Tạp chí Sông Hương -
Khi nhà văn làm… nhân vật của chính mình
09:34 | 10/02/2012

Rã rời, đó là cảm giác bạn dễ dàng gặp phải mỗi khi đọc xong một cuốn tiểu thuyết của nhà văn đương đại Pháp Michel Houellebecq (ảnh). Cảm giác đó dẫn bạn đến với sự phân vân khi đứng trước một tác phẩm mới của nhà văn này. Với sự đầy ắp trĩu nặng mà những tác phẩm đầy cá tính như Hạt cơ bản, Mở rộng phạm vi đấu tranh mang lại, bạn có lý để đặt ra câu hỏi: liệu Houellebecq có còn đủ sức “bày trò” mới để có thể xoá đi những ám ảnh đã đóng chặt trong tâm trí bạn?

Khi nhà văn làm… nhân vật của chính mình

Bằng quyền năng sáng tạo mạnh mẽ, Michel Houellebecq cho thấy, không có những biên giới cố định, mà nghệ thuật tiểu thuyết phải tạo ra một nơi chốn tự trị khác biệt.

Bản đồ và vùng đất (giải Goncourt 2010) đi vào thế giới sáng tạo của Jed Martin, một nghệ sĩ thị giác đương đại. Michel Houellebecq theo dõi quá trình chuyển biến sáng tạo của anh ta không chỉ bằng một sự mô tả trong ngôi kể, mà còn là một cuộc “sống chung”, “tương tác” khi tạo ra “phiên bản của mình” - nhân vật nhà văn Michel Houellebecq, thả vào tác phẩm. Trong ba bước chuyển hướng cơ bản (có thể gọi là cách mạng sáng tạo) của Jed Martin, đều có sự liên đới với nhân vật nhà văn Houellebecq:

- Nhà văn Houellebecq suýt nữa thì đã có thể trở thành người viết giới thiệu triển lãm đầu tay của Jed, một triển lãm ảnh chụp bản đồ làm nên tên tuổi của nghệ sĩ mới (theo hướng tái hiện các đối tượng - “bản đồ” hấp dẫn hơn “vùng đất”).

- Nhà văn Houellebecq trở thành bạn của Jed Martin khi ông được mời viết catalogue cho triển lãm đánh dấu sự trở về với sơn dầu, giá vẽ theo chủ đề con người và những nghề nghiệp (lúc này, Jed hướng đến con người là chủ thể của tồn tại). Bức cuối cùng trong dự án sáng tạo kéo dài 10 năm Jed đã vẽ về Houellebecq - nhà văn trong sự cảm mến và thấu hiểu.

Bản đồ và vùng đất, Cao Việt Dũng dịch, Nhã Nam & NXB Hội Nhà Văn, 2012. Ảnh:

- Nhà văn Houellebecq bị giết chết cùng với con chó của ông một cách thê thảm và đầy bí ẩn. Trong khi cái chết trở thành một sự kiện “trinh thám” ồn ào trong giới điều tra thì số phận của bức tranh Houellebecq trôi dạt và rốt cuộc được một gallery bán với giá cao. Sau thời điểm đó, Jed xác lập một “vùng đất” khác - ông đang say sưa với cuộc theo đuổi nghệ thuật vị lai đa phương tiện, tái hiện những đồ vật công nghiệp và sau đó đẩy nhanh quá trình huỷ hoại chúng bằng cách nhúng các cuộn băng vào axít sunfuric loãng.

Vùng đất hiện thực thay đổi, bản đồ sáng tạo đã luôn luôn chuyển biến. Và quãng giữa mỗi biến động đó, Jed luôn trải qua những chấn động lớn. Đó là thời “ngây thơ và tươi vui gần như thú vật” trong cuộc tình với Geneviève, thời thắm thiết như thiên đường với Olga khi bắt đầu thành danh, hay thời mất mát và hẫng hụt khi người cha ra đi, quê nhà thay đổi, dĩ nhiên, cả cái chết bí ẩn của Houellebecq - nhân vật của ông…

Câu hỏi về nghĩa lý của sáng tạo trong thế giới hậu công nghiệp - nơi mà mọi giá trị tinh thần (và cả người sáng tạo) có thể nhìn qua tư cách hàng hoá, quy giản thành sức mạnh giá cả thị trường và nồng độ thông tin - không được nêu ra trực tiếp, song, luôn thường trực trong tác phẩm.

Liệu có điều gì bên dưới, tạo nhịp liên kết giữa “tâm tính các thời” trong đời một nghệ sĩ với con đường sáng tạo của họ? Liệu có thể xác lập mối tương quan cụ thể giữa chọn lựa phương tiện thể hiện và thế giới vật chất phồn tạp vây quanh? Người nghệ sĩ qua các phương tiện sáng tạo của mình, đã thực sự tìm thấy sự hoà giải với thực tại, hay chỉ là một sự đẩy xa những huyễn tưởng bi thảm và chấp nhận sự biến mất, bão hoà trong hư vô (như câu kết tác phẩm: “cuộc chiến thắng của thực vật là toàn vẹn”)?

Houellebecq, tác giả cuốn sách, đã không đưa ra một triết luận nghệ thuật nào cả. Ông để cho cuộc đời của Jed dao động giữa các lực đưa đẩy của nhu cầu, sự kiện thị trường, những lôi cuốn của tình yêu, những cuộc đeo đuổi ý tưởng mơ hồ, hay sự xô dạt xao xuyến của số phận nói chung, để đưa ra những “tình thế sáng tạo”. Những chuyển động về phương pháp âm thầm diễn ra bí mật bên trong người nghệ sĩ; và chắc hẳn, rất xa mọi diễn giải khách quan.

Nước Pháp hiện đại đã đi vào đầy mới mẻ trong văn chương của Houellebecq và Frédéric Beigbeder. Đến lượt, Houellebecq đưa chính mình và Frédéric Beigbeder (ngoài đời thực lẫn trong tác phẩm, họ là đôi bạn thân) vào trong hư cấu của ông để khảo sát sâu sắc thêm, đa bội điểm nhìn về tâm thế sống, tình yêu, niềm đam mê trong một tâm thế nghệ thuật mới. Cái hay là, Houellebecq đã chọn một khoảng lùi vừa đủ để người ta thấy ông không kiếm cớ áp đặt sức mạnh vạn năng của ngòi bút vào nhân vật nhà văn Houellebecq mà ông hư cấu.

Có lẽ điều đó làm nên thành công của cuốn tiểu thuyết chặt chẽ, đa diện này. Chuyện của Jed cũng là chuyện sáng tạo văn chương của Houellebecq, cô độc và bi đát nhưng đầy lãng mạn trên một hành trình khắc khoải mà ở đó, tình thế sáng tạo phù du (mỉa mai và bi thảm thay!) như câu nói cửa miệng của giới làm nghệ thuật đương đại: “bản đồ luôn hấp dẫn hơn vùng đất”.

                                                                               Theo Nguyễn Vĩnh Nguyên - SGTT.VN

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng