cả dân tộc, nhất là lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.

Với chính sách không phân biệt đối xử và sử dụng nhân tài khôn ngoan, các vua đầu triều Nguyễn, nhất là Gia Long và Minh Mạng, đã tạo ra được một sức mạnh tổng hợp để xây dựng lại đất nước một cách hoàn chỉnh sau gần 300 năm nội chiến giữa các thế lực Mạc - Lê - Trịnh - Nguyễn - Tây Sơn. Nhờ có được ổn định về chính trị trong một thời gian khá dài và nhờ các vua ấy đều là những người ái mộ văn hóa nghệ thuật, cho nên, nhiều kiệt tác văn hóa vật thể và phi vật thể thuộc các lĩnh vực kiến trúc, văn học, âm nhạc, học thuật, v..v.. đã ra đời và để đời, mà tập trung nhất là ở chốn Thần kinh.

Những tài sản văn hóa của quốc gia xuất hiện trên đất Huế đã được kiểm kê trong các bộ địa chí của Quốc Sử Quán triều Nguyễn và của những tác giả đương thời khác cũng như sau đó, nhưng mãi đến ngày nay, chưa ai dám tự nhận rằng mình đã có được một thống kê đầy đủ trong tay. Riêng về mặt học thuật, các nhà bỉnh bút chính thống trong triều đình và ngoài dân gian đã để lại hàng vạn nếu không nói hàng triệu trang tư liệu trên giấy cũng như trên các di tích và di vật. Chẳng hay, 100 năm nữa, người đời sẽ đọc, dịch và hiểu hết tất cả những gì mà tiền nhân đã ký tái và muốn chuyển tải trong khối lượng chữ vuông đồ sộ đó hay chưa ?

Suy cho cùng, Huế dưới triều Nguyễn, nhất là trong thế kỷ XIX, đã trở thành một vùng đất của thơ, một bầu trời của nhạc, một thế giới của trí tuệ và tâm hồn. Hòa vào giữa đất Thần kinh, Huế còn là chốn Thiền kinh với nhiều ngôi quốc tự và chùa sắc tứ cũng như các pháp bảo và các văn vật Phật giáo nổi tiếng xưa nay.

Đánh giá cao về văn hóa Huế dưới triều Nguyễn như trên, chúng ta không sợ mang tiếng chủ quan chút nào, vì phần lớn các giá trị văn hóa ấy đều đã được quốc tế công nhận. Cụ thể nhất là vào năm 1993, Quần thể Di tích Huế đã được ghi tên vào Danh mục Di sản Văn hoá Thế giới; và năm 2003, Nhã nhạc triều Nguyễn đã được UNESCO  tôn vinh là một Kiệt tác Di sản Văn hoá Phi vật thể của Nhân loại. Có lẽ không sai lắm khi nói rằng những công nhận ấy là những tấm hộ chiếu để văn hoá Huế hội nhập với văn hóa thế giới và để đưa Thành phố Cố đô này tiến về phía trước. Festival Huế được tổ chức hai năm một lần cũng đang dần dần khẳng định điều đó.

Tuy nhiên, cho đến hiện nay, sở hữu chủ trực tiếp của các tài sản văn hóa ấy vẫn có những nỗi niềm riêng. Cuộc sống của người Huế gắn bó rất chặt với quá khứ. Vào năm 1995, trong quyển “Huế di tích và con người”, tác giả, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã viết :

“ Những thành phố văn hoá đều cúi nhìn quá khứ của mình trên những di tích. Chính là nhờ biết nhìn các di tích bằng đôi mắt chăm chú, con người có thể sống lại chuỗi thời gian xa xăm đầy những biến cố kỳ lạ đã dệt thành tấm vải vĩnh hằng của hiện hữu gọi là lịch sử”.

Huế là một thành phố như thế. Mặc dù văn hoá Huế đang có được “những giá trị toàn cầu nổi bật” (Outstanding universal values), nhưng, bên cạnh niềm tự hào đó, người Huế còn có những nỗi trăn trở, lo lắng, ước mơ và thậm chí cả nỗi đau về cung cách ứng xử đối với những di sản văn hóa của mình.

