Tạp chí Sông Hương - Số 226 (tháng 12)
Một số thủ pháp nghệ thuật đặc sắc trong tiểu thuyết "Một mùa đông ở Stockholm"
11:07 | 22/09/2008
TRẦN HUYỀN SÂM Một mùa đông ở Stockholm của Agneta Pleijel là một hiện tượng nghệ thuật độc đáo, tiêu biểu cho tính chất “đả phá thể loại” của tiểu thuyết hiện nay. Tác phẩm dung nạp nhiều đặc tính của tiểu thuyết Châu Âu hậu hiện đại: Phép giản lược tối thiểu, lối kể chuyện tung hứng, thủ pháp lạ hoá hình thức văn bản tác phẩm, đặc biệt là kiểu tự thuật “đánh tráo” chủ thể trần thuật.
Một số thủ pháp nghệ thuật  đặc sắc trong tiểu thuyết

Qua Một mùa đông ở Stockholm , có thể khẳng định rằng: Agneta là một cây bút tinh tế, sắc sảo, giàu trải nghiệm. Tác phẩm đã bộc lộ một chiều sâu suy tư về thân phận con người, về nỗ lực kiếm tìm chân lý tình yêu và giá trị của cuộc sống, mà trên hết, đó là người phụ nữ. Thông qua số phận một gia đình trí thức, bà đã giúp chúng ta có một sự hiểu biết nhất định về đời sống - văn hóa, về cá nhân - xã hội của đất nước Thụy Điển.
* Agneta Pleijel một nhà tiểu thuyết giàu trải nghiệm
Trước lúc viết tiểu thuyết, Agneta từng là: một nhà nữ quyền, nhà viết kịch, nhà phê bình và một dịch giả nổi tiếng. Bà đã từng dịch kinh Ấn Độ sang tiếng Thụy Điển. Về sáng tác, Agneta đã thể nghiệm nhiều thể loại, nhưng có lẽ, tiểu thuyết là lãnh địa phù hợp nhất với phong cách của bà. Agneta đã từng đoạt giải thưởng tiểu thuyết Thụy Điển vào năm 1998 với tác phẩm “Les Guetteurs de vent” (Những người canh gió), đã được dịch ra mười tám thứ tiếng trên thế giới.

Một mùa đông ở Stockholm (The winter in Stockholm)
là cuốn tiểu thuyết thứ ba, xuất bản ở Thụy Điển vào năm 1997, ở Pháp 2000, và đã được bạn đọc cũng như giới phê bình đánh giá rất cao. Có thể nói, đây là một tác phẩm đánh dấu sự nghiệp sáng tác và phong cách thể loại của nữ văn sĩ Agneta. Bằng một lối viết  trí tuệ và điêu luyện, Một mùa đông ở Stockholm đã chứng tỏ khả năng am tường của tác giả về loại tiểu thuyết.
Câu chuyện Một mùa đông ở Stockholm được dồn nén vào bi kịch tâm trạng (drame de l’état d’âme) của một nhân vật không tên - một thành phần đặc biệt trong xã hội: nữ giáo sư ở trường Đại học Stockholm . Tuy nhiên, ngòi bút của Agneta lại hướng vào chiều sâu nội tâm, đầy thầm kín của cá nhân, hơn là những vấn đề ở phương diện xã hội. Nhân vật chính luôn tồn tại khép kín trong tâm trạng cá thể, các mối quan hệ giữa nó với các nhân vật khác cũng chỉ nhằm làm sáng tỏ và tô đậm thêm những khát vọng thầm kín, riêng tư.

Hình tượng người đàn bà không tên trong tác phẩm, ám ảnh người đọc ngay từ dòng đầu tiên. Nhân vật hiện diện với tư cách là một kiểu trí thức “tự do và dấn thân” của thời kỳ hậu hiện đại. Đó là một người đàn bà tiềm ẩn những tính cách đối nghịch: yếu đuối và mạnh mẽ, ngây thơ và trải nghiệm, nhẫn nhục mà vẫn giữ được niềm kiêu hãnh; dễ đổ vỡ - tuyệt vọng, nhưng vẫn chủ động vượt qua những tình huống bi kịch, kể cả những lúc đau đớn nhất, tuyệt vọng nhất trong cuộc đời. Một người đàn bà luôn khao khát tình yêu và sự hòa hợp, nhưng lại bị đàn ông dối lừa và chối bỏ. Một người đàn bà phải gánh chịu hai lần của nỗi đau: Nỗi đau về cuộc hôn nhân tan vỡ của cha mẹ, và nỗi đau của chính mình do những người đàn ông gây nên.
Một mùa đông ở Stockholm hướng đến đề tài người trí thức - nghệ sĩ, nằm trong chủ đề mà gần đây, các nhà văn đoạt giải Nobel rất quan tâm. Tiêu biểu như John Maxwell Coetzee, nhà văn Nam Phi, đoạt giải Nobel 2003 với tiểu thuyết Ruồng bỏ – Disgrace (viết về bi kịch của giáo sư David ở trường Đại học Cape town), nữ văn sĩ người Áo Elfried Jelinek, đoạt giải Nobel 2004, với tiểu thuyết “Cô giáo dương cầm (The Piano Teacher). 

Một mùa đông ở Stockholm
không lôi cuốn người đọc bởi cốt truyện hấp dẫn hay những tình tiết gay cấn, mà chính là ở phương thức trần thuật, ở cách lý giải bi kịch tình yêu. Theo thiên hướng của câu chuyện, tác phẩm rất dễ rơi vào mô tả những cuộc làm tình triền miên, hay luận giải về những ám ảnh của ham muốn tính dục như một số  tiểu thuyết Châu Âu hiện nay (ngoại tình, ly hôn, sự cám dỗ tính dục và sự bất lực tính dục... đó là những chủ đề phổ biến của tiểu thuyết hậu hiện đại). Nhà văn Agneta đã tránh được điều đó, bằng cách, hướng nhân vật vào những “vũng xoáy” của ký ức - tâm trạng, và thông qua đó để thể hiện bi kịch tình yêu của người phụ nữ trong xã hội hậu hiện đại.
* Một mùa đông ở Stockholm và kiểu tự thuật “đánh tráo” chủ thể trần thuật.
Tôi gọi tính chất, vì xét về nguyên tắc thể loại, đây không phải là một cuốn tiểu thuyết tự truyện (roman de l’autobiographie). Tự truyện phải được kể ở ngôi thứ nhất, câu chuyện được kể phải là của chính nhân vật xưng tôi đã “nếm trải”. Và sự “nếm trải” của cái tôi tự thuật đó, phải trở thành trung tâm của việc tổ chức trần thuật. Như vậy, cái tôi tự thuật trong thể loại tự truyện hàm chứa nhiều vai: người tự thuật đồng thời là người trần thuật, người kể chuyện (narrateur), và đó cũng chính là tác giả (auteur) kể lại câu chuyện của chính mình. 

Tiểu thuyết hiện nay, xuất hiện một số hiện tượng “đánh tráo” chủ thể trần thuật, nghĩa là vẫn giữ được đặc tính tự thuật, nhưng không sử dụng ngôi thứ nhất xưng tôi, mà dồn vai trần thuật này cho ngôi kể thứ ba. Tác giả vẫn giữ được khoảng cách giữa nhân vật và người kể chuyện, nhưng vẫn có thể bộc lộ một cách tận cùng những gì mà cá nhân mình “nếm trải”, những gì thuộc về thầm kín, riêng tư. Thủ pháp - “đánh tráo” này sẽ giúp tác giả ẩn giấu được cái tôi tự thuật. Cái tôi đó không cần phô bày trực diện, không cần “lột mặt nạ” như trong thể loại tiểu thuyết tự thuật, hay thể loại ký. Kiểu trần thuật này tạo ra một đặc tính lưỡng phân rất thú vị, mà lý thuyết trần thuật học rất khó nắm bắt để phân định chức năng trần thuật cũng như quan điểm trần thuật của tác giả. Có thể tìm thấy đặc điểm này trong tiểu thuyết Ruồng bỏ - một tác phẩm nổi tiếng của Coetzee, viết về bi kịch người trí thức trong xã hội hậu hiện đại Nam Phi.

Một mùa đông ở Stockholm
mang những đặc tính nói trên. Câu chuyện được kể ở ngôi ba, nhưng toàn bộ trung tâm trần thuật lại được tổ chức thông qua một nhân vật duy nhất: người đàn bà không tên trong tác phẩm. Tất cả những sự kiện, tình tiết nhân vật trong câu chuyện đều được kể qua ký ức tâm trạng của người đàn bà không tên này. Giọng điệu trần thuật mang tính chất hồi nhớ, tự thuật, rất rõ.
Trên một tờ báo điện tử tiếng Pháp, nhà văn Agneta nói rằng: “J’écris pour comprendre et ou peut – être pour me consoler” (Tôi viết là để hiểu và có thể để chia sẻ”. Tác giả đã thể hiện quan điểm đó một cách trọn vẹn qua hình tượng nhân vật trung tâm. Toàn bộ tác phẩm là một dòng ký ức tâm trạng dai dẳng (vivace), dằn vặt triền miên của nhân vật nữ không tên, mà lẽ ra phải xưng tôi. Nhiều đoạn tự thuật từ bên trong, và đôi lúc nó bật ra như một phản xạ, không thể kìm nén của một người đã nếm trải sự kiện, nhất là những trang viết về giới tính phụ nữ, về nỗi đau của đàn bà: - “Làm một người đàn bà: Vẻ nữ tính mới bắt đầu phát triển... cặp vú bắt đầu thây lẩy, máu rỉ ra trong quần lót, tất cả những thứ mà chị chịu bó tay, không cách gì đối phó... (tr.63); Ham muốn có con: chị thấy ham muốn đó thôi thúc mãnh liệt ghê gớm, một mãnh lực nguyên thuỷ. Không gì làm cho chị hiểu thấm thía đến vậy, rằng, mình là đàn bà (tr.34); Phá thai: bằng muối ăn, đó là một sự thử thách kéo dài hơn hai mươi bốn tiếng đồng hồ... Trong cơn tuyệt vọng, cõi lòng tan nát và kiệt sức, chị đã viết thư cho cha” (tr.59).

