Tạp chí Sông Hương - Số 163 (tháng 9)
Góc nhỏ miền cực lạc
16:06 | 03/09/2008
NGUYỄN HỮU THÔNGĐã từ lâu lắm, chúng tôi mới có dịp gặp gỡ đông đủ như thế này. Nhận ra nhau rồi mới giật thót mình nhìn lại; ai cũng tưởng chỉ mới hôm qua, và cái khoảng mơ hồ dẫn đến hôm nay, sao đã làm tóc mọi người bạc đi nhiều thế.
Góc nhỏ miền cực lạc

Cả bọn rủ nhau lang thang trên lối dẫn của những gì đã thành hoài niệm. Và trong lúc này, vườn chùa chính là địa chỉ níu mọi người lại với nhau nhanh nhất.
Nhóm chúng tôi có hai tăng sĩ, ngày xưa cùng học chung với nhau ở giảng đường Văn khoa. Chốn thiền môn, nơi các vị này an trú, chính là điểm hẹn cho mọi người những ngày nghỉ học, những buổi đẹp trời có nắng nhẹ, mưa thưa.
Ngôi chùa, vườn chùa, sự luân chuyển vô hình của không khí cửa thiền mà chúng tôi hít thở một thời, đã tạo cho từng người những chiêm nghiệm, thói quen, xu hướng rất gần gũi nhau. Từ đó, chúng tôi đã vụng dại "hóa thạch" những ghi nhận về nó trong tuổi hoa niên của mình, thành thứ chuẩn mực không một lời bảo chứng.
Hôm nay, tất cả cùng nhau trở lại chốn cũ, trong cơn mưa bụi hiếm hoi của những ngày cuối xuân. Lối mòn cỏ dại và những mái ngói rêu phong thấp thoáng dưới hàng lão mai không còn nữa. Mọi người âm thầm nhận ra, bây giờ không gian tự viện đã đổi thay: khang trang, lộng lẫy, sang trọng và quý tộc hơn nhiều. Nhưng, trong lời tán thán, từng vị lại muốn tiễn đưa nhóm từ: êm đềm, giản dị, nhẹ nhàng, thanh thoát vào trong nốt nháy. Những dấu lặng của sự cảm hoài trong khúc nhạc thời gian...
Chúng tôi biết tội của mình, vì vòng quay của sự phát triển bao giờ cũng lăn về phía trước. Quy luật lịch sử là vùng chứa cho những đổi thay, thích ứng và thỏa mãn yêu cầu không ngừng khác và mới đang hàng ngày hàng giờ đặt ra. Cho nên, tại sao lại phải yêu và bám lấy những nét rêu phong, những kiến trúc bình dị, khiêm tốn, ẩn hiện thấp thoáng trong rừng cây?. Tại sao lại phải xem sự đạm bạc, giản dị từ cách phục sức, phương tiện sống, tiện nghi sinh hoạt thể hiện qua đồ dùng, cách trang trí, thiết trí của những con người thoát tục đang hiện diện ở đó là ấn tượng đẹp đẽ, thanh cao làm chúng tôi ngưỡng vọng?. Tại sao lại cảm thấy nhói đau một cách vô lý và vô nghĩa khi thấy những giống cây xưa, những bồn cảnh cũ, những đôn chậu, hòn non mà dấu thời gian đã hằn lên từng gốc, cành, góc, cạnh, không còn nữa?.
