Tạp chí Sông Hương -
Đổi mới và đổi mới giáo dục
15:52 | 10/10/2011
Việt Nam đang đứng trước con đường có khá nhiều chông gai và nhiều thử thách. Hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới, Việt Nam cần nhiều sự đổi mới để tiếp tục phát triển.
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Chúng ta có thể tiến xa lên hay lùi dần lại so với thế giới điều đó sẽ được quyết định bởi các chiến lược đổi mới mà chúng ta đề ra và áp dụng có thỏa đáng và khả thi những chiến lược đó hay không?

Trong nhiều sự đổi mới đó, đổi mới giáo dục cần được/nên được/phải được xem là vấn đề thuộc về mặt ưu tiên chiến lược.

Việt Nam cần nhiều sự đổi mới để phát triển

Đứng trước bối cảnh thế giới, khu vực và đất nước những năm 80 của thế kỷ XX, Đảng và Nhà nước ta đã thực thi sự nghiệp Đổi mới trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Từ đó cho đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đất nước chúng ta đã gặt hái được nhiều thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực. Nền kinh tế tăng trưởng nhanh chóng. Tình hình chính trị - xã hội ổn định. Nền quốc phòng – an ninh vững mạnh. Bạn bè quốc tế đến tham quan du lịch Việt Nam ngày một nhiều. Trọng lượng của mảnh đất chữ S nặng dần dần lên trên bàn cân quốc tế và khu vực.

Nguyên nhân chủ quan của sự thành công đó chính là sự kiên định định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng và sự bền vững của Khối Đại đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp Đổi mới Đất nước.

Như vậy, khác với Liên Xô và các nước Đông Âu, chúng ta đã đổi mới “được” và đổi mới khá thành công. Thậm chí chúng ta đã được thế giới công nhận là một “con hổ” của Châu Á, một nền kinh tế thị trường hội nhập và phát triển năng động bậc nhất thế giới.

Và do đó, có ý kiến cho rằng sự nghiệp của chúng ta hiện nay đang là sự nghiệp “Phát triển” chứ không phải là sự nghiệp “Đổi mới” nữa.

Ý kiến đó khiến tôi có nhiều băn khoăn suy nghĩ. 

Chúng ta có quyền tự hào về thành quả của sự nghiệp Đổi mới. Nhưng chúng ta cũng cần phải nhìn ra thế giới. Bởi hiện nay, khi Việt Nam vẫn là một nước công – nông nghiệp với nhiều sự lạc hậu xen lẫn dấu hiệu tụt hậu thì nhiều nước phát triển trên thế giới (chẳng hạn như Khối G7) đã đi trước Việt Nam chúng ta hàng thế kỷ về sự phát triển kinh tế - xã hội.

Để đến năm 2050 nước ta cơ bản là một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Để nước ta là một nước dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Để Đất nước chúng ta là minh chứng cho sức sống của một hình thái kinh tế - xã hội tương lai.

Để Đất nước chúng ta là một tấm gương phát triển của một Đất nước vốn thoát ra từ chiến tranh và sự đô hộ của chế độ thực dân.

Để làm được những mục tiêu cảo cả đó, Đất nước chúng ta vẫn cần phải tiếp tục đổi mới. Thậm chí cần phải đổi mới nhanh và mạnh hơn nữa để đạt được những “tầm nhìn” do chính mình đã đặt ra.

Đổi mới giáo dục – chìa khóa cho sự phát triển

Một xã hội không thể phát triển khi không có nguồn lực con người đủ mạnh về cả chất và lượng. Hay nói bằng khí thế Cách mạng là phải có đội ngũ “vừa hồng, vừa chuyên”. Và do đó, để xã hội phát triển thì Đất nước chúng ta phải có những con người tài giỏi, biết gánh vác và thật sự năng động.

Nhiều người hỏi: Những con người đó lấy đâu ra?

Có thể trả lời ngay rằng: Những con người đó không phải tự nhiên mà có hay từ trên trời rơi xuống. Chính giáo dục trong Nhà trường là phương tiện chủ yếu đào tạo ra những con người cần thiết cho sự phát triển của xã hội.

Giáo dục là động lực để đất nước chúng ta có thể tự mình vượt vũ môn của sự nghèo đói, lạc hậu, trì trệ để “hóa rồng”.

Giáo dục còn giúp dân trí nước ta ngày càng được khai sáng. Chúng ta có thể thấy ngay hai hệ lụy liên tiếp nhau cho một Đất nước dân trí thấp. Đó là “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” (Hồ Chí Minh) và “Kẻ yếu tất bị đánh” (Mao Trạch Đông).

Do đó, để không “bị đánh” và cũng không phải là một “dân tộc yếu” thì Đất nước chúng ta cần phải coi trọng nền giáo dục nước nhà.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là nền giáo dục nước ta có quá nhiều điểm bất cập và tiêu cực.

Bất cập của nền giáo dục Việt Nam là ở chỗ những người tài giỏi nhất không ở lại hay quay về sau khi du học để phục vụ Đất nước. Đó là vấn nạn “chảy máu chất xám” đau đớn cho những ai quan tâm đến tương lai và vận mệnh của Đất nước.