Trong hơn nửa thế kỷ vừa qua, Huế đã trải qua những biến động dữ dội của lịch sử. Những cuộc chiến tranh ác liệt đã tàn phá và làm thất thoát rất nhiều loại hình di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vốn rất phong phú và đa dạng ở nơi đây. Thời gian hàng thế kỷ và thời tiết khắc nghiệt nắng gắt mưa nhiều và “trời hành cơn lụt mỗi năm” cũng trở thành đồng minh của chiến tranh để hủy hoại rất nhiều tài sản văn hóa quý báu của Cố đô, làm cho di sản văn hóa Huế nghèo đi so với trước, và làm cho Huế hao hụt nhân tài. Xin đưa ra vài thí dụ điển hình và cụ thể. Trong phạm vi Tử Cấm Thành, ngày xưa có đến 30 cung thất vàng son, ngày nay phần lớn đều trở thành phế tích, số còn lại chưa đủ để đếm trên đầu ngón tay. Hàng trăm, nếu không nói hàng ngàn bảo vật bằng vàng, bằng ngọc vốn được trưng bày hoặc tàng trữ trong các cung điện cũng đã bị “rút ruột” để đem đi nơi khác. Vì hoàn cảnh nghiệt ngã của lịch sử và kinh tế, một bộ phận cư dân người Huế đã phải xiêu tán khắp bốn phương trời. Chưa thấy được một cuộc điều tra xã hội học nào cho biết rõ trong gần 30 năm qua, số người ngoại tỉnh nhập cư vào Huế là nhiều hay ít, và cư dân bản địa đã rời khỏi quê nhà là bao nhiêu. Con người là một nguồn lực rất quan trọng của văn hóa. Sự biến động thành phần dân số và chuyển dịch cư dân đều là những vấn đề đáng quan tâm trong quá trình phát triển văn hóa xã hội.

Dù sao, khi đi làm ăn xa xứ, mỗi người Huế mang theo một tâm trạng, một nỗi niềm, một tình cảm, nhất là tình cảm đối với quê nhà, trong đó có các giá trị văn hóa của Cố đô và những kỷ niệm đẹp của riêng mình từ thời thơ ấu. Khi biên soạn “Từ điển tiếng Huế”, chính tác giả Bùi Minh Đức đã nói là “để khỏi mất mát gia tài của mẹ”, đồng thời “đã tìm lại được những kỷ niệm vui buồn của những ngày xa xưa, những kỷ niệm trân quý riêng cho chính mình”, hoặc:

“Chữ thương đi với chữ tình,
Xin dâng quê mẹ Huế mình Huế ta”.

Vợ chồng anh chị Nguyễn Phúc Bửu Diên khi viết “Quê hương và hoài niệm” in thành hai tập cũng chỉ để bày tỏ tấm lòng trân quý các di sản văn hóa của cố đô và tình cảm yêu thương gắn bó với quê nhà. Và còn biết bao người Huế xa quê khác nữa đã làm như thế.

Trong các tỉnh thành trên cả nước, chúng tôi chưa thấy vùng đất nào được mọi người thương yêu nhiều như xứ Huế. Từ thập niên 1980 trở đi, “Hội người yêu Huế” (Amicale des Amis de Hué) chẳng những được thành lập ở Pháp mà còn ở một số nước Đông Âu, Bắc Mỹ và ngay cả tại nước Nga vô cùng xa ngái. Ở trong nước thì những người Huế “ly hương bất ly tổ” đã thành lập Hội đồng hương ở rất nhiều nơi. Tổ chức quy mô và hoạt động mạnh nhất là Hội đồng hương Huế tại Thành Phố Hồ Chí Minh và Câu lạc bộ Văn hóa Huế tại Thủ đô Hà Nội. Tập san “Nhớ Huế” ở trong Nam và đặc san “Với Huế” ở ngoài Bắc được xuất bản một cách dày dặn và đều đặn từ nhiều năm nay. Nội dung nhiều bài viết, nhiều bài thơ, nhiều bản nhạc, nhiều câu chuyện trong đó là những hoài niệm, những tự hào, những yêu thương, những vui buồn, những thao thức, trăn trở vì sao Huế giàu có về văn hóa mà đại đa số người dân ở đây vẫn còn nghèo về kinh tế so với các thành phố anh em.

Nếu định nghĩa văn hóa là một động lực để phát triển kinh tế thì tại sao mức sống của quần chúng Huế chưa cao lên được như nhiều người mong mỏi. Như vậy là cần phải soát xét lại vấn đề quản lý và phát huy tác dụng các di sản văn hóa ở tầm vĩ mô. Không biết đến 30 năm nữa, các di tích, phế tích, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể sẽ được trùng tu và phục hồi hết hay chưa? Tất nhiên, trách nhiệm đó không phải của riêng ai, nhưng gánh nặng công việc phải đặt lên vai những người có chức có quyền.

Nhìn chung, Huế vốn có bản sắc văn hóa của mình. Vì nhiều nguyên nhân khác nhau, tài sản văn hóa đó đã bị mất mát không ít hoặc sứt mẻ đi một phần. Tuy nhiên, những gì còn lại vẫn có giá trị ở tầm quốc gia và quốc tế. So với các địa phương khác trong nước, Huế là nơi cuối cùng còn đọng lại nhiều nhất các giá trị vật chất và tinh thần truyền thống của dân tộc. Đến Huế, người ta dễ nhận ra được tình tự và tâm hồn Việt Nam. Bởi vậy, hãy chung lòng chung sức gìn giữ cho những giá trị nhân văn quý hiếm ấy được bền vững và trường tồn.

PHAN THUẬN AN
(186/08-04)

Các bài mới
Các bài đã đăng