Tạp chí Sông Hương -
Độc đáo lễ hội Xuân Nhâm Thìn
09:56 | 30/01/2012

Theo giới nghiên cứu, các lễ hội vào “tháng ăn chơi” chiếm số lượng không nhỏ trong tổng số gần 8.000 lễ hội trên toàn quốc. Đặc biệt, với cách khai thác lễ hội gắn với phát triển du lịch, một số lễ hội phía Bắc trong năm Nhâm Thìn 2012 này đã được tổ chức công phu và quy mô hơn so với thường niên.

Độc đáo lễ hội Xuân Nhâm Thìn
Lễ hội Tịch điền 2012. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

* Lễ hội Tịch Điền (Đọi Sơn, Hà Nam) diễn ra vào sáng qua 29/1 (mùng 7 tháng Giêng ÂL): Là lễ hội mới được phục dựng từ 4 năm nay, dựa theo nguyên gốc là lễ hội Tịch Điền (cày ruộng) năm 987 do vua Lê Đại Hành mở ra. Là năm chẵn, lễ hội Tịch Điền 2012 có sự tham dự của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong những đường cày đầu tiên để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu như truyền thống.

* Lễ hội chùa Hương (Mỹ Đức - Hà Nội) vào chính hội ngày 6/2 (15 tháng Giêng ÂL): Ngay từ ngày khai hội 6/1 âm lịch, hơn 6 vạn du khách đã đổ về lễ hội được coi là lớn nhất khu vực miền Bắc này. Theo quy định của năm nay, giá đò, giá vé của lễ hội được tăng lên 30% so với trước (vé tham quan 50.000 đồng/người, vé đò từng loại 25.000 - 40.000 đồng/người). Bù lại, BTC cam kết sẽ nỗ lực tối đa để đảm bảo an ninh trật tự và đặc biệt là vệ sinh trong 3 tháng diễn ra lễ hội với việc đã đầu tư xây dựng một dây chuyền xử lý rác thải theo công nghệ lò đốt Nhật Bản trị giá hơn 10 tỷ đồng từ giữa năm 2011.

* Hội khai ấn đền Trần (Nam Định) diễn ra vào ngày 5,6/2 (14,15 tháng Giêng ÂL): Thay vì chen chúc, giẫm đạp giữa một biển người để “xin” các lá ấn, du khách hoàn toàn có thể... thong thả nhận ấn từ BTC trong suốt thời gian 15 ngày sau Rằm tháng Giêng. Trong ngày 14 tháng Giêng sẽ diễn ra các nghi thức truyền thống của lễ hội này như dâng hương, rước kiệu, lễ đầu năm..., tuy nhiên, việc phát ấn trong đêm 14 như vài năm gần đây đã hoàn toàn bị dẹp bỏ. 

* Lễ hội Tây Thiên (Vĩnh Yên) diễn ra vào 6/2 (15 tháng Giêng ÂL): Năm 2012 là lần đầu tiên hệ thống cáp treo dài 2,5 km sẽ được đưa vào vận hành tại lễ hội tưởng nhớ Quốc mẫu Tây Thiên này. Trước đó, kể từ năm 2008, việc tuyến cáp treo tại Lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh - diễn ra vào 1/2 tức mùng 10 tháng Giêng ÂL) cũng đã giúp du khách có thêm nhiều lựa chọn trong việc tiết kiệm thời gian để thăm một trong những trung tâm văn hóa Phật giáo của miền Bắc. 

* Hội Lim (Bắc Ninh) diễn ra vào 4/2 (13 tháng Giêng ÂL) vẫn được gọi là lễ hội gắn với dân ca quan họ - kết tinh độc đáo của vùng văn hóa Kinh Bắc. Đặc biệt, kể từ khi Quan họ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2010, Hội Lim hàng năm đều được tổ chức theo mô hình đưa dần hình thức hát quan họ trở về với không gian truyền thống và phi sân khấu hóa. Một lễ hội khác của Bắc Ninh là Hội bà chúa Kho (diễn ra vào 5/2 tức 14 tháng Giêng ÂL) cũng được coi là lễ hội quan trọng với khách hành hương, đặc biệt là giới kinh doanh. 

* Lễ hội Trò Trám (Phú Thọ) diễn ra vào các đêm 2,3/2 (ngày 11 và 12 tháng Giêng ÂL) trong vài năm gần đây đang đặc biệt có sức hấp dẫn với du khách và giới nghiên cứu về tính độc đáo của mình. Theo tục lệ của địa phương, hai vật thờ bằng gỗ trong đền là nõ và nường (tượng trưng cho sinh thực khí của nam, nữ) sẽ được làm lễ với các diễn xướng mô phỏng quan hệ nam nữ, cầu mong cho nòi giống được sinh sôi. Đáng chú ý, nghi thức này mới chỉ được “mở cửa” cho phép du khách phương xa vào xem từ vài năm trở lại đây. 

Theo Cúc Đường  - TT&VH














 



 

Các bài mới
Các bài đã đăng