Thi sĩ Quang Dũng (1921 - 1988) là người đa tài, ông còn vẽ tranh, viết nhạc… cái nào cũng đượm chất tài hoa.
Để đọc thơ Quang Dũng, hiện nay có rất nhiều cách, nhưng muốn xem tranh của ông, thiệt khó, vì nó nằm “im hơi” đâu đó trong các gia đình, trong các sưu tập. Dường như hiểu được điều này, cuốn thơ văn tinh tuyển Mắt người Sơn Tây (Nhã Nam & NXB Hội Nhà Văn, 2012) vừa phát hành, ngoài những ký hoạ, thủ bút, ảnh lưu niệm, nhóm thực hiện còn giới thiệu 15 bức tranh của Quang Dũng (kể cả hai tranh bìa) với chất liệu màu nước và bột màu.
Qua 15 tác phẩm này, phong cảnh là “đối nhân”của Quang Dũng, nên gần như ông tránh né vẽ người (?) Những bức có vẽ người, ông cũng cho họ ở xa xa hoặc bé mọn, chẳng nhìn rõ nét mặt; ngay cả bức vẽ hai con gái của mình là Hạ và Thảo ở Kim Châu (màu nước, 1966) cũng thế, nhân vật rất bé nhỏ, đang lơ ngơ giữa khoảng trời trống trải, vô vọng.
Theo Bùi Phương Thảo, con gái út của Quang Dũng thì: “Hiện nay, gia đình tôi còn giữ một số bức tranh, bức Cây bàng tôi đang treo tại nhà cùng một số tranh khác của cha. Anh Tân còn lấy ra một bức tranh nhỏ đưa cho tôi, bức tranh bằng chất liệu bột màu, vẽ một bến sông có nhiều thuyền neo đậu, xa xa là chập chùng đồi núi… rộng hơn khổ giấy A4, phía góc phải tranh có ghi: “Bến Ngọc sông Đà, mồng 4 tết năm 1960. Lên thăm ông Sự - Mùa sông Đà cạn. Nhớ lại năm 1947, ngược lên Tây Tiến từ bến này. Quang Dũng”.
Trong một thư tay đề ngày mồng 3 tết 1980, Quang Dũng viết: “Anh Ngọc Chương. Tôi mang ba bức tranh biếu anh, mừng tuổi 60 của anh. Ba bức ấy có tên là: 1/ Cây bàng. 2/ Đường ven làng Tây Hồ (có cây gạo và xe ngựa). 3/ Vườn Nhật Tân (có hoa đào về tháng chạp… năm 1960). Bức Cây bàng tôi rất quý và chắc anh cũng vừa ý. Chỉ xin phép anh tới năm 1985 thì anh lại cho tôi được giữ, chắc lúc đó tôi sẽ cũng có một cuộc họp mặt vào quãng 65 tuổi, giống như anh ngày nay. Tôi có tí việc, hôm mồng 6 này, không xuống uống chén rượu vui tuổi lên lão của anh kịp. Xin hẹn đến 1985”.
Tác phẩm Kháng chiến, màu nước, 1967. |
Hai đoạn trích ngắn gọn này cho thấy Quang Dũng vẽ tranh cũng kha khá về số lượng. Mấy bức vừa được đề cập, thật may mắn, đều có trong tuyển tập Mắt người Sơn Tây, với tên gọi khác đôi chút, nhưng đúng như diễn tả. Bức Cây bàng (trong sách đề Gốc bàng, bột màu, 1962) từng tham dự triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 1963, là một cảm nghiệm của tác giả về cái cũ và cái mới, về nỗi cô đơn trước quang cảnh. Chia bức tranh làm hai phần, nghiêng lên phía trên là cây cối già nua và những phận người bé mọn, phía dưới là một con đường cong, chẳng bóng người đi.
Hội hoạ cũng giống thơ của ông, nặng ngoại cảnh, nhưng thực chất lại lột tả nỗi lòng trống vắng, hoài nhớ và ước mong về những khoảng sống yên bình, một nhu cầu rất “tiểu tư sản”. Giống như trong bài Thu (1950), với nỗi nhớ nhà, ông kết: “Diều sáo vang không hồn ấu thơ/ Bèo lạnh cầu ao ai đợi chờ?/ Một tiếng sung rơi đo lặng lẽ/ Mùa thu xào xạc lá tre khô”. Sau một đời lận đận bởi thời cuộc, bệnh tật và sống trong nghèo khổ, đến năm 2001, ông được truy tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, đợt 1.
Theo Hiền Hòa - SGTT.VN