Văn xuôi Việt Nam đang có những tín hiệu rất đáng quan tâm của một nền văn học mở, đang thay đổi, đang chuyển động, đang thể nghiệm những hướng đi, đang tìm tòi nội dung và hình thức biểu hiện, đang vượt thoát những gì trì trệ, kìm hãm, và đang tiếp biến những nét mới của những dòng văn chương nước ngoài để trước hết là làm thay đổi tư duy sáng tạo, mong muốn tạo ra những khác lạ, những hiệu quả nghệ thuật mới của người viết, để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của người đọc.
Những chuyển động, thay đổi đó không dễ nắm bắt, bình luận về chúng lại càng phải thận trọng, không thể đưa sở thích chủ quan để áp đặt, lại càng không nên kỳ thị, nhất là đối với những cái mới, cái khác lạ ...thường mang tính dị biệt, lúc mới xuất hiện. thường không giống với bất cứ những gì ta đã biết.
(...)
Văn xuôi về chiến tranh vẫn đang được các nhà văn tiếp tục đào xới như một sự trả món nợ của quá khứ, các tác giả vẫn là thế hệ chống Mỹ. Chiến tranh sau hơn ba mươi năm đã hiện lên không phải chỉ là nhìn thấy nữa mà là một hiện thực được phản ảnh sau những nghiền ngẫm, cân nhắc vì vậy có thể thấy trang viết lắng đọng hơn, nhiều suy tư hơn, vấn đề đặt ra trong tác phẩm nhức buốt hơn.Vẫn tiếp tục khẳng định những đóng góp to lớn của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ anh hùng vừa qua, nhưng nhà văn đã nhìn nhận điều đó từ nhiều phía. Chẳng hạn nhà văn Xuân Đức vốn là tác giả của nhiều tiểu thuyết về chiến tranh viết về mảnh đất Quảng Trị, năm 2006 với tác phẩm Bến đò xưa lặng lẽ lại cho ta thấy chiến tranh không chỉ có anh hùng, có hy sinh mà tự trong lòng nó ẩn chứa biết bao những vết thương tinh thần, những bi tráng và bi kịch, những hy sinh thầm lặng, những tình huống oái ăm mà không một trí tưởng tượng nào có thể hình dung được.
Những người chiến sỹ giải phóng kiên cường trước kẻ thù, không hề tiếc xương máu cho kháng chiến, trung thành với sự nghiệp giải phóng đất nước nhưng chịu những mất mát to lớn như Khảm, hoặc như Phạm Đọt khi lâm vào tình huống tréo ngoe không có cách gì bày tỏ lòng trung thành của mình với tổ chức, đã không hề nao núng. Chiến tranh cũng làm biến dạng tính cách con người như Lương, Ly, Linh, Cội và nhiều người khác nữa mà nhà văn Xuân Đức đặt ra trong cuốn sách như một mảng ngầm đầy ám ảnh. Cũng viết về sự hy sinh của người chiến sỹ nhưng Nguyễn Quang Hà trong Vùng lõm tập trung nêu bật hình tượng người chiến sỹ hy sinh trong một trường hợp đặc biệt bi tráng. Đó là Dư, người chiến sỹ giải phóng, quyết định hy sinh tính mạng mình, hy sinh cả tình yêu của mình, mở hầm bí mật lên trình diện kẻ thù thà chịu chết để cứu đồng bào vô tội của làng Hiền Mai vùng sâu của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Có thể nói hình ảnh một chiến sỹ trẻ tuổi tự mình dấn thân đến trước họng súng kẻ thù vì sinh mạng của đồng bào của mình đã để lại những cảm xúc cao cả mang ý nghĩa thẩm mỹ đặc sắc. Rồi Trần Văn Tuấn trong Rừng thiêng nước trong, Đỗ Kim Cuông trong Trận tuyến sông Bồ, Hữu Phương trong Chân trời mùa hạ, Dương Hướng trong Dưới chín tầng trời, Từ Nguyên Tĩnh trong Truyền thuyết sông Thu Bồn, Bùi Bình Thi trong Xiêng Khoảng mù sương, Tô Đức Chiêu trong Đường về Thà Khẹc, Khuất Quang Thuỵ trong Đối chiến, Hoàng Đình Quang trong Xuân Lộc, Trầm Hương trongĐêm Sài Gòn không ngủ, Nguyễn Hoàng Thu trong Đi qua bóng tối, Trung Trung Đỉnh trong Lính trận, Nguyễn Chí Trung trong Tiếng khóc của nàng út..và Xuân Khánh trong Đội gạo lên chùa (viết về kháng chiến chống Pháp), tiếp tục dòng chảy của văn học về đề tài chiến tranh trước đây trên một tầm nhận thức mới của người viết.
