Tạp chí Sông Hương - Số 226 (tháng 12)
Kiran Desai - một ngôi sao quốc tế của văn học thế kỷ 21!
11:19 | 22/09/2008
FRANCOIS BUSNELKiran Desai là nữ văn sĩ người Ấn Độ. Cô sinh năm 1971 tại Dehli. Là con gái của nữ tiểu thuyết gia Anita Desai. Kiran Desai lớn lên và học tiểu học ở Dehli đến năm 14 tuổi. Sau đó, cô cùng mẹ sang Anh Quốc, rồi Hoa Kỳ, học trung học ở tiểu bang Massachussettes. Cô theo học lớp viết văn ở Virginie và sau đó học Đại học Columbia ở NewYork.
Kiran Desai - một ngôi sao quốc tế của văn học thế kỷ 21!

Các tác phẩm chính của Kiran Desai là Hullabaloo in the Guava Orchard (1999), đoạt giải Betty Trask Award; The Inherance of Loss (2006), đạt giải The Man Booker Prije, giải The National Book Award; giải The Hutch Crosswords. Với kết quả như trên, Kiran Desai thật sự trở thành nhà văn lớn người Ấn Độ đầu thế kỷ XXI.
                                                                                     Hồ Thế Hà giới thiệu

Con đường mang tên “Thứ 2” (Second street) ở Brooklyn thật đáng được đổi tên thành “đường của các văn hào”. Trên con đường sang trọng này, san sát nhau, toàn là những ngôi nhà xây theo kiến trúc thời Hoàng gia Anh Victoria . Đường này nằm gần công viên lừng danh Prospect Park , một công viên mà xưa kia một cậu bé của khu phố đã hát những bài hát ca tụng. Cậu bé đó chính là nhà văn Henry Miller.

Nhiều văn hào lớn của New York ở trên đường này: Paul Auster và Siri Hustvedt, Jonathan Safran Foer và Nicole Krauss. Và mới 2 năm nay, Kiran Desai, một nàng tiên của văn học, người Ấn Độ, dọn đến ở.
Mấy tháng trước đây, Kiran Desai còn vô danh. Cô là con gái của nữ tiểu thuyết gia nổi tiếng tên là Anita Desai.
Những tiểu thuyết gia mà Kiran Desai ưa chuộng, nhất là Gabriel Garcia Marquez và Italo Calvino, đã khuyến khích cô phát hành quyển truyện đầu tiên Le Gourou sur la branche (Thầy đời ngồi trên cành cây), một truyện huyền thoại nực cười được viết trong khi cô theo lớp viết văn ở Đại học Columbia.  Quyển sách này đã được phát hành trong 22 nước.
Và sau đó? Sau đó là tiểu thuyết dày hơn 600 trang (bản gốc là 1 tác phẩm bộ ba). Cốt truyện rất hấp dẫn, chứa đầy ý tưởng và cảm giác. Tác phẩm này đã hoàn thành sau 7 năm công sức, và năm ngoái, đã đoạt Giải thưởng The Booker Price ở Anh Quốc và Giải The National Book Critics ở Hoa Kỳ. Sau đó là giải Hutch Crossword ở Ấn Độ. Đó là tiểu thuyết La Perte en héritage.

Tác phẩm La Perte en héritage (Truất quyền thừa hưởng) này sẽ phát hành ở Pháp, đã có 37 nước mua bản quyền tác giả. Tiểu thuyết này là một hiện tượng lớn cho đời sống văn chương của kỳ nhập học năm nay ở Pháp!
Tuy nhiên, Kiran Desai không hề nghĩ rằng mình trở thành minh tinh. Tựa như một sinh viên, cô tiếp khách một cách đơn giản, trong căn hộ ở Brooklyn . Mặc chiếc áo đầm bình thường, tóc xoã dài, cử chỉ rất nữ tính, người phụ nữ trẻ trung 35 tuổi này, thú nhận là “tôi bị bất ngờ bởi những điều xảy ra cho tôi”.
Ngày hôm nay, cô đã nổi tiếng hơn cả mẹ mình. Cô, là nhà tiểu thuyết có một sự nghiệp lừng lẫy. Nhưng, cô cứ khẳng định nói rằng sự thành công này, tất cả nhờ mẹ mình: “Sự đồng cảm của mẹ con tôi rất sâu đậm. Chính nhờ mẹ tôi mà lúc còn thiếu nữ, tôi đã có nghị lực để trở thành nhà văn. Mẹ là độc giả đầu tiên của tôi. Và là người duy nhất mà tôi bàn về những công việc viết lách của tôi. Nhưng nhà văn thực thụ, chính là mẹ tôi’.
Giữa cô và Mẹ, chẳng có gì tương đồng cả. La Perte en héritage nhắc gợi đến thế giới của Salman Rushdie, chứ chẳng có gì liên quan đến địa hạt của Anita Desai - mẹ cô.
“Vâng, tôi rất hâm mộ Rushdie”, Kiran Desai, vừa nói vừa thổi tách trà nóng. Đối với người Ấn Độ cùng thế hệ tôi, họ quan niệm nhà văn là người giải phóng ngôn ngữ, nhưng cũng là người giải phóng những giấc mơ. Trong thời gian tôi viết truyện này, Rushdie đã khích lệ tôi rất nhiều, và cho tôi nhiều lời khuyên quý báu”.
Thật ra, ông Rushdie đã làm hơn thế nữa, ông ta thốt trong tiếng cười:
“Kiran Desai quả thật là một nhà văn kỳ diệu!”.

