Tạp chí Sông Hương -
Bất cập trong giải quyết tác quyền âm nhạc
09:05 | 24/02/2012

Trung bình một năm có hơn 500 cuộc biểu diễn thì có tới hơn 80% trong số đó phớt lờ chuyện hỏi ý kiến nhạc sĩ. Trong khi đó, Quy chế 47 - căn cứ duy nhất để Cục nghệ thuật biểu diễn cấp phép lại không có quy định về bản quyền.

Bất cập trong giải quyết tác quyền âm nhạc
Sáng ngày 16/2, các nhạc sĩ có buổi gặp mặt thể hiện bức xúc về vấn đề bản quyền. (Nguồn ảnh: Dantri)

Sự kiện gây xôn xao làng giải trí là cuộc gặp mặt của 30 nhạc sĩ phản đối chương trình “Ru tình” tưởng nhớ Trịnh Công Sơn do Liên đoàn Xiếc Việt Nam tổ chức, được Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép, dù các ca khúc trong chương trình không được sự đồng ý của gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nhiều nghệ sĩ lão thành như Phạm Tuyên, Văn Dung, đại diện gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao đã cùng ký vào bản kiến nghị chung. Với họ, đó là giọt nước làm tràn ly sau một thời gian dài quyền tác giả không được cơ quan quản lý tôn trọng.

Trong khi đó, Cục Nghệ thuật biểu diễn khẳng định, họ hoàn toàn đúng luật vì chiểu theo Quy chế về biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ban hành năm 2004 (quy chế 47) không đòi hỏi trong thủ tục đề nghị cấp phép, đơn vị tổ chức phải có hóa đơn chứng minh đã đóng tiền bản quyền. Do đó, Cục chỉ có trách nhiệm nhắc nhở chứ không thể bắt họ thực hiện nghĩa vụ với các nhạc sĩ.

Điều đáng nói là Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 cùng nhiều văn bản pháp quy khác như Nghị định 61, Nghị định 75 quy định rất rõ về nghĩa vụ bản quyền, nhưng Cục Nghệ thuật biểu diễn lại chỉ áp dụng quy chế 47 - một văn bản đã được ban hành trước những nghị định này. Một thực tế là chỉ tính riêng trên địa bàn Hà Nội, trung bình một năm có hơn 500 cuộc biểu diễn thì có tới hơn 80% trong số đó phớt lờ chuyện hỏi ý kiến nhạc sĩ.

Sự thiếu vắng nội dung bản quyền trong quy chế 47 cho thấy những bất cập của quy chế này. Nhưng những sự việc vừa qua khiến nhiều người không thể không đặt câu hỏi, cơ quan quản lý nhà nước đã tròn trách nhiệm chưa khi Luật Sở hữu trí tuệ và nhiều thông tư, nghị định liên quan đã nêu rõ vấn đề mà hiện không còn xa lạ, đó là muốn sử dụng tác phẩm, phải hỏi ý kiến chủ sở hữu - các nhạc sĩ.

                                                                                                                    Theo Kim Ngân - VTV.VN

 

 


 

Các bài mới
Các bài đã đăng