Đã có có sự điều chỉnh cần thiết trong cách thể hiện để hiện thực đạt được tính khách quan hơn khi nhìn chiến tranh từ hai phía. Kẻ thù không còn là những hình nộm ngờ nghệch, thú tính mà là rất xảo quyệt, rất khôn ngoan, thiện chiến, thậm chí rất con người. Trong hàng ngũ ta cũng không ít những kẻ biến chất, trở thành những cản trở nặng nề cho cuộc chiến, cho nên trận đánh không hề dễ dàng ta thắng địch thua đơn giản như trong văn học ngày nào, mà là một sự đối mặt khốc liệt ( đối chiến ), một sự hy sinh mất mát lớn lao sau những chiến công. Nguyễn Hoàng Thu dựng lại không khí một thành phố miền trung sát trước ngày 30-4-1975 và nêu bật tâm trạng của những người trẻ tuổi bên phía nguỵ quân, nguỵ quyền trước thời cuộc, làm người đọc hiểu thêm cuộc chiến tranh nhìn từ hai phía ( tiểu thuyết Đi qua bóng tối ). Văn học đang cố gắng tìm lời giải hợp lý nhất, khách quan nhất cho những sự kiện chiến tranh đang dần bị khuất lấp vì thời gian. Tính chân thực của văn học viết về chiến tranh vì vậy được nâng lên đáng kể. Nhưng ở đây cũng có một lưu ý cần thiết. Khi hiện thực đã đi qua, những biểu hiện nào là bản chất của đời sống, là bản chất của thời đại cần được lựa chọn, nhìn nhận và đánh giá trên quan điểm lịch sử, bằng cái nhìn lịch sử, làm tăng tính chân thực thẩm mỹ mà không vi phạm tính chân thực lịch sử, đánh mất bản chất của hiện thực. Đó là trách nhiệm và lương tâm của người cầm bút đặc biệt ở dòng văn học viết về chiến tranh vì nó có sứ mệnh tham gia cắt nghĩa lịch sử trên cái nhìn toàn cục. Đúng là trên thực tế có những người lính bên kia chiến tuyến ra trận với nhiều lý do, và vẫn có những người như Fred, Nguyễn Trung Hiếu, nhặt được Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm, (cũng như trường hợp người nhặt được bản thảo của nhà văn Chu Cẩm Phong ) đã không giấu giếm sự cảm phục đối với một nữ bác sỹ của cộng sản, một nhà văn cộng sản và đã bị cảm hoá thực sự.Đúng là trên thực tế vẫn có những kẻ phản bội như Tám Hàn. Đúng là không ai muốn khơi lại vết thương đau của dân tộc mình, đúng là cần phải khép lại quá khứ, dẹp bỏ những tỵ hiềm, những thù hận, vì một lẽ phải lớn là hoà hiếu của thời đại và trên thực tế nhân dân ta đang thực hiện điều đó.
Nhưng như vậy không có nghĩa là không rạch ròi khi phải dựng lại bức tranh lịch sử. Trung thực với hiện thực vẫn là đòi hỏi muôn thuở của văn chương nghệ thuật!
