Tạp chí Sông Hương - Số 226 (tháng 12)
Văn hóa là gì? Quan liêu là gì? (1)
10:33 | 18/09/2008
HOÀNG NGỌC HIẾNĐây là hai vấn đề tôi tâm đắc nhất trong nhiều vấn đề lý thú được nêu lên trong  tác phẩm của André Chieng (1).
Văn hóa là gì? Quan liêu là gì? (1)

André Chieng, người Pháp gốc Hoa, sinh năm 1953 ở Marseille (Pháp). Tốt nghiệp Đại học Bách Khoa, học kinh tế ở 2T Đại học quốc gia thống kê học và quản trị kinh tế và Học viện chính trị (Pháp). Năm 1978, về Trung Quốc giảng dạy đại học. 1980, trở về Pháp, tham gia một tổ chức thương mại, sau này trở thành Hội đồng thương mại Âu Á, từ 1988, là chủ tịch Hội đồng này. Ông là một trí thức thực học đồng thời là một doanh nhân có danh tiếng quốc tế. Đi đi về về Trung Hoa - Pháp, từ 2001 về ở hẳn Bắc Kinh. A.Chieng được chứng kiến từ đầu chí cuối (từ 1978 đến nay) công cuộc Cải cách trong ba thập kỷ vừa qua đã tạo nên “thần tích kinh tế” Trung Hoa. Sự nghiên cứu thực tiễn Trung Hoa đương đại của A.Chieng có giá trị kiểm chứng đối với những tư tưởng mà Jullien phát hiện trong hoạt động lý thuyết.
Tác giả thấy những học giả phương Tây nghiên cứu Trung Hoa bằng những khái niệm phương Tây, do đó không trúng. Tác giả đi tìm những khái niệm - công cụ thích đáng và tác giả đã tìm thấy chúng trong những công trình nghiên cứu Trung Hoa (đối sánh với châu Âu) của F.Jullien.
Đây “là một cuộc đi dạo có bình luận thuyết minh trong lòng của Trung Hoa ngày nay, người đi dạo là một thương nhân Trung Hoa được giáo dục ở Pháp…, cùng đi với anh ta là những bài viết của một triết gia Pháp, trở thành nhà Trung Quốc học để hiểu Phương Tây hơn, cuộc đi dạo được kể lại trong tập biên khảo này” (2).

Văn hoá là gì?
Trong công trình được đặt ra nhiều vấn đề lịch sử, triết học quan trọng, những kiến giải của tác giả về những vấn đề này cuối cùng dẫn đến sự đối sánh việc thực hiện mô hình chung: kinh tế thị trường + dân chủ phương Tây, ở Nga (sau khi Liên Xô sụp đổ) và ở Trung Quốc hiện đại hoá, sự đối sánh này cho ta thấy Trung Quốc trên con đường cải cách một mặt ra sức học phương Tây về khoa học, công nghệ, về cách quản lý và điều hành hiện đại, mặt khác đem kết hợp với  những phương thức tư duy, những nếp nghĩ bản sắc Trung Hoa, chính sự kết hợp này đã tạo ra thần tích kinh tế Trung Hoa trong 3 thập kỷ qua.
Tính phổ quát
của trí năng phương Tây thể hiện trong những thành tựu khoa học tự nhiên và công nghệ là điều hiển nhiên. Nhưng trong triết học, trong những lĩnh vực khoa học xã hội, đặc biệt là khoa học nhân văn, những phương thức tư duy, những nếp nghĩ của phương Tây phải chăng cũng có giá trị phổ quát như họ nghĩ? Phải chăng những luật, những chân lý họ đề ra trong những lĩnh vực này phải được xem là căn cứ  tham chiếu duy nhất? F.Jullien đã đến với trí năng và văn hoá cổ Trung Hoa và từ chỗ “bên ngoài” này, từ những phương thức tư duy và nếp nghĩ mang bản sắc Trung Hoa mà ông lĩnh hội được, ông nhận thấy tham vọng đưa ra những chân lý phổ quát của phần lớn các học giả phương Tây là đáng ngờ.” Công việc lý thuyết được tiến hành ở đây - F.Jullien  viết - nhằm trình bày rõ hơn hai truyền thống văn hoá vốn không biết đến nhau này - truyền thống Trung Hoa và truyền thống Hy Lạp - buộc tôi phải giải thể và làm lại những phạm trù của tư tưởng; tôi không thể bằng lòng với những khái niệm của khoa học nhân văn (châu Âu ) và đành phải vượt rào" Kinh tế học là một ngành học hùng hậu của phương Tây. Trong công cuộc Cải cách ba thập kỷ vừa qua, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, chẳng hạn như vấn đề quản lý ngân hàng, vấn đề nông dân tràn vào thành phố,… những nhà lãnh đạo Trung Hoa đã đưa ra những đối sách và giải pháp kinh tế khác hẳn, thậm chí trái ngược với những bài bản có tính chất kinh điển của kinh tế học phương Tây. Có những nhà kinh tế học phương Tây tin rằng họ nắm được chân lý phổ quát về kinh tế học bèn lên tiếng bài bác, thậm chí với một thái độ giễu cợt. Gordon Chang trong bài báo Sự sụp đổ sắp tới của Trung Hoa công bố năm 2001 tiên đoán một cuộc khủng hoảng trầm trọng của Trung Quốc. Trên tờ Financial Times số ra ngày 14/9/2003, Moisys Naym đăng bài báo với nhan đề: “Chỉ có thần tích mới cứu được Trung Hoa”. Trong bài xã luận đăng trên báo Wall Street châu Á (1/8/2003) Restall đặt câu hỏi: “Vì sao Trung Hoa là một con hổ giấy?”(3). Trên thực tế những giải pháp kinh tế của người Trung Hoa có hiệu quả tích cực to lớn. Trên cơ sở thực tiễn Trung Hoa, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, André Chieng cho thấy tính phổ quát của kinh tế học phương Tây là đáng ngờ, ông đã làm công việc mà F.Jullien đã làm trong một phạm vi rộng hơn, có liên quan đến phương thức tư duy phương Tây trong nhiều lĩnh vực nhân văn.

Khoa học nhân văn phương Tây có những thành tựu to lớn. Phần lớn những thành tựu này đã đi vào chương trình giảng dạy đại học, là một bộ phận quan trọng trong vốn học thuật các cán bộ lãnh đạo chính trị và quản lý kinh tế. Công trình của A.Chieng có thể giúp các sinh viên, nghiên cứu viên, các cán bộ chính trị và kinh tế:
- Tích cực học tập những phương thức tư duy, nếp nghĩ trong khoa học nhân văn phương Tây đồng thời có ý thức nghi ngờ tính phổ quát của  chúng.
- Có ý thức khai thác nguồn những phương thức tư duy Đông Á (trong đó có Việt ), đem kết hợp với trí năng phương Tây, đặng vận dụng chúng một cách sáng tạo, trong việc nghiên cứu thực tiễn Việt và những vấn đề lý thuyết được đặt ra từ đó.
Trên cơ sở những tìm tòi sâu sắc và sáng tạo của F.Jullien và A.Chieng, tôi nêu lên những phương thức tư duy, những nếp nghĩ đáng chú ý của Đông phương, đúng hơn của văn hóa khu vực Đông Á mà Trung Hoa là tiêu biểu.
Ban đầu vấn đề được đặt ra là vai trò của “văn hóa” trong “thần tích kinh tế Trung Hoa” trong ba thập kỷ vừa qua. A.Chieng cho rằng sau khi Trung Hoa tiếp nhận mô hình "kinh tế thị trường + dân chủ” thì nhân tố quyết định tạo ra thần tích kinh tế là văn hóa coi trọng sự biến hóa (culture de la transformation) của Trung Hoa, trong khi đó văn hóa của phương Tây là văn hóa coi trọng chân lý (culture de la verité), Nga (sau khi Liên Xô sụp đổ) cũng ở trong quỹ đạo của văn hóa sau (so sánh tình hình hiện tại của Nga và Trung Quốc có thể hình dung được những tác động khác nhau của 2 văn hóa nói trên). Thế nào là "coi trọng chân lý”, “coi trọng sự biến hóa” sẽ nói rõ hơn ở phần sau, đến đây cần thấy sự phân biệt 2 văn hóa nói trên có tính chất hết sức ước lệ: nói rằng “coi trọng sự biến hóa", không có nghĩa là không quan tâm đến vấn đề chân lý, vấn đề là ở liều lượng, và trong liều lượng có những mức độ khác nhau: có biết đến vấn đề chân lý nhưng không chú ý lắm, có quan tâm đến chân lý nhưng ít nhiều vẫn bị lu mờ do sự đặc biệt quan tâm đến sự biến hóa. Nói đến tác động của văn hóa tới sự phát triển kinh tế, F.Jullien hiểu đây không phải là “một nước sơn véc-ni phủ lên văn xuôi của dịch vụ kinh doanh", cũng không phải là một lĩnh vực hoạt động của con người bên cạnh những lĩnh vực khác (kinh tế, chính trị, quân sự…), nó là những “phương thức tư duy” (mode de pensée) bao trùm, phát tán, xuyên suốt mọi lĩnh vực, là thiên hướng chi phối cách suy nghĩ và cách xử lý trong mọi hoạt động của con người.

Như vậy trong quan niệm của F.Jullien cũng như của A.Chieng, cái gọi là “văn hóa” trước hết là những phương thức tư duy hoặc những hệ tư duy (système de pensée). Chính cái “văn hóa” này, cái “phương thức (hoặc hệ) tư duy này” phân biệt Trung Quốc và phương Tây. “Giữa Trung Quốc và phương Tây - A.Chieng viết -  không phải là hai mô hình đối lập nhau, mà đây là hai hệ tư duy đối lập: văn hóa trọng chân lý (culture de la vérité) đối lập với văn hóa trọng sự biến hóa (culture de la transformation)” (5) (trong quan niệm của tác giả, xét một cách hết sức đại khái và ước lệ  thì Trung Quốc (hiện nay) và phương Tây cùng chung một mô hình: kinh tế thị trường + dân chủ; nước ta cũng không ở ngoài mô hình này: kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa cũng là kinh tế thị trường). Nhận xét về cách các học giả phương Tây so sánh nước Nga hiện nay và Trung Quốc hiện nay, tác giả chỉ ra một sự nhầm lẫn lớn, họ nhấn mạnh sự đối lập về hệ tư tưởng:  Nga từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, Trung Quốc giữ lại học thuyết này. Sự khác biệt cốt yếu giữa Nga và Trung Quốc chủ yếu là ở sự đối lập về văn hóa: nước Nga vẫn ở trong quỹ đạo văn hóa trọng chân lý của phương Tây, còn văn hóa của Trung Hoa, như chúng ta biết,
coi trọng sự biến hóa.
Thế nào là văn hóa coi trọng chân lý của phương Tây? Có nhiều cách hiểu.
Coi trọng chân lý trong khoa học tự nhiên và công nghệ  là chung cho cả phương Tây và Trung Quốc. Từ thế kỷ 16, với sự hình thành của phương pháp thực nghiệm - toán học, đặc biệt từ Gallilée (1564 - 1642), nhà bác học đã khẳng định phương pháp này, ở châu Âu, khoa học tự nhiên và kỹ thuật phát triển mạnh mẽ, đến t.k.19 thì phát triển ào ạt. Sau biến cố Chiến tranh nha phiến (1939) Trung Quốc mới tỉnh ngộ sự tụt hậu thảm hại của mình trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và từ đấy đến nay, trải qua những thể chế khác nhau học tập và đuổi kịp phương Tây trong lĩnh vực này luôn luôn là mục tiêu hàng đầu.
Văn hóa coi trọng chân lý của phương Tây trước hết được đặt ra trong những lĩnh vực xã hội, nhân văn. Trong những lĩnh vực này, chủ yếu lĩnh vực nhân văn, bằng sự nghiền ngẫm học thuật, bằng những sự từng trải và chiêm nghiệm, người ta đề ra những quy luật, và một khi quy luật được một sự đồng thuận rộng rãi, nó trở thành chân lý; từ những quy luật được đề ra những giả thuyết và từ nhiều giả thuyết được xây dựng những lý thuyết. Từ những quy luật, những chân lý, những lý thuyết… những người hoạt động thực tiễn đề ra những mô hình, những kế hoạch, dự án (ít nhiều có tính chất tư biện, mang tính ý niệm) và một khi được đề ra, được xác quyết, chúng trở thành những mục tiêu và hoạt động thực tiễn là thực hiện chúng, tức là đưa chúng vào thực tại, vào đời sống. Thực chất của việc đưa mô hình, kế hoạch, dự án, mục tiêu… vào thực tại là tạo ra những quá trình biến hóa trong thực tại. Văn hóa coi trọng biến hóa của Trung Quốc không coi nhẹ quy luật, chân lý, lý thuyết, mục tiêu… nhưng đặc biệt quan tâm đến biến hóaquá trình, thực ra hai khái niệm này thường gắn với nhau, biến hóa là biến hóa của những quá trình, và quá trình nào cũng là quá trình biến hóa. Trong khi A.Chieng gọi văn hóa Trung Hoa là văn hóa coi trọng biến hóa thì F.Jullien nhận định: “tôi thấy ý niệm quá trình là ý niệm xuyên suốt tư tưởng Trung Hoa… (H.N.H.tô đậm)” (6). Văn hóa biến hóa coi trọng “biến hóa” hơn “chân lý” có cái lý của nó. Trong các lĩnh vực xã hội, nhân văn những quy luật, chân lý, lý thuyết… có giá trị hết sức tương đối vì sự vận dụng chúng đụng đến thế giới những con người hành động theo chủ quan hết sức phức tạp của họ. Trong thế giới vật lý của Newton , “nếu như chúng ta có những thông tin chính xác về trạng thái ban đầu của một hệ thống vật lý bao gồm những vật thể vận động, chúng ta có thể tiên đoán một cách chính xác trạng thái của hệ thống này ở mọi thời điểm trong tương lai”. Nhưng trong thế giới con người, cơ sở khoa học hiện tại của các ngành học thuật xã hội và nhân văn còn lâu mới cho phép nhân loại tiên đoán sự phát triển tương lai của xã hội với một sự chính xác khoa học giống như thiên văn học tiên đoán những nhật thực, nguyệt thực. Đặc biệt trong giới nghiên cứu chủ nghĩa Mác, không ít học giả và nhà hoạt động xã hội có ảo tưởng là nắm được cái cơ sở khoa học mà Mác đặt ra cho sự phát triển lịch sử thì có thể dự đoán và chi phối một cách chính xác sự phát triển của xã hội. Người Trung Hoa không phải là không có lý khi họ đặc biệt quan tâm đến sự biến hóa của những quá trình thực tại và từ thực tại này kiểm tra lại những quy luật, xác định lại những chân lý và rà lại những lý thuyết… Những quá trình biến hóa thực tại không bao giờ tuân theo sơ đồ của những chân lý (lý thuyết), những mô hình, những kế hoach, những dự án được đặt thành mục tiêu. Quan tâm đến chân lý là quan tâm đến vấn đề đúng hay sai trong khi đó với văn hóa coi trọng sự biến hóa thì vấn đề số một là quá trình biến hóa bế tắc (bĩ) hay hanh thông. Nếu như theo sơ đồ chân lý (lý thuyết), tiến lên là chân lý, là đúng nhưng trong thực tế quá trình biến hóa lại bị bế tắc thì phải đổi hướng, rẽ sang phải vẫn bị bế tắc thì rẽ sang trái… và nếu như lùi lại mà hanh thông thì lùi lại là thuận với sự biến hóa. Văn hóa Trung Hoa không coi nhẹ chân lý (lý thuyết) nhưng tiêu chuẩn cao nhất vẫn là sự hanh thông (trong quá trình biến hóa), cũng có thể nói hanh thông là tiêu chuẩn thực tiễn của chân lý. Theo nhận định của tác giả “Đặng Tiểu Bình đã thành công trong công cuộc cải cách của ông vì ông tiến lên từng bước một, bảo đảm sao mỗi bước  có được sự hanh thông” (7)
.

Phương Tây coi trọng chân lý (lý thuyết), Trung Hoa coi trọng sự biến hóa.
Phương Tây coi trọng lý thuyết”. “Trung Hoa coi trọng Đạo (8), Đạo là Con đường của sự Biến hóa. Do coi trọng chân lý lý thuyết, nên văn hóa phương Tây là văn hóa tranh cãi. Nhiều chuyên mục trong những chương trình truyền hình Pháp chẳng hạn là những cuộc tranh cãi vô tận. Văn hóa Trung Hoa cổ dè dặt hơn với sự tranh cãi. Vì sao? Sau đây là một đoạn trong chương Tề vật luận của Nam Hoa Kinh: “Giả sử tôi tranh biện với anh mà anh thắng tôi thì có nhất định là anh phải, tôi trái không? Nếu tôi thắng anh thì có nhất định là tôi phải, anh trái không? Trong chúng ta có một người phải, một người trái? Hay là cả hai chúng ta đều phải cả hoặc đều trái cả? Anh và tôi làm sao biết được điều đó? Mà một người thứ ba nào khác thì cũng hồ đồ không biết được, lựa ai sáng suốt làm trọng tài đây?…” (9). Như vậy, không phải vì người ta không thích bàn cho ra phải trái, đúng sai mà người ta thấy trong lĩnh vực xã hội, nhân văn, nhìn cho ra sự thật, phải trái là rất khó, hơn nữa, nhìn cho ra cũng là để giải quyết những vấn đề, những mâu thuẫn trong cuộc sống, cho nên tốt hơn hết là chuyện phải trái bàn vừa thôi, nó chỉ là một khâu có liên quan đến những khâu khác, hãy tập trung vào việc tìm giải pháp thỏa đáng cho từng vấn đề cụ thể, thay cho sự cãi vã là sự thương lượng đi đến sự phân xử thỏa đáng. Triết học (phương Tây) trọng chân lý [vérité] (tức là bàn cho ra phải trái, đúng sai). Minh triết (phương Đông) trọng sự thỏa đáng [congruence] (đúng sai cũng quan trọng nhưng không quan trọng lắm, miễn là thỏa đáng) (10). “Họ (người Trung Hoa) quan tâm đến hiệu quả mà những sự thương lượng đem lại, coi trọng hiệu quả này hơn những gì mà sự tìm tòi chân lý dẫn đến (11)
.
Ở trên có nói đến sự khác biệt: phương Tây coi trọng Chân lý, Trung Hoa coi trọng Đạo. Thực ra trong văn hóa phương Tây cũng có Đạo, nhưng Đạo của phương Tây bao giờ cũng dẫn đến một mục đích cuối cùng: Thượng Đế, Chân lý (tuyệt đối), Cứu rỗi… Đạo của văn hóa Trung Hoa “không cần đến tính mục đích, hay đúng hơn dửng dưng với tính mục đích”, nếu như Đạo có chăng một cứu cánh, thì “không thể có cứu cánh nào khác là sự đổi mới ở chính nó”
(12)
, nói tóm lại Đạo là con đường không hướng về mục đích nào cả - chẳng qua những con người tội nghiệp phóng chiếu mục đích của họ lên nó - mà qua nó sự biến hóa đi từ "hanh thông" này đến “hanh thông” khác, từ “biến thông này” đến “biến thông khác”, từ “khai thông này đến khai thông khác"… (“biến thông” là một khái niệm cơ bản của Kinh Dịch).