Cảm giác “nếm trải” giới tính này chỉ có thể trần thuật từ bên trong, từ chính sự trải nghiệm nỗi đau của nhân vật, mà tác giả đã chuyển hoá trực tiếp vào người trần thuật, không cần phải mượn lời hoặc sắm vai nhân vật.
Xét về đặc điểm trần thuật, nhân vật - “chị”- ngôi 3, thực ra là nhân vật “tôi”- ngôi 1. Và nếu chúng ta thay đổi ngôi trần thuật từ (3) sang (1), thì điểm nhìn trần thuật và giọng điệu trần thuật vẫn không có gì thay đổi. Bởi vì, tất cả thế giới nghệ thuật trong “Một mùa đông ở Stockholm” đều đặt dưới cái nhìn, sự đánh giá, phán xét trực tiếp của nhân vật người đàn bà không tên, tức nhân vật chị, chứ không hề bị chi phối, dù là một khe hở nào của người kể chuyện toàn tri. Chúng ta chọn ngẫu nhiên, bất kỳ một đoạn văn nào trong tác phẩm, và hãy hoán đổi ngôi trần thuật từ (3) sang (1), chúng ta nhận thấy: điểm nhìn và giọng điệu trần thuật vẫn giữ nguyên, không hề bị biến chuyển về sắc thái trần thuật và nội dung được trần thuật.

Sau đây là đoạn văn tôi đã hoán đổi ngôi trần thuật. Đoạn hồi ức về cảnh làm tình trong căn phòng mùa đông ở Stockholm , người đàn không tên, gặp lại người tình sau 11 năm: “... Tôi tìm cách vùng ra... Anh giữ tôi lại trong cánh tay của mình. Thế rồi, vòng tay anh nới lỏng. Tôi dõi theo ánh mắt của anh. Nó trần trụi. Đôi môi dịu dàng khi anh ôm hôn tôi.  Anh bế tôi ra giường. Anh thì thầm với tôi về những hành trình mà chúng tôi sẽ đi cùng nhau... Anh buông tôi ra, nằm úp bụng, anh khóc. Có lẽ anh không khóc đâu. Đó chỉ là một tiếng nức nở không có nước mắt. Một tiếng nấc. Sau đấy, chúng tôi sẽ không còn gì để nói với nhau. Bên ngoài trời tối đen. Tôi nghe thấy tiếng anh gọi taxi từ bên phòng bên. Tôi không đứng lên. Anh không quay trở lại phòng. Sau một lúc lâu, tôi nghe thấy tiếng căn hộ khép lại. Vĩnh biệt (tr.218).

Kiểu trần thuật như trên, thống ngự toàn văn bản. Chủ thể trần thuật luôn cất lên giọng điệu tự thuật, hướng nội, với lời thì thầm, luyến láy như một điệp khúc ám ảnh về người tình, về nỗi đau của một người đàn bà. Nhân vật người đàn bà không tên, mà tôi đã thử hoán đổi ở trên, chính là người tự thuật, và nó hiện diện đầy đủ đặc tính của kiểu nhân vật trung tâm trong thể loại tự truyện. Đặc tính này, giúp tác giả chuyển tải một cách tối ưu nỗi đau từng nếm trải, những ước muốn thầm kín, riêng tư của chính mình.
Tôi có cảm giác cuốn tiểu thuyết mang hơi hướng tự truyện, rất gần với “L’amant” (Người tình) của Maguerite Duras. Nếu có một sự so sánh giữa hai tác phẩm này, chắc chắn người đọc sẽ tìm được những điểm tương đồng thú vị?

Tại cuộc gặp gỡ giữa đoàn nhà văn Thụy Điển với Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế (29-10-2007), chúng tôi đã đặt ra câu hỏi trên cho nhà văn Angeta. Tôi rất sợ bà né tránh trước câu hỏi này, vì tự truyện là một vấn đề secret, rất tế nhị. Nhưng thật bất ngờ, bà đã trả lời một cách rất thành thực và nhiệt tình:
“Câu chuyện về người đàn bà trong tác phẩm, trước hết là câu chuyên về tôi, nhưng trên hết là không chỉ của riêng tôi. Tôi muốn xác định một tâm thế của chính mình, của một người phụ nữ trong xã hội. Chúng ta là ai? Chúng ta hiện diện với tư cách gì? Chúng ta khác đàn ông như thế nào? Tôi cũng đã nói nhiều về người mẹ, tôi rất tiếc là bài tham luận của bạn đã bỏ quên hình ảnh này. Bà ta cũng khá sinh động đấy chứ, bạn không thấy vậy sao? Người mẹ đó chính là mẹ của tôi, tôi đã từng oán hận bà, vì bà đã bỏ rơi cha tôi khi ông đang trong tình trạng bệnh tật. Nhưng bà có lý, vì trước đó, ông đã đi theo một người đàn bà khác”.

Những phân tích trên của tôi không nhằm hướng đến tường minh chuyện đời tư, thầm kín của tác giả. Đây không phải là mục đích của bài viết này. Vấn đề mà tôi muốn luận giải là: kiểu tự thuật “đánh tráo” chủ thể trần thuật là một hiện tượng mới mẻ của tiểu thuyết Châu Âu hiện nay. Một mùa đông ở Stokholm của Agneta là tác phẩm tiêu biểu cho khuynh hướng chuyển biến này của tiểu thuyết hậu hiện đại.
Nếu không nhận ra thủ pháp ngầm ẩn này, chúng ta không thể khai mở những thông điệp đích thực của tác phẩm. Và vì vậy, khi vận dụng lý thuyết tự sự về người trần thuật, điểm nhìn trần thuật của G.Genette và cấu trúc truyện kể của T.Todorov vào việc nghiên cứu những hiện tượng này, chúng ta sẽ nhận ra rằng, lý thuyết đã ổn định của hai nhà tự sự học nổi tiếng này, đã không còn hàm chứa được đặc tính trần thuật của một số tiểu thuyết hiện nay.  

* Một mùa đông ở Stockholm
được thể hiện dưới một phong cách trữ tình - triết luận (lyrique - philosophique). Tính chất vừa lãng mạn, huyền ảo, vừa triết lý – trí tuệ này, đã tạo cho tác phẩm một sức lôi cuốn đặc biệt. 
 Đây là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách tiểu thuyết hậu hiện đại. Agneta đã ảnh hưởng phong cách nghệ thuật của những nhà tiểu thuyết nổi tiếng như M.Duras với thủ pháp gián ghép điện ảnh, M.Kundera với phép giản lược tối thiểu, J.M.Coetzee với thủ pháp tượng trưng - ám dụ; E.Jelinẹ qua thủ pháp lạ hoá hình thức văn bản tác phẩm. Nhưng trên hết, bút pháp trữ tình - triết luận, gắn với những suy tư về sự tồn tại của bản thể con người, chính là phong cách nghệ thuật đặc sắc của Agneta trong Một mùa đông ở Stockholm. Đó là những vấn đề lý thú, chúng tôi sẽ bàn kỹ hơn trong một công trình nghiên cứu khác.
Một mùa đông ở Stockhlm là một cuốn tiểu thuyết độc đáo, tiềm ẩn nhiều ý tưởng sâu xa về những đối cực của giá trị con người (Hoan lạc và thống khổ, chân thực và giả dối, hy vọng và tuyệt vọng, tồn tại và hư vô). Con người - với tất cả ý nghĩa của nó, sẽ được tìm thấy trong tác phẩm này.
    Lối viết trí tuệ của Agneta, ngay từ trang đầu, đã qui chiếu đối tượng tiếp nhận, nghĩa là, nó loại ra cách đọc dễ dãi. Bằng những thủ pháp ngầm ẩn, Agneta đã tạo sự thách đố trong việc nắm bắt chiều sâu tư tưởng - nghệ thuật của tác phẩm. Một mùa đông ở Stockholm vừa mới ra mắt bạn đọc ở Việt , và tôi tin chắc rằng, cuốn tiểu thuyết hấp dẫn, thú vị này, sẽ nằm trong “tầm ngắm” của giới phê bình.  
                                                                 T.H.S

(nguồn: TCSH số 226 - 12 - 2007)

 


 
----------
*Aneta Pleijel,
Một mùa đông ở Stockholm , Nxb Văn học, 2007. Bản dịch của Hoàng Cương, chuyển dịch từ bản tiếng Pháp Un hiver à Stockholm, Nxb Denoel, Paris, 2000. Các trích dẫn nằm trong bản dịch này.

Các bài mới
Các bài đã đăng
Mái chuồng gà (17/09/2008)