Tạp chí Sông Hương - Số 166 (tháng 12)
Đọc "Mozart" qua Bằng Việt
17:00 | 09/09/2008
NGUYỄN THỤY KHANói đến Bằng Việt, bạn đọc thường hình dung tới một "Bằng Việt nhà thơ", "Bằng Việt dịch thuật". Và có một thời kỳ còn thêm một" Bằng Việt phó chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội". Nhưng để hình dung ra một "Bằng Việt văn xuôi" thì chắc ít người biết đến. Nhưng đã có một "Bằng Việt văn xuôi" với một tác phẩm viết về "Thần đồng âm nhạc thế giới" W.A. Mozart. Vậy là "Bằng Việt văn xuôi" này trước hết phải là một người nghe nhạc giao hưởng sành điệu. Đọc "Mozart" qua Bằng Việt, ta hoàn toàn thấy rõ lợi thế ấy.
Đọc

Cuốn sách viết về một "Thần đồng âm nhạc thế giới" nhưng lại rất giản dị, hồn nhiên như chính cuộc đời W.A.Mozart chứ không có vẻ gì siêu hình, thần bí và cũng không căng cứng chính trị như một thời người ta khiêm cưỡng khoác lên "thần đồng thơ Trần Đăng Khoa".
Đọc "Mozart" qua Bằng Việt, ta thấy luôn nghẹn ngào về "nhân tình thế thái" thời nào cũng thế. Đó là tính đố kỵ của những người ít tài năng nhưng quá nhiều tham vọng như nhạc sĩ tầm thường Salieri. Nhưng ghê tởm hơn còn là tính háo danh tới mức có thể dùng tiền để biến tác phẩm của người khác thành của mình như Bá tước Franz Von Walsegg với bản "Requien" (Cầu hồn) của W.A. Mozart. Sự ăn cắp bản quyền đã có ngay từ thời đó. Nhưng bù lại, ta vẫn được chiêm ngưỡng tình bạn vong niên cao cả giữa nhạc sĩ bậc thầy Haydn với W.A.Mozart. Ta lại thấy vẫn tình cảm ấy từ W.A.Mozart trao cho chàng trai trẻ L.V.Betthoven. Ta thấy sự đồng điệu của những tài năng lớn qua các Opera mà W.A.Mozart viết từ kịch của Molière để khiến cho W.A.Mozart trở thành một "Shakespeare trong âm nhạc Opera". Nếu ta đau xót về thái độ khắc kỷ của Tổng giám mục Colorédo đối với W.A.Mozart thì ta lại thấy ấm áp bởi tình cảm của tuyển hầu Charles Théodor đã dành cho W.A.Mozart và âm nhạc của chàng. Cũng tình cảm như thế là của hoàng đế Josehp II, ngược lại hẳn với thói "trưởng giả học làm sang" của các quý ông, quý bà mà W.A.Mozart đã từng phải dằn lòng chơi đàn trước sự lơ đễnh của họ.
Đọc "Mozart" qua Bằng Việt, ta còn thấy sự trớ trêu trong tình cảm của chàng nhạc sĩ bất hạnh này với công chúa Tony sau trở thành Hoàng hậu Masic Antoinette thâm hiểm bị xử tử cùng chồng là Vua Louis thứ 16 năm 1793, với cô gái Aloysia sính thời thượng, vô hồn và với người vợ tốt lành nhưng vô tình Constance (em gái của Aloysia). Và vượt lên tất cả những nỗi đau cay cực mà W.A.Mozart đã trải nghiệm là một tài năng lớn của âm nhạc thế giới luôn hướng về sự thánh thiện, trong trẻo của cuộc sống.
Điều khiến ta ngạc nhiên hơn là Bằng Việt đã viết "Mozart" ngay từ năm 1976, năm anh 35 tuổi bằng tuổi thọ của W.A.Mozart (1756-1791). Bây giờ "Mozart" của Bằng Việt đã được tái bản lần thứ ba, bên cạnh những bổ sung và sửa chữa thì có thêm hẳn phần vĩ thanh "Mozart qua các thời đại".
Để có một "Bằng Việt văn xuôi" trong "Mozart" thì không thể không kể đến vai trò của "Bằng Việt nhà thơ" và "Bằng Việt dịch thuật" được. Nhờ vốn ngoại ngữ phong phú của mình, Bằng Việt đã tiếp cận với gần 10 cuốn sách viết về W.A.Mozart trong đó có cuốn "Mozart" được người chồng kế của vợ Mozart viết từ năm 1828. Nhờ chất thi sĩ mà Bằng Việt đã thực hịên được "Mozart" với một giọng văn xuôi đầy chất thơ.
Sau một thời gian tham gia công việc trong ban lãnh đạo thủ đô Hà Nội, Bằng Việt đã trở về với văn nghệ như "nghiệp đời" mà số phận đã mách bảo. Dù ở cương vị chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội, Bằng Việt rất trăn trở trong sáng tác để quyết không "lưu ban thế kỷ XX", quyết làm mới mình ở chặng đường cuối cùng. Cùng tập thơ dịch Onga Bergol, tập thơ "Ném câu thơ vào gió" với nhiều cách tân đáng được ghi nhận, tập Mozart" tái bản lần thứ ba cho ta thêm lần hy vọng ở "nhà luật gia bỏ luật đến với thơ" này.
N.T.K

(nguồn: TCSH số 166 - 12 - 2002)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Bahnar (09/09/2008)