Tạp chí Sông Hương -
Nhiều đề tài, nhưng còn ít dấu ấn
10:34 | 15/02/2012

Phim Việt chiếu dịp Valentine năm nay là phim kinh dị - tình cảm “Ngôi nhà trong ngõ hẻm” được quảng bá rầm rộ với hai diễn viên Ngô Thanh Vân và Trần Bảo Sơn.

Nhiều đề tài, nhưng còn ít dấu ấn

“Kinh dị - tâm lý”, “tâm lý - hành động” rồi “hài - tình cảm - hành động”... nhiều phim VN thuộc dòng thị trường giờ đây xem ra muốn “ôm chứa” nhiều “chuyện” quá. Không bù cho nhiều năm trước, điện ảnh VN chả khác gì “đường một chiều”!

Công chúng yêu phim nay phần nào đã có điều kiện chọn lựa “món ăn” tùy theo khẩu vị của mình. Với không ít khán giả bình dân thì phim dạng “hài - tình cảm - hành động” dễ xem hơn cả. Một chút hành động, éo le, gay cấn, một tí hài cho “xả xúpáp” và một phần tình cảm cho lâm ly, mùi mẫn. Thành công nổi bật về doanh thu của phim chiếu tết “Hello, cô Ba” và phim “Long ruồi” trước đó là minh chứng rõ nhất.

Vài năm gần đây để “đổi món” cho công chúng, các nhà làm phim Việt xoay sang làm phim kinh dị nhiều hơn.

Dù trước đây đã có một vài phim có yếu tố kinh dị như “Lệ đá” (sản xuất năm 1971 - đạo diễn Võ Doãn Châu), “Con ma nhà họ Hứa” (năm 1973 - đạo diễn Lê Hoàng Hoa), “Ngôi nhà oan khốc" (1992 - đạo diễn Lê Mộng Hoàng)... nhưng mấy năm gần đây các phim kinh dị mới nhiều lên.

Có thể kể “Ngôi nhà bí ẩn”, “Suối oan hồn” (2007) - đạo diễn Nguyễn Chánh Tín, sau đó là “Khi yêu đừng quay đầu lại” (2009) của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh... Rồi gần nhất là “Lời nguyền huyết ngải” (2011) của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, “Ngôi nhà trong ngõ hẻm” (2011) của đạo diễn Lê Văn Kiệt (ảnh)...

Trong số đó, “Lời nguyền huyết ngải” là tương đối sạch và chỉn chu hơn cả. Không khí căng thẳng, ngột ngạt trong suốt bộ phim đã cuốn hút khán giả theo dõi. Việc công phu trong việc chọn bối cảnh phim (nhà của thánh cô Chiêu Dương, cây huyết ngải, nhà xác....) cũng như diễn xuất tài tình của NSƯT Thành Lộc đã góp phần đem lại sức hấp dẫn của bộ phim.

Trước đó, “Khi yêu đừng quay đầu lại” cũng là một phim có những mảng miếng hấp dẫn, với chuyện tình của Bách Du và Nguyễn Xuân dựa trên chuyện tình trong thần thoại Hy Lạp giữa Orpheus và Eurydice... và cũng lại nhờ phần lớn vào tài nghệ của NSƯT Thành Lộc!

Còn các phim còn lại vẫn có nhiều lúng túng về cấu trúc, khả năng kết nối, dẫn dắt câu chuyện và đặc biệt là thiếu những chi tiết “độc” gài cắm trong phim.

Kịch bản nhìn chung còn yếu, sơ sài, còn diễn viên thì diễn dạng “nhát ma” nhiều hơn. Duy có diễn viên Ngô Thanh Vân ở “Ngôi nhà trong ngõ hẻm” với vẻ mặt lạnh và biết biểu cảm đúng lúc và cô gái nhỏ Yu Dương vai thánh cô Chiêu Dương trong “Lời nguyền huyết ngải” với lối diễn tự nhiên, có biểu đạt tốt về ngoại hình là đáng chú ý hơn cả.

Mảng phim kinh dị Việt chắc sẽ còn tiếp tục được khai thác tiếp và với nhiều nhà làm phim Việt, phim “Mười” của Hàn Quốc kết hợp với Hãng phim Phước Sang dạo nào vẫn sẽ là một tham khảo quý báu về làm phim ma sao để thực sự hấp dẫn khán giả.

Mảng phim võ thuật hành động trước đây là điểm yếu của phim Việt thì kể từ sau phim “Dòng máu anh hùng” của đạo diễn Charlie Nguyễn với những màn đánh võ ngoạn mục của Johny Trí Nguyễn, Dustin Nguyễn và Ngô Thanh Vân đã lật sang một trang mới.

Để những “Bẫy rồng” (đạo diễn Lê Thanh Sơn) và mới đây là “Thiên mệnh anh hùng” (đạo diễn Victor Vũ)... đã thực sự chinh phục khán giả về những pha hành động trong phim, rũ bỏ sự mặc cảm khi so với các phim võ thuật ở một số nước lân cận.

Dòng phim võ thuật hành động này còn đòi hỏi nhiều yếu tố kỹ xảo, các phương tiện kỹ thuật cực kỳ hiện đại và do đó chi phí làm phim đội lên rất cao như “Thiên mệnh anh hùng” (khoảng 26 - 27 tỉ đồng)... Trong khi khả năng thu hồi vốn cực khó, nên cũng khó trông chờ sẽ có thêm nhiều phim võ thuật hành động trong thời gian trước mắt.

Một mảng phim khác thế giới khá thịnh hành, nhưng ở ta có lẽ vẫn một thời gian dài rất dài nữa chỉ là giấc mơ, là dòng phim khoa học viễn tưởng. Trước mắt điện ảnh Việt đã đa dạng về đề tài nhiều hơn, nhưng dấu ấn để lại vẫn chưa thật đậm nét...

Theo Việt Văn - LĐO







 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng