Tạp chí Sông Hương - Số 235 (tháng 9)
Đời sống văn hoá nghệ thuật thời Nguyễn: ranh giới giữa cung đình và dân gian
16:55 | 30/09/2008
NGUYỄN HỮU THÔNG Biểu tượng khu trung tâm trong quan niệm của nhiều tộc người, phần lớn đều liên quan đến các mối thông linh với thế lực siêu nhiên. Hệ đức tin biểu thị từ sự chọn lựa địa điểm thiết lập vùng trung tâm của người xưa, cũng mang mô hình gốc của thần thánh. Sự chọn lựa này có ý nghĩa quyết định và là công việc đầu tiên trong quá trình thiết lập một vùng cư trú.

Khi nhà nước phong kiến ra đời, khu trung tâm không chỉ mang chức năng tâm linh mà còn là một sự tổng hoà những điều kiện lịch sử khác. Cùng với nó là sự hình thành nhiều kiểu đô thị đáp ứng nhu cầu của một dạng cấu trúc xã hội mới. Trong đó, trung tâm kết hợp chức năng chính trị - tôn giáo - hành chính - kinh tế… luôn có vai trò chi phối đến toàn bộ hoạt động của quốc gia. Sức hội tụ và lan toả của nó cũng tạo nên những tác động không nhỏ đến văn hoá; thậm chí nét đổi thay, biến chuyển của từng giai đoạn lịch sử đôi khi cũng được biểu hiện từ nguyên nhân chuyển dời khu trung tâm.
Đời sống văn hoá của con người ở khu trung tâm, từ đó, cũng chịu những sự tác động khách quan lẫn chủ quan, tạo ra sự thích ứng và hình thành những yếu tố mới phù hợp, khi môi trường sống có sự chuyển đổi.

I. Kinh đô nhà Nguyễn trên đất Huế.
Phần lớn những đô thị  trên thế giới được khai sinh từ sự hội tụ cùng lúc nhiều yếu tố thuận lợi (vị trí địa lý, giao thông, thị trường, mãi lực, đặc điểm dân cư…), làm nên những trung tâm trao đổi, mua bán, giao lưu hàng hoá. Đó cũng chính là điểm gợi ý thuyết phục dẫn đến việc chọn lựa của tầng lớp thống trị, để chúng có thể khoác thêm những chức năng khác như hành chính, chính trị, hay trọng điểm kinh tế, mang tầm ảnh hưởng lớn hơn cái nó vốn có.
Huế trong vai trò là kinh đô của Việt (Đại ) đầu thế kỷ XIX lại không xuất phát bởi những điều kiện thuận lợi như đã nêu. Vốn trên khung không gian và vai trò là thủ phủ xứ Đàng Trong thời các chúa Nguyễn, nhà Tây Sơn đã tiếp tục biến Huế thành kinh đô đất nước sau khi đã chiến thắng ngoại xâm và bình ổn tình hình nội chiến. Việc chọn Huế lúc này thực ra chỉ mang tính tạm thời trong dự tính khác của Quang Trung - Nguyễn Huệ. Mọi chuyện chưa kịp thực hiện thì lịch sử lại sang trang, Gia Long lên ngôi với một Việt bình ổn và thống nhất từ bắc đến nam. Huế được vị vua đầu Nguyễn chọn lựa như một không gian mang tính chiến lược lâu dài trong vai trò trung tâm chính trị - hành chính đất nước.

Nếu đặt Huế trong bối cảnh thời bấy giờ, vị trí này tích hợp các yếu tố phù hợp trên nhiều phương diện:
- Chốn đắc địa trong quan niệm về phong thủy.
- Trên nền cũ định đô của các Chúa trong huyết thống nhà Nguyễn.
- Vị trí hợp lý của Huế trong cự ly đối với Đàng Ngoài, đủ để khống chế lực lượng hoài Lê và lại không quá xa với thành phần hậu thuẫn cho mình đó là lực lượng điền chủ và trung nông ở Nam bộ.
Và nếu như vậy thì vai trò kinh tế của Huế không nằm trong tiêu chí chọn lựa, hay nói đúng hơn, tính phi trung tâm trong quan niệm cổ điển, không trở thành điều cản trở vị vua đầu Nguyễn chọn nơi đây làm kinh đô.
Huế  từ đó hình thành trong lịch sử không trên nền tảng của một trung tâm trao đổi, điểm giao thương, hay hàm chứa những lợi thế của một đô thị phát triển từ trước, cho nên, lực hút và sức lan toả của một vùng trung tâm trên phạm vi quốc gia chỉ thực sự hiện hữu sau khi kinh thành Huế được xây dựng, và tính chất này cũng thăng trầm theo với sự thịnh đạt, suy tàn của nhà Nguyễn.

