Tạp chí Sông Hương -
Đường đến thành phố phát triển, thân thiện
15:26 | 26/01/2011
Không có một vùng đất thứ hai nào trên dải đất hình chữ S của Việt Nam có vị trí hết sức đặc biệt như Huế. Nơi đây, từ 1306, bước chân Huyền Trân xuống thuyền mở đầu cho kỷ nguyên mở nước về Nam, Thuận Hóa thành nơi biên trấn.
Mấy thế kỷ sau, Phú Xuân trải dài mấy trăm năm là kinh đô Chúa Nguyễn, Tây Sơn, các vua Nhà Nguyễn. Cách mạng Tháng Tám chỉ thành công trọn vẹn khi tại Ngọ Môn, vị vua cuối cùng của chế độ quân chủ Việt Nam thoái vị, trao lại ấn kiếm cho chính quyền cách mạng. Phong trào sinh viên học sinh đô thị miền Nam, phong trào Phật giáo yêu nước chống đế quốc Mỹ xâm lược ghi nhận sự khởi phát và cao trào ở Huế. Huế 1968. Huế 1975. Tất cả đều có dấu ấn rất riêng của Huế, với sứ mệnh lịch sử trước dân tộc cực kỳ lớn lao.

Và bây giờ TT Huế đang xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương. Một thành phố có núi non bạt ngàn hùng vỹ nhất, có bờ biển dài nhất, có đầm phá lớn nhất Đông Nam Á, có nhiều sông suối nhất... Thành phố ấy cũng có một tiềm lực kinh tế, tri thức, văn hóa hết sức phong phú, tinh túy, chất lượng, là tiền đề cho sự phát triển bền vững.

Trong những ngày này, TT Huế đang bám trục xoay cho mọi huy động tổng lực: xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương bằng chính thực lực của mình. Muốn vậy mỗi người dân, mỗi công dân Huế, cần biết rõ, cần xác định thời điểm này chúng ta đang ở đâu? chúng ta đang có những tồn tại, hạn chế nào? chúng ta sẽ làm gì để phát triển?

Thời điểm 2010, TT Huế đang có những thành tựu phát triển thấy rõ. Lần đầu tiên từ khi chia tỉnh (1990) đến nay, toàn tỉnh hoàn thành 100% tất cả các chỉ tiêu đề ra, với 16/16 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch. Tăng trưởng GDP đạt 12,5% (cao hơn 1,3% so 2009). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 9.200 tỷ đồng, tăng 27%. Sản lượng lúa tăng 1,6%. Chúng ta đang có một cơ cấu kinh tế rất đẹp là dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, trong đó dịch vụ đóng vai trò chủ đạo. Năm 2010 dịch vụ tăng 12%, công nghiệp xây dựng tăng 16,8%, nông lâm thủy sản tăng 1,5% song chúng ta vẫn xác định công nghiệp không là đặc thù của Thừa Thiên Huế. Chúng ta trở thành thành phố trực thuộc trung ương với cách đi riêng đó là phát triển du lịch - dịch vụ.

Toàn tỉnh cũng tổ chức thực hiện quyết liệt Kết luận 48-KL/TW của Bộ Chính trị: hoàn thành Đề án Xây dựng và phát triển thành thành phố trực thuộc Trung ương; triển khai Đề án Phát triển kinh tế tổng hợp vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai; hoàn thành việc thành lập thị xã Hương Thủy, thành lập thị trấn huyện lỵ Phú Đa; thành lập các đô thị động lực Hương Thủy, Hương Trà, Thuận An...

Chúng ta đã có những thành tựu đột phá song so với các thành phố phát triển như TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng... chúng ta có những cái chưa bằng. Ví như năm 2010, thu nhập bình quân đầu người của TP Hồ Chí Minh là 2.800 USD, Hà Nội và Đà Nẵng hiện nay (trực thuộc Trung ương từ năm 1997, đến nay đã 14 năm) là 2000 USD/người/năm. Muốn đạt đến con số 2000 USD, TT Huế phải chờ thêm vài năm nữa (hiện tại là 1.150 USD/người/năm). Phải công nhận cái được của người khác, chúng ta mới theo đó mà phát triển, không thể tự thỏa mãn với những gì đã có. Những năm qua Thừa Thiên Huế có đột phá trong tổ chức, đào tạo nhân lực nhưng chưa đạt như mong muốn. Xem cái cách nhiều nơi tổ chức đào tạo tiến sỹ, thạc sỹ từ nguồn ngân sách địa phương thì TT Huế còn nhiều cái phải học hỏi. Báo cáo của UBND tỉnh năm 2010 cũng chỉ ra hạn chế này khi xác định: Nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế, chất lượng lao động còn nhiều hạn chế, thiếu đội ngũ chuyên gia lành nghề, đội ngũ cán bộ quản lý giỏi, công tác đào tạo nghề chưa gắn với nhu cầu thị trường lao động... TT Huế muốn xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương, thì trước hết, phải có nguồn nhân lực ngang tầm, phải có những con người đầy sáng tạo và bản lĩnh, đầy trí tuệ và nhân văn, thừa khát vọng và cống hiến...