Đạo là Con đường Biến hóa. Đạo không hướng về một mục đích nào cả. Trong công cuộc cải cách của Trung Quốc, theo A.Chieng, “cách tiến hành sự tạo ra biến hóa… quan trọng hơn mục đích cuối cùng, nếu quả như có một mục đích như vậy”
(13). Tác giả tỏ ra nghi ngờ cách làm việc cứ đề ra “mục tiêu này, mục tiêu nọ”, “tổng lộ tuyến này, tổng lộ tuyến nọ” khi nhận định rằng: “Bằng cách tổ hợp những tập hợp cải cách lớn, cải cách nhỏ, Trung Quốc, chẳng cần đề ra mục tiêu, mục đích, thực sự đã đi rất nhanh và xa, xa hơn và nhanh hơn bất cứ lời tiên đoán nào được đưa ra năm 1980 (14). Tác giả nghi ngờ luôn một nếp suy nghĩ, một nếp làm việc được hình thành trong khuôn khổ trí thức của phương Tây: “nhất thiết phải định nghĩa mục tiêu, cứu cánh (H.N.H.tô đậm)” (15). Đề ra những mục đích, mục tiêu không phải là khó; điều quan trọng là thực hiện, đưa chúng vào thực tại, vào đời sống bằng hoạt động thực tiễn, bằng hành động và tạo ra biến hóa, chính trong hoạt động thực tiễn, những mục đích được điều chỉnh, được xem xét lại, kể cả vứt đi. Mục tiêu là quan trọng nhưng quan trọng hơn là đưa mục tiêu vào thực tại đời sống bằng hoạt động thực tiễn. Cũng vậy, theo A.Chieng, “sự tôn trọng những nguyên lý chưa đủ, còn phải xem người ta vận dụng chúng như thế nào (16). Những nguyên lý thuộc phạm vi lý thuyết, vận dụng chúng thuộc phạm vi hoạt ộng thực tiễn. Việc vận dụng một cách tàn bạo những nguyên lý của một mô hình mới (và cấp tiến) có thể dẫn  đến những hậu quả tai hại. “Bốn hiện đại hoá” của Đặng Tiểu Bình đã trở thành mục tiêu lớn, những nguyên lý lớn của Cải cách Trung Hoa đương đại. Nhưng nói đến thành công lớn lao của Cải cách hiện đại hoá Trung Hoa trước hết phải nói đến phương pháp cải cách Trung Hoa đã được Đặng Tiểu Bình trình bày một cách rất Trung Hoa (vừa dễ hiểu, vừa sâu sắc): “Phải mò mẫm những viên đá để qua sông” (17). Mục đích thực sự của cải cách không phải là đề ra những mục tiêu mà là tạo ra những quá trình biến hoá thực tại. Những quá trình này không bao giờ tuân theo những sơ đồ của lý thuyết hoặc mô hình. Do đó có khi phải “mò mẫm” từng bước một, đây là minh triết Trung Hoa. Vả chăng “mò mẫm những viên đá” còn có ý nghĩa ở bình diện nhận thức luận, đó là thao tác tiếp nhận sự phản hồi từ những quá trình thực tại (phản hồi [ feed back] là một khái niệm cơ bản của lý thuyết thông tin và rất được coi trọng trong lề lối làm việc Mỹ). “Tiến hành sự biến hoá quan trọng hơn là mục đích cuối cùng…”(18), coi trọng sự "vận dụng nguyên lý” hơn cả bản thân nguyên lý…, từ những quan điểm này có thể nói đến "tinh thần thực dụng" trong văn hoá Trung Hoa. Để hiểu sâu sắc “tinh thần thực dụng” này, theo ý riêng của tôi, không thể bỏ qua chủ nghĩa thực dụng Mỹ - cơ sở triết học của "tinh thần thực dụng Mỹ” mà Lê nin đánh giá rất cao: (“…phải kết hợp tinh thần cách mạng Nga và tinh thần thực dụng Mỹ…”). Theo quan điểm của chủ nghĩa thực dụng Mỹ - mà những đại diện xuất sắc là C.S.Pierce (1839-1914), William James (1842-1910), J.Dewey (1859-1952) – những tư tưởng và lý thuyết phải được thử nghiệm trong thực tiễn, phải được đánh giá ở chỗ hành động theo tư tưởng này hay lý thuyết nọ có đem lại kết quả mong muốn không, tất cả những gì được xem là chân lý, là khoa học, là đạo đức và chính trị công minh đều phải được thử nghiệm theo cách này; triết thuyết này nhấn mạnh chức năng thực tiễn của tri thức như là một công cụ để thích ứng với thực tại và kiểm soát nó, ý nghĩa của một quan điểm hay nguyên lý là ở những hiệu quả thực tiễn mà sự vận dụng nó đem lại: “biết, đó là làm”, “biết là một hoạt động thực tiễn”; triết thuyết này ngoảnh lưng với trừu tượng, những giải pháp nói suông, những nguyên lý cứng nhắc, những hệ thống khép kín và những giá trị tuyệt đối…, nó hướng về tính cụ thể, sự đâu ra đấy, về những sự kiện và hoạt động…, nó là "sự tóm lược của lòng tin Mỹ ở năng lực "biết làm" ("know how”), năng lực hoạt động thực tiễn và lòng ngờ vực cũng rất Mỹ đối với những lý thuyết và hệ tư tưởng trừu tượng”.