Suốt 150 năm chuyển mình để trở thành trái tim của đất nước và triều đại, thế nhưng, Huế nhanh chóng đánh mất vai trò trung tâm, cùng với sự sụp đổ của chế độ phong kiến cuối cùng của Việt Nam, để trở lại vị trí một tỉnh thành nhỏ ở miền Trung với những thuận lợi và khó khăn của riêng mình.
Những gì đã được tạo dựng ở Huế vào thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX, mang dấu ấn của một triều đại, thành tựu của một giai đoạn lịch sử quốc gia, biểu hiện trên mỗi chứng tích, đều có sự góp phần của những tinh hoa từ khắp nơi hội tụ trên mảnh đất này.
Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là sau nhiều thế hệ chung sống với những “đỉnh cao” đương thời, lại không quá cách xa hiện tại, để thời gian gội sạch tất cả, vì thế, tính cách con người nơi đây cũng ẩn chứa, cũng như tổng hoà những thuộc tính lẫn hệ quả của những gì lịch sử đã mang lại.
Xứ Huế là vùng điển hình của sự đan xen, hỗn dung, tiếp biến và giao thoa ngôn ngữ văn hoá Chàm - Việt - Hoa… Do vậy mà văn hoá dân gian Huế từ di sản vật chất (ăn rau dại mua ở chợ Đông Ba đến ăn yến, từ nhà rường đến cung điện) và các di sản tinh thần (thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na, các chùa Phật, nhà thờ công giáo đều rất phong phú và đa dạng” (Trần Quốc Vượng, 1998:125)

II.
Những biểu hiện phi ranh giới trong đời sống văn hoá - nghệ thuật cung đình và dân gian dưới thời phong kiến Nguyễn.
Trong lịch sử các triều đại phong kiến nói chung, quá trình phân hoá giai cấp thường dẫn đến sự dị biệt, thậm chí đối lập trong quyền lợi kinh tế, vị trí xã hội, điều kiện sinh hoạt, hưởng thụ văn hoá, của từng lớp người không cùng nguồn gốc xuất thân. Từ đó, trong tư duy, lẫn xu hướng cảm nhận những giá trị cuộc sống của bộ phận bình dân, đại chúng, với giới quý tộc, quan lại, thượng lưu, luôn tạo nên những khoảng cách, những biểu hiện bất đồng đáng kể.
Tuy nhiên, trong lòng xã hội phong kiến như Việt Nam, phần lớn tầng lớp quý tộc đều xuất phát từ gốc gác nông dân, chứ không phải từ thương nhân hay giai tầng trí thức có truyền thống lâu dài, cho nên, tư duy, dự cảm, thiên hướng, thể hiện qua quá trình cấu trúc, quản lý, điều hành trăm họ cũng theo những cách riêng của mình. Ngân khố dự trữ và chu cấp cho hoạt động của bộ máy nhà nước của triều đình do họ đứng đầu với tư cách là thiên tử, chủ yếu đều từ nguồn thu tô thuế nông nghiệp và nội thương mang lại. Điều này tất yếu liên quan đến mức sống và chất lượng sống của tầng lớp quý tộc rất nhiều.