Năm 2010 TT Huế đạt thu ngân sách 3.010 tỷ đồng, tăng 16,7% so năm 2009. Cuối nhiệm kỳ này, 2015, dự kiến sẽ thu ít nhất 6000 tỷ đồng (của giá trị thời điểm 2010), muốn vậy mỗi năm phải tăng 10%. Đó là việc có thể làm được trong tầm tay nếu căn cứ mức tăng trưởng GDP đạt 12,5% trong năm qua. Thậm chí nếu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương sớm, TT Huế sẽ đạt con số cao hơn thế. Mừng cái đạt được, song cũng trăn trở. Ví như nói chuyện hộ nghèo theo tiêu chí cũ của năm 2005 thì thời gian qua TT Huế giảm nghèo rất khá, nhưng nếu áp dụng tiêu chí mới thì sau một đêm, lại có con số nghèo tăng. Vì vậy cũng còn phải lo cho hộ cận nghèo...

Khu đô thị Chân Mây sẽ được tiếp tục đầu tư trong năm 2011


Nhân đây, cũng nhắc đến chuyện còn một số tồn tại.

Chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế TT Huế còn thấp so với yêu cầu. Tăng trưởng của TT Huế vẫn dựa vào phát triển theo chiều rộng, chưa có nhân tố đột phá để phát triển nhanh. Khó có thể hình dung là ở TT Huế, người dân cần cù lại có năng suất lao động xã hội thấp, nhưng đó là một thực tế. Năm 2009, năng suất lao động bình quân của TT Huế đạt 10,1 triệu đồng, chỉ bằng 93% so bình quân chung cả nước.

Du lịch dịch vụ là một thế mạnh của Huế, nhưng đến nay vẫn chưa khai thác hết tiềm năng và lợi thế so sánh. Không có nơi nào các điểm du lịch nhiều như Huế, nhưng Huế vẫn không níu kéo được bước chân du khách. Môi trường kinh doanh du lịch còn nhiều bất cập, sản phẩm du lịch còn đơn điệu, cũ mòn và không sáng tạo, các dịch vụ vui chơi giải trí, khu mua sắm, khu ẩm thực... chưa đáp ứng nhu cầu du khách... Tất cả khiến việc thu hút thời gian lưu trú, thu hút chi tiêu của khách gần như trì trệ suốt nhiều năm.

Những yếu kém khác có thể liệt kê thêm ra đây: quản lý tài nguyên môi trường, quy hoạch sử dụng đất chưa theo kịp định hướng phát triển; sản xuất nông nghiệp chưa thật sự bền vững; kết cấu hạ tầng tuy đầu tư tăng cao song thiếu đồng bộ, tiến độ chậm; quy hoạch đô thị, quản lý đầu tư xây dựng còn nhiều bất cập; trật tự kỷ cương còn buông lỏng; chất lượng giáo dục còn khoảng cách lớn giữa các vùng...

Đó là những yếu kém khiến chúng ta suy nghĩ.

*

Năm 2011 có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011- 2015, thực hiện các mục tiêu đến 2020 và Kết luận 48-KL/TW của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển TT Huế và đô thị Huế đến năm 2020. Quan điểm phát triển của Tỉnh ủy năm 2011 là ưu tiên mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, trọng tâm là TP Huế, thị xã Hương Trà, thị trấn Thuận An. Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ để hướng tới xây dựng TT Huế trở thành Thành phố cảnh quan, di sản, thân thiện với môi trường. Mục tiêu là đến năm 2014, TT Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Năm 2011 sẽ là năm tạo tiền đề cho mục tiêu lớn lao đó. Toàn tỉnh sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư để huy động tối đa mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, xem đây là giải pháp bứt phá. Hoàn thiện quy hoạch mở rộng đô thị, tạo quỹ đất; sắp xếp lại các khu đất vàng; tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích thu hút vốn đầu tư... Hoàn thiện quy hoạch đô thị, tập trung đầu tư hạ tầng, nhất là giao thông, điện nước, viễn thông để kết nối đô thị hạt nhân Huế với các đô thị Hương Thủy, Hương Trà, Thuận An, Bình Điền... Khai thác tốt hơn các tiềm năng, thế mạnh và lợi thế so sánh của vùng đất văn hóa để nâng cao chất lượng, hiệu quả của ngành du lịch, dịch vụ: khuyến khích đa dạng hóa và nâng cao các loại hình dịch vụ, phát triển du lịch thành một ngành mũi nhọn với nhiều sản phẩm du lịch phong phú như du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng biển và đầm phá. Toàn tỉnh cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới...

Trong tương lai, toàn tỉnh TT Huế là một thành phố phát triển bền vững, gắn giữa tăng trưởng kinh tế hợp lý với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển theo hướng thành phố xanh, thành phố công viên, thành phố cảnh quan, di sản... Tầm nhìn đến năm 2020, TT Huế sẽ trở thành một trong nhóm 20 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đứng đầu cả nước, trở thành trung tâm kinh tế, văn hoá, y tế, đào tạo lớn của cả nước và khu vực. Huế sẽ là 1 trong 5 đô thị cấp quốc gia, khu vực và quốc tế; là trung tâm văn hóa, du lịch; trung tâm y tế chuyên sâu; trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của miền Trung và cả nước. Mục tiêu được xác định đó vừa là niềm tự hào, đồng thời cũng là trách nhiệm hết sức nặng nề của TT Huế. Toàn tỉnh đang tập trung mọi nỗ lực thực hiện Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị, sớm cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước thành hiện thực, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. Đó thật sự vừa là khát vọng, vừa là trách nhiệm của mỗi một người dân Huế.

TRƯỜNG AN
(264/2-11)





Các bài mới
Các bài đã đăng