Tạp chí Sông Hương - Số 225 (tháng 11)
Tôi được biết có một nước Mỹ khác
10:45 | 26/09/2008
NGUYỄN ĐẮC XUÂNHoạt động yêu nước ở miền Nam từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước, tôi không lạ gì nước Mỹ. Thuở ấy, Phan Ch. anh bạn vong niên của tôi làm phiên dịch ở cơ quan MACV ở Huế từng bảo tôi “Người Mỹ giống như một cậu bé con nhà giàu nhưng thiếu lễ độ”.
Tôi được biết có một nước Mỹ khác
Tác giả và bà Grace Paley

Tôi thấy mình dấn thân vào cuộc tranh đấu ở đô thị và kháng chiến ở rừng núi chống Mỹ là rất chính đáng. Sau ngày thống nhất đất nước, Việt Nam không còn bóng dáng người Mỹ nữa, tôi yên tâm mình được sống xa người Mỹ. Nhưng cuộc đời không diễn ra theo ý chí của mình. Trong nghiên cứu Phong trào phản chiến ở các đô thị Việt Nam, tôi được  xem nhiều cuốn phim, đọc được nhiều tài liệu, báo chí viết về Phong trào phản chiến ở Mỹ, tôi biết đến Mục sư Martin Luther King, ca sĩ John Baez, nhà ngữ học Noam Chomsky, đến sinh viên các Đại học Berkley, sinh viên…tôi biết mình đã có những đồng chí đồng sựở bên Bắc Mỹ. Với những hiểu biết ấy, từ năm 1992, tôi có dịp tiếp xúc với một số thành viên trong Trung tâm William Joiner (WJC) - một tổ chức thuộc Đại học Massachusetts ở Boston chuyên nghiên cứu về chiến tranh, hậu quả chiến tranh nói chung và chiến tranh Việt Nam nói riêng. Về sau trung tâm nầy đã xin học bổng cho nhiều nhà văn Việt Nam (trong đó có nhiều người là bạn tôi) sang Mỹ thực hiện nhiều đề tài về chiến tranh cùng hậu quả chiến tranh Việt Nam và tìm hiểu tại chỗ về người dân Mỹ. Mãi đến năm 2007 nầy, sau 15 năm tôi biết có WJC, tôi được cấp học bổng Rockefeller sang Hoa Kỳ trình bày đề tài Văn thơ âm nhạc vận động hoà bình những năm 1964 -1966 tại miền Nam Việt Nam. Đề tài của tôi rất hợp với chủ trương chống chiến tranh xâm lược của WJC nên được chấp nhận một cách dễ dàng. Nhờ có WJC mà tôi có được một công trình nho nhỏ nhưng hết sức có ý nghĩa đối với cuộc đời cầm bút của tôi, thể hiện đúng tâm và chí một Sinh viên Phật tử những năm đầu thập niên sáu mươi của tôi. Và, thật bất ngờ, ngoài thành công trên, nhờ có WJC mà tôi còn có thể biết có một nước Mỹ khác. 

Trong thời gian ở Boston non hai tháng, tôi đã gặp được nhiều người Mỹ
của một nước Mỹ khác như ông bà Kevin Bowen (Giáo sư, nhà thơ) ĐH Massachusetts - Giám đốc WJC, nhà thơ Nguyễn Bá Chung - Giám đốc điều hành Chương trình nghiên cứu Rockefeller (2001-2007) của WJC, giáo sư Fred Marchant ở ĐH Suffokd… Qua những lần gặp gỡ, trao đổi, quan sát những việc họ đang làm, suy nghĩ về những điều họ nói tôi thật sự bất ngờ. Họ đón tiếp chúng tôi như những người bạn, chân thành, tận tụy, thể hiện lòng quý mến Việt Nam một cách lạ thường. Gặp các bạn Việt kiều ở Mỹ, tôi kể những chuyện tốt của các thành viên trong WJC, các bạn tôi có nhận xét rằng: Người Mỹ như thế đó. Những người xấu thì xấu thậm tệ, không ai chịu nổi. Những người tốt thì họ tốt cực kỳ, vô tư vô cùng. Nhiều người Việt mình thấy họ tốt quá đâm ra suy nghĩ chắc họ có ý đồ gì đó. Nhưng không, ở lâu mới thấy sự thực”.   

Qua quan sát và học hỏi tôi thấy mỗi người dân nước Mỹ là một
thế giới, ba trăm triệu người Mỹ là ba trăm triệu thế giới. Nhưng các bạn trong WJC lại bảo tôi: Cơ bản có hai nước Mỹ. Một nước Mỹ của chính người dân Mỹ, qua hệ thống luật lệ để phát triển, đã tạo nên một xã hội dân sự, một nước mà người dân so với các nước trên thế giới có quyền tự do ở cấp cực cao. Người Mỹ đã tự mình tranh đấu giải phóng cho người da đen, đưa tới sự bình quyền cho người da đen, tranh đấu giải phóng phụ nữ, quyền được đi bầu, được bình quyền với nam giới, và giải phóng cho tất cả các tôn giáo ngay trên nước Mỹ, quyền tự do phát triển v.v. Đó là một sự tiến bộ cho cả nhân loại, chứ không riêng gì cho nước Mỹ. Nó bắt đầu từ truyền thống bên Anh quốc, liên hệ với cuộc Cách mạng 1789 ở Pháp. Nhân loại tiến bộ học Mỹ là học cái nước Mỹ nầy. Nước Mỹ mà tôi hiểu lâu nay là nước Mỹ của các chính quyền trải qua các đời Tổng thống Mỹ. Mục tiêu quyền lợi của các chính quyền Mỹ nhiều khi không thống nhất, thậm chí đi ngược lại với quyền lợi và đạo đức của nhân dân Mỹ. Nhiều chính quyền Mỹ đắc cử nhờ tiền bạc của các nhà tài phiệt nên họ phải đại diện cho những thế lực tài phiệt, của những đại công-ty có quyền lợi trên khắp thế giới, nhất là những nước thuộc thế giới thứ ba. Chính vì quyền lợi của các thế lực tài phiệt đã dẫn đến các cuộc chiến tranh ngoài nước Mỹ. Nước Mỹ đã bí mật lật đổ Thủ tướng Iran Massadegh, Allende ở Chi-lê, Aristide ở Haiti.v.v.Nhiều cuộc chiến tranh của chính phủ Mỹ ở nước ngoài đã bị người dân Mỹ chống đối quyết liệt. Bởi vì những cuộc chiến tranh đó không phản ảnh đúng những giá trị nhân bản mà những người Mỹ trung thực đã tranh đấu hàng thế kỷ.

