Tạp chí Sông Hương - Số 227 (tháng 1)
Trường đại học của tôi - một tác phẩm thành công tiềm ẩn
09:27 | 16/09/2008
HỒNG NHU“Trường đại học của tôi” là cuốn sách thứ 4 của Nguyễn Nguyên An (tức Nguyễn Văn Vinh) trình bạn đọc trong khoảng mười năm trở lại đây. Ba cuốn trước là truyện ngắn, cuốn này là truyện dài.

Nói truyện dài là nói theo như sách đề, cũng đúng. Mà nói là tiểu thuyết, cũng không sai. Theo tôi, đây thực sự một cuốn tiểu thuyết. Trong văn học, chẳng ai ngớ ngẩn xếp tiểu thuyết hơn truyện dài truyện ngắn, điều đấy hiển nhiên. Cái cuối cùng vẫn là chất lượng. Người viết bài này bàn về cái cuối cùng ấy.
Nguyễn Nguyên An không còn trẻ. Anh vốn là nghệ sĩ nhiếp ảnh lâu năm ở Thừa Thiên Huế. Vào lứa tuổi “nhi bất hoặc” anh bỗng cầm bút lên thay cho cầm máy. Những truyện ngắn của anh in rải rác đó đây ở các báo,  tạp chí trung ương và địa phương trong những năm 90, không thể nói là xuất sắc nhưng cũng không thể xếp vào loại vô thưởng vô phạt. Tôi có một khoảng thời gian từ 1987 đến nay quen biết và làm việc với anh ở Hội Văn nghệ TT Huế và Tạp chí Sông Hương. Anh là một hội viên, cộng tác viên năng nổ, chịu khó đi, học, đọc, viết liên tục rèn luyện và đam mê. Chính những đức tính này đã hướng ngòi bút của anh đi từ non nớt đến vững vàng rồi già dặn theo thời gian. Tập truyện ngắn đầu tay: “Nỗi buồn không dám gọi tên” ra đời từ năm 1999 (Nxb Công an nhân dân) đã chứng minh điều ấy. Bấy giờ Nguyễn Nguyên An là cây bút trẻ “không như những nhà văn khác vung vinh chữ nghĩa trên cánh đồng ngôn ngữ, anh đã ấp ủ thai nghén từ những năm tuổi ba mươi đến nay ngoài năm mươi mới công bố tập truyện dài đầu tay...” - (lời Nxb).

Như vậy, đến tuổi ngoài tuổi “thiên tri mệnh”, Nguyễn Nguyên An mới dám đặt bút viết tiểu thuyết ra mắt công chúng yêu văn học. Sự biết mình biết ta này thiết nghĩ là một “đạo đức” của nhà văn. Nhà văn là người phải biết và phải có khả năng lặng lẽ làm việc và làm việc; bỏ ra ngoài tất cả những vung vinh vô bổ cùng những “lăng - xê” tán tụng phù hư.
Trường đại học của tôi đụng vào một đề tài khá hóc búa: tù tội và người quản lý giáo dục kẻ phạm tội. Có thể tóm tắt cuốn tiểu thuyết ngót 300 trang như sau: "Nô trong một lần say rượu, bị kích động đã chém một người bị thương nặng vào lưng. Sau bốn năm trốn lệnh truy nã chui lủi khắp nơi, Nô bị bắt khi đang làm ở một xưởng cơ khí ở Đà Nẵng, bị dẫn độ ra Huế - quê hương của Nô, bị Toà kết tội ba năm tù giam. Qua các trại giam, trại tỉnh, trại cải tạo của Cục V26, Nô bao lo lắng hoang mang, thất vọng... cùng với hy vọng và chất thiện còn âm ỉ trong lòng, anh đã vật vã đấu tranh tư tưởng dữ dội; cuối cùng đứng lên cật lực lao động cải tạo trong trại giam với những phạm nhân khác không phải ai cũng một lòng như Nô - ma mãnh - dối lừa, chèn ép, ti tiện, cơ hội... nghĩa là đủ trò bất hảo. Trong quá trình đó, dưới sự kèm cặp nghiêm khắc nhưng đầy bao dung của những “thầy giáo bất đắc dĩ” - cảnh sát trại giam - Nô đã “trở dạ, khai sinh một nhân cách mới” (lời Nxb), được đặc xá, trở về với gia đình, với cộng đồng và thành đạt trong việc làm ăn với vai trò một chủ xưởng nhỏ gồm toàn những người trước đây tù tội, lầm lỗi, hư hỏng... Họ hàm ơn Nô, hàm ơn sự giáo dục của nhà tù chế độ ta và đều công nhận nơi đó là “trường đại học” của họ.