Nhìn từ các triều đại phong kiến Trung Quốc, bộ phận hoàng thân quốc thích và quý tộc, thượng lưu, luôn đủ điều kiện vật chất để có thể nuôi dưỡng, đãi ngộ theo kiểu Mạnh Thường Quân những nghệ sĩ thực tài, những môn đồ Lão giáo, Phật giáo được đào tạo và thấm đẫm sở học. Họ là đội ngũ tài hoa, có tri thức để dựng nên các hoạt động nghệ thuật diễn xướng, tạo hình, thi ca… đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn cho đối tượng của mình một cách kinh điển và hàn lâm. Tác phẩm của họ luôn có sự định danh, gắn với tên tuổi người sáng tạo, biểu hiện xu hướng hoặc trường phái của tác giả. Đứa con tinh thần của họ lại được sự bảo trợ và vinh danh từ tầng lớp quý tộc thượng lưu lắm tiền nhiều của, từ đấy, chính những người nghệ sĩ đã dần dần nâng tầm thưởng ngoạn của giới Nho sĩ, kẻ luôn nắm giữ vai trò kinh bang tế thế lên một tầm cao trong thưởng thức nghệ thuật.

Will Durant khi nghiên cứu về văn minh Trung Hoa đã từng có nhận xét: Ở thế kỷ III và IV, đạo Ky Tô làm thay đổi văn hoá và nghệ thuật các xứ trên bờ Địa Trung Hải thì cũng vào khoảng đó, đạo Phật thực hiện được một cuộc cách mạng trong đời sống Trung Hoa về tín ngưỡng và thẩm mỹ quan. Đạo Khổng vẫn còn giữ trọn quyền thế trong khu vực chính trị, còn đạo Phật kết hợp với đạo Lão chiếm ưu thế về nghệ thuật, kích thích các nghệ sĩ Trung Hoa, bằng các đề tài, biểu tượng, phương pháp và hình thể từ Ấn Độ truyền sang (Durant. Will, 1997:191)
Thực lực kinh tế của triều đình Việt từ nguồn thu cho quốc khố như đã nêu, thì đời sống vật chất khiêm tốn của tầng lớp quý tộc không thể làm và có được điều ấy. Vì thế, phong kiến Việt chưa hội đủ những yếu tố khách quan lẫn chủ quan để hình thành dòng văn hoá, nghệ  thuật quý tộc, bác học, tồn tại một cách độc lập và song song với văn nghệ dân gian.

Đối với các triều đại tiền Nguyễn, có thể hiện nay không đủ tài liệu để minh hoạ nhận định trên, nhưng, nếu khảo sát từ văn hoá Huế, kinh đô cuối cùng của nhà nước phong kiến Việt Nam, chúng ta nhận ra không mấy khó hiện tượng ấy trên nhiều phương diện:
- Trong lĩnh vực kiến trúc: Nhìn từ cấu trúc cơ bản và mang tính tổng thể, những ngôi nhà rường dân gian nếu so với đình miếu, phủ đệ, chùa chiền, cung điện…, thì những gì được gọi là khác biệt không đủ để phân lập thành những dòng kiến trúc riêng biệt mà trong một chừng mực nào đó chúng là của nhau.
Trong cuốn sách “Mỹ thuật Huế - nhìn từ góc độ ý nghĩa và biểu tượng trang trí” chúng tôi đã từng có nhận xét: Chẳng quá đáng khi gọi cung điện nhà Nguyễn là sự phát triển quy mô và cầu kỳ hơn từ ngôi nhà rường dân gian, hay nói một cách khác, nhà rường là sự thu nhỏ hay đơn giản hoá những gì có ở cung điện. (Nguyễn Hữu Thông, 2001:182).

