Tạp chí Sông Hương - Số 226 (tháng 12)
Chỗ “đứng” của cụ Phan ở Huế
09:24 | 22/09/2008
NGUYỄN KHẮC PHÊ(Nhân kỷ niệm 140 năm sinh cụ Phan Bội Châu 26/12/1867-26/12/2007)                            1. Sau phiên toà đại hình mở tại Hà Nội ngày 23/11/1925 kết án khổ sai chung thân cụ Phan Bội Châu, trước sức ép của dư luận trong nước và quốc tế, toàn quyền Pháp Varenne buộc phải ra lệnh “ân xá” và đưa Cụ về “an trí” tại Huế.
Chỗ “đứng” của cụ Phan ở Huế

Bọn thực dân muốn giam lỏng nhà “ái quốc vĩ đại” (chữ dùng của học giả Đào Duy Anh) để hạn chế ảnh hưởng của Cụ, nhưng 15 năm ở Huế (1926 - 1940), mặc dù bọn mật thám luôn canh chừng và hạn chế đi lại, “Ông già Bến Ngự” vẫn hăng hái truyền bá tư tưởng và tinh thần yêu nước của mình, góp phần quan trọng thúc đẩy phong trào cách mạng của cả nước, tạo nên một “chỗ đứng” có sức thu hút rất nhiều tầng lớp trong nhân dân.
Từ năm 1926, căn nhà tranh 3 gian đơn sơ trên dốc Bến Ngự (được dựng nên nhờ tiền đóng góp của đồng bào ba miền) trở thành nơi hội tụ hầu hết những tên tuổi có uy tín về nhân cách và trí tuệ thời bấy giờ. Thường xuyên đến thăm nom, đàm đạo chuyện thế sự và bàn tính công việc với cụ Phan hơn cả là cụ Huỳnh Thúc Kháng và cụ Võ Liêm Sơn. Nhà cụ Võ Liêm Sơn ở ngay phía trước nhà cụ Phan. Cụ Huỳnh thì xem cụ Phan như một sáng lập viên, một cộng tác viên đắc lực của báo “Tiếng Dân” - cơ quan ngôn luận công khai thể hiện tinh thần chống đế quốc mạnh mẽ nhất miền Trung thời đó. Các vị chí sĩ, các bậc thức giả ở Huế và cả từ Hà Nội và Sài Gòn đi qua Huế đều đến yết kiến cụ Phan, trong đó có các tên tuổi như Lê Ấm (con rể cụ Phan Chu Trinh), Nguyễn Đình Ngân (từng làm Thị Lang Bộ Học, trong kháng chiến chống Pháp là Chủ tịch Ủy ban Liên Việt tỉnh Thanh Hoá), Đặng Thai Mai, Trần Huy Liệu, Tôn Quang Phiệt, Đào Duy Anh, Bùi Công Trừng, Khương Hữu Dụng…

Cụ Phan còn mở lớp học dạy chữ Hán, khơi dậy tinh thần yêu nước và phổ biến những tác phẩm mới của cụ cho những thanh niên tiến bộ hồi đó như Nguyễn Khoa Văn (Hải Triều), Quang Đạm (từng làm việc ở báo “Nhân dân”, em ruột giáo sư Tạ Quang Bửu), Lâm Hồng Phấn (tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ 1936 - 1939; sau 1975 là Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thành phố Huế)… Hàng trăm thanh niên học sinh hai trường Quốc học và Đồng Khánh (nay là Trường Hai Bà Trưng) mãi về sau vẫn luôn nhớ những buổi diễn thuyết, những lời kêu gọi hào hùng khơi dậy tinh thần yêu nước thương nòi của cụ Phan.
Căn nhà tranh 3 gian của cụ Phan trên dốc Bến Ngự còn có thể gọi là một “địa chỉ đỏ” ở Huế thời đó. Trong hồi ký “Ngôi nhà Bến Ngự và con đò sông Hương”, viết tại Hà Nội tháng 7/1981, nhà báo Quang Đạm, người đã ở với cụ Phan Bội Châu một năm (để học chữ Hán và làm “thư ký” cho Cụ) cho biết căn nhà treo nhiều tranh ảnh. “Đáng chú ý nhất là bức chân dung Lê-nin treo trang trọng trên bức tường mặt trước gần sát trần nhà. Có lẽ là một bức hoạ vẽ theo một bức tượng kiểu huy hiệu. Dưới chân dung có hai chữ Hán: Liệt Ninh. Lúc đầu nhìn lên chân dung này, tôi chưa biết là ai, chỉ cảm thấy đó là một vĩ nhân trên thế giới…Phải chăng đây là bức chân dung Lê-nin đầu tiên được treo lên công khai, đàng hoàng và rất trang trọng ở nước Việt Nam, ít nhất là giữa kinh đô Huế?...”

