Tạp chí Sông Hương -
Da Vinci copy tranh của bạn?
14:03 | 02/02/2012

Người Vitruvius(Vitruvian Man) là tên một bức vẽ nổi tiếng của danh họa Phục hưng Leonardo da Vinci (1452-1519). Tranh được ông thực hiện vào khoảng năm 1490, đây là một trong những hình họa nổi tiếng nhất thế giới. Tuy nhiên, nghiên cứu mới đây cho thấy rất có thể Da Vinci đã tạo nên bức vẽ này bằng việc sao chép bản vẽ của một người bạn là Giacomo Andrea da Ferrara

Da Vinci copy tranh của bạn?
Bức vẽ Người Vitruvius của Leonardo da Vinci và Giacomo Andrea da Ferrara

Bức vẽ Người Vitruvius mô tả một người đàn ông khỏa thân ở hai trạng thái khác nhau (duỗi thẳng chân và dạng chân) nằm trong một hình tròn và hình vuông trùng tâm đối xứng. Số đo của người đàn ông tuân theo một tỷ lệ được Da Vinci quy ước và ghi chép phía dưới hình vẽ.
 

Bữa tối của hai người bạn thân
Song năm 1986, từ một bản thảo bị bỏ quên trong một thư viện ở Ferrara, Italia, sử gia kiến trúc Italia Claudio Sgarbi đã phát hiện ra một bức vẽ khác mô tả một người đàn ông có số đo cân xứng rất giống với hình vẽ của Da Vinci. Cả 2 bức vẽ này đều mô tả dựa trên quan điểm về tỷ lệ lý tưởng của số đo cơ thể người và các khái niệm về hình học, kiến trúc trong tác phẩm De Architectura ra đời trước đó 1.500 năm của kiến trúc sư La Mã Vitruvius.
Sau nhiều năm nghiên cứu, sử gia kiến trúc Sgarbi tin rằng bức vẽ này là của Giacomo Andrea da Ferrara - một chuyên gia về Vitruvius, kiến trúc sư và là bạn thân của Da Vinci. Sgarbi cho rằng Da Ferrara vẽ bức Người Vitruvius trước, nhưng ông và Da Vinci có bàn bạc và trao đổi với nhau. 
Ông Sgarbi tin rằng Da Vinci “đạo” ý tưởng vẽ tranh của bạn mình dựa vào những yếu tố chính sau đây: Trong bản ghi chép phía dưới hình vẽ, Da Vinci đã đề cập tới bức vẽ Người Vitruvius của Da Ferrara, do vậy nhiều khả năng Da Vinci đã tham khảo trực tiếp từ bản thảo có minh họa của Da Ferrara. Thứ hai, Da Vinci đã ăn tối cùng Da Ferrara vào tháng 7/1490, năm mà cả 2 người đã vẽ bức Người Vitruvius. Các chuyên gia cho rằng Da Vinci đã lĩnh hội kiến thức về Vitruvius của Da Ferrara khi họ gặp nhau và chuyện trò. Và mặc dù cả 2 bức vẽ đều truyền tải khái niệm của Vitruvius một cách giống nhau, song Da Vinci thể hiện hoàn hảo hơn, trong khi bản vẽ của Da Ferrara đầy những chỗ chỉnh sửa.
“Hoàn hảo hơn”
 

Patrice Le Floch-Prigent, nhà giải phẫu thuộc trường ĐHTH Versailles ở Pháp, người đã phân tích bức vẽ nổi tiếng của Da Vinci, nhấn mạnh rằng, dẫu có thế nào thì cả 2 bức vẽ đều “có nguồn gốc từ khái niệm của Vitruvius”.
Nhiều học giả thấy luận cứ mà ông Sgarbi nêu ra có sức thuyết phục, song họ cũng đưa ra quan điểm của mình. “Tôi thấy lý lẽ của ông Sgarbi đáng lưu ý” -  Indra McEwen, sử gia kiến trúc thuộc trường ĐHTH Concordia, tác giả của nhiều cuốn sách về Vitruvius, nói. “Nhưng tôi cho rằng Da Vinci và Da Ferrara hợp tác với nhau để vẽ bức Người Vitruvius, chứ Da Vinci không sao chép tranh của Da Ferrara”.
Theo McEwen, 2 nghệ sĩ Phục hưng này không phải là những đối thủ cạnh tranh, mà là đồng nghiệp nỗ lực hợp tác với nhau nhằm đưa ý tưởng đẹp đẽ của Vitruvius trở lại với cuộc sống.
“Tôi không quan tâm tới việc trong 2 bức vẽ này đâu là bản tranh gốc. Tôi nghĩ trong thời của Da Vinci, chuyện đó không là vấn đề. Không tính đến chuyện ai vẽ trước, tác phẩm của Da Vinci rõ ràng hoàn hảo hơn bức vẽ của Da Ferrara. Da Vinci là một nghệ sĩ siêu việt. Ông hiểu rất rõ về bộ môn giải phẫu cơ thể” - McEwen nói.
Cho dù thực tế có ra sao thì bức vẽ Người Vitruvius hoàn hảo hơn của Da Vinci đã nổi tiếng khắp thế giới. Không chỉ là một ví dụ cụ thể về tỷ lệ của số đo cơ thể người, hiện nay Người Vitruvius được dùng như một biểu tượng của nghề y và các cơ sở y học. Người Vitruvius cũng xuất hiện trên đồng 1 euro do Italia phát hành. Trong tiểu thuyết Mật mã Da Vinci, Người Vitruvius cũng được nhắc tới ngay đầu tác phẩm khi nhà biểu tượng học Robert Langdon nhìn thấy xác của Jacques Saunière tại bảo tàng Louvre. Trong khi đó, bức vẽ đơn giản hơn - có thể là bản gốc - lại bị lãng quên trong một thư viện suốt 5 thế kỷ. 2 bức tranh giống nhau nhưng lại có số phận khác hẳn nhau.
                                                                                                                    Theo Việt Lâm – TT&VH

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Ngư phủ (31/01/2012)
Sapa huyền ảo (31/01/2012)