Những ấn định có tính pháp quy của triều đình Nguyễn nhằm phân biệt thứ lớp, phẩm trật, danh phận, thể hiện trong kiến trúc chủ yếu căn cứ trên quy mô, màu sắc cũng như một số chủ đề trang trí xoay quanh việc thể hiện bộ tứ linh. “Nhà ở trong trường hợp nào cũng không được xây trên nền hai cấp hay chồng mái, không được sơn và không được trang trí. Nhà khách của các quan đại thần và nhị phẩm có 7 gian và 8 vì kèo, mỗi đầu nóc và mái được trang trí bằng các kiểu hoa lá hay động vật” (Nguyễn Tiến Cảnh, 1992:29).
Khi tiếp cận với kiến trúc cung đình và dân gian, theo logic bình thường thì giá trị có tính khuynh loát nhiều mặt sẽ thuộc về cung điện, đài tạ, chốn hoàng thành hay quần thể lăng tẩm của vua, nhưng trong mắt chúng tôi, nếu xét trên từng khía cạnh thì kiến trúc cộng đồng và gia đình vẫn có những điểm mà cung đình không thể sánh bằng. Có thể, một bên xử lý sự lồng lộng không gian kiến trúc lớn của cung điện, trong đó hình khối và việc bố trí mảng trang trí chủ yếu dựa vào lớp áo phủ sơn son, thếp vàng, xương, ngà, và cẩn xà cừ đã choán hết nội thất kiến trúc. Sự hài hoà cần thiết giữa kích thước lớn của cấu kiện và các mảng chạm không thể có được sự tỉ mỉ khi thể hiện hệ thống hoa văn trang trí tạo hình. Còn một bên, điêu khắc đình làng hay gia đình trần trụi những mảng gỗ, giới hạn tiếp cận giữa con người và các khoảng chạm là không xa. Cho nên, thể hiện sự tỉ mỉ trong điêu khắc gỗ để làm tăng giá trị nghệ thuật ở đây là điều cần thiết để phô diễn tài năng của nghệ nhân” (Nguyễn Hữu Thông, 1992: 140-141).

Nếu xét trên yếu tố tâm lý thì tâm trạng của một anh lính thợ “cơm vua ngày trời”, canh cánh bên lòng ngày giải ngũ trở về quê hương và gia đình, với một người thợ là con dân của làng, hay một nơi khác, được người trong làng ưu ái bằng mâm cau trầu rượu và ngày ngày cơm bưng nước rót, tất nhiên, việc thể hiện tài năng nghề nghiệp trong lúc này trên tác phẩm cũng là vấn đề cần lưu ý trong đối sánh.
Khi bước chân vào điện Khải Thành ở lăng Khải Định, chúng ta hẳn nhiên dễ bị choáng ngợp với những tác phẩm khảm sành sứ đã được nâng lên một tầm cao trong nghệ thuật, nhưng xét cho cùng, đó cũng là  kỹ thuật đã từng được áp dụng phổ biến trong kiến trúc dân gian; người thực hiện cũng chỉ là những nghệ nhân dân gian được phong hàm bởi sự thừa nhận tài năng của họ (Kiểm Khả, Cửu Tánh…). Cái khác chính là điều kiện để thể hiện chúng, và tất nhiên, ở đây, chúng ta cũng đánh giá cao sự sáng tạo từ công năng trang trí chủ yếu ở ngoại thất của loại vật liệu này, nhưng lại hoàn toàn thành công khi chúng được thể hiện ở nội điện.

- Trong lĩnh vực mỹ thuật: Cạnh một di sản khổng lồ về hội hoạ, điêu khắc như Trung Quốc (những tác phẩm tạo hình có tác giả, trường phái và kỹ thuật, lẫn những giá trị khác nổi tiếng trong nghệ thuật nhân loại), thì ở Việt Nam, nơi mà nhà nước phong kiến Nguyễn chọn Trung Quốc như một mẫu hình, cũng như chịu ảnh hưởng không nhỏ nền văn hoá nghệ thuật của họ, lại không thể hiện được điều ấy.
Những bức tranh gương với những bài ngự chế thi đi kèm dưới thời vua Thiệu Trị, Tự Đức, được trang trí trong nội cung; những tác phẩm bích họa đến tận đầu thế kỷ XX ở cung An Định dưới thời vua Khải Định; tác phẩm điêu khắc tượng tròn quan văn, võ, voi ngựa… ở phần lớn lăng tẩm các vị vua triều Nguyễn, cũng chỉ dừng lại ở nghệ thuật đậm chất dân gian. Chúng tôi muốn nói đến việc thể hiện chúng từ các khái niệm cơ bản về giải phẫu tạo hình, tỉ lệ, độ viễn cận, tối sáng, bố cục… tất cả dường như thuần đặc chất giản phát, hồn nhiên đến ngô nghê.