Triết học (phương Tây) coi trọng sự phát lộ chân lý. Minh triết (phương Đông) coi trọng sự điều tiết quá trình (biến hóa) (19). Phát lộ chân lý thiên về hoạt động nhận thức. Điều tiết quá trình là hoạt động thực tiễn, là tham gia quản lý. Xác định ý niệm thực tiễn Trung Hoa trong nhan đề cuốn sách, A.Chieng viết: “Nếu như ở đây cái văn hóa nhập vào cái kinh tế, thì đây chẳng phải là cái chuyện như đem một lớp véc-ni gia thêm vào cái đời thường lôm nhôm của dịch vụ kinh doanh; mà gia do là cái kinh tế không thể nào quan niệm được mà không có cái văn hóa. Quả vậy, không thể đem tách sự suy nghĩ khỏi sự quản lý: cái mà tôi gọi ở đây là “thực tiễn” của Trung Hoa chính là sự ráp nối (articulation) cái này với cái kia…”(20).
Trong lời Bạt đề cho công trình bàn về Thực tiễn của Trung Hoa, F.Jullien viết: về phía tôi, tôi không thể từ bỏ cái tham vọng mà nhà triết học nào cũng hoài bão, không kể những kết cấu tư biện họ đề ra như thế nào, không kể đường đi của họ vòng vo như thế nào: đó là tham vọng không chỉ làm sáng tỏ mà còn  quản lý những tình thế gặp phải” (21).
Nhiều trường phái triết học phương Tây chịu ảnh hưởng quan niệm của Platon về “chân lý một và duy nhất” (chân lý tuyệt đối); quan niệm của minh triết Trung Hoa: chân lý “cận nhân tình" cũng như đạo “không xa con người” (“đạo bất viễn nhân”). Khổng tử nói rằng: “Đạo chẳng xa người. Người nào thi hành đạo mà lại rời xa người chẳng thể coi đó là đạo” (22). Nói như Khổng tử, chân lý xa con người có thể coi là chân lý nữa không? Con người thì mỗi tuổi, mỗi thời, mỗi nơi một khác. Hướng về con người trừu tượng cũng là một cách xa con người. (Đôxtôievxki: có những kẻ họ càng yêu con người trừu tượng bao nhiên thì càng ghét những con người cụ thể bấy nhiêu).
Quan hệ cá nhân và cộng đồng, một vấn đề có tính chất "kinh điển" để phân biệt bản sắc văn hoá Đông và Tây, theo cách giải trình của tác giả, không chỉ là sự thay đổi chỗ nhấn – Trung Hoa nhấn vào cộng đồng, phương Tây nhấn vào cá nhân – phạm vi của vấn đề rộng lớn hơn nhiều: phía Trung Hoa, “phúc lợi của cá nhân sinh ra từ phúc lợi của toàn thể nhóm và chính là làm việc cho lợi ích của nhóm mà người ta đạt được lợi ích cá nhân”, còn ở phương Tây, có được phúc lợi tập thể là do mỗi cá nhân mưu cầu lợi ích riêng, quan niệm này đã được Adam Smith tóm lược trong một phương trình xã hội như sau: phúc lợi chung có thể là tổng những mưu cầu vị kỷ riêng(23). Để vận hành theo phương trình này, phải có những quy tắc, những luật bảo đảm:
- Cho những quyền của cá nhân trong môi trường của cộng đồng.
- Những mưu cầu vị kỷ của cá nhân thực sự ứng với lợi ích của cộng đồng.
Những luật và quy tắc này nâng cao trình độ tổ chức xã hội, ở phương Tây chúng có tầm quan trọng cao hơn so với ở Trung Hoa. So sánh phương Tây và Trung Hoa “có một sự khác biệt cơ bản về tổ chức xã hội” (24) .

Trong lời Bạt, F.Jullien nói đến 2 ý niệm được A.Chieng nêu lên và điều chỉnh đặc biệt có ý nghĩa để hiểu "thực tiễn" của Trung Hoa: thế hoặc xu thế (mà tình thế mang trong nó) và
mặc hoá.
Trong tư tưởng phương Tây, tính hiệu quả được xem xét chủ yếu như là kết quả thực hiện dự án (projet), mà dự án là mô hình (modèle) lý thuyết được phóng chiếu (projeté) vào thực tại tương lai, mà mô hình nào thì cũng có mục tiêu hoặc cứu cánh (fin), chung quy lại, thực hiện dự án là tìm những phương tiện (moyen) thích đáng đặng thực hiện mục tiêu của dự án và như vậy, tính hiệu quả được xem xét trong mối tương quan phương tiện - cứu cánh: những phương tiện có thực hiện được mục tiêu của dự án không, có biến mô hình lý thuyết (tức là dự án) thành thực tại không? Cách đặt vấn đề như vậy về tính hiệu quả phù hợp với một nếp tư duy khá cơ bản trong tư tưởng phương Tây, đó là nếp tư duy coi trọng  mối quan hệ
lý thuyết - thực hành.
