Tạp chí Sông Hương - Số 227 (tháng 1)
Bất ngờ mối tình đầu Phùng Quán
10:09 | 16/09/2008
NGÔ MINHTrong những bài viết trước, chúng tôi đã hé lộ đôi chút về những mối tình sau này của Phùng Quán. Lần này lại một mối tình nữa, mà hình như là mối tình đầu ly kỳ hơn đã được Phùng Quán tự kể và chị Bội Trâm phát hiện ra.
Bất ngờ mối tình đầu Phùng Quán

Phùng Quán là một nhà văn lạ lùng, luôn luôn làm mọi người bất ngờ hết chuyện này đến chuyện khác. Cả vợ con và bạn bè thân quen anh cũng bị bất ngờ. Trong bài viết “Tôi soạn Di cảo của Anh” in ở cuối sách “Tôi đã trở thành nhà văn như thế nào” của Phùng Quán, chị Vũ Thị Bội Trâm, vợ anh, viết: “…vô tình tôi phát hiện ra một cuốn sổ đã cũ trong số bộn bề những sổ tay ghi chép của anh, giở ra đọc thì thấy đó là những trang anh viết về khúc quanh của cuộc đời. Càng đọc tôi càng bị thu hút bởi những chuyện mà sau bao nhiêu năm chung sống nay tôi mới được tỏ tường…”. Nhờ đó cuốn sách đã được thông tin cho anh Nguyễn Đức Bình, Giám đốc NXB Văn nghệ và đã ra mắt đọc giả tháng 10 - 2007. Khi Đức Bình điện báo cho tôi tin mừng này, tôi vô cùng ngạc nhiên vui sướng. Tôi gặp anh Quán nhiều lần, được nghe anh kể nhiều chuyện, cả những chuyện không thể nói ra, nhưng tôi không bao giờ nghe anh hé lộ một chi tiết nào về một cuốn hồi ức những ngày tháng anh viết tiểu thuyết Vượt Côn Đảo để trở thành nhà văn Quân đội năm 1954.

Khi in xong hồi ức Phùng Quán, Nguyễn Đức Bình gửi cho tôi một bản sách. Càng đọc tôi càng ngạc nhiên. Ngạc nhiên nhất là anh kể về mối tình của mình với một cô gái làng biển tên là Như ở Hải Thôn, Sầm Sơn... Điều bất ngờ hơn nữa khi Nguyễn Đức Bình điện cho tôi thông báo rằng chuyện mối tình Phùng Quán với cô gái ấy là chuyện có thật chứ không phải hư cấu, và “cô bé” Như Sầm Sơn bây giờ vẫn còn sống...
Để dễ theo dõi cuộc tình éo le và hấp dẫn này, tôi xin vắn tắt đôi nét chuyện Phùng Quán đi làm phóng viên ở Sầm Sơn qua sách “Tôi đã trở thành nhà văn như thế nào”. Năm 1954, Phùng Quán đang là chân kéo phông màn của Đoàn văn công Quân Khu 4 do nhà thơ Thanh Tịnh làm Trưởng đoàn. Sau khi tham gia chiến dịch biểu diễn phục vụ bộ đội ta ở Việt Bắc và chiến dịch Điện Biên Phủ, đoàn về tới Cây Đa Tân Trào. Theo đề nghị của Thanh Tịnh, Phùng Quán được về Tổ phóng viên đi phục vụ việc trao trả tù binh ở Sầm Sơn, Thanh Hoá do anh Nguyễn Trần Thiết phụ trách (Nguyễn Trần Thiết sinh năm 1929, quê Thanh Hoá, nhà văn Việt Nam, Đại tá, hiện nghỉ hưu ở Hà Nội). Phùng Quán lúc đó chưa viết được bài báo nào cả, nên được anh Thiết phân công mang một cái máy ảnh to kềnh càng “như tráp thợ cạo” để chen chèn lấn che ống kính của các phóng viên Phương Tây, cản trở họ quay cảnh tù binh Pháp được trả. Cách mạng thì nghèo. Ngay bộ đội vẫn không có gạo ăn, làm gì có nhiều tiền để phục vụ các thương binh Pháp! Nên một số thương binh Pháp ốm đau, gày gò da bọc xương phải xuống tàu bằng cáng, nếu cảnh này được quay, được viết đăng trên báo, tuyên truyền nói xấu ta trước thế giới, thì ta mất mặt. Mỗi ngày Phùng Quán theo tổ phóng viên ra đón tù Côn Đảo, hỏi chuyện người tù trở về, rồi tối lại về cặm cụi viết.

Phùng Quán trọ trong nhà một ngư dân đánh cá ở xóm Hải Thôn sát cửa biển Sầm Sơn, ngay cạnh địa điểm trao trả tù binh. Trong nhà có cô gái Như 16 tuổi, thua Phùng Quán 4 tuổi, là  đội trưởng Thiếu nữ Chim hoà bình Hải Thôn. Em học lớp sáu. Đội Chim hoà bình này khi có tù binh ta trao trả thì ra múa để đón chào. Một bữa Như hỏi Phùng Quán: “- Anh viết cái gì mà lúc nào cũng thấy cặm cúi viết thế!”... “Em đứng sát sau lưng tôi, cúi xuống. Cằm gần chạm đỉnh đầu tôi. Mái tóc cắt ngắn ngang vai của em xoả xuống. Đuôi tóc chạm vào gáy tôi nhồn nhột. Tôi ngửi thấy mùi em chua chua, ngòn ngọt..”. “- Anh đang viết lại chuyện những người tù nhân đóng thuyền Vượt Côn Đảo” mà hôm nọ anh nghe họ kể”. Thế là từ đó Như là độc giả đầu tiên của tiểu thuyết Vựơt Côn Đảo khi nó mới vừa manh nha. Rồi Như viết thư khen: “Em đã đọc hết tập giấy anh viết. Em đọc ba buổi chiều liền. Em đem ra bãi dương liễu… ngồi đọc cho đến lúc không nhìn thấy chữ nữa mới về nhà. Em vừa đọc vừa khóc thương các anh tù Côn Đảo quá. Anh viết tiếp đi cho em đọc với. Mỗi ngày em sẽ cho anh củ khoai nướng...”. Rồi những trang bản thảo đã dắt họ đến gần nhau. Một lần... “Tôi ngồi xuống cạnh em, bất chợt ngoảnh sang nhìn em.
Lồng ngực tôi đánh đến nỗi làm mắt tôi mờ đi. Tôi chưa bao giờ thấy em đẹp như thế... Hai má màu hoa lựu và cặp môi đỏ ướt một cách khác thường. Đầu óc tôi quay cuồng... Em sắp lấy chồng, là chàng trai biển, con một nhà giàu có ở xóm trên... Như đang mê sảng, tôi đưa tay vòng vào cổ mảnh dẻ của em, vòng qua mái tóc xoả vai, kéo mặt em sát mặt tôi. Tôi cúi xuống hôn vụng về lên môi em. Cả người tôi như tan ra trong hoan lạc... .

Sau cái hôn đầu tiên đó Phùng Quán run lên vì lo lắng và xấu hổ. Những ngày mới hoà bình kỷ luật quân đội vô cùng nghiêm khắc. Quan hệ với phụ nữ nơi đóng quân là quan hệ bất chính. Đó là một tội lỗi xấu xa và ghê tởm nhất. Nếu cấp trên phát hiện ra sẽ bị kỷ luật. Hai ngày sau, Phùng Quán khoác ba lô chuồn khỏi Hải Thôn Sầm Sơn. Đi như một người chạy trốn. Khi Phùng Quán rời Sầm Sơn được bốn năm cây số thì cô Như chạy đuổi theo, hét lên: 
 - Anh Quán, Anh Quán ơi! . Rồi Như úp gương mặt đầm đìa mồ hôi vào ngực Phùng Quán, nức nở: Em thương anh! Em Thương anh! Anh không biết gì cả?.... Rồi Như đã nói thẳng ý định của mình: Em định nói với bố mẹ trả lại lễ vật cho nhà trai, rồi em đợi anh.... Đó là cách thổ lộ tình yêu của người con gái. Tôi nghĩ, đây là lần đầu Phùng Quán yêu và hôn con gái, vụng về, run rẩy trước con gái, rồi sợ hãi, xấu hổ sau khi hôn... Vì lúc đó anh mới 22 tuổi. Cho nên nói tình yêu Phùng Quán với cô Như Hải Thôn là mối tình đầu của anh cũng đúng. Và chắc là thế! Tôi tin là thế!

Trong sách Tôi đã trở thành nhà văn như thế nào, anh Quán bảo rằng bước ngoặt làm cho anh trở thành nhà văn là sự hấp dẫn của cái cột cây số rêu phong trên QL1A chỉ đường về Hà Nội.
Tôi vạch cỏ, nhổ một nắm lau sách hàng chữ số bên dưới chữ Hà Nội là 157 km”, “Thế là ba lô lên vai, ruột tượng gạo ngang lưng, đáng lẽ đi về phía Nam thì tôi lại đi ngược ra phía Bắc. Chính cái rẽ ngoặt bạt mạng đột ngột vô kỷ luật này do cái cột số  rêu phong xui khiến đã đưa tôi vào một hoàn cảnh đặc biệt mà trước đó ngay cả nằm mơ tôi cũng không thấy”. Nhưng đọc cuốn hồi ký, tôi lại nghiệm ra một điều tâm đắc: Phùng Quán trở thành nhà văn là do “tình cảm”, tình yêucủa cô Như ở Hải Thôn. Cô Như ấy chính là “người đọc đầu tiên” của tiểu thuyết Vượt Côn Đảo, và đã khóc, đã khen hay, thưởng khoai nướng, bánh đúc - kê khuyến khích Phùng Quán viết.

Khi đã về Văn nghệ Quân đội, được nhà văn Vũ Tú Nam giúp đỡ, tiểu thuyết Vượt Côn Đảo được in và được đánh giá cao, người đầu tiên Phùng Quán nghĩ đến tặng sách là
người em Hải Thôn, Sầm Sơn. Trong hồi ký, Phùng Quán viết: Tôi chọn cuốn đẹp nhất, nắn nót viết lên trang đầu sách: Yêu quý tặng em Như (lúc này tôi mới nhớ ra tôi không biết họ em tên là gì: Lê, Trần hay Nguyễn. Tại sao tôi không bao giờ có ý định hỏi em...). 53 năm sau, chuyện tặng sách Vượt Côn Đảo mới được người Đi tìm Như của Phùng Quán tên là Thu Dịu thay mặt chị Bội Trâm thực hiện. Cuộc đời kết thúc quả là có hậu. Không có điều gì mất đi cả...