Ông Quang Đạm ở với cụ Phan khoảng từ 1926 - 1927; như thế, 10 năm sau Cách mạng Tháng 10, chân dung Lê-nin đã được treo công khai tại Huế.
Ông Quang Đạm còn cho biết, đối diện với chân dung Lê-nin là chân dung Tôn Văn (nhà cách mạng dân chủ Trung Hoa) và cụ Phan còn muốn treo chân dung Găng-đi (Ấn Độ), nhưng không có mẫu để vẽ. Từ những bức chân dung được cụ Phan treo trang trọng, cũng có thể hiểu phần nào tư tưởng của Cụ, con đường mà cụ muốn dân tộc ta đi theo trong giai đoạn này.
Trong những tác phẩm mà cụ Phan đọc cho ông Quang Đạm chép có bài “Xã hội chủ nghĩa”. Ông Quang Đạm viết: “Lần đầu tiên, giữa kinh đô Huế và có lẽ ở khắp Trung kỳ, nếu không phải trong cả nước, có một người Việt Nam công nhiên nói đến “xã hội chủ nghĩa”. Cụ Phan nói một cách hào hùng. Không phải Cụ chỉ đọc cho tôi viết trong chiếc đò trên sông Hương mà chính trong thời gian này, Cụ còn giảng giải một vài lần trong phòng học của chúng tôi. Niềm hào hứng của Cụ không phải bắt nguồn từ chỗ tìm thấy một lý tưởng mới ở thời đại mà là bắt nguồn từ chỗ nhìn ra một sự gặp nhau giữa cổ với kim, giữa Khổng Tử-Mạnh Tử với Mã Khắc Tư-Liệt Ninh (Marx-Lê-nin)…Cụ lại khẳng định rằng cái “hay tuyệt” và “tận thiện tận mỹ” ấy vốn đã được “thánh hiền Nho giáo” chỉ ra rất lâu trong “học thuyết đại đồng”… Có thể nói khái niệm “xã hội chủ nghĩa” của cụ Phan về thực chất chính là “thuyết Đại đồng”….”

Thiện cảm của cụ Phan đối với chủ nghĩa xã hội còn thể hiện rất rõ trong đoạn đối thoại giữa Cụ và ông Trần Lê Hựu - một người đồng hương “bạo ăn bạo nói” - mà học giả Đào Duy Anh được chứng kiến và đã ghi lại trong hồi ức trong sách “Ông già Bến Ngự”. Sau khi nghe ông Hựu nói có ý khêu chọc rằng bao nhiêu lớp anh hùng chí sĩ nổi lên đều thất bại, thì còn mong gì, cụ Phan đã đáp lại:
- “Ông không nên nghĩ thế… Hiện nay đã có người khác giỏi hơn lớp chúng tôi nhiều đứng ra đảm đương công việc… Ông có nghe tiếng ông Nguyễn Ái Quốc không?”.
- “Có báo đăng tin Nguyễn Ái Quốc đã bị bắt và chết ở Hương Cảng cách hai ba năm rồi mà!”.
- “Không, tôi chắc ông Quốc vẫn còn, mà ông ấy còn thì nước ta nhất định sẽ độc lập…”.
- “Thưa Cụ, “Bò đái thất thanh, Đàn sinh Thánh” chẳng phải là Cụ hay sao? Cụ còn thất bại nữa là người khác!”.
- “…Nếu Đàn có Thánh thật thì chính là ông Nguyễn Ái Quốc chứ không phải ai khác…”.
Nghe mấy câu đối thoại ngắn ngủi ấy tôi càng thấy đức độ và tâm tư của cụ Phan quá xứng đáng với vai trò của vị lãnh tụ đảm đương sứ mệnh trong cả một giai đoạn lịch sử…”.

Theo hai nhà nghiên cứu Chương Thâu và Nguyễn Đắc Xuân, thì cụ Phan đã từng mời đồng chí Phan Đăng Lưu, Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Trung kỳ hồi đó về ở trong nhà Cụ và thường nhờ đồng chí tham gia sữa chữa bài vở cụ viết… Đặc biệt, khi đồng chí Nguyễn Chí Diễu mất (12/9/1939), mật thám Pháp ra lệnh gia đình anh phải đưa chôn một nơi do chúng quy định, nhưng Xứ ủy Trung kỳ muốn mai táng anh một nơi đồng chí, đồng bào có thể đến viếng thuận tiện; đồng chí Phan Đăng Lưu đem chuyện đó nói với cụ Phan, Cụ liền sốt sắng nói: “Rứa thì đem mai táng ông Diễu ngay chính giữa nghĩa địa của tôi ở Nam Giao đi. Có gì rắc rối tôi chịu…”. Nghĩa trang Nam Giao do cụ Phan lập ra làm nơi yên nghỉ cho những đồng chí, đồng sự của Cụ, vậy mà Cụ lại công nhiên dành chỗ trang trọng cho một lãnh tụ cộng sản (đồng chí Nguyễn Chí Diễu là Ủy viên Trung ương Đảng, có thời gian phụ trách cả Trung Kỳ), nên sau đó, chánh mật thám Trung Kỳ Sogny đã đến vặn vẹo Cụ, nhưng Cụ coi khinh.

Một số tác giả trong cuốn sách “Ông già Bến Ngự” có nhận xét rằng: “Khi viết về chủ nghĩa xã hội khoa học, Cụ không thể tránh được sai lầm lẫn lộn, thậm chí lẫn lộn về nguyên tắc, từ điểm xuất phát của hệ tư tưởng rất khác biệt nhau” (Lời tác giả biên soạn sách) hoặc “cụ Phan vẫn đứng trên lập trường dân tộc chủ nghĩa không hơn không kém… Cụ Phan Bội Châu thích nói xã hội chủ nghĩa… nhưng phải nói thật là: Cụ chưa có một quan niệm giai cấp rõ ràng, mà chỉ là đầy lòng nhân ái và ham thích nhân đạo, thế thôi! (Trần Huy Liệu). Xin được lưu ý đó là những nhận xét viết từ hơn hai chục năm trước. Con người ta không mấy ai là Thánh; cụ Phan cũng có thể có điều bất cập, nhất là trong điều kiện thiếu thông tin lúc bấy giờ. Tuy vậy, nếu căn cứ vào những diễn biến trong hơn một thập kỷ vừa qua, nhất là sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa tan rã (có thể là tạm thời) và cho dù là căn cứ vào tình hình cánh tả hướng về “chủ nghĩa xã hội” đang lên tại châu Mỹ La tinh gần đây, thiết nghĩ khái niệm cũng như phương pháp để xây dựng xã hội chủ nghĩa hiện nay đã khác nhiều với thời Lê-nin, càng khác với thời còn Stalin và Mao Trạch Đông - những nhân vật có ảnh hưởng lớn đến cách mạng Việt Nam. Đó là một sự thật và cũng đúng với tinh thần cách mạng của Mác. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta cũng luôn nhấn mạnh phải “biết vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào điều kiện cụ thể của nước mình...” (Bài viết của Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng 10 Nga). Như vậy, thiết nghĩ những lời nhận xét về quan niệm “xã hội chủ nghĩa” của cụ Phan trước đây chưa hẳn đã chính xác. Đây là một vấn đề khoa học và có tính lịch sử, có lẽ là một “đề tài” về cụ Phan cần được tiếp tục làm rõ. Nhưng chỉ qua việc Cụ chọn các bức ảnh Lê-nin, Tôn Văn (tức Tôn Trung Sơn) và Găng-đi treo trên tường, qua hồi ức của nhà thơ Khương Hữu Dụng (“…Cụ nói với chúng tôi về chủ nghĩa xã hội theo quan niệm của Cụ như một chủ nghĩa Đại đồng được phát triển cao hơn… Xã hội công bằng mơ ước của Cụ, công bằng thông qua lòng nhân ái, nhân đạo, chứ không phải thông qua đấu tranh giai cấp…”) chúng ta có thể hình dung Cụ đang trăn trở tìm con đường tốt đẹp hơn để tiến tới xã hội chủ nghĩa, chứ không phải “sai lầm lẫn lộn” như có người đã nhận xét trước đây. Có thể đặt vấn đề một cách mạnh dạn hơn: “Con đường” cụ Phan trăn trở hồi ấy có thể chính là con đường mà chúng ta đang tìm đến hiện nay. Tôi không dám lạm bàn, xin nhường lời để các nhà khoa học đi sâu vấn đề hơn.  

