Tạp chí Sông Hương -
Liên hoan thơ châu Á - TBD: Quá hình thức
15:06 | 04/02/2012

Trước ngày thơ Việt Nam, thi sĩ nước nhà có dịp tụ họp với bạn thơ quốc tế trong liên hoan tầm cỡ khu vực, với đủ lệ dâng hương, hội thảo và đọc thơ.

Liên hoan thơ châu Á - TBD: Quá hình thức
Nhiều nhà thơ châu Á - Thái Bình Dương hội ngộ tại Quảng Ninh. Ảnh: T.Toan.

Đón thơ dưới mưa

Sáng 2-2 tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), hơn 70 đại biểu đến từ 24 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á - Thái Bình Dương, cùng gần trăm nhà thơ, nhà văn nước nhà làm lễ khai mạc Liên hoan thơ dưới trời mưa lạnh. Sau lễ kéo cờ ở sân khách sạn Công đoàn, cả đoàn hơn 200 người lên xe đến núi Bài Thơ. Từ bãi xe phải mất gần cây số đi bộ che ô, thi sĩ mới đến chân núi dự lễ dâng hương vua Lê Thánh Tông và thả thơ tiền nhân.

Khách quốc tế được nghe chuyện vua Lê cho tạc thơ trên núi, được hòa vào nghi lễ dâng hương. Những áng thơ ca ngợi Hạ Long của vua Lê, thi hào Nguyễn Trãi, nữ sĩ Hồ Xuân Hương, hay ông hoàng thơ tình Xuân Diệu... theo chùm bóng bay lên trời.

Người thường có thể ngại thay cho khách mời cùng không ít nhà thơ bước vào tuổi thất thập của ta: Con đường dẫn đến núi Bài Thơ men theo vách núi, bên tay trái là biển, chông chênh vì được kê bằng tấm bê tông khấp khểnh hẹp chưa đầy mét.

Chưa kể, để tiến tới khu vực cờ quạt, kê ghế ngồi- bên trên có mái bạt che, đại biểu bước qua đống gạch đá đổ nát của dãy nhà áp vách núi mới bị giải tỏa. Đi không khéo, té như chơi. Lực lượng nam thanh nữ tú thì phải bận áo mỏng đón gió biển và mưa từ sáng sớm.

Chừng ấy có vẻ chẳng làm giảm niềm hào hứng của khách thơ. Chị Holly Thompson người Mỹ sang Nhật dạy văn học, tay cầm ô, tay kia không ngớt lia máy ảnh. “Tôi rất thích cảnh vật mờ ảo dưới sương mù, thời tiết quá tuyệt”, Holly nói. Nhà thơ David Mckirdy phấn khích: “Cả cuộc đời tôi sống ở Hồng Kông, nhiễm quan niệm phương Đông rằng mưa báo hiệu điềm may mắn”.

Trong lúc ngồi trà chén vỉa hè, các nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Duy, Vũ Quần Phương chia sẻ không khí của những liên hoan thơ quốc tế. Nguyễn Quang Thiều bảo từng qua hơn 5 tiếng liền đọc thơ, giao lưu cùng độc giả ở Hàn Quốc. Liên hoan thơ ở Nikaragua độc đáo ở chỗ thơ tràn hết cả ra không gian đường phố, sôi nổi cùng nhiều loại hình khác.

Cứ phải trống giong cờ mở?

Chiều cùng ngày, cả đoàn vào bàn hội thảo, hướng về chủ đề thơ ca vì châu Á Thái Bình Dương hòa bình, hữu nghị và phát triển. Nếu mong chờ hội thảo mang lại những chia sẻ to tát, cử tọa đành thất vọng, chờ đợi vào nội dung hội thảo sáng hôm sau. Hay chí ít hi vọng các thi sĩ có thể chuyện trò ngoài trong lúc ăn, đi dạo, nhưng không phải nhà thơ Việt Nam cũng dễ dàng giao tiếp với bạn quốc tế.

Chúc Ngưỡng Tu đến từ Trung Quốc có thể cầm bản thảo đọc tham luận lưu loát bằng tiếng Việt. Nhà thơ Nga Nikolai Vladimirovich Pereiaxlov- tác giả 22 tập thơ- lại trục trặc. BTC không kịp bố trí người chuyển ngữ, nhà thơ đành chuyển tham luận sang đọc thơ Những con họa mi Matxcova.

Nguyễn Quang Thiều chữa cháy khéo léo, nói sơ suất của BTC khiến buổi thảo luận mở ra không gian ngẫu hứng, đúng chất thi sĩ. Bên lề hội thảo, Holly Thompson chia sẻ, đến liên hoan thơ để có cơ hội chia sẻ với bạn bè đa quốc gia. Còn David Mckirdy: “Tôi đến đây không có gì mong chờ quá, chỉ đến bằng tâm hồn mở, đón nhận mọi điều diễn ra từ thi ca”.

Hỏi Phó Chủ tịch Hội Nhà văn VN Nguyễn Quang Thiều rằng có vẻ ta quá trọng nghi lễ, kém đi phần không gian thơ sôi động?Anh lại cho rằng đó là “phong vị của các thi sĩ Việt Nam”.

Dịch giả, nhà thơ Lâm Quang Mỹ sống tại Ba Lan bộc bạch: “Cách tổ chức hơi thiên về hình thức, nên giảm bớt đi để tập trung vào nội dung. Tôi tham gia nhiều festival các nước, họ đi luôn vào vấn đề, chú trọng giao lưu với người yêu thơ, phát huy tối đa hiệu quả của thơ ca”. Có thể vì lẽ đó, BTC tăng thêm đêm thơ tối 2-2, thay vì chỉ có đêm thơ 3-2.

Thơ ca cần sang trọng hơn

Nhà thơ Vũ Quần Phương nói, đến lúc thơ ca nước ta phải sang trọng hơn, chấm dứt thời kỳ dài quần chúng hóa. Còn Nguyễn Quang Thiều: “Nên chia ra thơ ca và đời sống thơ ca. Thơ ca mỗi quốc gia, giai đoạn họ cố gắng khám phá ra cái mới, đẩy ngôn ngữ thơ ca đa dạng hơn, đẹp hơn nữa. Để thơ ca một dân tộc phát triển, phải nâng lên đẳng cấp rất cao kể cả trong kỹ thuật, ngôn từ…

Bên cạnh đó thơ ca mang đến đời sống cho mọi người. Họ làm thơ không phải để thúc đẩy sự phát triển, mà để sống, chia sẻ, kêu gọi chống lại sự vô cảm, xấu xa trong xã hội. Mỗi giai đoạn có những nhà thơ xuất sắc, mở ra nhiều giọng điệu, làm cho ngôn ngữ tiếng Việt chứa đựng nhiều vẻ đẹp hơn.

                                                                                                                   Theo Toan Toan - TP

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng