KEVIN BOWEN
(Giám đốc WJC)
LTS: Trong 25 năm qua tên tuổi nhiều nhà văn, nhà thơ của Trung tâm William Joiner (Đại học Massachusetts - Hoa Kỳ) như Kevin Bowen, Fred Marchant, Nguyễn Bá Chung, Lady Borton, Martha Colline, Bruce Weigl, Lary Heinemann... đã xuất hiện trên Sông Hương cũng như trên nhiều báo chí văn nghệ, văn hoá trong nước với những tác phẩm tâm huyết, mến yêu đất nước Việt Nam cũng như những hoạt động trên các lãnh vực giao lưu văn hoá, giúp đỡ y tế, giáo dục cho Việt Nam sau chiến tranh, như những biểu hiện của sự ân hận, tủi hổ với những gì mà đất nước họ đã gây ra trên mảnh đất này.
Ở Thừa Thiên Huế đó là những đoàn do WJC tổ chức đến tìm hiểu về lịch sử văn hoá Huế và Việt Nam trong các dịp hè và các văn nghệ sĩ Huế đến Hoa Kỳ giao lưu hữu nghị, đó là quan hệ giúp đỡ đào tạo các giảng viên của Đại học Huế, là việc vận động giúp đỡ máy móc cho Bệnh viện TW Huế và trao tặng máy trợ thính cho trẻ em khiếm thính, đó là dự án giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam sắp triển khai... WJC, bằng các hoạt động kiên trì và phong phú của mình, “đã là chiếc cầu nối hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ ngay giữa lúc quan hệ Việt - Mỹ bị đóng băng” như nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã phát biểu trong dịp gặp mặt với đoàn WJC tại Huế đầu năm 2007.
Trong số báo kỳ này, chúng tôi xin giới thiệu một số sáng tác và bài viết của một số nhà văn Thừa Thiên Huế (Tô Nhuận Vỹ, Võ Quê, Nguyễn Đắc Xuân) và của WJC (Kevin Bowen, Fred Marchant, Nguyễn Bá Chung) trong tinh thần hữu nghị này, được sắp xếp theo các chuyên mục của Sông Hương.
Cố Chủ tịch Hạ Nghị Viện Hoa Kỳ Thomas P. “Tip” O’Neill, Jr. có một câu nói đã trở thành châm ngôn hay được nhiều người trích dẫn - “Tất cả chính trị đều mang tính địa phương”. Câu nói đó có thể coi như một chủ đề mô tả sự phát triển của trung tâm chúng tôi. Trung tâm có nguồn gốc từ những công trình của ông Bill Joiner Jr., một cựu binh Mỹ da đen có trách nhiệm giúp đỡ các sinh viên cựu binh ở trường Đại học Boston State, sau chuyển thành Đại học Massachusetts.
Đại học Boston State có lịch sử một trăm năm cung cấp một giáo dục cấp đại học với học phí vừa túi tiền cho những thanh niên trẻ thuộc giai cấp lao động ở thành phố Boston . Khởi đầu là một trường sư phạm đào tạo các giáo viên, nó được mở rộng thành một đại học với các ngành Xã hội Nhân văn vào thập niên 1960. Với học phí vừa phải, lại tọa lạc ngay trong trung tâm thành phố, nó đã trở thành một trường được ưa chuộng của các thanh niên và thanh nữ sau khi phục vụ trong quân đội. Ở nhiều mặt, Bill Joiner đã trở thành chất xúc tác của các hoạt động cựu binh, hướng dẫn những người lính mới chân ướt chân ráo trở về làm quen với môi trường học vấn mới lạ.
Chính tại Đại học Boston State mà một trong những tổ chức Cựu binh Việt Nam đầu tiên ở Mỹ đã ra đời - Trung tâm Điều phối Quyền lợi Cựu binh (The Veterans’ Benefits Clearinghouse), tranh đấu cho những quyền pháp định của cựu binh, nhất là các cựu binh thiểu số, được hưởng, như quyền được có chỗ cư trú, được cố vấn giúp đỡ, được hưởng các lợi ích luật định, và được ghi danh vào các các trường hợp với học phí vừa phải.
Vào những năm đầu của thập kỷ 60, để đáp ứng cho nhu cầu vào các đại học công với học phí vừa phải, trường Đại học Massachusetts mở thêm một chi nhánh ở Boston . Tọa lạc ngay giữa trung tâm thành phố, với một ban giang huấn mới và trẻ trung, nó đã thu hút hàng ngàn những sinh viên năm thứ nhất. Rất nhiều những sinh viên này đã tham gia vào các hoạt động chống chiến tranh, như biểu tình ngồi, tổ chức các lớp học tập về chiến tranh Việt Nam, và bãi khóa sau khi quân Mỹ xâm lấn Căm Bốt vào năm 1970. Chỉ trong vòng vài năm ngắn ngủi sau khi mở cửa trường, chi nhánh mới này đã có thể hãnh diện với số sinh viên cựu binh chiếm 35% tổng số ghi danh.