Trong tư tưởng Trung Hoa, thực tại được xem xét như là quá trình. Trong hoạt động của con người (có hiệu quả hay không?), điều quan trọng là ở mỗi thời điểm của quá trình thực tại phải nhận cho ra xu thế của tình hình ở thời điểm đó, tiếp theo là sự theo dõi sự diễn biến của xu thế trong quá trình phát triển của thực tại. Tính hiệu quả của hoạt động của con người là ở sự biết nương theo   lợi dụng xu thế của tình hình (sao cho có lợi cho ta và bất lợi cho đối thủ của ta), là ở sự tác động tới tình hình, tạo ra sự biến hoá của tình hình, sự diễn biến của xu thế, tạo lập những điều kiện cho sự phát triển dẫn tới hệ quả (mong muốn). Sự nắm bắt, nương theo và lợi dụng xu thế của quá trình phát triển của thực tại cũng giống như lợi dụng xu thế của dòng nước: xu thế của nước là chảy xuống chỗ trũng, bắt dòng nước chảy ngược lên cao thì thật là hoài công, dòng thác có sức chảy mạnh đó là do thế từ trên cao đổ xuống, biết lợi dụng cái thế này có thể  tạo dòng chảy mạnh cuốn băng đi cả những tảng đá lớn.

Thay lời người Trung Hoa F.Jullien viết: "Tôi không nhằm trực tiếp hiệu quả, đem kế hoạch của tôi áp đặt trực tiếp lên sự vật…, làm như vậy không tránh khỏi tốn sức và vấp phải sự phản kháng; mà tôi làm cho tình thế tiến triển liên tục nương theo những nhân tố mang xu thế mà tôi phát lộ, sao cho hiệu quả tuồn ra từ bản thân tình thế; nói một cách khác, chính tình thế đẻ ra kết quả được trù liệu trước. Hoặc nếu như ngày hôm nay chẳng có gì thuận lợi cho tôi, thì tôi chờ vậy, việc gì phải đối đầu với một tình thế  nghịch để mà vỡ mặt – làm như vậy chắc là đẹp rồi, anh hùng nữa là đằng khác, nhưng hiệu quả chẳng bao lăm…(25). Trong tư tưởng của phương Tây, con người hành động trực tiếp tạo ra hiệu quả, với cách suy nghĩ của Trung Hoa về tính hiệu quả, con người tác động một cách gián tiếp, và hệ quả tự nó đến thông qua sự tạo điều kiện cho sự biến hoá của tình thế và xu thế của tình thế. Tóm lại, tư tưởng phương Tây xem xét tính hiệu quả trong quan hệ phương tiện và cứu cánh còn trong tư tưởng Trung Hoa vấn đề này được xem xét từ góc độ tạo điều kiện (conditionnement) và hệ quả (conséquence) tức là từ góc độ tạo quá trình dẫn đến hệ quả. Hai quan niệm về tính hiệu quả dẫn tới hai phương thức tác động khác nhau tới thực tại. Tác động một cách gián tiếp (thông qua tạo điều kiện cho quá trình biến hoáhệ quả tự nó đến) giống như vun gốc, bón phân tạo điều kiện cho cái cây tự nó mọc lên, khác với việc trực tiếp túm lấy cái cây và kéo nó lên.
Có liên quan đến ý niệm thế được phân tích ở trên là ý niệm mặc hoá (biến hoá lặng lẽ). Trong quan niệm của F.Jullien, hành động (action) đối lập với làm biến hoá (transformation). Phương Tây coi trọng anh hùng (héros) tạo thời thế bằng hành động; Trung Hoa đề cao nhà hiền triết (le Sage) cái thế bằng cách làm biến hoá. Hành động diễn ra trong một thời điểm nhất định, tác động vào một điểm, một chỗ được khu biệt rõ rệt, gắn với một chủ thể xác định (chủ thể hành động thường là một anh hùng hoặc một gian hùng), thông thường hành động gây ra biến cố (événement), mà biến cố thì bao giờ cũng “rôm rả”, “náo động”, “om sòm”, do đó hành động thường nổi bật, tách  bạch dòng đời và tiến trình biến hoá trầm lặng của sự vật. Còn làm biến hoá, ngược lại với hành động, thì gây ra sự liên tục tăng tiến, sự lan toả bao trùm tổng thể (global), sự hoà lẫn vào tiến trình của sự vật, do đó khó thấy, không gây biến cố om sòm, do đó lặng lẽ, nhưng cuối cùng có hiệu quả rõ rệt, không chối cãi được (tuổi già là một ví dụ của sự biến hoá). Lão tử có nói đến những ông vua được “dân yêu quí và khen”, nhưng trên tài họ là những ông vua trị dân mà “dân không biết là có vua”, “vua công thành, việc xong rồi mà trăm họ đều bảo: Tự nhiên được như vậy” (xem Đạo đức kinh, Ch 17) (26). Đây là những ông vua trị dân bằng cách làm "biến hoá lặng lẽ”. Họ không nổi lên như những anh hùng nhưng Lão tử lại tôn họ vào hàng “thái thượng”.

