Tạp chí Sông Hương - Số 166 (tháng 12)
Về văn hoá văn học
17:02 | 09/09/2008
NGUYỄN DƯƠNG CÔNMuốn tiếp cận với văn hoá văn học, trước hết phải xác định cơ bản đúng đắn thế nào là văn hoá và thế nào là văn học.

Cố nhiên để hiểu đúng đắn về văn hoá nói chung người ta có thể đi từ hiểu biết đúng đắn về hàng loạt các lĩnh vực văn hoá, trong đó có văn hoá văn học, theo con đường quy nạp. Nhưng quy trình nhận thức này, trên thực tế là hết sức khó khăn. Vả chăng, trên thực tế các vấn đề văn hoá là gì, văn học là gì đã có nhiều quan tâm và hiệu quả tiếp cận, còn vấn đề Văn hoá văn học là gì chưa từng có một công cuộc nào đáng kể bằng tiếng Việt thành văn, quan tâm riêng rẽ đến nó.
Văn hoá là phương thức cơ bản duy nhất của sinh tồn nhân tính. Đó là phương thức sự – sống – con – người tự vật chất hoá nó để có nguồn năng sống cho chính sự sống con người. Sự – sống – con – người, cố nhiên được coi như không phải là vật chất mà là một dạng thức vận động hết sức đặc biệt của vật chất có tổ chức hết sức đặc bịêt, mang tên cơ – thể – sinh – học người. Cố nhiên, cái gọi sự – sống – con – người được coi như không phải là vật chất – phi vật chất, bởi nó còn có cơ cấu tổ chức vận động độc lập tương đối, gắn liền với cơ cấu vật chất cơ thể sinh học người nhưng không thuần tuý là vận động nội tại của cơ thể đó mà còn là vận động phản ánh do tác động từ khách thể quy định khả năng sinh trưởng và các đặc tính của vận động đó. Sự – sống – con – người như vậy là một trạng thái thực thể siêu hình – một trạng thái vật chất tách khỏi thế giới vật chất với cơ cấu và vận động nội tại có đặc tính vô song mà thế giới vật chất không thể có được. Đặc tính phi vật chất của sự sống con người chẳng qua là đặc tính vô song trong tất cả các trạng thái vận động vật chất. Đặc tính vô song đó mang tên là nhân tính. Nó cho phép sự sống con người "có quyền" tách khỏi và đối mặt với thế giới vật chất có sẵn từ khi chưa có sự sống đó. Sự – sống – con – người thực chất là một tổ hợp các xung động sinh học. Tổ hợp xung động đó, cố nhiên là từ một cấu trúc vật chất có khả năng nảy sinh ra nó. Nhưng đặc tính của tổ hợp xung động đó lại không chỉ ở khả năng nảy sinh ra nó của cấu trúc vật chất đó. Tổ hợp xung động đó có đặc tính được hình thành phi căn nguyên và phản căn nguyên nảy sinh ra nó. Đặc tính phi căn nguyên và phản căn nguyên đó, thực chất là đặc tính thoát ly căn nguyên nảy sinh, tự lấy bản thân nó làm căn nguyên nảy sinh của chính nó. Ví dụ: Tư duy là một dạng thức xung động của bộ não nguời. Nó có khả năng ly thoát sự chi phối của bản thân cấu trúc bộ não đó để lấy chính nó làm cơ sở nảy sinh tư duy tiếp theo. Quy trình này thực sự chứa đựng đầy bí ẩn nhưng có trình tự cơ bản dễ nhận ra: Những xung động sự sống hình hành từ nhiều cung đoạn gián tiếp, tác động hấp dẫn nhau trở thành một khả năng tự biệt lập nảy sinh những xung động khác tiếp tục hấp dẫn nhau lại trởthành mộtkhả năng tự biệt lập khác nữa nảy sinh những xung động khác nữa... Nỗi thống khổ của tư duy không thể tuyệt đối tách khỏi vật chất sinh ra nó, nó vẫn phải sinh tồn bằng vật chất – phi nó. Giải pháp cho nỗi thống khổ đó là chấp nhận một phương thức thống khổ khác: tư duy tự biến thành, hóa thành, chết thành một dạng thức vật chất mang tên là "ký hiệu của tư duy" để làm công cụ cho tư duy. Ký hiệu của tư duy ở lại với tư duy theo phương thức ghi nhớ và đi khỏi tư duy theo phương thức khế ước trao đổi với tư duy khác mà người ta quen gọi là "tiến trình xã hội hóa của tư duy". Cái gọi là "ký hiệu của tư duy" ấy chính là ngôn ngữ. Vì thế, tiến trình ngôn ngữ hoá vừa là tiến trình bắt buộc, thống khổ nhất vừa là tiến trình tự nguyện, vinh quang nhất của tư duy. Tư duy nhờ thế mà nó trở thành một dạng thức vật chất đặc biệt, vô song, có khả năng, tư cách bình đẳng với tất cả các dạng thức vật chất khác kết hợp lại. Nhờ thế, nó có đặc quyền được coi là cái – phi – tồn – tại để xem tất cả những dạng thức phi dạng thức nó là tồn tại. Karl Marx gọi tên vật chất là tồn tại có lẽ là trong niềm cảm hứng kiêu hãnh như thế.