2. Chính là do Cụ Phan có “chỗ đứng” đặc biệt lớn lao và sâu đậm trong lịch sử dân tộc, trong lòng nhân dân cả nước và nhất là ở Huế - nơi cụ đã sống 15 năm cuối đời, nên tại đây đã có một bức tượng cụ Phan vào loại lớn nhất và đẹp nhất nước. Nhưng thật đáng tiếc, vì rất nhiều lí do, bức tượng danh nhân đồ sộ và đặc sắc này đúc xong đã hơn ba chục năm mà vẫn chưa “bàn luận” xong nên đặt tượng chỗ nào cho tương xứng!
Về bức tượng đặc biệt này, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa (nguyên Giám đốc Sở Văn hoá Thông tin Thừa Thiên Huế) cho biết: Từ năm 1973, nhà điêu khắc Lê Thành Nhơn, nguyên là giáo sư Trường Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn, trong dịp được mời ra “thỉnh giảng” tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế, đã say sưa bày tỏ ước vọng của đời mình: “Sống chết cũng làm cho được mười tượng danh nhân tầm cỡ của Việt Nam... Và nhất định phải có khuôn mặt riêng của Nguyễn Du, Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh.” Lập tức, anh chị em văn nghệ sĩ yêu nước và Ban Cán sự giáo chức và trí thức giải phóng ở nội thành Huế đã mở cuộc vận động dồn sức cho Lê Thành Nhơn làm tượng cụ Phan. Các hoạ sĩ Vĩnh Phối, Đinh Cường, Tôn Thất Văn ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế và các anh Phan Hữu Lượng, Phan Thế Bính, Trần Viết Ngạc... là những người đã “góp tay” đắc lực với Lê Thành Nhơn. Các Ban đại diện học sinh, sinh viên tại Đại học Sư phạm, Đại học Luật, Văn khoa, Khoa học, Trường Quốc học, Đồng Khánh... cổ động sinh viên, học sinh tham gia những buổi sinh hoạt văn nghệ quyên góp tiền đúc tượng cụ Phan do Trịnh Công Sơn, Khánh Ly và một số sinh viên biểu diễn. Thoạt đầu, tượng được đắp bằng đất sét ở vườn Trường Cao Đẳng Mỹ thuật Huế. Tượng chỉ tập trung khắc hoạ khuôn mặt của nhà chí sĩ, nhưng đã cao 4 mét, với chu vi 11 mét, dự kiến dùng hết 4 tấn đồng. Trước lúc làm khuôn chuyển lên Phường Đúc, hàng trăm bức tượng cụ Phan thu nhỏ (tỷ lệ khoảng 1/1000) được đúc đồng để bán, thu hút thêm vốn dựng tượng... Do đó, bức tượng cụ Phan không chỉ là tác phẩm điêu khắc một vĩ nhân có giá trị nghệ thuật cao mà còn là một biểu tượng của tinh thần yêu nước của cả một thế hệ thanh niên Việt và nhân dân Huế.

Sau ngày Huế được giải phóng, vì công việc bộn bề, bức tượng hầu như bị bỏ quên bên vệ đường Phường Đúc; mãi đến năm 1988, sau rất nhiều cuộc bàn luận, Ủy ban Tỉnh mới đồng ý với kiến nghị của Thành phố Huế: tạm đưa tượng về dựng tại khu nhà - vườn cụ Phan trên dốc Bến Ngự. Gọi là “đặt tạm” vì trong hai chục năm qua, cuộc bàn luận chỗ đặt chính thức tượng cụ Phan vẫn chưa đến hồi kết! Rất nhiều “tiếng nói nghiêm chỉnh” đã nêu rõ:
“...Không gian chật hẹp ở vườn nhà cụ Phan không chứa đựng nổi quy mô của một bức tượng đồng quá lớn. Giá như tượng Phan Bội Châu được đặt tại một công viên hoặc một trục đường tương xứng thì Huế sẽ có thêm một công trình văn hoá đặc sắc...” (Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa – Tạp chí “Sông Hương” số 34, tháng 10/1988).
“...Dự kiến tượng sẽ được đặt trên khoảng không gian rộng đầu cầu Phú Xuân. Đáng tiếc là ý tưởng tốt đẹp ấy không thành hiện thực... Hình như có chủ trương chưa thành văn bản là vì Huế chưa có tượng đài Bác Hồ nên chưa thể đặt tượng người khác...!” (“Pho tượng chưa được đặt đúng chỗ”, bài của ông Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam viết nhân ngày giỗ lần thứ 60 của cụ Phan. Báo “Lao Động”, tháng 10/2000).

