Ca trù ban đầu vốn là một loại hình nghệ thuật của dân gian, được cung đình tiếp nhận dùng làm trò diễn xướng, gọi là hát cửa quyền, rồi lại trở về với dân gian gọi là hát cửa đình, hát ả đào, hát cô đầu, hát nhà trò, hát nhà tơ.
Ngày nay, ca trù trở thành một nghệ thuật độc đáo, một loại hình ca nhạc vừa dân gian, vừa bác học.
Loại hình nghệ thuật độc nhất vô nhị
Theo “Việt sử tiêu án” của Ngô Thì Sĩ, đời vua Lý Thái Tổ (1010-1028) có ca nhi là Đào Thị hát rất hay, từng được vua ban thưởng. Sau này, người ta mộ danh Đào Thị nên ca nhi được gọi là đào nương.
Như vậy, ca trù ít nhất cũng có từ đời Lý. Đến đời Lê, có một danh ca là Bạch Hoa cùng chồng là Đinh Lễ sáng tạo ra chiếc đàn đáy, chế ra âm luật, làm rạng rỡ cho giáo phường, thu nhận nhiều đệ tử; khi qua đời được giới ca nhi suy tôn là Tổ cô đầu.
Cũng vì mộ danh Đào Thị tài giỏi hát hay nên người đi hát gọi là “ả đào,” chữ “ả” nghĩa là cô, vậy “ả đào” là từ “cô đào.” Những ả đào danh ca dạy con em thành nghề, mỗi khi đi hát đình đám, các đào nương phải trích ra một món tiền để cung dưỡng thầy, gọi là tiền đầu.
Sau này người ta dùng tiếng “cô” thay cho tiếng “ả” cho rõ ràng và tiếng “đầu” thay cho tiếng “đào” để tỏ ý tán tụng là bậc danh ca lão luyện đã dạy nhiều con em thành tài và được tặng nhiều món tiền đầu, nên gọi là “cô đầu.”
Hát “ả đào,” hát “cô đầu” đều là tên gọi cho nghệ thuật ca trù. Ngày xưa, hát ở cửa đền có lệ hát thẻ. Thẻ gọi là trù, làm bằng mảnh tre ghi chữ, đánh dấu, dùng để thưởng ả đào thay cho tiền mặt. Khi hát, quan viên thị lễ ngồi hai bên, một bên đánh chiêng và một bên đánh trống. Chỗ nào ả đào hát hay, bên trống thưởng một tiếng chát, bên kia đánh một tiếng chiêng rồi thưởng luôn cho một cái trù. Sau buổi hát, đào kép cứ theo trù thưởng mà lĩnh tiền.
Các nhà nghiên cứu về sự ra đời của ca trù, đều thống nhất khẳng định loại hình diễn xướng này có từ thời Lý, phát triển hưng thịnh ở đời nhà Lê.
Hát ca trù phải có đào hát với giọng khỏe, trầm và sang. Nhạc đệm cho người hát gồm có chiếc đàn đáy, chiếc trống con (trống khẩu), gọi là trống chầu và chiếc phách, gọi là cỗ phách do người hát điều khiển.
Nói đến nghệ thuật ca trù không thể không nói đến nghệ thuật soạn lời thơ. Những bài thơ do các danh sỹ bậc thày như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Dương Khuê, Chu Mạnh Trinh, Tú Xương, Cao Bá Quát… với những vần thơ tuyệt tác còn lưu lại cho thấy nghệ thuật viết lời cho nhạc thật mẫu mực.
Ngay giọng hát cũng vậy, phải rèn luyện công phu từ nhỏ mới giữ được “hơi trong” và buông được “hơi ngoài” trong nghệ thuật ém, nhấn, nhả.
Hát ca trù không giống với các loại hình dân ca khác mà phải hát ngậm miệng nhưng tròn vành rõ chữ, hát như “đổ châu, nhả ngọc.” Người hát ca trù vừa hát vừa gõ phách.