 Để bảo vệ giá trị của những tác phẩm tượng tròn ở chốn lăng tẩm, chính chúng tôi cũng từng tự lý giải rằng:
Đã nhiều năm trôi qua kể từ khi xứ Đàng Trong được thành lập cho đến lúc diễn ra những cuộc nội chiến từ thế kỷ XVII đến XIX, qua việc xây dựng lăng Gia Long, người thợ điêu khắc mới có dịp để thể hiện đường nét theo với tình cảm, tâm trạng phấn chấn; và tượng thờ trong giai đoạn này đã thoát khỏi ước lệ của một cõi vĩnh hằng, trầm mặc, u buồn, để hiện thân như những tác phẩm mỹ thuật có sinh khí. Sau đó Minh Mạng bắt đầu củng cố lại kỷ cương, điển chế của một triều đình phong kiến tập quyền chính thống với những quy định nghiêm ngặt, kiến trúc lăng tẩm đã nằm trong không gian đăng đối, thâm nghiêm phù hợp với nơi an nghỉ của vị thiên tử.

Hệ thống tượng lăng giờ đây đã thể hiện trọn vẹn như một tác phẩm nghi lễ thuần tuý, nét sinh động nhường chỗ cho những ước lệ, kích thước nhỏ lại, đường nét tạo hình như muốn phô bày với chính kiến trúc sự cứng cỏi đến lạnh lùng của một khối đá mang tính biểu trưng của chất cẩn lặng cần thiết trước một điều linh thiêng.
(Nguyễn Hữu Thông, 1992:124)
Điểm ấn tượng trong lĩnh vực tạo hình Nguyễn vẫn tập trung ở mảng phù điêu gỗ, cùng kỹ thuật chạm khảm. Ở đây, tất cả đã phô bày những đường nét tinh tế, điêu luyện và sắc sảo, có giá trị cao về mặt mỹ thuật, nhưng, cũng chính là vùng điển hình nhất, cho ta thấy không hề có khoảng cách nào giữa cung đình và dân gian, ngoại trừ những quy định về chủ đề và quy mô thể hiện.
Nếu như con rồng, con lân, được mô tả một cách chi tiết về cả vóc dáng lẫn thần thái trong nghệ thuật tạo hình chốn cung đình, thì cũng chính những bàn tay điêu luyện ấy, đã thể hiện hình ảnh con giao, con cù… thuộc họ nhà rồng trong dân gian, chẳng khác mấy những gì riêng có của quý tộc.

Chúng tôi vẫn băn khoăn tự hỏi tại sao trong di sản mỹ thuật cung đình   Nguyễn không hề có những tác phẩm hội hoạ mang tính hàn lâm, với những tác phẩm trên vải, trên giấy, thậm chí trên gỗ, trên tường; có tên tác giả, tác phẩm, hay ảnh hưởng bất cứ trường phái nào của nghệ thuật mang tính kinh điển đương thời; trong lúc nền hội hoạ thuỷ mặc Trung Quốc vốn có truyền thống lâu đời như một điểm sáng, ảnh hưởng không nhỏ đến các quốc gia đồng văn kế cận.
Việc sưu tập những tác phẩm nổi tiếng của những họa sĩ thành danh ở phương Bắc cũng không được giới quý tộc Nguyễn quan tâm. Và trên thực tế, những gì đang chứng kiến không thể không khiến chúng ta liên tưởng đến trình độ thưởng ngoạn của giới quý tộc thượng lưu, thậm chí là trí thức nhà Nguyễn đương thời, cùng chỉ dừng lại ở mức độ phổ thông, gần gũi với đại chúng làm nông nghiệp thời bấy giờ.     

- Trong lĩnh vực diễn xướng
: Các loại tuồng giải trí trong cung cấm dành riêng cho giới quý tộc (tuồng thầy) tuyệt đại đa số đều là những phiên bản trong dân gian (tuồng đồ) như Sơn Hậu, Mã Long Mã phụng, Tam quốc... có điều chỉnh phù hợp với điển chế phong kiến, thể hiện trong tình huống và ngôn ngữ đối thoại.
 Các vũ khúc nổi tiếng trong cung đình như Lục cúng hoa đăng cũng xuất phát từ sự mô phỏng sinh hoạt nhạc lễ Phật giáo trong dân gian. Nhiều bài bản vốn được xem là đặc sản cung đình như Tam luân cửu chuyển, Đăng đàn cung, hay múa Bát dật…, chúng vẫn được diễn trên sân đình làng xã (trường hợp ở làng Phò Trạch, Phong Điền là một ví dụ).
Loại hình ca nhạc thính phòng Huế thực ra không bó khung trong tầng lớp quý tộc quan lại hay thượng lưu, mà chúng vẫn có đất sống trong không gian dân dã, cũng như được mọi người thưởng thức theo cách của mình. Cũng chính vì không quá xa cách giữa ca Huế và dân ca, cho nên, không ai phản đối, thậm chí, thấy chúng hoà điệu thật đẹp mỗi khi ca sĩ mở đầu bài Nam bình bằng điệu hò Mái nhì.