Chàng tăng sĩ trẻ tuổi ngày nào bất chợt cảm khái kể cho chúng tôi nghe về tuổi thơ của mình với đám chúng điệu cùng lứa, hoang nghịch và đáo để một cách dễ thương, qua những giây phút ngoài phận sự:
Thuở ấy, họ thường lang thang trên những lối mòn của núi đồi thoai thoải lắm lùm bụi liền sát nhau. Đầu không tóc mà trời nắng chang chang vẫn không cản được bước chân tìm thế giới tuổi thơ qua những chùm trái dại: Trên cao, trái "cơm nguội" vàng hình vỏ đậu đang "mở nắp" để lộ ra mấy hạt đỏ nhỏ xíu. Một chút nữa thôi, trong tầm tay với, chú bé sẽ túm được phút giây nhâm nhi, thưởng thức cảm giác beo béo, chan chát, bùi bùi. Và bên tê, một nải bò bò cũng vàng không kém, vàng hơn cả áo trên dậu phơi sau chùa. Màu vàng của nải chuối cúng ngày 16, 17, hay mồng 2, mồng 3 hàng tháng đã ngậy lên chất ngọt tuổi chín. Nhìn ra một nải chín, một buồng hườm; thôi thì cứ hái, đặt lẫn lộn với nhau vào chiếc túi nâu bạc trên áo.
Cây trái lùm bụi gây cho chú tiểu sự chú ý nhiều nhất ở sắc đen tím của trái mócsim chín. Hấp dẫn, ngọt ngào do có thể ăn được nhiều, nhưng hậu quả tai hại từ chúng, là để lộ trên khóe môi và hàm răng trắng một thứ mực xanh (tố cáo thời gian lêu lổng ngoài khuôn viên tự viện) và không thể nóng lòng tẩy được dấu tích này trong khoảnh khắc.
Cũng với màu tím đen, nhưng khó kiếm hơn là trái muồng. Gặp được chúng là cả một kho dự trữ đồ ăn dặm cho nhiều người và nhiều ngày hơn.
Sắc đen thường là biểu tượng của bóng tối, sự nghiêm nghị, thiên về chất ẩn lặng, nhưng, sao màu đen của trái chín lại rộn ràng và háo hức đến thế!...
Ăn đỡ buồn những lúc "thu hoạch" kém là trái chuồn chuồn, mảng cồn, ngũ sắc. Chuồn chuồn kết thành chùm, được bọc ngoài một màng trong như thủy tinh, đưa vào mồm chưa kịp nhận ra chút vỡ dòn của lớp vỏ bọc, thì lại gặp thoáng qua vị ngây ngây, ngọt ngọt của hạt trái; nói chung là chẳng kịp thưởng thức được gì rõ ràng thì chúng đã tiêu biến đâu mất.
Trái ngũ sắc, mãng cồn chín, màu sắc không kém phần hấp dẫn, nhưng chỉ là thứ "ăn độn" trong rừng trái dại, cực chẳng đã khi thất thu. Chúng là loại lượm lặt, hái ngậm, giết thời gian, rồi phun hạt vào nhau cho đỡ buồn. Tuy nhiên, không vì thế mà những chùm trái đen thẫm với tuổi chín tới của mãng cồn, ngũ sắc... từ chối đi vào giấc ngủ trưa chập chờn của chú tiểu trên thềm rêu bên hiên chùa.
Đẹp nhất vẫn là trái mâm xôi, đúng như mâm xôi gấc, bằng "phép mầu" được thu nhỏ bằng lóng tay cái, óng ả và ngời lên trong đám lá xanh đầy gai nhọn. Quả chín ngọt lịm từng hạt nhỏ, luôn muốn vỡ òa rồi lăn tăn như có ga trong lưỡi. Trái hườm chưa tròn màu, cũng có cái thú dòn chua, xen chút chan chát. Và "thực khách"mỗi khi ăn xong, nướu và lưỡi phải cọ nhẹ vào nhau một lúc mới trở lại cảm giác bình thường.
Chịu khó tọc mạch, vén lá quan sát trong đám bụi thấp, mới có thú khám phám những trái cam rượu nhỏ như hạt bắp, nhưng tròn trĩnh một màu vàng cam mọng nước, ẩn lắng bên trong sắc hồng mật ngọt. Vỏ và nước những trái hoà tan vào miệng như giọt coctail có lẫn xác, ngây nồng xông lên tận mũi. Người ta đặt cho nó cái tên cam rượu là có lý.
Trong họ sim móc thì cây mua cũng cho trái từ những đóa hoa tím mà nhiều người thành phố nhầm với hoa sim. Cánh hoa mua to, rực rỡ, mong manh; nhụy vàng và ngắn hơn sim. Sự hiển lộ này hình như không được người ở đây yêu chiều bằng hoa sim tím nhạt, lạnh và ít phô trương hơn. Các chú bé thì đứng về phe sim, bởi trái chín ngon hơn hẳn trái mua, gần như sim nhưng khi tới tuổi thì nứt ra, khô khốc và chỉ được chú ý "săn sóc" khi những chùm sim cạnh đó đang còn xanh.
Rừng quả dại của núi đồi không chỉ là trái, mà còn là hoa, cành, lá... Chất mật ngọt của những ống hoa trang, ngũ sắc... được túm lại thành từng nhúm từ những ngón tay xinh, lật ngược chúng đưa vào miệng, hút sâu; mật hoa hòa tan trong lưỡi ngây ngây, ngọt ngọt. Cảm giác ấy có lẽ cũng đã từng có trong vòi ngậm của bướm ong; và phải chăng vì thế, nhóm côn trùng này bao giờ cũng lăng xăng, hào hứng, chập chờn trước những khóm hoa.
Đọt mâm xôi, đọt cây đầu tôm tước vỏ để ăn lõi, cũng là thú nhâm nhi của những chú điệu nhỏ trên quãng đường khám phá trái chín vườn đồi...

Chúng tôi, không ai bảo ai cũng dừng lại ở một khoảng rào dậu hiếm hoi, vì một lý do nào đó mà la thành với hai mái giả và những chiếc thạch đăng chưa với tới.
Ở đấy, còn trơ lại một gốc cây mốc đen do đã bị chặt từ lâu.
Người tăng sĩ trong nhóm - chú điệu nhỏ ngày nào, dừng lại bên gốc cây, ánh mắt trở nên tinh nghịch, vỗ vai thách đố chúng tôi:
- Các bạn biết đây là gốc cây chi không?
Ai trong nhóm cũng nhớ ra, nhưng tất cả tỏ vẻ như đang lục tìm ký ức, giả đò bới tung những hoài niệm, trong lúc chúng vốn xếp đặt một cách ngăn nắp trong khoảng riêng của mỗi người. Vờ quên bởi một điều giản dị là không ai muốn cắt dòng chảy đang êm đềm trôi trong lòng vị hào bằng hữu.
- Đây là gốc cây bứa!
Chúng tôi cùng vờ à lên một tiếng, mở đầu cơ hội để cùng nhau nhắc đến bao nhiêu kỷ niệm: lá bứa non để nhai chơi, lá bứa xanh non trong rổ rau sống với lá móc tím và các loại rau mùi. Vị chua và chát của những chiếc lá bứa trong nỗi nhớ, làm xót mí mắt và đầu lưỡi của mỗi chúng tôi như muốn tê lại.
Vị tăng sĩ tiếp tục:
- Ngày trước, mỗi buổi trưa trốn ngủ, leo lên cây bứa, nghe tiếng thầy gọi là lại niệm Phật. Cũng không hiểu là tại sao nữa?
Trái bứa đối với trẻ thơ là món quà lớn, bởi trông chúng "oai" và hoàn chỉnh hơn đám trái dại ngoài vườn đồi nhiều. Một loại "măng cụt" (giáng châu) của riêng chúng tôi. Bởi cấu trúc giữa hai trái chẳng khác gì nhau, có chăng là màu vàng của bứa từ vỏ đến múi chua, nhựa và rát hơn.
Đong đưa trên cây bứa (chúng rất khó leo vì cành thường mọc dày và chìa ngang), phóng tầm mắt về phía làng xa, nơi có khoảng đất chăn thả và những đám cỏ xanh mượt, nhìn lũ trẻ cùng trang lứa đá bóng, thả diều... Khoảnh khắc ấy đối với tôi, chính là góc nhỏ miền cực lạc thấp thoáng trong trang kinh những lúc nguyện cầu.
Cây chay, bứa, me, bần quân... là "đám bạn" thân thiết, gắn các chú điệu nhỏ vào tuổi thơ ngà ngọc một cách êm ái như bao cậu bé khác, bởi mọi người mặc nhiên thừa nhận chúng như những món quà tặng của thiên nhiên, được phép nhận mà không cần phải xin ai. Ngược lại, những cây trái thuần dưỡng trong vườn ít gắn bó hơn, do chúng đòi hỏi một chiều chăm sóc tưới tẩm, và sau đó là ngoài tầm quyết định của mình.
Khu vườn xưa bây giờ trở nên tươm tất từ lối đi cho đến cây trồng. Mọi cái đều sạch đẹp và quý phái hẳn ra. Thiên nhiên hoang dã đã lùi vào đằng sau bức thành xây. Tôi rất mừng với nét phong quang, hưng thịnh, nhưng cũng nhoi nhói như vừa tiếp một nhát chém âm thầm của thời gian, xóa sạch tuổi thơ diễm tuyệt của mình, mà ở phương xa, ngay trong cả giấc mơ, tôi cũng thường gặp nó.
Mọi người trong chúng tôi đều gặp nhau trong tâm trạng ấy, nhưng không một ai nói ra.
Chàng tăng sĩ tìm đến một bóng mát cạnh bảo tháp ngài khai sơn và gọi mọi người lại.
Ở đây không có ai ngoài chúng tôi, những người một thời là chứng nhân cùng với những nỗi buồn vui và sự thay đổi này.
Một chú tiểu mang ra khay trà đặt giữa thảm cỏ, mà ngày xưa, nơi đây là chiếc bồn gạch trồng cây dạ hợp có cánh hoa màu xanh lá chuối non. (Loài hoa lạ của vườn chùa mà chúng tôi thường hay hái trộm để tặng bạn gái.)
Mọi người nhấp một ngụm trà và tâm sự lại theo đó trào dâng.
- Các bạn biết không?- Vị tăng sĩ lại tiếp tục: - Ngày xưa vì một phần chùa nghèo, một phần do ý thích của thầy, bọn tui mỗi sớm sau khi công phu, thường hay dạo quanh đồi hái những cành hoa dại: sim, mua, lan đất, dã quỳ... kết thành bó mang về. Trên hiên chùa với thau nước giếng trong vắt, bổn sư với chiếc áo nâu mỏng sờn vai... an lạc, thong thả ngồi tỉa cành, rửa lá, cắm những cành hoa dại vào bình cổ ngắm nghía thật vừa ý và ra hiệu cho chúng tôi mang lên cúng Phật.
Ngày ấy chùa nhỏ nên tượng Phật và độc bình cũng nhỏ. Những cành hoa dại cũng vừa tầm cân xứng. Dâng cúng chút hương hoa của thiên nhiên hoang dã và tấm lòng thành lên Đức Thế Tôn sao trong lòng tôi thấy ấm áp lạ thường.
Ngôi điện Phật bằng gỗ nhỏ nhắn, thấp tối, nhưng tôi không hề thấy âm u lạnh lẽo, không hề thấy bị tù túng và chật chội và nhất là không hề vướng một chút so bì nào về mặt tiện nghi.
Hình tượng Đức Phật gần với tôi hơn, không có trong tôi khoảng cách giữa một đối tượng đầy quyền năng, khiến mình cảm thấy nhỏ nhoi cần sự che chở, mà tràn ngập hình ảnh dịu dàng, thân thiện, từ bi của Đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni. người thầy luôn thấu hiểu và tha thứ những sự vụng dại mê lầm của mình. Và hình như Đức Phật là vị giáo chủ (nên xem như thế) duy nhất, cho mọi người biết rằng, họ có thể ngồi tòa sen với ngài, khi đi đúng con đường ngài đã qua.
Vừa rồi, khi đảnh lễ Ngài trong ngôi chùa mới lộng lẫy, khang trang, tôi thấy cả vòm điện Phật lồng lộng bởi khoảng rộng và chiều cao, khiến một âm khẽ cũng dội tiếng ngân. Tượng Đức Bổn Sư ngày trước vì kích cỡ không còn phù hợp, nên đã được tôn trí trong tủ kính đặt ở phía sau.
Tôi tự vấn và đảnh lễ:"Bạch Đức Thế Tôn! hình như con có chút gì đó xao động trong khung cảnh này. Con biết mọi cái thuộc về hình tướng, nhất nhất có thể thay đổi, tượng Phật hay điện Phật cũng đều như thế cả, nhưng con vẫn là kẻ u muội, chấp nhất và chưa tìm được sự phẳng lặng trong lòng mình lúc này.
Một anh bạn trong nhóm chúng tôi lúc này mới lên tiếng:
- Cả đến thầy còn như vậy huống chi tụi này! Hình như giữ được cái thần khiếm tốn, không thiên về sự phô diễn công trình do con người làm được, nó mới giữ được cái phép sống hòa với thiên nhiên. Cái phép sống mà ý tưởng cải tạo, chinh phục, chế ngự tự nhiên sẽ không có trong ấy. Ngay cả cung điện của thiên tử Việt hình như cũng không thoát ra khỏi tư tưởng này.
Những dạng kiến trúc từ chối cảnh quan và cây xanh hoặc chỉ manh nha thể hiện điều đó, đều làm cho chúng xa lạ với chính chúng và với mọi người.
Ở đây không có ai ngoài chúng bạn thân, nên tôi cũng mạnh miệng nói càn:
- Kiến trúc tôn giáo cũng là một công trình văn hóa, cho nên, nó cũng không thể tách khỏi những sắc thái văn hóa được hình thành từ những đặc thù của một vùng đất. Ngoài mẫu số chung trên nền văn hóa Việt , còn có những nét riêng của vùng miền. Việc bảo tồn những đặc thù đó không những là bày tỏ sự tôn trọng truyền thống mà còn góp phần khẳng định những biến điệu đầy ấn tượng làm nên sự phong phú cho văn hóa dân tộc.
- Ông quan niệm thế nào về sự giao lưu, và đa dạng trong văn hóa mà nói nhiều thế!
- Phạm vi cũng như quá trình giao lưu văn hóa nhân loại dù không muốn chúng vẫn cứ diễn ra. Vấn đề là việc tiếp thu phải như thế nào để khỏi làm sứt mẻ những định hình đã được trải nghiệm từ nhiều thế hệ. Cho nên, thành tựu kế thừa, gạn lọc, tiếp biến văn hóa thường diễn ra dựa trên bản lĩnh của kẻ "phát" lẫn "nhận" qua những biểu hiện của sự ứng xử?!
- Chuyện chi mà ông lại nhắc đến kiến trúc Huế có vẻ trầm trọng như thế.
- Nơi còn cố giữ trên vật liệu kiến trúc mới, hình dáng và cấu trúc cổ truyền hiện nay, chính là các cơ sở phong tục, tín ngưỡng như đình, miếu, nhà thờ họ phái, chùa chiền. Và trong tổng thể cảnh quan ấy, kiến trúc Huế đã tạo được những nét riêng được khẳng định, đó là sự mảnh dẻ, tinh tế, tìm được sự hòa diệu tuyệt vời vào thiên nhiên.
- Thì kiến trúc ở các miền khác của Việt cũng vậy thôi chứ có chi khác.