Những đề tài khác cũng đang hấp dẫn đối với văn xuôi, đặc biệt là đề tài thế sự, đạo đức với những vấn nạn về sự xuống cấp đạo đức của đời sống hôm nay. Chưa bao giờ trong đời sống xã hội lại nhiều những tệ nạn như mấy năm qua. Hình như cơ chế thị trường sơ khai, sự cạnh tranh quyết liệt của thương trường, lòng ham muốn làm giàu bằng mọi giá, sự quá chênh lệch giàu nghèo, có thể có cả những bất công lợi ích của cá nhân, của nhóm...đã tạo ra những tệ nạn rất quỷ quyệt, ranh ma, tàn nhẫn trong những con người ngay bên cạnh chúng ta. Không chỉ là tội tham nhũng, biển lận của công mà là tội phạm xuất hiện dưới nhiều hình thức như chạy chức chạy quyền, triệt hạ lẫn nhau, giải quyết những mâu thuẫn nội bộ bằng luật rừng, bằng hành vi của xã hội đen, biến tổ chức thành nơi đấu đá tàn khốc của các phe nhóm vv. Nguyễn Bắc Sơn trong Lửa đắng, Nguyễn Đình Tú trong Phiên bản, Nam Ninh trong Khoảnh khắc đời người, Nguyễn Đức Thiện trong Kiếp người xuống xuống lên lên,Nguyễn Hiếu trong Mặt nạ để đời, Nguyễn Như Phong trong Chạy án, Bích Ngân trong Thế giới xô lệch,Đỗ Thị Hiền Hoà trong Heo may về...đã dựng lên bên cạnh bức tranh ảm đạm với những mảng tối nhức nhối của đời sống là cuộc đấu tranh không khoan nhượng giữa thiện và ác, giữa lương tâm của những người có văn hoá thực sự, lo lắng cho cuộc sống chung thực sự và những kẻ thoái hoá ở mọi cấp độ. Nếu sự thật đáng sợ trong những tác phẩm vừa nhắc là điều không còn xa lạ, chúng ta vẫn thường gặp trong đời sống hiện thực thì ánh sáng có thật từ cuộc đấu tranh sinh tử của những con người tiến bộ với những kẻ thoái hoá biến chất cũng là điều cần ghi nhận ở các trang viết của các nhà văn. Mổ xẻ vết thương đau nhưng rồi văn học không thể không hướng bạn đọc đến những hy vọng, bởi vì cuộc sống không bao giờ hết hy vọng.
Ta thấy trong những tác phẩm vừa nhắc trên đây, cuộc đấu tranh giữa cái tốt và cái xấu thật quyết liệt, nhưng những gì là tích cực, là tốt đẹp vẫn không bao giờ làm mất niềm tin ở người đọc. Thuỳ Dương trong Thức giấc viết về những khát vọng vươn lên khẳng định mình của những người trẻ tuổi trong lĩnh vực kinh tế, Cao Duy Sơn trong Ngôi nhà xưa bên suối với những vẻ đẹp của tâm hồn con người qua năm tháng, Sương Nguyệt Minh trong Dị hương với những trăn trở đạo đức của những người trong một nhà, những người từ quê ra tỉnh, Nguyễn Bắc Sơn trong Lửa đắng đã khá công phu dựng lên hình tượng những nhân vật tích cực tiêu biểu cho cuộc sống như Kiên, Bí thư quận uỷ Lâm Du, Triển, Tổng biên tập báo Thời Luận không hề nao núng trước cái ác, sẵn sàng chấp nhận thiệt thòi đối mặt với xã hội đen, đối mặt với những mưu ma chước quỷ mà những người đồng nghiệp, đang trở thành những lực cản đáng sợ trong cơn trở dạ đau đớn của thời cuộc. Chẳng hạn hình ảnh giám đốc công an tỉnh trong tiểu thuyết Chạy án của Nguyễn Như Phong, và những giằng xé nội tâm khi người bạn chiến đấu của ông trong chiến tranh, giữ một chức vụ khá to hôm nay đang là đối tượng chính của một trọng án cần phanh phui. Sự lựa chọn của ông không hề dễ dàng chút nào. Nhưng rồi ông và những chiến sỹ công an đã vượt qua tình huống éo le đó.