Một bất cập nữa là một đất nước văn hiến như Việt Nam nhưng sự phát triển về giáo dục lại rất khập khiểng. Hàng nghìn điểm 0 môn Sử. Nhiều học sinh, sinh viên vô cảm với các vấn đề của xã hội và Chủ thuyết “Mackeno” (Mặc kệ nó) trở thành thời thượng.

Tiêu cực là ở chỗ giáo dục Việt Nam có quá nhiều điều khúc uẩn. Sự khúc uẩn nói toạc ra là sự giả dối, đây như bệnh thành tích trong giáo dục, các tiến sĩ “giấy”, nạn đạo văn trong các luận án, hiện tượng mua bán bằng, nạn “học giả bằng thật”… gây ra những làn sóng hoang mang trong dư luận.

Sự tha hóa về nhân cách của một số học sinh (học sinh đâm chết thầy cô vì tiền, học sinh chặn đánh các thầy cô vì coi thi quá nghiêm túc, nữ sinh đánh nhau chửi bới bằng ngôn ngữ chợ búa và cởi cả áo quần, nam nữ sinh tung clip sex…) và kể cả một số người thầy giáo (cho điểm thấp ở lớp để bắt học sinh học thêm, đề ra các khoản phụ thu thiếu minh bạch…) cũng là những hiện tượng đáng báo động.

Khó có thể có một quốc gia phát triển về kinh tế nào có những điểm bất cập và những điểm tiêu cực trong giáo dục nhiều như Việt Nam.

Cho nên Đất nước ta cần phải nhanh chóng đổi mới giáo dục. Không nên để nền giáo dục chúng ta phát triển một cách chập chững và mù mờ như thế. Chúng ta có thể sẽ bị lạc đường trong một thế giới phát triển không có điểm chung này nếu bản thân không có chiếc chìa giáo dục có thể mở ra cánh cửa tương lai mà chúng ta chọn lựa và ao ước.

Đổi mới giáo dục như thế nào?

Nền giáo dục cần phải được đổi mới một cách trung thực, hiệu quả và nhanh chóng. Trung thực nghĩa là không có bệnh thành tích trong giáo dục, không có chuyện “học giả”, không có chuyện “ăn ngoài”. Hiệu quả nghĩa là phải nghiên cứu thật kỹ càng, chính xác trong cả lý luận và thực tiễn về các mô hình giáo dục đã/đang/sẽ áp dụng. Nhanh chóng là phải đổi mới cho kịp với nhu cầu phát triển của xã hội.

Bên cạnh đó, chúng ta cần phải mạnh dạn xóa bỏ tư duy bao cấp “tiêu cực” trong giáo dục. Bởi những tư duy “tiêu cực” như quan liêu, bảo thủ, trì trệ trong giáo dục có thể bóp chết các ý tưởng và các nhân tài từ trong trứng nước.

Có thể mượn lời Giáo sư Hà Văn Tấn, Viện trưởng Viện Khảo Cổ học để nói về thực tế của “cái cũ” và “cái mới” trong nền giáo dục nước ta hiện nay. Giáo sư đã phát biểu như sau: “Giới hạn giữa cái mới và cái cũ là cái mới thì không đúng còn cái đúng thì không mới”.

Điều đáng buồn là khi Giáo sư nói ra thực tế ấy thì rất ít “anh hùng vô danh” (danh hiệu cao quý Hồ Chủ tịch trao tặng cho các giáo viên) dám đứng ra phá bỏ vòng tròn bao cấp cũ kỹ đó.

Một Thầy giáo Đỗ Việt Khoa không thể phá vỡ dược căn bệnh thành tích trong thi cử vốn đã trở thành một căn bệnh trầm kha của xã hội Việt Nam đương đại.

Những ý kiến đóng góp cho sự phục hưng môn Lịch Sử cũng “lực bất tòng tâm” vì “độc quyền” đổi mới sách giáo khoa Lịch Sử vẫn nằm mãi trong tay Nhà xuất bản Giáo dục.

Tại sao chúng ta không nhìn thấy được thực tế là đổi mới giáo dục không còn là vấn đề riêng của Nhà nước mà cụ thể là của Bộ Giáo dục & Đào  tạo nữa. Đổi mới giáo dục đã và đang là vấn đề của toàn thể xã hội. Do đó, để các “anh hùng” như Thầy Đỗ Việt Khoa không đơn độc làm “Đông Ki Sốt” trong công cuộc đổi mới giáo dục thì cả xã hội phải cùng vào cuộc. Trong đó Nhà nước và nhân dân phải cùng nghĩ, cũng làm, cùng đưa ra biện pháp và cùng khắc phục, giúp đỡ cho nhau. Trong sự nghiệp đổi mới giáo dục, nếu Nhà nước và nhân dân cùng hăng hái, quyết tâm thì chúng ta mới có cơ may “đi tắt”, “đón đầu”, “bằng” và “vượt” các nước trong trong khu vực.

Huế, ngày 06/09/2011
NGUYỄN VĂN TOÀN







Các bài mới
Các bài đã đăng