Sau bài viết khá là “động chạm” của một tên tuổi như ông Dương Trung Quốc, tưởng là vấn đề sẽ được “dịch chuyển”, ít ra là cũng được đưa lên bàn một cuộc hội nghị nào đó. Không ngờ, sự việc vẫn rơi vào “im lặng đáng... ngạc nhiên!” Vậy nên đến tháng 4/2001, trong một bài viết trên Tạp chí “Sông Hương”, tôi đành nhắc lại vài dòng bài của ông Dương Trung Quốc và đã “cực kỳ nghiêm chỉnh” viết như sau:
“...Cần phải nói thẳng: còn có những ý kiến ấu trĩ như vậy thì văn hoá không thể phát triển. Xin được nhắc rằng, cụ Phan là bạn đồng niên với cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Huy, thân phụ nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc; và từ 3/4 thế kỷ trước, Nguyễn Ái Quốc đã viết những dòng biểu lộ lòng kính mộ của mình đối với một chí sĩ thuộc thế hệ cha anh: “Phan Bội Châu, bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập, được 20 triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng...”. Xét về khía cạnh chính trị thì việc đưa tượng cụ Phan ra một vị trí rộng rãi thoáng đãng hơn là cách thực hiện các Nghị quyết của Đảng về văn hoá văn nghệ. Xin đừng cho là tôi “nói lấy được”. Đưa bức tượng ra chỗ đông người qua lại, nhiều người biết đến, chính là việc phổ biến rộng rãi các tác phẩm nghệ thuật có giá trị, bảo đảm quyền hưởng thụ văn hoá của công chúng đông đảo, đồng thời góp phần vào việc giáo dục truyền thống cách mạng…”.

Cho đến nay, sự việc vẫn rơi vào “im lặng...”. Sự “im lặng” đáng ngạc nhiên vì hầu như ai cũng công nhận "pho tượng chưa đặt đúng chỗ". Tôi đã có dịp gặp một số nhân vật ít nhiều có vai trò quan trọng đối với việc xây dựng các công trình văn hoá ở Huế, tất cả đều thấy phải tìm một vị trí tương xứng để dựng tượng cụ Phan. Nhìn những khung cửa, lan can nhà sát sau lưng chỗ đặt tượng sẽ thấy rõ sự phi lý đã tồn tại quá lâu!
Sự “im lặng” càng đáng ngạc nhiên khi thành phố Huế trong những năm qua luôn rộn ràng như một công trường lớn với nhiều công viên, nhiều công trình được mở rộng, nâng cấp hoặc xây dựng mới; trong đó, có công viên 3-2 trước Trường Đại học Sư phạm Huế bên bờ sông Hương, nơi mà gần ba chục năm trước, những người góp phần làm nên tượng cụ Phan đã chọn là vị trí dựng tượng. Rồi các Trại Điêu khắc quốc tế, một vườn tượng cạnh Ngự Bình, tượng Nguyễn Huệ - Quang Trung, tượng đài và công viên “Chiến thắng” (tại An Hòa)... đã được đưa vào quy hoạch... Có nghĩa là Thừa Thiên Huế không thiếu chỗ và cũng không thiếu tiền để đặt tượng cụ Phan tại một vị trí tương xứng.

Nhân dịp kỷ niệm 140 năm sinh “nhà ái quốc vĩ đại”, thiết nghĩ không nên trì hoãn nữa một cử chỉ văn hoá, một việc làm tốt đẹp có nhiều ý nghĩa được mọi người trông đợi đã hơn ba thập kỷ, nhất là khi Huế đang ngày càng chứng tỏ là vùng đất “hội tụ văn hoá”. Nếu quả thật Huế và tỉnh Thừa Thiên Huế không có thẩm quyền hoặc không đủ điều kiện giải quyết thì có lẽ Bộ Văn hoá - Thể thao & Du lịch cần vào cuộc để bức tượng cụ Phan sớm có “chỗ đứng” xứng đáng với vị trí của Cụ trong lịch sử dân tộc.   
                                                                   N.K.P

(nguồn: TCSH số 226 - 12 - 2007)

 



------------------------
(Một số tư liệu trong bài lấy từ sách “Ông già Bến Ngự” - NXB Thuận Hoá, 1987)

Các bài mới
Các bài đã đăng
Mái chuồng gà (17/09/2008)