Kiran Desai đã dám nói: Lúc mà các báo chí trên toàn cầu nói về nước Ấn Độ như là thiên đàng, một xứ đang phát triển mạnh, thì cô ta, gốc người Gujarat, sinh ra và học ở Delhi, đã sống ở London, ở Mexico, sau đó ở New York, lại nêu ra một cái nhìn khác về “nước Ấn Độ huyền diệu” này. Xứ Ấn Độ của cô ta là “một con tàu trôi lạc đường”. Báo chí chỉ muốn nhìn thấy bộ mặt hớn hở của Ấn Độ ngày nay”. Cô ta biện hộ như vậy. “Thật là ảo tưởng nếu tin rằng đó là sự thật đơn thuần. Mặt khác, Ấn Độ cũng là một nước bị giằng co giữa tính hiện đại và tính truyền thống, và trong khung cảnh đó, chính là sức mạnh của dục vọng và sức mạnh của tội lỗi va chạm nhau”. Chính cái bộ mặt này của Ấn Độ nằm trong lòng tiểu thuyết cực tinh vi và tế nhị này.
La Perte en héritage (Truất quyền thừa hưởng) châm biếm hiệu quả xã hội Ấn Độ, nhất là những thành phần cuồng tín và ngay cả những thành phần thích học tiếng Anh. Kiran Desai chính xác những chi tiết như “Họ có trình độ đại học, khát vọng yêu đương, thích có những mối tình theo kiểu Âu Tây, và, họ hân hoan sẽ có một đám cưới linh đình theo truyền thống Ấn Độ; cô dâu, chú rể sẽ mang đầy nữ trang: trang sức màu xanh (ngọc lục bảo), trang sức màu đỏ (ngọc rubi), trang sức màu trắng (kim cương)”. Họ rất kiêu hãnh, trong “sự thoả mãn” khiến cho nữ tiểu thuyết gia trẻ tuổi của ta rất ngạc nhiên và phẫn nộ.

Kiran Desai quyết đấu tranh chống lại “những sự thể hiện sai lầm mà người dân Ấn mắc phải nơi xứ sở của họ”. Đấu tranh cũng là vai trò của nhà văn: “quan tâm đến xã hội, nhất là trong thời kỳ biến động”; nhưng cô vội nói thêm “những nhà văn không được lấy cớ này để tính toán chuyện riêng tư của mình”.
Cô đã thể hiện sự đấu tranh này rất hay: Đọc quyển tiểu thuyết đầy nhập nhằng này, chúng ta thấy hiện lên một cách khéo léo những cây kim đâm vào lưng các bậc văn hào vĩ đại Ấn Độ, mà trước hết là ông V.S.Naipul, giải Nobel. Một trong những dòng đối thoại trong tiểu thuyết, nói về Naipul, có nhân vật thì nói:
- “Ồ! Ông ta là một văn sỹ giỏi”. Người thì đáp:
- “Ông ấy là một tác giả khép kín trong quá khứ, hủ lậu”.
- “Không thể ra khỏi đầu óc thuộc địa”.
Khi họ hỏi Kiran Desai, tại sao lại dám cả gan xâm phạm như vậy, thì cô ta gạt và chỉ trả lời: “Ồ! Đó chỉ là những đối thoại trong tiểu thuyết mà thôi”.
Chính ra La Perte en héritage không hẳn nói về quá trình thuộc địa, mà nói về vấn đề “toàn cầu hoá” và những hậu quả của nó.
Tiểu thuyết này diễn tả, lẫn lộn, hai câu chuyện, câu chuyện về cô Sai, và câu chuyện về anh Biju:
- Cô Sai là một cô gái mồ côi, lớn lên trong cô nhi viện, rồi cuối cùng về ở với ông của mình. Ông của cô là một Thẩm Phán dễ ghét. Nhà ông ta nằm sát tảng đá của núi Himalaya , trong một khung cảnh thơ mộng.
- Cô Sai yêu thầy dạy học của mình, một chàng sinh viên ít nói. Anh này đã dần dần trở thành cuồng nhiệt, một tín đồ của “trào lưu chính thống”, vì thế mà cô Sai, ngoài thân phận bình thường của phụ nữ Ấn, phải chịu đựng một mối tình “đau khổ, chờ mong, khuất phục”. Cô không hề biết “cảm xúc” là gì.
- Anh Biju là một chàng thanh niên sống ở New York , rất xa nơi ở của cô Sai. Anh ta đã trốn Ấn Độ để sang Mỹ, một xứ mà “người bần cùng cũng được ăn uống như những ông hoàng”. Để sinh tồn, anh làm bếp trong những nhà hàng ở Mahattan.