Các thành viên chính thức của WJC không đông, nhưng những người Mỹ của
một nước Mỹ khác đi theo đường lốicủa WJC rất đông. Tôi đã gặp họ trong những buổi giới thiệu thơ vận động hoà bình, thơ Thiền Việt Nam, những buổi nói chuyện và xem phim chất độc màu da cam mà người Mỹ đã thả xuống Việt Nam. Những người nầy không chỉ ở Mỹ mà còn ở Canada, Ucraina, Ý, các nước ở Nam Mỹ. Một trong những người Mỹ đó đã gây cho tôi bất ngờ nhất là bà Grace Paley.
Bà Grace Paley là nữ thi bá hàng đầu của nước Mỹ, bà rất yêu Việt Nam. Gia đình bà ở Nữu Ước. Sau khi bà được một giải thưởng lớn về thơ của nước Mỹ, bà bỏ cảnh xa hoa của đô thị hàng đầu thế giới để tìm mua một khu rừng vắng ở Tiểu bang Vermont gần biên giới Canada làm trang trại để an hưởng tuổi già. Từ Boston, các bạn trong WJC đưa chúng tôi đến thăm bà phải vượt qua hai Tiểu bang, đường xa đến bốn giờ ô-tô mới tới. Ngôi nhà của bà rất đơn sơ, cũ kỹ. Bà là người phụ nữ mang băng chống chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam đầu tiên nên được coi là người mẹ của Phong trào phản chiến Việt Nam. Biết chúng tôi mới từ ở Việt Nam sang bà rất mừng. Bà ôm chúng tôi vào lòng và nói:
Việt Nam trong trái tim tôi!

Kỷ niệm lần đầu gặp nữ thi bá Grace Paley
Năm nay bà đã tám mươi lăm tuổi, sống với ông chồng trên chín mươi tuổi. Ngoài giờ làm thơ, viết văn hai ông bà trồng cỏ để bán cho những người nuôi bò. Trong nhà của bà chỉ độc nhất có một thứ tài sản là sách. Bà đã qua Việt Nam hai lần và có một lần đến Huế. Bà sợ nhà văn Việt Nam qua Mỹ thấy nước Mỹ to lớn, văn minh cứ nghĩ rằng nước Mỹ chỉ có những điều tốt. Bà nói rằng phần lớn nhà văn Mỹ là người của nhà nước, họ viết cho nhà nước Mỹ. Ngoài ra còn có các nhà văn nhân dân viết cho nhân dân, viết những mặt trái của xã hội Mỹ. Bìa sau tác phẩm Just as I Thought (Farrar Straus Giroux, Newyork), có đăng tấm ảnh bà mặc tạp dề chống chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam.

Nhiều nhà văn Việt Nam có cuộc sống sướng hơn bà gấp nhiều lần, nhưng ít có người có tài năng mà lại chọn cuộc sống như bà. Lâu quá tôi không làm thơ, thế mà sau khi gặp bà Grace Paley, hồn thơ của tôi bỗng nhiên lai láng. Tôi phải viết ngay một bài để kỷ niệm một lần được đến thăm bà.

Thăm bà thi sĩ
                            
Rời Boston ta đi lên Vermont
Tu viện Làng Mai đã dời về Newyork
Ta ghé lại thăm một bà thi sĩ
Bỏ phố phường về sống giữa núi non

Bà bảo ta “Trong tim tôi có Việt Nam
Tôi là thi sĩ của nhân dân
Tôi là thi sĩ của một nước Mỹ khác
Không phải nước Mỹ đế quốc sài lang”

Tôi ở đây với thơ và bầu trời xanh
Hằng ngày hít thở không khí trong lành
Hồn thơ muôn thuở với cây cỏ
Với con người, với dân”

Bà là thi bá của nước Mỹ
Hồn thơ lai láng đẹp vô kể
Cuộc sống của bà hết sức giản đơn
Việt Nam có mấy thi nhân được như thế?

Nếu không có WJC với Kevin và Nguyễn Bá Chung làm sao chúng tôi có thể gặp được những người Mỹ như thế.
Nhìn lại những hoạt động của WJC trong 25 năm qua, chúng tôi dễ dàng đồng ý với nhau rằng WJC là chiếc cầu nối hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Mỹ.
Xin cám ơn các bạn có một lần đã cho tôi dạo qua chiếc cầu hữu nghị ấy.
                     Gác Thọ Lộc (Huế), Mùa Đông 2007
N.Đ.X

(nguồn: TCSH số 225 - 11 - 2007)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng