Tạp chí Sông Hương - Số 164 (tháng 10)
Chị tôi nuôi mộ liệt sĩ
15:59 | 04/09/2008
PHƯƠNG LAN                     LTS: Sông Hương nhận được tin và bài về một phụ nữ "nuôi mộ liệt sĩ" đã 15 năm, nay muốn trả lại cho gia đình của liệt sĩ nhưng không biết nhắn gửi vào đâu. Vì câu chuyện nghĩa cử đầy cảm động này và vì không chỉ là thông tin nên Sông Hương xin in luôn cả bài viết sau đây, mong bạn đọc xa gần, trong điều kiện có thể được thì nhắn tin sớm cho gia đình người liệt sĩ này.


Chị tôi, Trương Thị Dư ở thôn Hoàng Viễn, xã Sơn Thủy, Lệ Thuỷ, Quảng Bình, chồng bị bệnh, không sinh con nhưng có hai đứa con nuôi. Chị tần tảo nuôi chồng, nuôi con và âm thầm nuôi một ngôi mộ liệt sĩ trong mảnh vườn nhà mình suốt mười lăm năm nay.
Nếu tháng tám vừa rồi, tôi không về quê tìm hài cốt của một người chị ruột khác bị thất lạc trong chiến tranh thì không biết có bao giờ chị Dư tôi nói ra cái uẩn khúc về ngôi mộ ấy? Cũng như phong tục bao miền quê khác, ở làng tôi, người ta vốn kiêng táng mồ mả trong vườn. Ấy vậy mà chị Dư tôi đã vượt qua cả tập tục, bí mật làm chuyện đó!
Từ ngày đất nước đổi mới, việc tìm mộ nói chung, tìm mộ liệt sĩ nói riêng bằng phương pháp "tâm linh" mà trước đây bị coi là mê tín dị đoan đã được ghi nhận lại một cách thận trọng bằng hiệu quả của nó. Ở Quảng Trị, vùng chiến trận khốc liệt, máu xương đồng bào, đồng chí, đồng đội đổ xuống và chìm khuất trong lòng đất nhiều vô kể mà hơn hai mươi năm qua vẫn chưa tìm hết được. May thay, vùng đất ấy tự dưng xuất hiện vai người có khả năng đặc biệt "truy cập hài cốt". Họ đã chỉ ra chính xác hàng vạn ngôi mộ bị xói mòn dấu vết mà thân nhân của nó đã từng buông tay trong niềm ân hận.

Tiếng lành đồn xa, từ thành phố Hồ Chí Minh, tôi cất công ra Quảng Trị mời một người là thầy Hai về quê tìm mộ cho chị ruột của mình. Việc tìm ra mộ chị tôi là một kỳ công và cũng la một điều kỳ bí. Lúc đầu, mọi người trong nhà chưa tin lắm. Bởi vậy, ai cũng lầm rầm khấn nguyện một điều gì đó trước vong linh người quá cố để nhằm "trắc nghiệm" và đến khi ráp lại đều thấy linh ứng. Sau bữa cỗ cúng cho chị tôi được mồ yên mả đẹp, mọi người tuỳ nghi nghỉ trưa. Riêng thầy Hai cứ xẩn vẩn đứng ngồi không yên. Thầy đi ra dạo quanh vườn chị Dư trong tư thế lò dò nghi hoặc. Chị Dư tôi bỗng như người có tật giật mình theo ra ướm hỏi:
- Chú muốn tìm chi rứa?
- Trong vườn chị có mộ phải không?
- Răng chú biết?
- Biết chứ! Liệt sĩ hẳn hoi! Họ nằm ở đây mười lăm năm rồi. Bộ hài cốt này bị ăn cắp hai lần, đến tay chị và nhờ tay chị mới giữ lại được không thì đã mất tích.
Chị Dư vừa bất ngờ vừa cảm động trước việc "nói như thần" của thầy Hai và đã giãi bày sự thật.
Vào lúc 10 giờ ngày 8 tháng 3 năm 1987, khi đi làm về, chị Dư phát hiện sau vườn nhà mình có một túi du lịch lạ. Vì nhà ở gần đường tàu nên chị nghĩ đây là hành lý của khách trên tàu bị rớt xuống. Xách lên thấy nặng, chị tò mò mở ra xem thì thấy một bộ hài cốt còn nguyên được gói trong 2 lớp ni lông. Thời điểm ấy, ở ga Mỹ Sơn, cách nhà chị Dư 500 mét, người ta cũng chào xáo chuyện một hành khách đi trên chuyến tàu -Bắc mang hài cốt người nhà là liệt sỹ bị mất cắp ở gần đó. Nghe vậy nhưng người khách đã đi mất tăm rồi biết đâu mà trả lại. Chị Dư rơi vào một tình thế khó xử. Mình chị với đồng lương công nhân nông trường ít ỏi, nuôi bốn miệng ăn không đủ, lấy đâu ra tiền để chôn cất nắm xương xấu số ấy cho tử tế. Chị thắp hương cầu nguyện nhờ vong linh phù hộ... Và điều bất ngờ lại đến trong vườn chị Dư một lần nữa vào ngày hôm sau. Lần này là một can dầu hoả, không biết ai ném vào. Thời đó, dầu hoả hiếm và có giá lắm. Chị bán can dầu, đủ tiền đóng hòm mua lễ vật đầy đủ như người ta làm lễ cải táng vậy. Từ chuyện can dầu, chị Dư nghĩ bụng, người lính này linh thiêng lắm nên đã thủ mộ lại trong vườn để thờ phụng. Từ đó hàng năm, cứ đến ngày 8-3, chị Dư lại làm một mâm cơm cúng coi như ngày giỗ chính thức. Các ngày lễ, ngày Tết, chị cũng đều thắp hương tảo mộ.
Chị Dư kể xong câu chuyện bí mật của mình, thầy Hai đắc ý chắp vào:
- Cách đây không lâu, có một người ở Nghệ An đến gặp tôi nhờ tìm bộ hài cốt ấy. Chính người đó đã vào tận nghĩa trang liệt sỹ Kiên Giang đào trộm hài cốt ruột thịt của mình mang về quê từ mười lăm năm trước. Không may, bọn đạo chích trên tàu theo dõi, chúng tưởng túi trầm hoặc của cải gì đáng giá lắm mới đánh cắp. Bộ hài cốt bị mất cắp hai lần là vậy đó. Họ kể lại đúng ngày tháng bị mất, địa điểm bị mất như chị đã biết. Khi vào nhà chị, tôi đã ngờ ngợ...
Chị tôi nghe xong lấy làm băn khoăn:
- Chừ làm răng chú hè?
- Phải trả lại cho người ta chứ làm răng nữa!
Chị tôi tỏ ra bối rối và lo lắng dường như chị cảm nhận được rằng đã đến lúc và đến lượt mình phải mất một cái gì đó còn lớn hơn cả ngôi mộ. Chị tôi vốn hiền như đất, thật như đếm. Mới hơn sáu mươi tuổi nhưng do cảnh nhà túng bấn nên trông chị già hơn nhiều lắm. Đã có lúc chị nghĩ đến chuyện trả lại bộ hài cốt cho thân nhân của nó nhưng sống trong cảnh hẻo lánh thông tin, không sách báo, không ti vi, không điện đài biết nhắn gửi vào đâu?
Khi tiễn tôi đi, chị rưng rưng nói: "Em làm báo có biết mấy ông ti vi thì nhờ họ nhắn giùm cho chị với kẻo tội".
Tôi ghi lại những điều mắt thấy tai nghe trên đây và mong tin này sớm đến được với gia đình người liệt sỹ, dù chị tôi phải mất đi một niềm an ủi từ trong thăm thẳm của tâm linh.
P.L
(nguồn: TCSH số 164 - 10 - 2002)

Các bài mới
Đưa đò (05/09/2008)
Các bài đã đăng
Vàng ơi! (04/09/2008)