Từ những trang viết về những vấn đề đạo đức thế sự có thể nhận thấy các tác giả tiểu thuyết đã không ngần ngại lách mũi dao nhọn của mình vào những ung nhọt của xã hội hôm nay. Nhưng có điều dù trang viết về sự thật từng nơi, từng lúc có nặng nề đến đâu, cũng không ai nghĩ hiện thực đang bị nhận thức trái với bản chất của nó, ngược lại, với những trang viết như vậy, bạn đọc luôn nhận ra tinh thần trách nhiệm, tinh thần công dân của nhà văn trước thời cuộc. Không chỉ phản ảnh, cắt nghĩa bản chất hiện thực, nhà văn còn hướng bạn đọc đến những quan niệm đạo đức mới, không làm mất niềm tin của họ vào cuộc sống bằng những nhân tố tích cực có sức cảm hoá hiện diện trong những trang sách. Nhưng ở đây cũng có thể đề xuất một vấn đề cần suy nghĩ. Đó là trong văn xuôi Việt Nam cho đến những năm gần đây đang thiếu hình ảnh tiêu biểu của con người mới Việt Nam trong giai đoạn cả nước đang trong giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá sôi động hôm nay. Những nhân vật văn học mang đậm tính cách và tâm hồn Việt, có thể đó là những công nhân, trí thức, doanh nhân, nhà khoa học...đang phát huy cao độ lòng yêu nước, yêu dân tộc, tinh thần quốc tế cao cả trong xây dựng kinh tế, bảo vệ hoà bình hôm nay. Thiết nghĩ một những cuốn sách như vậy đang được bạn đọc chờ đợi, thay vì chúng ta có lúc quá nghiêng về phản ảnh tiêu cực như giai đoạn văn học trước đây. Một cuốn sách có thể làm thay đổi tâm trạng có lúc khá ngột ngạt hôm nay của bạn đọc, có thể đang được chờ đợi hơn bao giờ hết..
Không ai không thừa nhận vai trò nhận thức của văn học. Bản chất đời sống hôm nay yêu cầu nhà văn không chỉ cần có lý trí sắc sảo mà còn cần có trái tim nồng ấm, có thái độ thông cảm, có trách nhiệm của người trong cuộc trước cái ngổn ngang bề bộn của thực tế, của tư tưởng, một hiện thực không hề đơn giản, một chiều giữa một bối cảnh đất nước, khu vực và quốc tế biến động từng ngày, trong đó cuộc đấu tranh giữa cái tốt và cái xấu, giữa tích cực và tiêu cực vẫn luôn diễn ra như là biện chứng của sự phát triển. Giai đoạn nào, xã hội nào cũng chứa đựng những mâu thuẫn, và cuộc đấu tranh để tự hoàn thiện như vậy không bao giờ có điểm dừng. Điều quan trọng con mắt nghệ thuật của người viết. Một biểu hiện tiêu cực trong đời sống dễ nhận ra nhưng những biểu hiện tích cực thường khi chậm được nhìn thấy. Không phải là cổ vũ cho sự minh hoạ, ca ngợi dễ dãi trong văn học, vấn đề là nếu cuộc đời có những con người, những sự kiện đáng ca ngợi tại sao văn học viết về những con người, những sự kiện đó hình như vẫn được xem là lỗi thời? Tại sao lại cứ phải đọc ai điếu cho một nền văn học ca ngợi lòng yêu nước, ca ngợi những nhân tố tích cực của đời sống? Phải chăng chỉ nên loại đi thứ văn chương minh hoạ dễ dãi, dù đó là minh hoạ cho cái gì đi nữa! Chính cuộc sống đã và đang loại bỏ thứ văn chương như vậy. Một nền văn học phát triển bền vững đáp ứng nguyện vọng số đông của người đọc là một nền văn học đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu nhưng cũng là nền văn học ca ngợi chân thực những biểu hiện tốt đẹp của đời sống!
Theo LÊ THÀNH NGHỊ - VNQĐ