Tạp chí Sông Hương -
Nét văn hóa đặc sắc đón mừng Năm Mới ở Nhật Bản
22:05 | 27/01/2012

Nhật Bản là cường quốc công nghiệp phát triển đứng thứ hai trên thế giới (sau Mỹ). Đây cũng là nước châu Á đầu tiên mở cửa du nhập văn hóa, văn minh phương Tây ngay từ năm 1868 với công cuộc cải cách duy tân mang tên Thiên hoàng Minh Trị (Meiji).

Nét văn hóa đặc sắc đón mừng Năm Mới ở Nhật Bản
Các gia đình Nhật Bản trang trí kadomatsu trước cổng để đón Thần Năm Mới. (Nguồn: Internet)

Do ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, người Nhật từ lâu đã không đón Tết Nguyên Đán theo thời gian âm lịch như Việt Nam, Trung Quốc và một số nước châu Á khác.

Tuy nhiên, dù chịu ảnh hưởng của sắc thái văn hóa phương Tây nhưng nên văn hóa Nhật Bản nói chung và văn hóa lễ hội, văn hóa Tết nói riêng luôn chịu ảnh hưởng sâu sắc của Phật giáo với các triết lý sống khởi nguồn từ các bậc thầy Nho giáo của Trung Quốc như Khổng Tử, Mạnh Tử, Chu Tử.

Một số tập quán trong văn hóa đón mừng Năm Mới

Tháng Một dương lịch, người Nhật thường rất bận rộn và sôi động trong không khí vui đón các ngày lễ hội lớn nhất của năm.

Để chuẩn bị đón Năm Mới, trong những ngày cuối năm cũ, các gia đình Nhật Bản đều có tập quán dọn dẹp nhà cửa, trang trí kadomatsu trước cổng, shimekazari trên cửa ra vào và bàn thờ. Kadomatsu được làm từ cành thông cùng tre và mai để đón Thần Năm Mới; còn shimekazari có ý nghĩa đuổi quỷ trừ tà.

Những ngày Tết đón mừng Năm Mới của người Nhật Bản được bắt đầu từ 24 giờ ngày cuối cùng của tháng 12 (dương lịch) và được kéo dài trong ba ngày.

Sáng 1/1, các gia đình đều làm lễ đón mừng Năm Mới (Oshogatsu). Đầu tiên là rượu mừng Năm Mới otoso trừ tà khí trong năm đó và để kéo dài tuổi thọ. Tiếp đến là món ăn ngày Tết osechi sau khi cúng Thần Năm Mới.

Tục lệ mừng tuổi cho trẻ em, hoặc tặng quà giữa những người thân trong gia đình hay trong dòng họ, bạn bè cũng được tiến hành kể từ sau Lễ đón Giao thừa Năm Mới.

Trong những ngày Tết đón Năm Mới, người Nhật Bản thường đi lễ ở các đền, chùa với ý nghĩa vừa là để xin Thần, Phật cho sức khỏe, tài, lộc, hạnh phúc, vừa là dịp tham quan, thư giãn, thưởng ngoạn các nơi danh thắng, di tích lịch sử-văn hóa.

Một hoạt động khác cũng được coi là một trong những nét đẹp văn hóa đầu Năm Mới của người Nhật, đó là việc khai bút.

Một nét đẹp đặc trưng khác của văn hóa Tết đón Năm Mới ở Nhật Bản không thể không nhắc đến, đó là các món ăn ngày Tết - được coi là tiêu biểu cho văn hóa ẩm thực của người Nhật. Đó là các món sashimi, sushi, osechi, zouni, kagamimochi. Đồ uống thì có rượu sake và một vài loại bia nổi tiếng của Nhật như Ashahi, Sapporo, Kirin.

Theo phong tục, tập quán từ xưa, các gia đình và nhiều cơ quan, công sở... đều đặt kadomatsu trước cổng ra vào từ những ngày giáp Tết cho đến hết ngày 7/1.

Mọi người đều mặc đẹp, đến đền chùa làm lễ hatsumode đầu năm. Khi đến làm lễ, người Nhật thường mua một mũi tên trừ ma quỷ (gọi là hamaya) để gắn kèm vào kadomatsu trước cổng nhà. Họ cũng thường xóc quẻ, rút lá số xem bói bản thân hoặc gia đình trong Năm Mới.

Ngày 7/1 là ngày Tết 7 loài hoa quả. Trong ngày này, người Nhật Bản ăn cháo nấu bằng bảy loại rau, quả để cầu sức khỏe. Người Nhật cho rằng, cháo cũng là bài thuốc chữa được nhiều bệnh.

"Làm vỡ" bánh dày (kagamibiraki) là tục lệ được người Nhật Bản tiến hành vào ngày 11/1. Bánh dày hình gương tượng trưng cho may mắn nên người Nhật không cắt mà "làm vỡ" bằng búa. Bánh dày vỡ ra được nấu thành chè với đậu đỏ cũng hàm ý sẽ mang lại những điều tốt đẹp.

Ngày lễ thành nhân (Seijinnohi) diễn ra vào ngày 15/1, là ngày làm các nghi lễ trang trọng để công nhận và chúc mừng các nam nữ thanh niên Nhật tròn 20 tuổi trong năm đó. Ngày này thường được tổ chức tại các ngôi đền nổi tiếng ở từng địa phương nơi các thanh niên đó cư trú. Sau Seijinnohi, mọi người mới thực sự hết Tết và trở lại cuộc sống bận rộn thường ngày./.

Theo Chí Cường (TTXVN/Vietnam+)









 
Các bài mới
Các bài đã đăng