tôi nghĩ rằng – F.Jullien viết – hai ý niệm này, lấy của những nhà tư tưởng Trung Hoa cổ đại, cũng có thể giúp tìm hiểu Trung Hoa đương đại. Bởi lẽ chính Trung Quốc hiện nay dường như không có phóng chiếu một kế hoạch nào đó lên tương lai, không có theo đuổi một cứu cánh nào đó hoặc một ý đồ đế quốc nào đó, mà ngày này qua ngày nọ ra sức khai thác tiềm thế của mình, có nghĩa là ra sức lợi dụng những nhân tố thuận lợi – không kể thuộc lĩnh vực nào: kinh tế, chính trị, quốc tế và bất kể thời cơ nào  -  tất cả nhằm tăng cường thế lực và nâng cao địa vị trong các quốc gia. Chỉ đến bây giờ chúng ta, phần nào sửng sốt, mới bắt đầu nhận ra những kết quả: trong vài thập kỷ, Trung Hoa đã trở thành xí nghiệp lớn nhất thế giới và trong nhiều thập kỷ nữa, tiềm lực đương nhiên sẽ ngày càng tăng trưởng. Và quá trình diễn ra, không có biến cố lớn gây tan hoang. Đặng Tiểu Bình, "Người cầm lái nhỏ bé” chính là con người vĩ đại – bằng tự do hoá và trấn áp luân phiên - lặng lẽ làm biến hoá xã hội Trung Quốc, từ thể chế xã hội chủ nghĩa sang thể chế siêu tư bản chủ nghĩa mà chẳng có bao giờ  tuyên bố một sự cắt đứt dứt khoát giữa hai thể chế… Hẵng cứ xem cách người Trung Hoa nhập cư vào Pháp: nó lan ra từ khu phố này đến khu phố nọ, mỗi người mới đến nghĩ ngay đến việc kéo bà con họ hàng mình sang, kéo từng người một và lần lần kéo hết; những lễ hội Trung Hoa năm này sang năm khác ngày càng nổi lên đáng kể và vân vân, vân vân…; nhưng sự chuyển tiếp quá liên tục đến nỗi người ta không nhận ra và do đó chẳng có căn cứ nào để mà ngăn chặn. Tóm lại, sự biến hoá này lần lần tăng tiến, quá lặng lẽ, hoà hẳn vào " tiến trình của sự vật "thành ra người ta không thấy nó. Thế rồi, bỗng dưng một hôm người ta nhận ra rằng, trong khu phố, tất cả các cửa hàng đều là Tầu…”(27).
--------------------
(1) Nguyên tác: André Chieng. La pratique de la Chine en compagnie de Francois Jullien. Grasset. 2006 (bản dịch của Hoàng Ngọc Hiến Bàn về thực tiễn Trung Hoa cùng với F.Jullien Nxb. Đà Nẵng sẽ xuất bản trong quý 4 năm 2007).
(2) Sách đã dẫn, tr.13.
(3) Sang Viễn Đông trở về Viễn Tây (Colloque F.Jullien) Nxb. Đà Nẵng, 2005 tr.10.
(4)
Xem Chine/Europe…sous la direction de  Pierre Chartier et Thierry Marchaisse. PUF. 2005, p.130.
(5)
Xem A.Chieng, sách đã dẫn, tr. 265.
(6) Xem A.Chieng, sách đã dẫn, tr.273.
(7) Như trên, tr.265.
(8) Như trên, tr.266.
(9) Xem Nguyễn Hiến Lê Trang tử. Hoa Kinh. Nxb. Văn Hóa 1994. tr.173.
(10) Xem F.Jullien, Minh triết phương Đông & Triết học phương Tây, Nxb. Đà Nẵng, 2003, tr.167.
(11) Xem A.Chieng, sách đã dẫn, p.34.
(12) Như trên, tr.161.
(13) Như trên, tr.264.
(14) Như trên, tr.265.
(15) Xem như trên, tr.260.
(16) Xem như trên, tr. 259.
(17) Xem như trên, tr.259.
(18) Xem như trên, tr.264.
(19) Xem F.Jullien, sách đã dẫn, tr.167.
(20) Xem A.Chieng, sách đã dẫn, tr.10.
(21) Như trên, tr.271.
(22) Trung dung, ch.13, xem Chu Hy, Tứ thư tạp chú Nxb. Văn hóa Thông tin. 1999, tr.105.
(23) Xem A.Cheng, sách đã dẫn, tr.224.
(24) Như trên, tr.224.
(25) Như trên, tr.274.
(26) Nguyễn Hiến Lê, Lão tử. Đạo đức kinh.

Các bài mới
Các bài đã đăng
Mái chuồng gà (17/09/2008)