Đây là cái cớ mà nữ văn sỹ Kiran Desai dùng vài trang để biện lý hùng hồn về cái thế giới của những người sống loi nhoi dưới mặt đất, dưới bộ mặt thành phố bóng lậy, biểu tượng cho niềm hy vọng trở thành giàu có.
“Sau mặt tiền của các nhà hàng ăn uống, bếp núc thường đặt trong tầng hầm, dưới mặt đất. Ở nơi này, vô số dân cư, trong lòng chứa chan mơ tưởng, họ làm đủ mọi cách để được phép nhập cư ở nước Mỹ. Họ sống ẩn dật, họ chui nhủi, ngoài lề. “Ở Brooklyn , trong số này, có rất đông người Ấn. Và quyển sách tôi đã ám chỉ những người này”. Kiran Desai nói thế.
Qua hình ảnh Biju, Kiran Desai tả lại định mệnh của hàng triệu người Ấn, hàng năm, họ rời bỏ gia đình và xứ sở, chịu mọi tủi nhục và thù hằn, nhiều khi chịu nguy hiểm đến tính mạng để xin được “thẻ xanh”, thẻ này cho phép họ cư ngụ và làm việc hợp thức ở Hoa Kỳ.
Biju lang thang từ nhà hàng này sang nhà hàng kia, xin lao động đủ mọi việc, “sống trốn tránh như một tội nhân”. Anh ở trong một căn phòng chật hẹp ở khu Harlem . Trong khu này, người vô gia cư sống chung đụng cạnh những người điên khùng.
Và Kiran Desai đặt ra nhiều câu hỏi dễ “làm mất lòng”:
- Ở Hoa Kỳ, người ta có được hưởng những thứ mà xứ này có dành cho họ không? Họ cứ nằng nặc đòi ở lại đây cho dù họ phải chịu một hình ảnh sai lầm về họ?

Chuyện của Biju là một câu chuyện thất tình diễm ảo giữa Ấn Độ và phương Tây. Nhưng song song với những ảo tưởng và thất vọng của “Thế giới mới”, là sự bất ổn của nước Ấn Độ đang bị cấu xé bởi những phong trào cuồng nhiệt có tính cách “chủ nghĩa quốc gia” và sự kềm kẹp của những hủ tục truyền thống.
Kiran Desai không nhận là cô đã viết một tác phẩm luận đề, “tôi không muốn chỉ ra “Sự thật”. Sự thật của Ấn Độ ngày nay, hay sự thật của Hoa Kỳ ngày nay là gì? Tôi sống ở hai nước này đã nhiều năm nay, tôi không biết trả lời câu hỏi đó. Tôi chỉ kể những mẩu chuyện của những nước tôi biết và tôi yêu quý.
Nhưng tôi cũng thấy những mặt trái của những xứ này. Phận sự của nhà văn là tố cáo những điều trái: “Tại sao lại phải thán phục một cuộc sống hoàn toàn là ảo ảnh, vô nghĩa?”.

Kiran Desai hùng hồn, luyến thoắng khẳng định: nhân vật ắt phải quan trọng hơn khung cảnh họ thao diễn, cô nói không hề sợ sự thành công của cô làm cô mù quáng. Cô kể rằng không hiểu tại sao, nhân dịp cô đi Ấn Độ để giới thiệu sách vào mùa đông năm ngoái, “một cuộc biểu tình cực kỳ hung bạo, đã cản trở cô đến Kalimpong, một thành phố “khủng khiếp kỳ lạ” mà trong cảnh cuối của cuốn sách có đề cập tới.
Kiran Desai không có ý định trở về định cư ở mẫu quốc.
Mỉm cười, cô nói thêm: “Ấn Độ là ở đây, là ở New York, và cũng là ở London, ở Toronto và Dehli nữa”. Đối với cô, ở đâu cũng là xứ sở của mình, miễn sao cô có cây bút để, đêm đêm viết truyện.
Kiran Desai quả thật đã trở thành một trong những nhà văn lớn người Ấn Độ đầu thế kỷ này.
                                                             ĐỖ TRỊNH QUANG dịch

(nguồn: TCSH số 226 - 12 - 2007)

 

 

 

Các bài đã đăng