- Trong lĩnh vực ẩm thực: Từ những sử liệu chúng ta có thể tiếp cận được từ thời nhà Nguyễn như Đại Nam hội điển sự lệ, Đại Nam thực lục hay những chuyên khảo về ẩm thực cuối Nguyễn như Thực phổ bách thiên… chúng ta có thể nhận ra việc ăn uống ở chốn cung đình và quý tộc không quá xa cách về mặt nguyên liệu lẫn kỹ thuật. Khoảng cách nếu có ở đây chính là sự cầu kỳ, tiểu vẽ, dụng công trong chế biến và trang trí đến mức khó hình dung.
Chính vì vậy, khi quan niệm rằng thực đơn trong cơm vua gồm những món không thể có hay hiếm thấy trong dân gian là điều sai lầm, nhưng thực chất, để có được những món ấy, khoảng cách đáng nói ở đây chính là công phu đi đôi với việc tuân thủ một số quy định đã thành luật đối với không chỉ ngự trù mà còn liên quan đến cả nho, y, lý, số…
Vua ăn trong nồi đất, ăn bằng đũa tre, được làm ra từ bàn tay của những người thợ dân gian được chọn lựa; đầu bếp trong ngự trù, thực chất cũng chỉ là những người nấu nướng giỏi được tuyển trực tiếp trong dân gian.
Chúng ta có thể dẫn liệu tính phi ranh giới giữa cung đình và dân gian trên nhiều lĩnh vực lẫn nhiều nguồn tư liệu khác, nhưng vấn đề đáng nói ở đây chính đặc điểm ấy đã là một trong những nhân tố quan trọng làm nên tính cách và văn hoá xứ Huế.

III. Cái riêng của một di sản cần bảo vệ.
Một hiện tượng đáng lưu ý trong hệ thống di tích Huế là sự có mặt của hàng trăm phủ đệ, nơi mà các hoàng tử và công chúa dưới triều Nguyễn khi đến tuổi trưởng thành được ra riêng để xây dựng một không gian cư trú cho mình (phủ dành cho hoàng tử và đệ cho công chúa).
Chỉ riêng vua Minh Mạng đã có đến 150 người con, số phủ, đệ tương ứng cũng đủ để chúng ta hình dung nét đặc thù này của Huế.
Vì hào quang của danh phận, phủ đệ bao giờ cũng có cổng lớn, thành cao và cuộc sống thực đàng sau khoảng cách ấy, mấy ai rõ được điều gì.
Nhiều giai thoại về cuộc sống các “mệ” (một từ gọi giới quý tộc Nguyễn ở Huế, vẫn tồn tại ít nhiều cho đến ngày nay) thường phản ánh khá điển hình thực tế của một lớp chứng nhân đầy ấn tượng. Nếu vòng nguyệt quế mà vai trò lịch sử đương thời đã tôn vinh và khoác lên mình họ, thì thực lực về mặt kinh tế, đã níu kéo cuộc sống đời thường của họ theo chiều ngược lại.

Với số bổng lộc khiêm tốn được triều đình chu cấp, đời sống hàng ngày của các “mệ” cũng chẳng có gì sung túc, và, nếu “mệ” còn đèo bồng chút máu phong lưu trong người, thì sự khó khăn trong việc vật lộn với cuộc sống cơm áo đời thường là chuyện không thể tránh khỏi. Nhưng, điều đáng nói ở đây chính là nét ứng xử của “mệ”, để làm sao vẫn giữ được cốt cách “rồng phụng” trong cuộc sống đời thường, nhất là khi giao tiếp với đám “thảo dân”, “bách tánh” quanh mình. Tất cả đã làm nên tính cách, hàm chứa ý nghĩa cũng như nét đặc trưng vào giai đoạn cuối của chế độ phong kiến Việt , được chiếu rọi từ những mẫu nhân cách đặc biệt.
Ở Kim Long hiện nay có một ngôi nhà vườn đẹp, do chủ nhân kinh doanh dịch vụ du lịch, nên điểm dừng chân này có tên là nhà hàng “Thả om”. Thả om cũng chính là tiêu đề của một mẫu giai thoại điển hình về chân dung các mệ thuở phong kiến mạt kỳ:

 Suốt cả ngày dường như vô ý, “mệ” mải mê ngâm thơ, đánh cờ, đàn ca, hàn huyên,… nên chỉ qua loa củ khoai, miếng sắn đến quên bữa. Cho đến khi trời tối mịt, “mệ” mới thủng thỉnh bỏ lon gạo duy nhất còn lại vào chiếc om đất, lò mò xuống sông. Trên tay “mệ” là cây đèn sáp lập loè do tay run vì đói. “Mệ” không muốn ai nhìn thấy cảnh này. Nhưng vô tình, hôm ấy, bến sông vẫn còn người.
Một trong đám dân đen lên tiếng:
- Bẩm mệ, đêm hôm khuya khoắt, mệ còn xuống sông làm chi. Lỡ không may vấp bổ (té, ngã) thì khốn.
Chuyện đã đến nước này, mệ đường bệ trả lời thủng thẳng, chất giọng ngang tàng:
- Đứa mô rứa bây? Hôm ni tự nhiên tức cảnh sinh tình, tau muốn xuống đây thả cây đèn cho vui. U chà, mặt sông đêm có lung linh ánh bạch lạp (nến, sáp), tụi bây mới thấy hết cái đẹp của Huế mình.
Nói xong, “mệ” thở phào nhẹ nhõm, tay cầm cây đèn sáp cắm vào om gạo và thả chúng lênh đênh trên sông. Bữa cơm tối của mệ cũng đang trôi trên sông:
- Tụi bây thấy răng? Đẹp không?
Mọi người không nói ra, nhưng ai cũng hiểu. Mệ là vậy!

Theo chúng tôi, phủ đệ và con người sống trong phủ đệ chính là chiếc cầu nối tạo nên chất tương tác trong văn hoá quý tộc và dân gian Huế.
 “Mệ” thường xuyên “vi hành” để tìm nguồn vui cũng như tìm cách bù đắp những nhu cầu vật chất và tinh thần trong dân gian theo cách của “mệ”, thì ngược lại, tính cách “mệ” qua sự giao lưu thường xuyên với dân gian, cũng tạo nên ảnh hưởng không nhỏ trong lớp đại chúng những cách ứng xử tương đồng.
Vị chủ soái của Hương Bình Thi Xã, quốc lão đại thần Ưng Bình Thúc Giạ Thị (1877-1961) đã từng nói về mình với nhiều sở thích rất dân gian:
Vỹ Dạ thôn có lão vương tôn là Thúc Giạ
Ưng ca, ưng hát, ưng giã gạo, hò khoan.
Ham vui điệu cổ thi đàn
Nghe câu tuyệt xướng, muôn vàng cũng mua.
 Với những gì vừa bàn, chất “mệ” theo thời gian không còn là thứ “đặc sản” của giới quý tộc Nguyễn, mà chúng lan toả trong dân gian, tạo nên tính cách con người một vùng đất. Nói điều này, chúng tôi hoàn toàn không có ý phê phán trên góc độ đúng-sai, hay-dở, tốt-xấu mà chỉ đơn thuần xem đó là một đặc điểm, một di sản văn hoá đáng trân trọng.
Tất nhiên, những đặc điểm ấy tự nó cũng hàm chứa nhiều thử thách trong quá trình hội nhập và phát triển đối với người Huế trên nhiều lĩnh vực.
N.H.T

(nguồn: TCSH số 235 - 9 - 2008)

 

Các bài mới
Thu (30/09/2008)
Các bài đã đăng
Vùng sâu (30/09/2008)