Vào thập niên 70, hai trường Boston State và University of Massachusetts Boston nhập thành một và dời về một trụ sở mới ở vùng Dorchester, ngay bên cạnh Thư viện Tổng thống Kennedy. Bill Joiner trở thành Giám đốc Sinh viên Vụ ở trường mới này.
Được mọi người kính nể và quý mến vì sự chăm sóc tận tình của anh cho từng người lính cũ, tất cả đã ngỡ ngàng khi được tin anh mang bệnh ung thư gan năm 1980. Thời đó ung thư gan được coi là một trong những thứ ung thư bất trị liên hệ tới chất độc da cam, một loại thuốc khai quang rải khắp ở Việt , mà công việc của Bill trong thời chiến có dính líu tới.
Bill mất năm đó. Một thời gian ngắn sau khi Bill qua đời đã có nhiều nỗ lực thành lập một trung tâm mang tên anh để tiếp tục phục vụ các người lính giải ngũ trở về, bênh vực cho những nhu cầu của họ, và phát triển các nghiên cứu và tài liệu giáo trình để giúp cho nước Mỹ hiểu cuộc chiến tranh Việt Nam và những hậu quả của nó.
Để thành lập một trung tâm như vậy, nói dễ hơn làm, với sự chống đối nổi lên từ một số bộ phận của nhà trường. Để phản đối, các sinh viên cựu binh đứng xếp hàng theo quân kỳ dưới trời mưa, viết thư và gọi điện thoại tới những người như Chủ tịch Hạ Nghị Viện Tip O’Neil, Thượng Nghị sĩ Fran Doris, người có bốn anh em trai tử trận trong cuộc chiến tranh Triều Tiên.
Trung tâm William Joiner trở thành hiện thực vào tháng 10 - 1982. Trong những năm đầu, trung tâm có ngân quỹ rất nhỏ, và hoàn toàn tuỳ thuộc vào đóng góp của Đại học. Năm 1984, một uỷ ban đặc biệt được quốc hội tiểu bang thành lập đã đề nghị cấp cho trung tâm 300.000 MK để xây dựng một văn khố và tổ chức các cuộc nghiên cứu cũng như giáo trình về những hậu quả của cuộc chiến tranh Việt . Với nguồn ủng hộ đầu tiên đó, trung tâm đã có thể bắt đầu làm việc thực sự. Một trong số những hoạt động đầu tiên là tổ chức một Hội Nghị quốc tế về Chất độc Da Cam, và sự khởi hành của một trong nhiều đoàn thân hữu sang thăm Việt Nam, rời phi trường Logan sau ngày lễ Giáng Sinh năm 1985, cũng là ngày đạo diễn Oliver Stone ra mắt phim “Trung Đội” (Platoon).
Tôi vẫn còn nhớ như in chuyến đi đó, nhất là cảm giác một lần nữa tôi lại tới Việt . Cảm tưởng đầu tiên tôi nhớ mãi là sự bình lặng, cuộc hành trình trở về một nơi đã biến đổi đời tôi trong năm 1968 - 1969 khi tôi là một người lính. Nhưng khi chân tôi vừa chạm đất lần này, tôi biết ngay là đời tôi lại đang biến đổi một lần nữa.
Một trong những đỉnh cao của chuyến đi là cuộc viếng thăm Huế và cuộc hành trình trên đường số 9, qua những nơi tôi đã từng có mặt - Bãi Đáp (LZ) Sharon, Betty, Jane, và lúc ghé thăm Nghĩa trang Trường Sơn. Suốt một giờ đồng hồ tôi lẳng lặng tách riêng ra khỏi đoàn, một mình lang thang đi hết mộ này sang mộ khác, lòng bàng hoàng với một cảm giác mất mát không cùng. Tôi nhớ đã ghi tên của ba người lính nằm yên nghỉ ở đó, tử trận trong thời gian tôi có mặt ở Quảng Trị, sau này tôi đã viết một bài thơ về họ.
Đêm hôm ấy chúng tôi dự tiệc chiêu đãi với người đứng đầu tỉnh, ông Nguyễn Văn Lương, người hóa ra là chỉ huy trưởng của lực lượng quân Giải Phóng trước kia. Tôi nhớ là tôi ngồi đối diện với ông, sự căng thẳng từ từ giãn ra khi ông nghiêng người tới trước, nắm lấy tay tôi - “Chúng ta đã từng gặp nhau như những người lính, súng trên tay, bây giờ chúng ta gặp nhau như những nhà giáo. Xin nhớ là lúc nào ông cũng được chào đón ở tỉnh này”.