- Tại răng tui gọi kiến trúc Huế là mảnh dẻ, tinh tế và duyên dáng - bởi khung sườn, cột kèo của ngôi nhà Huế thường nhỏ nhắn. Ông cứ xem điện Thái Hòa, cung điện lớn vào bậc nhất của triều Nguyễn, cột cũng không to hơn cột đình, cột chùa phía Bắc.
Chính vì cột nhà Huế nhỏ và thanh tú, cho nên cần đến ấn tượng hài hòa về mặt hình khối là mái phải mỏng. Đường nóc cũng như như đầu mái nhà Huế từ đó chỉ trang trí những dạng kiểu thức như dấu nhấn vút nhẹ, vừa đủ tạo cảm giác "trở mình", xóa đi những đường ngay số thẳng đến nghiêm nghị của mái, mà người thợ Huế gọi là mỏ neo, mỏ cu, guộc mây, mụt mây...
Khác với Huế, kiến trúc đất Bắc có xu hướng giải quyết vì kèo và cột chịu lực bằng những dạng cấu kiện chắc, to, khỏe, bụ bẫm với những mảnh khắc sâu, nét chạm dứt khoát. Cho nên, phần mái phối hợp tương ứng qua những giải pháp kỹ thuật khôn khéo, đã khiến chúng trông thật dày dặn; tạo cho người đứng trước nó một sự quân bình dễ chịu về cảm giác hình khối.
Tuy nhiên, tổng thể ấy lẽ ra sẽ gây nên ấn tượng lún thấp và thô nặng, thì người thiết kế đã tài tình giải quyết đầu mái thành những đường đao, vút lượn cao lên như những chiếc cánh, nâng toàn bộ hình khối nhẹ hẫng và sinh động hẳn ra. Chính hình ảnh đó đã tạo nên những ấn tượng sâu sắc khi chúng ta tiếp xúc với kiến trúc Đàng Ngoài.
Mọi người nghe "ông cụ" thao thao bất tuyệt, cho đến khi có người cắt ngang.
- Phân tích "mệt mỏi" như rứa, ý ông muốn nói cái chi?
- Đơn giản thôi, trong lối xử lý thanh tú bằng cột mảnh - mái nhẹ của Huế, thì những loại đầu đao vút cao lên như kiến trúc phía Bắc, sẽ tạo cho chúng ta cảm giác bộ mái không muốn sống chung với khung sườn và bứt khỏi cột để bay lên. Và rõ ràng, nếu như đã muốn ly dị thì làm răng có thể trở thành một mái ấm. Tội chi phải làm cho nó mất quân bình. Tội chi phải xoá đi phong cách truyền thống Huế, và tội chi phải tìm cách xử lý mơ hồ không từ sự ứng xử bởi tình huống cụ thể nào như rứa.
- Thôi! Thôi! Tui biết ông có nhiều điều còn muốn nói nữa, nhưng ông quên chúng ta chỉ có một ngày ngắn ngủi cạnh nhau?
Cả nhóm kết thúc tuần trà và cùng nhau vào thăm Dì, bà vãi già một thời đã cho chúng tôi những đọi tương béo ngậy với những củ kiệu và ớt chỉ thiên trôi bềnh bồng trong ấy để chấm rau khoai, dưa lan, đọt bí, đọt su su...
Bà Dì không còn đi lại được nữa, mắt đục trắng và đầu không còn tóc. Những ngày tháng còn lại của Dì thật mong manh. Con người ấy, theo chúng tôi, đã chứng kiến và chia sẻ trọn vẹn những thăng trầm, thịnh, suy của một góc nhân sinh.
Và bây giờ trong cõi tĩnh mịch yên ắng này, chẳng rõ bà Dì có biết ngoài kia đang có những đổi thay gì không trong cảnh sắc của đất trời, cây cỏ, khuôn viên, cảnh vật, kiến trúc và lòng người?!
N.H.T

(nguồn: TCSH số 163 - 09 - 2002)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Điểm Bốn (03/09/2008)
Chim Gõ Kiến (03/09/2008)