Một cốt truyện đơn giản và có hậu như vậy, rất dễ sa vào công thức, khô khan, giáo điều. Song Nguyễn Nguyên An với độ chín của một cây bút và độ tuổi của một công dân, bằng thủ pháp kể chuyện ở ngôi thứ ba “Tôi”, anh đã dẫn dắt từ đầu đến cuối không bị hẫng hụt, thất vọng lúc nào - có thể nói như vậy. Sự hấp dẫn của một cuốn tiểu thuyết không nằm ở chỗ những tình tiết gay cấn, giật gân mà ở sự chân thực, hồn nhiên pha chút vụng dại ngây thơ, rất sống động. Cách viết của Nguyễn Nguyên An, tôi gọi là truyền thống mới: đó là đồng hiện và liên hiện. Không một sự kiện nào xuất hiện đơn lẻ mà theo nó, vài sự kiện khác đã có hoặc manh nha sắp có, có hình, có bóng trước mắt người đọc. Nghĩ về một người hay chính mình đi liền với một người khác, một chuyện khác liên quan giây dợ giềng mối với người đó chuyện đó.
Tác giả dành khá nhiều trang nói về gia đình và hoàn cảnh xã hội, sinh sống của những người trong gia đình nhân vật chính - nơi từ đó anh ta lớn lên và phạm tội. Ba mẹ bỏ nhau khi “tôi” lên tám, chị gái lên mười, hai em còn nhỏ. Ba chị em ở lại với ba, còn mẹ đứa út mới mười mấy tháng tuổi. Mấy tháng sau một người bạn tài xế ghé nhà nói với ba: “Tau thấy con mi lem luốc bò dưới đất ăn cơm với chó. Mi vô đem nó ra kẻo tội!”. Ba tôi tức tốc nhảy vô Hội An. Mẹ ham chơi đua đòi và không chịu được cực khổ, chẳng đoái hoài đến con cái. Trước đó, ba đã quỳ lạy mẹ trong hành lang toà án: “đừng bỏ anh, tội các con!”. Mẹ Yến: “anh buông tha cho tôi với!”. Mệ Quy thấy ba đang quỳ, an ủi: “Thôi về lo làm ăn rồi cũng lấy được vợ!” Mắt mẹ long lên: “Chó mà lấy!”. Bà nội chửi: “Đồ đàn bà đoản hậu, chỉ một đứa con nuôi cũng không nổi”. Ông nội đối với cháu không cân phân, con chú thì yêu chiều, con ba là chúng tôi thì làm cái gì sai ông đánh đập, ngày ngày cứ đợi ba tôi ló mặt về là chửi. Ba nuốt hết những lời cay đắng, còng lưng chịu đựng, rểu rảo khắp nơi chụp ảnh dạo kiếm tiền nuôi bốn “con tàu há mồm”. Chiều tối ba về lủng lẳng trên chiếc ghi đông xe đạp một gói cá nục hay nửa ký thịt mỡ; nghe ông nội chửi: “Cha cô bà đẻ con không dạy”, điên tiết ba lôi chúng tôi ra đánh tiếp. Chúng tôi không mẹ, luôn bị đói khổ chửi bới đòn roi đến ù lỳ. Tôi thường bỏ học, cầm đầu tụi bạn cùng lứa lang thang ngoài đường ngoài công viên, mười tuổi đã biết ăn hiếp, trấn lột bạn; mười ba tuổi học lớp 8 đã nổi tiếng là “đầu gấu” ở sân trường. Thằng em út đau ốm bụng ỏng da chì, sổ ra đúng một rổ 39 con giun đũa. Xổ xong nó cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn, ngồi đâu là ngồi đù một cục. Dù vậy, nó vẫn lớn lên như cây cỏ, không hề biết mình dại ngộ. Nó đụng đến việc gì là hỏng việc ấy, rửa ly bể ly, rửa chén bể chén. Nó thường lang thang ngoài công viên, các quán cà phê; bị tụi bụi đời đánh vác cái mặt máu sưng vều về nhà. Đêm nào nó cũng đi, mười một mười hai giờ mới về nhà, bị ba phạt có, đánh có, không cho ăn cơm, trói xích đủ cả... nhưng nếu hở một chút là nó chuồn liền. Rồi dì Hạnh nhảy vào lấy ba khi dì đã băm chín tuổi, cái tuổi mà thời gian đã gọt dũa đến nguội lạnh háo hức khát khao của người phụ nữ, nhưng dì - mẹ - cám cảnh gà trống nuôi con của ba, cảnh chúng tôi đầu xanh không có sự chăm sóc của bàn tay người mẹ. Có lần, hai mẹ chúng tôi gặp nhau, một bên là nhà giáo chịu thương chịu khó, một bên là người đàn bà chơi bời hoang tàng, trang sức màu mè, ăn nói lấc cấc, uống rượu hút thuốc liên miên, đến nổi không nhận ra mặt tôi nữa...
Các nhân vật mỗi người một nét điển hình với dấu ấn không thể nào lẫn đã được ngòi bút Nguyễn Nguyên An vẽ nên khá rõ, đạt độ chân thực sinh động một cách bất ngờ. Đặc biệt dì Hạnh người mẹ kế. Khi mới về nhà cha con Nô, Hạnh gây cho mọi người một cảm giác khó chịu: người cao to, đi đứng hậm hụi nhưng ăn mặc thì chải chuốt, làm đẹp bằng kính trắng, lắc, nhẫn, dây chuyền... những “phụ tùng” ấy không giúp cho Hạnh bớt thô, trái lại làm giảm phần trí thức của một cô giáo. Nhưng rồi sau đó, Hạnh đã bán dần cho đến hết để lo cho gia đình và thăm nuôi Nô với tình cảm không khác chi Nô do mình rứt ruột đẻ ra. Sau mười mấy năm, Hạnh có từ gia đình Nô là vóc dáng gầy gò, tóc tai ngày càng bạc vì quần quật việc nhà việc trường, đêm lại bận bịu với giáo án với các em Nô. Sao mẹ Hạnh cam tâm làm vợ ba, làm mẹ chúng tôi cho khổ vậy? Có phải đó là đức tính nhân hậu, đảm đang của một phụ nữ Huế? Nô tự thấy vô cùng có lỗi với mẹ Hạnh vì ba lần trách cứ mẹ Hạnh đưa lên trại đồ thăm nuôi ít, rồi lại hối hận tự xỉ vả mình hư hỏng, đòi hỏi gia đình này nọ. Biết làm sao xin lỗi mẹ Hạnh đây? Nô chỉ biết nguyện cầu đất trời phù hộ cho mẹ Hạnh và hứa tự mình không làm điều gì để mẹ Hạnh và gia đình phiền lòng nữa...

Về nhân vật công an, cảnh sát trong cuốn sách, có lẽ là điều người đọc quan tâm nhất. Thượng tá Khá, thiếu uý Hiệu rồi các cảnh sát trại giam, những tự giác viên trong trại... được Nguyễn Nguyên An miêu tả trung thực và công bằng... không tô vẽ ngợi ca quá đáng những gì tốt đẹp của các anh, cũng không "bức xô" hành động hoặc có những ý nghĩ nặng nề với những gì còn hạn chế của họ. Làm sao chúng ta lại không thấy rằng: vì nhiệm vụ, vì bản chất nhân văn, các anh công an, cảnh sát trại giam không chỉ chịu trận với cái xã hội đầy thói hư tật xấu do những người tù mang lại mà còn chịu cảnh năm này qua năm khác chung thân với núi rừng hiu quạnh, xa rời sự êm ấm yêu thương nơi phố phường rực rỡ, tiện nghi thoải mái?

Tóm lại, trên tất cả lòng nhân ái, vị tha của các anh - những “người thầy bất dắc dĩ” như tù nhân đã gọi họ một cách âu yếm và kính phục.
Trường đại học của tôi: còn đưa tới một vấn đề không mới nhưng chẳng bao giờ cũ trong nghệ thuật ngôn từ mà giờ đây không phải nhà văn nào cũng quan tâm đầy đủ và chính xác: vấn đề sử dụng thổ âm địa phương trong văn học.
Nguyễn Nguyên An trong tiểu thuyết của mình đã khéo léo lựa chọn (chứ không mô tê răng rứa nhàm chán và xoàng xĩnh) để bổ sung và đặc tả tính cách con người và sự việc ở vùng đất bối cảnh - Huế mới có: “ngồi đù một cục”, “lớn sượng”, “chịu đèn nhau” (yêu nhau), “mừng quớ ông điếu”v v...
Cuốn sách sẽ toàn vẹn hơn nếu như tác giả đừng viết vội phần sau, chắt lọc khe khắt chặt chẽ với mình hơn. Dù vậy, tôi nghĩ rằng thành công của “Trường đại học của tôi” là đúng giá, là tiềm ẩn cho những thành công sắp tới ở nhà văn Nguyễn Nguyên An.
H.N

(nguồn: TCSH số 227 - 01 - 2008)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Kịch độc (15/09/2008)