Nghệ thuật hát ca trù mang sắc thái độc đáo, đặc sắc riêng có ở Việt Nam và của cả nhân loại. Trên thế giới, ít có một bộ môn nghệ thuật nào mà chỉ có ba người cùng với nhạc cụ đàn đáy, cỗ phách, trống chầu phối hợp lại mà thành cả thơ, nhạc, tiết tấu, thể điệu… làm mê hoặc lòng người như ca trù.
Ngày 1/10/2009, nghệ thuật Ca trù đã được UNESCO xếp vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.
Bảo tồn và phát huy nghệ thuật ca trù
Ngay sau khi ca trù được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công bố chương trình hành động quốc gia bảo vệ ca trù giai đoạn 2010-2015 với các nội dung chính: Nâng cao nhận thức và năng lực cộng đồng, chủ thể văn hóa; tạo điều kiện để cộng đồng giao lưu, tìm kiếm, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm với các cộng đồng khác nhằm bảo vệ và phát huy di sản; ban hành chính sách đãi ngộ, phong tặng nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú cho các cá nhân có tài năng, có đóng góp quan trọng trong việc giữ gìn phát huy giá trị di sản ca trù; tăng cường nguồn đầu tư nhà nước, đi đôi với các nguồn lực xã hội góp phần bảo vệ di sản…
Thực hiện chương trình, trong thời gian qua, công tác bảo tồn, giữ gìn vốn quý nghệ thuật ca trù đã đạt một số kết quả. Các cơ quan chức năng đã khẩn trương tiến hành thu thanh, ghi hình, sưu tầm, bảo tồn và khôi phục loại hình nghệ thuật này.
Cùng với công tác sưu tầm truyền nghề, xây dựng Câu lạc bộ Ca trù ở các địa phương, công tác biểu diễn giới thiệu và lập dự án đưa Ca trù vào giảng dạy trong các trường nghệ thuật đã được thực hiện. Hàng loạt nghệ nhân đã trở lại biểu diễn ca trù.
Nhiều tài liệu Hán Nôm, các văn bia chạm khắc, di tích liên quan đến ca trù được phát hiện... Tất cả các hoạt động này cho thấy nỗ lực của Việt Nam trong việc phổ biến, gìn giữ những giá trị văn hóa tiêu biểu đặc sắc của nghệ thuật hát ca trù của người Việt.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy dù đã có những tín hiệu “phục hồi” trong thời gian gần đây, nhưng nghệ thuật ca trù vẫn chưa thoát khỏi tình trạng “báo động đỏ” - cần bảo vệ khẩn cấp.
Ca trù đang đứng trước ba nguy cơ: Thứ nhất là số lượng nghệ nhân không còn nhiều, vốn di sản về ca trù cũng theo đó mà rơi rụng (theo nhạc sỹ Đặng Hoành Loan, Viện Âm nhạc Việt Nam - người trực tiếp tiến hành khảo sát, nghiên cứu và lập hồ sơ ca trù trình UNESCO, cả nước chỉ còn hơn 21 nghệ nhân, trong đó có 12 nghệ nhân còn đủ sức khỏe để tiếp tục truyền dạy);
Thứ hai là cộng đồng ngày càng ít có cơ hội được tiếp cận với môn nghệ thuật này và thứ ba là không gian biểu diễn của ca trù đang mất dần đi...
Sau hơn hai năm ca trù được ghi danh, hầu hết các câu lạc bộ đều biểu diễn cầm chừng. Chung số phận với các câu lạc bộ ca trù biểu diễn chuyên nghiệp, một số câu lạc bộ ca trù truyền thống trên đất Thăng Long cũng sống lay lắt sau khi được UNESCO vinh danh mà nguyên nhân chính là do thiếu người truyền dạy, thiếu địa điểm sinh hoạt, các câu lạc bộ còn thiếu kinh phí hoạt động, thiếu cả người đam mê.
Đây cũng là tình trạng chung của nhiều câu lạc bộ ca trù khác ở Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.
Theo thống kê của các nhà nghiên cứu, năm 2010, cả nước hiện có 63 câu lạc bộ ở 14 tỉnh, thành phố, có gần 800 người biết đàn hát và múa ca trù; số lượng các di tích liên quan đến ca trù là 99 di tích./.
Theo TTXVN/Vietnam+