Chính sự tiếp đón ân cần đó, sự cởi mở không do dự đó, sự tận tâm mặt đối mặt giữa cá nhân với cá nhân đó đã trở thành đặc điểm của mọi giao lưu của Trung Tâm Joiner. Nó có nghĩa là một bước tin nhảy vọt giữa những cá nhân với cá nhân trong khi hai đất nước lúc đó vẫn còn đầy thận trọng và nghi kỵ.
Tiếp tục những năm kế tiếp là các cuộc thăm viếng hai bên - các cựu binh, bác sĩ, nghệ sĩ, nhà văn, giáo sư, v.v. Có lẽ đối với những cựu binh của cả hai bên, sự còn sống sót sau chiến tranh làm cho nỗ lực phải vượt qua mang tính riêng tư và khẩn thiết. Vấn đề không phải lúc nào cũng đơn giản, nhưng cảm giác là những cuộc trao đổi từ hai bên đã cùng khởi từ một lòng nhân bản chung, với cùng một ý hướng chung, đã giúp làm nhỏ đi các trở ngại, nhất là khi so với những điều chúng ta muốn thực hiện.
Quả thực là ở Mỹ chúng tôi đã phải đối mặt với những chống đối, những đe dọa, những phá phách nhằm triệt tiêu nguồn ngân quỹ của chúng tôi. Nhưng tất cả những khó khăn đó đều nhoè đi trước tất cả những gì chúng ta đã thực hiện được: biết bao những giáo sư tận tụy, những bác sĩ, những sinh viên chúng tôi đã bảo trợ, và những tác phẩm chúng tôi đã giới thiệu được với độc giả Mỹ. Riêng đối với cá nhân tôi, cuộc hành trình, như tôi đã nói, vẫn tiếp tục, không ngừng nghỉ, làm biến đổi đời tôi. Với tôi, thật là kỳ diệu khi nghĩ tới từ lúc tôi còn là người lính cho tới khi, sau bao năm dâu biển, tôi có thể được nghe một đoàn hợp tấu Sông Hương trình diễn ca Huế ở ngay sân nhà tôi, hoặc dự đám cưới của cô gái là con của một người hoạt động cách mạng, hoặc tôi có thể ngồi trên dòng sông Hương, lặng lẽ ngắm những hoa đăng lững lờ trôi theo dòng nước trong tiếng nhạc Huế xa xưa.
Âm nhạc dòng sông
Từng chiếc, từng chiếc một
Bơi xuống dòng sông đêm
Ôi đèn lồng như mộng
Tỏa lung linh êm đềm
Những chiếc đèn gọi bạn
Ngân vọng bến bờ xa
Tôi ngỡ những vũ nữ
Đang múa theo vòng tròn
Cho vợ tôi đèn đỏ
Con trai tôi đèn vàng
Đèn xanh cho bé nhỏ
Sinh trong ngày xuân sang
Đèn múa đôi, múa ba
Chúng tôi cùng uống rượu
Thỏa chúc các chàng trai
Mang tình sông nồng thắm
Những người già tóc bạc
Cười vào trong tiếng đàn
Và một nàng ca sĩ
Hát những lời mênh mang
Nàng đẹp như tiên nữ
Làm vầng trăng tối sầm
Gương mặt nàng vừa hiện
Trăng chết tràn trên vai.
NGUYỄN QUANG THIỀU dịch
Trở về sau chuyến đi đầu tiên đó, tôi không phải là một nhà thơ. Hay có lẽ đúng hơn, tôi là một nhà thơ bị ngắt quãng. Hồi còn trẻ tôi có làm thơ, nhưng sau khi từ chiến trường trở về tôi không viết được nữa. Trở lại Việt đã hồi phục tôi khỏi một sự câm lặng mà có lẽ tự tôi khó có thể tự thoát ra được. Đọc và tìm hiểu thơ ca Việt đã mở rộng sự hiểu biết của tôi về Việt và về chính mình; nó đã góp phần đào sâu hơn nguồn nước của những bài thơ tôi viết, những tác phẩm tôi dịch, và đời sống hàng ngày của tôi.
Công việc đó sẽ tiếp tục. Chúng tôi mong những nỗ lực sắp tới của chúng tôi nhằm ghi lại thành tài liệu những câu chuyện sống của những nạn nhân chất độc da cam và của gia đình họ, và cố gắng trợ giúp những gì có thể được đối với nhu cầu của những gia đình bị chất độc đó hủy hoại sẽ có hiệu quả và lớn mạnh trong tương lai.
NGUYỄN BÁ CHUNG dịch
TCSH số 225/11-2007