Trong dịp ra Hà Nội dự lễ ra mắt hai tập sách 
Phùng Quán còn đâyTôi đã trở thành nhà văn như thế nào ở Hội chợ sách quốc tế Vân Hồ do NXB Văn Nghệ mời, tôi đã tìm đến nhà 204, D3, phố Vĩnh Phúc thăm chị Bội Trâm và thắp hương lạy cho anh Phùng Quán. Lần nào ra Hà Nội tôi cũng đến rót rượu, thắp hương cho anh. Bữa đó, chị Bội Trâm kể nhiều về mối tình Phùng Quán và cô Như. Chị kể rằng, Nhà xuất bản Văn Nghệ sau khi nghe tin Phùng Quán có cuốn hồi ký viết về mình đã trở thành nhà văn như thế nào, đã nhanh chóng cử Thu Dịu, cán bộ biên tập ra Hà Nội để cùng chị Bội Trâm sắp xếp chỉnh lý lại cuốn hồi ký trước khi đưa vào Sài Gòn in, vì sợ nhà khác cuỗm mất. Theo chị Bội Trâm, Thu Dịu là cán bộ biên tập thông minh và quyết đoán, rất chịu khó, nói là làm và làm được. Đọc chuyện cô Như Hải Thôn trong hồi ký Phùng Quán, Dịu cho rằng, Đây không thể là hư cấu, vì câu chuyện rất chân thật. Vì thế cháu sẽ tìm xem nhân vật Như này có thực hay không? Tất nhiên nếu Thu Dịu tìm không ra người con gái Hải Thôn ấy, hay người con gái ấy không có thực đi nữa thì bạn đọc sách cũng không nghi ngờ những trang viết của Phùng Quán. Vì ngòi bút Phùng Quán xưa nay vốn rất chân thành, trung thực. Trong tiểu thuyết Vượt Côn Đảo, Phùng Quán có tả cụ thể khoảng cách từ nhà chờ xử bắn ở trại 3 Côn Đảo ra nghĩa trang Hàng Dương. Năm 2004, kiến trúc sư Nguyễn Trọng Huấn, một người bạn nối khố cùng là thiếu sinh quân Khu 4 của Phùng Quán, khi được mời ra quy hoạch Côn Đảo, đã đo trực tiếp và khẳng định rằng: Phùng Quán chỉ nghe kể rồi tả, nhưng tôi đo quãng đường ấy ở trên thực địa, so với khoảng cách Phùng Quán mô tả trong tiểu thuyết Vượt Côn Đảo chỉ sai 17 mét!. Đó là điều kỳ diệu. Nhưng nếu tìm được cô Như Hải Thôn ấy, thì câu chuyện sẽ trở nên cực kỳ thú vị, giá trị cuốn sách sẽ cao gấp nhiều lần... Vì thế Giám đốc NXB Văn Nghệ Nguyễn Đức Bình đã động viên Thu Dịu quyết tâm đi tìm. Thu Dịu tìm Hải Thôn trên bản đồ tỉnh Thanh Hoá, trên mạng không thấy. Tìm mãi được điện thoại, hỏi người bạn bảo là Hải Thôn thuộc xã Quảng Tiến. Điện thoại hỏi tên cô Như khoảng 70 tuổi thì cũng chẳng ai biết. Chị Bội Trâm khuyên Thu Dịu đừng nên vất vả tìm nữa, vì tìm phải tốn nhiều thời gian công sức lắm. Hơn nữa lúc này Thanh Hoá đang bão lụt, đi rất nguy hiểm. Chị Bội Trâm không muốn vì chồng mình mà một cô gái phải vất vả.

Thế mà Dịu đã đi Sầm Sơn và tìm ra cô Như thật. Dịu đi để tìm ra sự thật. Chị Trâm thốt lên:
Đó là một cán bộ biên tập rất tôn trọng sự thật và có bản lĩnh. Theo Thu Dịu kể trong bài Đi tìm Như của Phùng Quán thì nhờ Website của Hội đồng Hương Sầm Sơn, nhờ được một người bạn ở Thanh Hoá đi tìm giúp cô Như ở Hải Thôn. Và người bạn ấy đã tìm thấy cô gái trong đội Chim hoà bình Hải Thôn xưa, nay đã 70 tuổi, quen biết Phùng Quán, nhưng không phải tên Như mà tên là Nhủ. Thu Dịu đã điện thoại trực tiếp gặp bác Như của Phùng Quán. Thế là Dịu quyết định về Sầm Sơn, Thanh Hoá…
Chị Bội Trâm phấn khích lắm. Tôi chưa bao giờ thấy một người phụ nữ nào khi được biết cụ thể về
người tình cũ của chồng mình mà lại phấn chấn vui vẻ đến vậy! Chị kể rằng, khi Thu Dịu đi Sầm Sơn, chị chọn một cuốn Vượt Côn Đảo, lứa in thật cũ để tặng chị Nhủ cho hợp với câu chuyện, nhưng tìm không có. Cuối cùng phải lấy cuốn do NXB Lao động vừa tái bản năm 2007, kèm theo tấm ảnh Phùng Quán trong mặc đồ bộ đội chụp năm 1954 để tặng bà Nhủ kèm theo lời nhắn gửi thân tình, biết ơn. Sau chuyến đi Sầm Sơn ra lại Hà Nội, Thu Dịu trân trọng chuyển chị Bội Trâm món quà của Như Phùng Quán. Đó là năm con mực to dài, phơi chưa khô lắm, nhưng thơm nức với lời nhắn rằng, gia đình làm nghề biển, gửi bà vợ nhà văn Phùng Quán để bày tỏ tấm lòng của người cũ và xin mời bà có dịp về thăm Sầm Sơn, để chị em hàn huyên. Câu chuyện giống y như tiểu thuyết!

Theo Thu Dịu kể, khi gặp, đưa ảnh bà Nhủ Hải Thôn nhận ra ngay tấm ảnh Phùng Quán. Bà Nhủ bảo: 
Đúng là anh Quán thời trẻ. Bà Nhủ cũng xác nhận là ngày đó bác đã đọc bản thảo Vượt Côn Đảo của Phùng Quán vừa đọc vừa khóc. Rồi bà còn sửa lỗi chính tả cho Phùng Quán nữa. Vì người Huế và miền Trung thường viết  chữ có gờ thành không gờ, chữ không có gờ anh lại viết có gờ, rồi dấu hỏi viết thành dấu ngã.
Theo Thu Dịu kể, thì bà Nhủ nghe đài còn biết truyện Vượt Côn Đảo của Phùng Quán đã được in ngay năm đó và sau đó anh bị
phê phán gì đó bác cũng biết. Bà dẫn Thu Dịu đi để chỉ những nơi ngày xưa trao trả tù binh, nơi anh Quán làm việc phóng viên hàng ngày, và rừng dương nơi cô bé Nhủ đã ngồi đọc những trang đầu tiên của tiểu thuyết Vượt Côn Đảo và khóc. Trong việc này, tôi thấy điều quan trọng nhất là bà Nhủ, mặc dù đã  được nhà trai bỏ lễ hỏi từ khi Phùng Quán về Hải Thôn làm phóng viên (1954), nhưng bà đã yêu Phùng Quán. Mãi đến 4 năm sau, tức là năm 1957, bà Như vẫn chưa lấy chồng. Năm 1957, có lần theo anh trai ra Hà Nội, bà đã đi tìm Phùng Quán ở Báo quân đội Nhân Dân, nhưng đến nơi thì người ta bảo anh ấy đi công tác xa. Sau đó về quê bà mới lập gia đình. Có nghĩa là bà vẫn chờ đợi và đi tìm Phùng Quán. Bà còn kể rằng, năm 1960, bà còn gặp anh Quán một lần nữa. Lần đó Phùng Quán theo ông chú họ (có lẽ là ông Phùng Thị ở Bộ Văn Hoá) vào Thanh Hoá, anh tìm về thăm người cũ ở Hải Thôn, Sầm Sơn, nhưng không gặp. Đi làm về, nghe người nhà báo lại, bà Nhủ lập tức đạp xe lên thị xã Thanh Hoá, tìm đến chỗ trọ Phùng Quán ở Ty Văn hoá. Chờ mãi mới gặp. Lần đó Phùng Quán đã tặng bà Nhủ một bài thơ. Bà chỉ nhớ một khổ, đọc cho Thu Dịu chép: Chim hải âu dựng cánh giữa lưng trời/ Đang tìm bạn hay tìm ai chẳng biết/ Bạn đời ơi thôi từ nay đã hết/ Gửi tình thương bất diệt lúc chia tay… Phùng Quán viết bài thơ này khi anh chưa lập gia đình. Và đến 47 năm sau bà Nhủ vẫn nhớ. Chứng tỏ tình cảm sâu nặng giữa hai người. Bài thơ có thể là lời chia tay tha thiết với người yêu Sầm Sơn vì lúc này bà đã có gia đình, mà Phùng Quán thì đang trong vòng tai ương...

Cuộc đời Phùng Quán quả có nhiều bất ngờ thú vị và xúc động. Chuyện bà Nguyễn Thị Nhủ, Hải Thôn, Sầm Sơn, Thanh Hoá mà Phùng Quán viết trong hồi ký 
Tôi đã trở thành nhà văn như thế nào và những thực tế mà Thu Dịu cung cấp, đã nói một điều hệ trọng: Đây chắc chắn là mối tình đầu,  một mối tình sâu nặng của Phùng Quán trong đời lính của mình. Mới hay, với Phùng Quán hiện thực cuộc đời mình còn ly kỳ hơn cả hư cấu!
N.M

(nguồn: TCSH số 227 - 01 - 2008)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Kịch độc (15/09/2008)