Văn hóa là phương thức sinh tồn của sự – sống – con – người chứ không phải là bản thân sự – sống – con – người. Phương thức đó là phương thức vật chất hóa sự sống nên sản phẩm của nó là vật chất phi sự sống mang nhân tính. Có một thực tế là người ta dễ nhầm lẫn đồng nhất sự sống con người với nhân tính. Thực ra nhân tính chỉ là đặc tính của sự sống con người. Đặc tính đó, cố nhiên là thuộc về, là ở trong sự sống con người. Nhưng đặc tính đó có thể trở thành đặc tính của vật chất phi sự sống con người. Cố nhiên văn hóa là phương thức nhân hóa và sản phẩm của nó tất yếu là sản phẩm mang nhân tính. Toàn bộ sản phẩm đó "họp lại" thành ra một thế giới. Người ta gọi thế giới đó là thế giới sản phẩm văn hóa. Thế giới đó tồn tại có hai phương thức cơ bản: vật thể phi vật thể. Cố nhiên phi vật thể cũng chỉ là vật chất. Ai đó đã dùng khái niệm: văn hóa vật thểvăn hóa phi vật thê để gọi tên cho văn hóa, chẳng qua là dùng khế ước tự phát để gọi tên văn hóa cho dễ hiểu, thuận tiện. Thực ra hai cái mà họ gọi đó chính là "sản phẩm văn hoá vật-thể" và "sản phẩm văn hóa phi vật-thể" (!).
Như vậy, bản thân văn học không phải là văn hóa mà chỉ là sản phẩm của thực thi văn hóa văn học – thực thi phương thức sinh tồn sự – sống – con – người bằng hình tượng ngôn ngữ ngôn từ. Văn học vì thế là thế giới vật chất mang nhân tính, làm một trong những nguồn năng nhu yếu cho sự sống con người.
Phương thức nào thì sản phẩm đó. Tính chất của phương thức quy định và trở thành tính chất của công cụ thực thi phương thức. Công cụ khi đã trở thành sản phẩm thì sản phẩm cũng mang đặc tính của công cụ. Bởi thế văn học là thế giới mang nhân tính chứ không phải là thế giới sự sống con người (quen gọi là thế giới hiện thực). Nếu văn học là thế giới hiện thực thì chúng ta cần gì cuộc đời thực đang có ngoài văn học!. Chính bởi văn hóa văn học là một trong những phương thức sinh tồn sự sống con người – phương thức văn – học – hóa sự sống đó, văn hóa văn học quy định thân phận là công cụ sinh tồn cho văn học. Và cũng chính bởi thế, văn học là công cụ nhằm mục tiêu sinh tồn nhân tính, để con người tự dinh dưỡng sự sống tâm hồn, tình cảm, lý trí của mình, là thứ công cụ để con người tự hưởng thụ, tự giáo dục, tự giác ngộ bản thân mình chứ không phải là thứ làm ra để nó dinh dưỡng sự sống cho mình, để nó hưởng thụ cho mình và giáo dục, giác ngộ cho mình. Ai đó dạy chúng ta bằng văn học là kẻ đó dạy chúng ta chứ không phải là văn học dạy chúng ta. Nếu có buồn cười chăng thì chỉ nên buồn cười kẻ dạy chúng ta lại bảo không phải là "hắn" mà là văn học! Chính bởi văn hóa văn học với những đặc tính của nó – đặc tính của phương thức – nên nó bao gồm thống nhất hài hòa đặc tính hai phương thức mang tên là: sáng – tạo – sáng – tác văn học và sáng – tạo – hưởng – thụ văn học. Những người làm lý luận phê bình văn học là những người sáng – tạo – hưởng – thụ – văn học, danh giá chẳng thua kém gì danh giá những người sáng – tạo – sáng – tác nếu thực sự có tầm vóc tài ba... Chính bởi đặc tính người của văn học nên sự sáng tạo văn học cần phải có thực dụng hóa. Nhưng phải luôn nhớ rằng: thực dụng hoá đặc tính người không phải là chuyện chơi, chớ dại mà thực dụng vì mục tiêu cơ giới chết cứng nào đó v.v... và v.v... Những mưu toan duy mục tiêu thời cuộc buộc phải tinh tế xóa bỏ mục – tiêu – phương – thức trường tồn của văn học, sớm muộn gì cũng hiện ra bộ mặt ngây ngô, kệch cỡm của nó. Thế lực nào biến "sự sống" tác phẩm văn học chỉ thành ra một sự kiện đời sống, như một sự kiện thông tấn không có ngày mai, chính là thế lực đi ngược chiều tiến bộ lý tưởng dẫu có đi thuận chiều tiến bộ thực dụng đời sống của nhân loại...
Nền tảng văn hóa văn học là gì? Là cái mà những phương thức giá trị của phương thức văn hóa văn học cấu thành. Chúng ta có thể gọi tên nền tảng văn hóa văn học là phương thức giá trị của văn hóa văn học. Phương thức giá trị cố nhiên là phương thức ưu đãi, chọn lựa giá trị của bản thân phương thức đó cộng với (một cách hợp quy luật) những giá trị của văn hóa nói chung. Bởi thế chúng ta hoàn toàn có thể tìm thấy đúng đủ giá trị của khái niệm "tiên tiến" và "đậm đà bản sắc dân tộc" để tiến hành xây dựng nền tảng văn hóa văn học cho hôm nay và mai sau. Cố nhiên làm như vậy phải biết hiếu nghĩa nội hàm kinh viện và văn cảnh thời đại của khái niệm "tiên tiến" và của "bản sắc dân tộc"...
Thái Bình, ngày 19 tháng 5 năm 2002
N.D.C

(nguồn: TCSH số 166 - 12 - 2002)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Bahnar (09/09/2008)